ưìiưqầi aườBự“
3.4.1. Nhóm giải pháp về kinh tế
Tiêu chí thu nhập là tiêu chí quan trọng trong thước đo về mức sống nói riêng và chất lượng cuộc sống nói chung. Việc tăng thu nhập để nâng cao CLCS dân cư tỉnh Đắk Lắk là một vấn đề vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài. Do đó, cần phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy nền kinh tế phát triển, trong đó cần tập trung vào một số giải pháp chính sau:
Thứ nhất, tiếp cận và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm
Đây là giải pháp quan trọng, cần tiếp cận thị trường để giải quyết đầu ra cho sản xuất (cả thị trường trong nước và thị trường ngoài nước). Cụ thể:
- Các cơ quan, doanh nghiệp cần nâng cao trình độ dự báo các nhu cầu thị trường để định hướng đúng loại sản phẩm hàng hóa cần sản xuất cả về quy mô, chất lượng và tốc độ phát triển, chú trọng dự báo nhu cầu thị trường của thế giới. Để dự báo nhu cầu thị trường đúng và chính xác, tỉnh Đắk Lắk nên tổ chức các trung tâm thông tin chuyên ngành để thu thập, xử lý các thông tin thu được từ các nguồn và tổng hợp thành những thông tin thiết thực dưới dạng các tin vắn, bảng kê tổng hợp, biểu đồ... Ngoài ra ở các công ty cần tổ chức bộ phận nghiên cứu thị trường, có nhiệm vụ đẩy mạnh công tác thu nhập, phân tích và khai thác các thị trường. Nguồn kinh phí để thực hiện công tác này là do các thành viên đóng góp và thu dịch vụ phí. Đối với thị trường nước ngoài cần tìm hiểu đặc điểm, nhu cầu, đòi hỏi của thị trường và khách tiêu dùng. Ví dụ: thị trường EU là nơi tiêu thụ khá lớn và đa dạng các mặt hàng nông sản, chế biến nông sản, hàng may dệt, hàng da giày... Đặc điểm chung của thị trường này là tiêu thụ những sản phẩm chế biến chất lượng cao và một số ít nhập nguyên liệu. Thị trường Trung Quốc là thị trường đông dân nhất thế
giới. Đặc điểm là thị trường yêu cầu chất lượng không cao lắm, lại có biên giới chung với nước ta về đường bộ, đường biển, xuất con đường tiểu ngạnh khá nhiều, nhưng thanh toán rủi ro khá cao. Ngược lại, thị trường Nhật Bản đòi hỏi chất lượng hàng hóa cao, cạnh tranh gay gắt... Vì vậy, tỉnh cần phải xây dựng chính sách xâm nhập thị trường đối với từng loại thị trường về sản phẩm, giá cả, kênh phân phối, khuyến mại, quảng cáo.
- Nâng cao khả năng cạnh tranh về chất lượng sản phẩm và giá sản phẩm. Cần tích cực ứng dụng các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm đi đôi với hạ giá thành bằng cách đổi mới công nghệ và kỹ thuật sản xuất, cải tiến bộ máy quản lý làm việc có năng suất cao và hiệu quả.
- Xây dựng chính sách giá cả hợp lý theo quan hệ cung - cầu thị trường, theo đối tượng. Thực hiện cơ chế chính sách giá bảo hộ nông sản, quy định mức giá tối thiểu (giá sàn) lập quỹ bình ổn giá để hỗ trợ trực tiếp cho nông dân ổn định sản xuất (đặc biệt đối với các mặt hàng nông sản). Ngoài ra, cần thành lập công ty bảo hiểm tín dụng xuất khẩu để bảo hiểm cho trường hợp bán chịu, trả chậm do yêu cầu của khách hàng hoặc sản phẩm khuyến khích xuất khẩu nhưng khó bán... và có cơ chế bảo lãnh thanh toán hàng xuất khẩu đối với các thị trường nhiều rủi ro như Nga, Đông Âu và Châu Phi.
Thứ hai, huy động và sử dụng vốn đầu tư
- Huy động vốn: Tiếp tục đẩy mạnh việc huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau: Nguồn vốn Nhà nước, nguồn vốn từ dân và các doanh nghiệp, vốn từ nơi khác đầu tư vào tỉnh, thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI, vốn ODA. Đối với nguồn vốn Nhà nước, cần triệt để thực hành tiết kiệm, có những giải pháp thu thuế và lệ phí hợp lý, tích cực khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh. Bên cạnh đó, cần chống thất thu thuế và phí, khai thác triệt để các nguồn thu. Đối với nguồn vốn nước ngoài cần thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp sau: Kiện toàn và ổn định hệ thống pháp lý; xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng; đẩy mạnh tiếp thị hoạt động đầu tư; phát triển cơ sở hạ tầng; đào tạo cán bộ và công nhân kỹ thuật... để tạo môi trường hấp dẫn thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, cần tổ chức thu thập thông tin về các quỹ tín dụng trên thế giới mà tỉnh có thể vay được để thu hút nguồn vốn ODA.
- Sử dụng vốn: Đối với nguồn vốn nhà nước (bao gồm cả nguồn vốn ODA) hỗ trợ đầu tư chủ yếu cho các lĩnh vực hạ tầng phục vụ kinh tế - xã hội như: phát triển các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, đặc biệt là các xã thuộc chương trình 135 và các xã thuộc vùng III khó khăn nhưng không thuộc chương trình 135. Xây dựng các công trình thủy lợi, các công trình cấp nước sinh hoạt cho đô thị, kiên cố hóa kênh mương. Quan tâm hỗ trợ đầu tư các cơ sở hạ tầng phục vụ giáo dục, đào tạo, văn hóa, y tế. Đối với nguồn vốn nước ngoài, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, các khu công nghiệp...
Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực
Có chính sách đãi ngộ với các nhà quản lý giỏi, các cán bộ chuyên gia khoa học kỹ thuật đầu đàn, công nhân có trình độ cao... đến tỉnh làm việc có thời hạn và không thời hạn như: được hưởng ưu đãi về nhà ở, đất ở (cấp hoặc cho thuê giá rẻ), tạo điều kiện tốt về phương tiện đi lại, phụ cấp lương...
Tăng cường thông tin đại chúng, đáp ứng nhu cầu về thông tin cho nhân dân, đặc biệt là các thông tin kinh tế, khoa học kỹ thuật, thương mại... để nhân dân có điều kiện nâng cao trình độ của mình, đáp ứng yêu cầu của công việc.
Tăng cường đào tạo và đào tạo lại lực lượng lao động của tỉnh bằng nhiều hình thức khác nhau: đào tạo tại chỗ, kết hợp với các trung tâm đào tạo của TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội để đào tạo và gửi đi đào tạo ở ngoài tỉnh. Đồng thời có chính sách đãi ngộ trong đào tạo như lập quỹ đào tạo nhân tài, tín dụng đào tạo.
Xây dựng đề án việc làm, vấn đề trọng tâm của chính sách việc làm từ nay đến năm 2020 là mở rộng nhanh chóng công ăn việc làm tại các đô thị, khu công nghiệp và phân bố lại lao động giữa nông nghiệp và phi nông nghiệp, giữa thành thị và nông thôn.
Hình thành, phát triển và mở rộng bảo hiểm xã hội cho các thành viên trong tỉnh. Tiến tới thực thi bảo hiểm thất nghiệp cho các công nhân viên chức các doanh nghiệp Nhà nước, mở rộng dần phạm vi đến trang trại hợp tác xã tập thể, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn và các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Đảm bảo tiền lương, trả công lao động có mức phù hợp với chỉ số giá cả gia tăng.
Thứ tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý và thúc đẩy sản xuất phát triển
- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, giữa khu vực sản xuất và dịch vụ.
Phải tạo được thay đổi cơ bản cơ cấu nông nghiệp và phi nông nghiệp, phát triển nhanh các ngành phi nông nghiệp (công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ) theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn để thu hút lao động, nâng cao mức sống nhân dân. Nông nghiệp giảm từ mức 51,1% năm 2005 xuống còn 25% vào năm 2020, trong khi khu vực phi nông nghiệp tăng từ 48,9% năm 2005 lên 75% năm 2020.
Phát triển mạnh các ngành, các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường trong nước và gia tăng tỷ trọng xuất khẩu trong các lĩnh vực sản xuất và chế biến các sản phẩm từ cây công nghiệp; du lịch; thương mại; dịch vụ bưu chính viễn thông, ngân hàng... với công nghệ hiện đại, phù hợp với điều kiện của tỉnh, bảo đảm chất lượng sản phẩm, quy mô sản xuất hiệu quả...
Hình thành và phát triển hệ thống khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hệ thống các khu du lịch, hệ thống dịch vụ cung ứng, tiêu thụ và tư vấn bảo đảm địa bàn phát huy các nhân tố động lực khoa học và công nghệ, thị trường và không gây ô nhiễm môi trường.
- Các giải pháp thúc đẩy sản xuất phát triển
+ Nông nghiệp là ngành kinh tế then chốt, chiếm tỉ lệ cao trong cơ cấu kinh tế theo ngành của tỉnh Đắk Lắk, đặc biệt đối với vùng nông thôn. Các giải pháp chủ yếu để phát triển nông nghiệp:
Củng cố các vùng chuyên canh cây công nghiệp lâu năm đã được hình thành, tiếp tục xây dựng vùng chuyên canh tập trung như mía, ngô, điều, bông, ca cao. Tiến tới hình thành một vài khu nông nghiệp chất lượng cao như rau, hoa, quả.
Tiếp tục đầu tư phát triển thủy lợi, đặc biệt là thủy lợi vừa và nhỏ nhằm tăng vụ, đảm bảo nước tưới phục vụ thâm canh nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Phấn đấu đưa diện tích cây trồng có nhu cầu tưới lên 72% vào năm 2010 và 90% vào năm 2020. Tăng cường đầu tư cải tạo, nâng cấp các công trình hiện có nhằm nâng cao hiệu suất sử dụng công trình và tiếp tục xây dựng một số công trình mới Krông Buk Hạ, Buôn Yông, Krông Păk Thượng...
Tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, sử dụng giống lai, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa bàn nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Đây là khâu có thể tạo những đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Nhà nước cần hỗ trợ vốn và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, lai tạo giống mới. Thành lập ngân hàng giống đảm bảo cung ứng cho nông dân những giống cây trồng vật nuôi có chất lượng, nhập khẩu và cung ứng giống.
Đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn và cung cấp cho người dân các quy trình công nghệ mới, công nghệ sinh học, kỹ thuật thâm canh tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp. Thực hiện cơ giới hóa, điện khí hóa, giảm dần việc sử dụng các công cụ thủ công, đưa bán cơ giới và cơ giới vào những khâu cần thiết. Thay đổi những tập quán lạc hậu, kém hiệu quả sang các phương thức sản xuất tiên tiến, công nghiệp đem lại năng suất và hiệu quả cao hơn.
+ Đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển. Nâng cao vai trò của ngành công nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ đạo, đóng góp ngày càng quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế. Để thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp trên địa bàn của tỉnh, cần:
Huy động nguồn vốn đầu tư để mở rộng xây dựng các nhà máy công nghiệp, khu công nghiệp, đặc biệt là đối với công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến nông-lâm sản-thực phẩm. Xây dựng các nhà máy thủy điện có quy mô vừa và nhỏ. Đối với công nghiệp chế biến, tập trung đầu tư nhiều cho công nghiệp chế biến cà phê và chế biến cao su. Áp dụng công nghệ chế biến ướt cà phê trên địa bàn có vùng nguyên liệu tập trung như ở Krông Buk, Ea Kar, Krông Năng, CưM’gar, Krông Ana... mỗi huyện xây dựng từ 1 - 3 xưởng chế biến cà phê theo công nghệ ướt. Xây dựng thêm một số xưởng chế biến cao su gần vùng nguyên liệu, nâng cao năng suất chế biến của các nhà máy chế biến mủ cao su Latex và tiến tới xây dựng thêm nhà máy chế tạo từ cao su như săm lốp các loại, băng tải...
Bên cạnh đó tỉnh Đắk Lắk cần có các giải pháp khác như: đào tạo nguồn nhân lực, mở rộng thị trường và đặc biệt là đẩy mạnh khoa học công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp. Cần lựa chọn, ưu tiên đầu tư các công nghệ tiên tiến đối với các ngành sản xuất các sản phẩm có yêu cầu cạnh tranh cao về chất lượng như chế biến thực phẩm, chế biến nông, lâm sản xuất khẩu.
+ Xây dựng một số trung tâm thương mại, siêu thị tại thành phố Buôn Ma Thuột và các thị trấn có điều kiện giao lưu hàng hóa thuận lợi như Buôn Hồ, Ea Kar, Phước An... Mở rộng mạng lưới thu mua nông sản hàng hóa trên địa bàn tỉnh, đặc biệt chú trọng các hình thức đại lý mua bán, ký gửi. Hoàn thành và đưa vào hoạt động có hiệu quả chợ cà phê Buôn Ma Thuột, đưa chợ này trở thành đầu mối mua, bán cà phê lớn của cả nước với phương thức mua bán hiện đại. Từng bước xây dựng sàn giao dịch cho từng loại hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản. Bên cạnh đó, cần quan tâm để nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Nâng cấp và xây dựng mới các tuyến đường đến các điểm du lịch. Đẩy mạnh khai thác tiềm năng du lịch sinh thái và nhân văn để xây dựng ngành du lịch thành một ngành kinh tế có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân trên địa bàn. Tỉnh cần có kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên có chuyên môn, nghiệp vụ, có trình độ hiểu biết văn hóa, lịch sử, có ngoại ngữ, biết giao tiếp văn minh lịch sự để quản lý tốt, hướng dẫn, thuyết minh, hấp dẫn du khách. Bên cạnh đó, cần chú trọng đào tạo hướng nghiệp, sử dụng lao động là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào hoạt động du lịch. Cần xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của vùng Tây Nguyên như: du lịch cưỡi voi ở Buôn Đôn, các lễ hội đặc trưng của người M’Nông, người Ê đê...