Nhận định chung

Một phần của tài liệu Nghiên cứu chất lượng cuộc sống của dân cư tỉnh đắk lắk mới nhất năm 2023 (Trang 38)

6. Cấu trúc đề tài

2.2.1.Nhận định chung

Trong những năm gần đây, tỉnh Đắk Lắk duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, các ngành sản xuất phát triển, đời sống nhân dân đang từng bước được cải thiện.

Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm đạt 8,05%/năm (trong đó nông-lâm nghiệp tăng 4,1%, công nghiệp-xây dựng tăng 21,3%, thương mại-dịch vụ tăng 17,07%). Quy mô, chất lượng của nền kinh tế tiếp tục được nâng lên. Năm 2005 GDP đạt hơn 8.290 tỷ đồng, năm 2006 đạt 10.412 tỷ đồng, bình quân đầu người tính theo giá hiện hành tăng đáng kể, thu nhập bình quân đầu người năm 2003 đạt 277.093 đồng/người/tháng và tăng lên 499.387 đồng/người/tháng vào năm 2006.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỉ trọng của ngành công nghiệp-xây dựng và dịch vụ (bảng 2.4). Cơ cấu lao động, cơ cấu đầu tư cũng chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp tăng từ 17% lên hơn 20% vào năm 2006. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2006 là 3.285.223 triệu đồng, tăng gấp gần 2 lần so với năm 2000. Đầu tư phát triển có trọng tâm, cơ cấu đầu tư có sự điều chỉnh theo hướng tập trung vào các mục tiêu phát triển nông nghiệp, cơ sở hạ tầng nông thôn, xóa đói giảm nghèo và phát triển nguồn nhân lực.

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội đã thu được những thành tựu quan trọng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể.

Sự nghiệp giáo dục - đào tạo tiếp tục chuyển biến, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Các huyện và thành phố đã hoàn thành chương trình xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, có 108/175 số xã, phường đã hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục trung học cơ sở (đạt 61,7%), vượt chỉ tiêu Đại hội XIII đề ra. Công tác xã hội hóa giáo dục có chuyển biến, số học sinh các cấp ngoài quốc lập, chất lượng giáo dục tại các trường ngoài quốc lập từng bước được tăng lên.

Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng và dân số kế hoạch hóa gia đình đạt kết quả. Thực hiện xã hội hóa về y tế có nhiều tiến bộ, đáp ứng một phần nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Y tế tư nhân đã góp phần giải quyết chữa trị cho hơn 50% các bệnh thông thường và làm giảm tình trạng quá tải ở các cơ sở y tế nhà nước.

Thực hiện chính sách dân tộc và chính sách xã hội đạt nhiều kết quả. Quyết định 168 của Thủ tướng chính phủ và các chương trình khác đã thực sự đi vào cuộc sống mang lại hiệu quả thiết thực. Thực hiện chương trình giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo khá đồng bộ, đã giải quyết việc làm cho 32,32 ngàn lao động và đưa tỷ lệ hộ đói nghèo từ 27% (theo chuẩn cũ) năm 2000 xuống còn 11,07% vào năm 2004 và từ 27,55% năm 2005 (theo chuẩn mới) xuống còn 23,28% năm 2006. Đến nay đã giải quyết được hơn 51% nhu cầu đất ở, đất sản xuất, nhu cầu về nhà ở, nước sinh hoạt cho các đối tượng, từng bước được giải quyết nhằm ổn định đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, giữ vững an ninh chính trị. Đời sống nhân dân của các dân tộc trong tỉnh tiếp tục ổn định và từng bước được cải thiện, nhất là về ăn, ở, mặc, đi lại, học hành và hưởng thụ phúc lợi xã hội.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nhìn nhận vào thực tế hiện nay kinh tế - xã hội còn bộc lộ những tồn tại và yếu kém

Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt được mục tiêu 9 - 10% đề ra, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế phát triển của địa phương, chất lượng của sản phẩm, sức cạnh tranh chưa cao.

Bệnh thành tích, tiêu cực trong thi cử còn diễn ra ở một số trường. Nhiều trường THPT quá tải so với quy mô xây dựng trường do số lượng học sinh tăng quá nhanh. Số trường đạt chuẩn quốc gia còn thấp, bậc THPT chưa có trường đạt chuẩn.

Mạng lưới y tế còn chậm đổi mới, thiếu các chuyên khoa sâu. Hệ thống bệnh viện tuyến huyện chưa đủ sức xử lý một số dịch bệnh mới phát sinh, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của nhân dân. Hoạt động y tế dự phòng còn nhiều bất cập, vệ sinh môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ. Tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ người bệnh ở một số cơ sở y tế còn nhiều việc cần phải chấn chỉnh.

Công tác xóa đói giảm nghèo ở một số địa bàn chưa thật sự vững chắc,nguy cơ tái nghèo còn cao. Cơ sở vật chất hạ tầng, giao thông, điện, nước sạch, phúc lợi văn hóa... ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người chậm được cải thiện.

Tội phạm hình sự, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông tuy có cố gắng kiềm chế nhưng vẫn gia tăng. Tình hình an ninh chính trị vẫn còn tiềm ẩn mất ổn định.

Những hạn chế trên ảnh hưởng rất lớn đến mức sống người dân, tạo bất bình đẳng về kinh tế - xã hội giữa các vùng, các dân tộc trong tỉnh. Điều đó cần đưa ra những biện pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu chất lượng cuộc sống của dân cư tỉnh đắk lắk mới nhất năm 2023 (Trang 38)