Nghèo và giảm nghèo

Một phần của tài liệu Phát triển tài nguyên rừng gắn với giảm nghèo ở Huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Giang (Trang 33 - 36)

7. Cấu trúc đề tài

1.1.2. Nghèo và giảm nghèo

1.1.2.1. Khái niệm nghèo

Nghèo được định nghĩa dựa vào hoàn cảnh xã hội của cá nhân, nghèo không chỉ đơn giản là mức thu nhập thấp mà còn thiếu thốn trong việc tiếp cận dịch vụ như giáo dục, văn hóa, thuốc men, không chỉ thiếu tiền mặt, thiếu những điều kiện tốt hơn cho cuộc sống mà còn thiếu thể chế kinh tế thị trường hiệu quả, trong đó có các thị trường đất đai, vốn và lao động cũng như các thể chế nhà nước được cải thiện có trách nhiệm giải trình và vận hành trong khuôn khổ pháp lý minh bạch cũng như một môi trường kinh doanh thuận lợi. Mức nghèo còn là tình trạng đe dọa bị mất những phẩm chất quý giá, đó là lòng tin và lòng tự trọng.

Việt Nam đã thừa nhận định nghĩa chung về đói nghèo do hội nghị chống đói nghèo khu vực Châu Á – Thái Bình Dương do ESCAP tổ chức tại Băng Cốc, Thái Lan tháng 09/1993: Nghèo là tình trạng một bộ phận dân cư không được hưởng và thỏa mãn các nhu cầu cơ bản của con người mà những nhu cầu này đã được xã hội thừa nhận tùy theo trình độ phát triển kinh tế xã hội và phong tục tập quán của địa phương.

Bản thân nghèo đói cũng bao hàm các mức độ nghèo khác nhau:

- Nghèo đói lương thực, thực phẩm (tương đương với nghèo tuyệt - đối, nghèo về thu nhập của WB): Được xác định bằng số tiền chi phí cho nhu cầu thiết yếu để duy trì sự sống với mức tiêu dùng năng lượng 2100Kcalo/người/ngày.

- Nghèo đói chung (tương đương với nghèo tương đối, nghèo về con người): Được xác định bằng số tiền chi phí để mua đủ một lượng hàng hóa lương thực, thực phẩm tương đương với mức tiêu dùng năng lượng 2100 Kcalo /người/ngày và một số mặt hàng phi lương thực, thực phẩm…

* Chuẩn nghèo ở Việt Nam

Chuẩn nghèo là một tiêu chuẩn để đo mức độ nghèo của các hộ dân. Chuẩn nghèo ở mỗi quốc gia có sự khác nhau. Có nhiều tiêu chí để đánh giá đói nghèo: Thu nhập, giáo dục, sức khỏe, nhà ở… Trong đó chỉ tiêu thu nhập được coi là chỉ tiêu hàng đầu, đồng thời đó cũng là chỉ tiêu đang được sử dụng để xác định số lượng người nghèo và hoạch định chính sách xóa đói giảm nghèo ở nước ta. Tùy vào thời gian điều tra và mặt bằng thu nhập quốc gia mà chuẩn nghèo có sự thay đổi khác nhau. Cụ thể:

- Chuẩn nghèo giai đoạn 2006 - 2010: Theo quyết định số 170/2005/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 08/07/2005 về việc ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho gia đoạn 2006 - 2010 như sau:

+ Ở khu vực nông thôn: Những hộ có mức thu nhập bình quân từ 200.000đồng/người/tháng (tức là 2.400.000 đồng/người/năm) trở xuống là hộ nghèo.

+ Ở khu vực thành thị: Những hộ có mức thu nhập bình quân từ 260.000đồng/người/tháng (tức là 3.120.000 đồng/người/năm) trở xuống là hộ nghèo.

- Chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015: Theo chỉ thị số 1752/CT-TTg ngày 21/09/2010 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về việc ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015 như sau:

+ Khu vực nông thôn: Những hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng (4.800.000 đồng/người/năm) trở xuống là hộ nghèo; những hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000 đến 520.000 đồng/người/tháng (4.812.000 - 6.240.000 đồng/người/năm) trở xuống là hộ cận nghèo.

+ Khu vực thành thị: Những hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng (6.000.000 đồng/người/năm) trở xuống là hộ nghèo; những hộ có mức thu nhập bình quân từ 501.000 đến 650.000 đồng/người/tháng (6.012.000 - 7.800.000 đồng/người/năm) trở xuống là hộ cận nghèo.

So với chuẩn nghèo thế giới, chuẩn nghèo của Việt Nam vẫn còn một khoảng cách khá xa. Chuẩn nghèo hiện thời của thế giới được Ngân hàng thế giới xác định chuẩn chung (không phân biệt nông thôn với thành thị) ở mức 2 USD/người/ngày, tức là 60 USD/người/tháng (tương đương 1,2 triệu đồng /người/tháng, 14,4 triệu đồng/người/năm).

1.1.2.2. Khái niệm giảm nghèo

Giảm nghèo là tổng thể các biện pháp, chính sách của Nhà nước và xã hội hay là của chính những đối tượng thuộc diện nghèo đói nhằm tạo điều kiện để họ có thể tăng thu nhập, thoát khỏi tình trạng thu nhập thấp, không đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu trên cơ sở chuẩn nghèo được quy định theo từng địa phương, quốc gia, khu vực.

1.1.2.3. Khái niệm giảm nghèo dựa vào rừng

Hiện nay tổ chức FAO và Ngân hàng thế giới đã chỉ rõ hai dạng giảm nghèo dựa vào rừng được áp dụng ở cấp hộ gia đình, đó là:

-Tránh hoặc giảm thiểu đói nghèo, điều này có nghĩa là khi tài nguyên rừng giúp người dân khỏi rơi vào cảnh đói nghèo hoặc không bị nghèo hơn nếu họ đã nghèo. Trong trường hợp này thì tài nguyên rừng có vai trò như một

“lưới an toàn” hoặc như một nguồn “lấp chỗ trống” cũng có thể là một nguồn tiền mặt nhỏ. [1]

- Xóa nghèo, đó là khi tài nguyên rừng giúp các hộ gia đình thoát khỏi cảnh đói nghèo bằng cách đóng vai trò làm một nguồn tiết kiệm, đầu tư, tích lũy, đa dạng sinh kế, tăng thu nhập cố định và chất lượng cuộc sống. [1]

Tuy nhiên giảm nghèo dựa vào rừng nên được hiểu theo nghĩa rộng hàm chứa nhiều ý nghĩa rất khác nhau và bao gồm cả hai loại hình được mô tả ở trên.

Một phần của tài liệu Phát triển tài nguyên rừng gắn với giảm nghèo ở Huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Giang (Trang 33 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(143 trang)