Bối cảnh trong nước

Một phần của tài liệu Quan điểm của Hồ Chí Minh về mục tiêu,phương châm đối ngoại và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ đổi mới (Trang 71 - 75)

Trước tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động, để tồn tại, phát triển và đẩy lùi nguy cơ tụt hậu ngày càng xa, đối với nước ta, yêu cầu đặt ra là phải phát huy nội lực, tranh thủ tối đa ngoại lực thuận lợi để hội nhập.

Là một nước nông nghiệp lạc hậu, phải gồng mình tiến hành các cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm liên tục chống các thế lực đế quốc giàu mạnh nhất trên thế giới. Bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Việt Nam đứng trước nguy cơ tụt hậu trong khi nhân loại đã chuyển sang thời đại của nền văn minh tri thức thì chúng ta đang ở trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá - thời đại của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật. Trong những năm đầu, Việt Nam vẫn là một trong ít nước có nền kinh tế tăng trưởng không ổn định, cơ sở nền tảng kém và thu nhập quốc dân trên đầu người thấp trong khi các quốc gia cùng khu vực như Thái Lan, Brunây, Singapo tương ứng là 10.000 USD, 20.000 USD và 30.000 USD/người.

Hơn nữa, sau khi cả nước giành được hoà bình thống nhất cả nước định hướng lên chủ nghĩa xã hội thì các nước đế quốc, các nước láng giềng ASEAN thực hiện chính sách bao vây, cấm vận xung quanh vấn đề Campuchia. Bọn phản động lưu vong chạy ra nước ngoài đang âm mưu câu kết với các thế lực đế quốc chuyển lửa về quê hương, kích động chia rẽ các dân tộc, các tôn giáo, gây mất ổn định xã hội ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây Nghệ An…

Để thoát khỏi sự khủng hoảng về kinh tế - xã hội, để phá vỡ bao vây cấm vận của các nước đế quốc và láng giềng, để hội nhập quốc tế và khu vực, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, giữ vững ổn định chính trị trong tình hình mới thì nhu cầu đổi mới toàn diện đất nước trong đó có đổi mới đường lối đối ngoại rộng mở là đòi hỏi khách

quan được đặt ra cấp bách. Phát huy truyền thống hoà hiếu, nhân ái, hữu nghị hợp tác của nền ngoại giao Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện trong tuyên bố của Người: Chính sách đối ngoại là thân thiện với tất cả các nước…mà không gây thù gì với nước nào [48, tr.169].

Đảng ta khởi xướng sự nghiệp đổi mới vào lúc đất nước đang phải đối mặt với những thách thức to lớn. Cách mạng Việt Nam lúc này đặt ra hai yêu cầu cấp bách và quan trọng:

Một là, phải giải toả tình trạng căng thẳng, đối đầu; phá thế bao vây, cấm vận kinh tế, cô lập về chính trị, tiến tới bình thường hoá quan hệ và mở rộng quan hệ hợp tác với các nước, tạo môi trường thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước.

Sự bao vây cấm vận, chống phá của các thế lực thù địch đối với Việt Nam từ nửa cuối thập kỷ 1970 thế kỷ XX tạo nên tình trạng căng thẳng, mất ổn định trong khu vực và gây khó khăn, cản trở cho sự phát triển của cách mạng Việt Nam, là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng ở nước ta. Vì vậy, vấn đề giải toả tình trạng đối đầu, thù địch, phá thế bao vây, cấm vận, tiến tới bình thường hoá và mở rộng quan hệ hợp tác với các nước, tạo môi trường quốc tế thuận lợi để tập trung xây dựng kinh tế, phát triển đất nước là nhu cầu cần thiết và cấp bách đối với nước ta.

Hai là, phải thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, nhu cầu chống nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế, thu hẹp khoảng cách giữa Việt Nam với các quốc gia và khu vực, trong bối cảnh các nguồn viện trợ, đầu tư từ các nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô và Đông Âu không còn.

Do hậu quả của chiến tranh và các khuyết điểm chủ quan, kinh tế Việt Nam lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với những nước trong khu vực và trên thế giới là thách thức lớn và gay gắt. Vì điểm xuất phát để phát triển của nền kinh tế của chúng ta còn thấp, đất nước vẫn nằm trong tình trạng nước nghèo, kém phát triển, lại trong điều kiện chúng ta đi lên trong môi trường cạnh tranh quyết liệt, đặc biệt về vốn và công nghệ nên gặp rất nhiều khó khăn. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, số liệu năm 2004, thì GDP của nước ta bằng 1/37 của Trung Quốc; chưa bằng 1/3 của Thái Lan và Malaixia. GDP bình quân đầu người chưa bằng 1/2 của Trung Quốc, 1/3 của

Thái Lan, 1/8 của Malaixia, 1/2 của Philíppin. Nếu tốc độ phát triển của nước ta không nhanh hơn các nước thì không bao giờ chúng ta đuổi kịp họ. Mặc dù hiện nay, chúng ta đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhưng kinh nghiệm buôn bán quốc tế và tác nghiệp trong “sân chơi” này còn rất hạn chế và thiếu, còn yếu về năng lực cạnh tranh. Trong xu hướng tất cả các nước chậm và đang phát triển đều tìm hướng đi lên, phát triển đất nước để thoát khỏi nguy cơ tụt hậu và tụt hậu ngày càng xa, thì quá trình đó diễn ra trong sự cạnh tranh giữa các quốc gia là hết sức gay gắt. Để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nước ta với các quốc gia khác, ngoài việc phát huy tối đa các nguồn lực trong nước, cần phải tranh thủ các nguồn lực bên ngoài, trong đó việc mở rộng và tăng cường hợp tác kinh tế với các nước và tham gia vào cơ chế hợp tác đa phương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Giữ vững ổn định chính trị và định hướng xã hội chủ nghĩa là yêu cầu quan trọng. Nước ta tiến hành công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng phát triển, nhưng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Hội nghị giữa nhiệm kỳ khoá VII (1/1994) nêu lên bốn nguy cơ lớn đối với sự nghiệp đổi mới ở nước ta trong đó có nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Nguy cơ này xuất hiện ở hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội và cả trong tư duy, cách nghĩ, cách làm ở mỗi người và trong từng tổ chức, không thể xem nhẹ. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, xuất hiện và phát triển những tiêu cực làm cản trở quá trình phát triển kinh tế - xã hội như: phân hoá giàu nghèo ngày một tăng, lối sống thực dụng chạy theo đồng tiền, sự tha hoá một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, sự gia tăng các tệ nạn xã hội… Mọi sự chủ quan, xem nhẹ sự tác động tiêu cực này sẽ đều dẫn đến những hậu quả nguy hại đối với cách mạng, đối với chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta.

Tham nhũng và quan liêu là một nguy cơ lớn mà cho đến nay, mặc dù chúng ta đã thực hiện nhiều biện pháp nhưng vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn. Nguy cơ tham nhũng, tệ quan liêu phát triển thật sự nguy hiểm, nó làm suy yếu bộ máy Đảng, Nhà nước, làm suy giảm lòng tin của quần chúng với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, làm mất ổn

định chính trị - xã hội, tạo mảnh đất thuận lợi cho "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch, làm suy yếu an ninh và sức mạnh quốc gia.

Nguy cơ "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch trực tiếp đe doạ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta, đe doạ sự vững chắc của chế độ xã hội chủ nghĩa và sự lãnh đạo của Đảng. Chúng dùng nhiều thủ đoạn hết sức thâm độc và tinh vi, từ "cứng" đến "mềm", kết hợp cả "cứng" và "mềm" vu cáo Đảng và Nhà nước ta vi phạm "dân chủ", "nhân quyền", "tôn giáo", “dân tộc” để can thiệp sâu vào công việc nội bộ của nước ta; đồng thời tìm mọi cách gây bạo loạn lật đổ, và có thể thực hiện “cách mạng màu sắc” như chúng đã và đang thực hiện ở một số nước thuộc SNG (Cộng đồng các quốc gia độc lập), làm mất ổn định tình hình chính trị - xã hội, tiến tới lật đổ chế độ và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự chống phá của các thế lực thù địch cùng với tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng… tạo nên “hợp lực” nguy hiểm, có sức tàn phá, huỷ hoại, đe doạ đến chính sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa và vai trò lãnh đạo của Đảng.

Bối cảnh đất nước trong thời gian qua có cả những thuận lợi và khó khăn, thời cơ và nguy cơ, cơ hội và thách thức đan xen lẫn nhau, cùng tác động đến sự phát triển của đất nước. Trong thời gian tới, như Đảng ta nhận định: “Những năm tới, đất nước ta có cơ hội lớn để tiến lên, tuy khó khăn còn nhiều. Đòi hỏi bức bách của toàn dân tộc lúc này là phải tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ, phát triển nhanh và bền vững hơn” [18, tr.75]. Những đặc điểm, xu thế quốc tế và yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam nêu trên là cơ sở để Đảng Cộng sản Việt Nam xác định quan điểm, mục tiêu và hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại thời kỳ đổi mới.

Xuất phát từ mục tiêu và điều kiện cụ thể của đất nước, chúng ta đề ra một lộ trình hội nhập quốc tế thích hợp và luôn tỉnh táo, chủ động trong thực hiện lộ trình ấy.

Yêu cầu đặt ra đối với chúng ta khi giải quyết những vấn đề nói trên chú ý đảm bảo các nguyên tắc sau:

Thứ nhất, độc lập tự chủ, an ninh quốc gia, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, phục vụ ổn định chính trị - xã hội, công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước.

Thứ hai, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

Thứ ba, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, góp phần cải thiện và duy trì môi trường quốc tế thuận lợi để phát triển và bảo vệ đất nước.

Thứ tư, thúc đẩy xu thế đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế, chống mọi chính sách cường quyền áp đặt. đóng góp vào xây dựng hoà bình, ổn định và phát triển ở khu vực Đông Nam á và thế giới.

Tóm lại, tất cả bối cảnh thế giới và đất nước phân tích ở trên quan hệ với nhau, tạo nên hợp lực ngày càng tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và đặt ra nhiều vấn đề cấp bách mới cho công tác đối ngoại và việc vận dụng quan điểm đối ngoại Hồ Chí Minh để hoạch định đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng ta, đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta phải nắm chắc tình hình và thực hiện tốt để có thể đáp ứng yêu cầu. Trên cơ sở nhận thức đúng đắn mục tiêu, phương châm đối ngoại Hồ Chí Minh, trong hơn hai mươi năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hoạch định đường lối, chính sách đối ngoại đúng đắn và phù hợp, thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đất nước.

Một phần của tài liệu Quan điểm của Hồ Chí Minh về mục tiêu,phương châm đối ngoại và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ đổi mới (Trang 71 - 75)