Độc lập, tự chủ trong đối ngoạ

Một phần của tài liệu Quan điểm của Hồ Chí Minh về mục tiêu,phương châm đối ngoại và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ đổi mới (Trang 40 - 45)

Có thể nói, độc lập tự chủ, dựa vào sức mình là chính, là hệ quả của một quá trình tiếp thu những truyền thống quý báu của dân tộc, biết lựa chọn những tinh hoa của thế giới và biết vận dụng sáng tạo những nguyên lý, nguyên tắc mácxít trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế, các hoạt động đối ngoại và hoạt động ngoại giao. Đây là một thành công của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình lãnh đạo và chỉ đạo công tác đối ngoại, hoạt động ngoại giao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ra. Bài học độc lập tự chủ, dựa vào sức mình không chỉ là nội dung quan trọng trong tư tưởng đối ngoại Hồ Chí Minh mà còn là nội dung then chốt của tư tưởng kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, và nhiều nội dung khác trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho chúng ta thấy rằng, độc lập tự chủ, dựa vào sức mình là chính là cơ sở để định hướng và chỉ đạo các hoạt động đối ngoại của mình. Trước hết phải độc lập tự chủ thì mới có cách nhìn đúng đắn nhất, bản chất nhất các vấn đề quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhận xét các phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX bị thất bại là vì “không hiểu thế giới”. Trong bức Thư gửi đại diện Quốc tế Cộng sản năm 1924, Hồ Chí Minh đã kết luận: “Nguyên nhân đầu tiên đã dẫn đến sự suy yếu của các dân tộc phương Đông đó là sự biệt lập”. Sau này, khi chúng ta đã trở thành một quốc gia độc lập có vị thế quốc tế thì vấn đề độc lập tự chủ, dựa vào sức mình là chính cũng trở thành một nguyên tắc, phương châm trong hoạt động đối ngoại của Hồ Chí Minh. Bởi vì, chỉ có độc lập tự chủ chúng ta mới trở thành một bộ phận của cách mạng thế giới, có thể góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới, mới thoát khỏi thế biệt lập và đặc biệt là không bị lệ thuộc vào bất cứ quốc gia nào.

Độc lập tự chủ là phương châm quán xuyến trong toàn bộ tư tưởng của Hồ Chí Minh, từ bước đầu ra đi tìm đường cứu nước, lựa chọn con đường giải phóng dân tộc, xác định đường lối cơ bản của con đường cách mạng Việt Nam, cho đến việc hoạch định các chủ trương, chính sách cụ thể của Đảng và Nhà nước ta mỗi thời kỳ, trong đó có đối ngoại.

Tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo đã làm nên nét đặc sắc trong tư tưởng đối ngoại Hồ Chí Minh. Tinh thần độc lập độc lập, sáng tạo của Người trong hoạt động đối ngoại thể hiện ở tính chủ động và tự quyết trong việc xác định đúng vai trò, vị trí, lợi ích của Việt Nam trong quan hệ quốc tế, đồng thời đánh giá khách quan môi trường quốc tế thực tại, xác định đúng thời cơ và thách thức để từ đó hoạch định chính sách đối ngoại phù hợp, phục vụ cho lợi ích chính đáng của dân tộc, đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Độc lập tự chủ tức là dựa vào sức mình là chính, có tham khảo, chọn lọc kinh nghiệm của quốc tế, nhưng tự mình phải tự suy nghĩ, tìm tòi, định ra những chủ trương, chính sách, biện pháp nhằm tự giải quyết lấy công việc của đất nước mình, không nhận bất cứ một sức ép nào từ bên ngoài, không để biến thành con bài trong tay kẻ khác. Độc lập tự chủ, tự lực cánh sinh là phương châm nổi bật, nhất quán trong toàn bộ cuộc đời hoạt động chính trị nói chung và hoạt động đối ngoại của Hồ Chí Minh nói riêng. Nguyên lý chủ yếu xuyên suốt của phương châm này là: “muốn người ta giúp cho,

thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã” [45, tr.293]. Đó chính là cơ sở để thực hiện hợp tác quốc tế, tranh thủ sự giúp đỡ ở bên ngoài.

Độc lập tự chủ thể hiện ở tư duy nhận thức và hành động tự chủ, sáng tạo, không giáo điều và dập khuôn. Độc lập tự chủ còn là đặc trưng của bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam; là bản chất khoa học, cách mạng và sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng các giá trị ấy vào việc hoạch định đường lối đối nội và đối ngoại phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam và bối cảnh quốc tế và xu thế phát triển của thời đại.

Trong quan hệ đối ngoại, Hồ Chí Minh yêu cầu quán triệt quan điểm độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, gắn liền với đoàn kết, hợp tác quốc tế. Phương châm này được Hồ Chí Minh giải thích: “Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài nào” [48, tr.136]. Cũng có nghĩa là dân tộc Việt Nam phải tự mình vạch ra đường lối, chính sách đối ngoại độc lập trên cơ sở lợi ích quốc gia, nhưng đồng thời phải phù hợp với chuẩn mực quốc tế, thích ứng với xu thế thời đại. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là, dân tộc Việt Nam “phải vạch rõ những phương pháp và những biện pháp của riêng mình”, nhưng Người cũng cho rằng: không thể nào hạn chế những hoạt động hiện nay và tương lai... trong khuôn khổ dân tộc thuần tuý, những hoạt động đó có muôn ngàn sợi dây liên hệ với cuộc đấu tranh chung của thế giới tiến bộ. Người còn nhấn mạnh:Phải chú ý đến tình hình thế giới, vì nước ta là một bộ phận của thế giới, mọi việc trong thế giới đều có quan hệ với nước ta, việc gì trong nước ta cũng quan hệ đến thế giới,” [50, tr.455]. Chính vì vậy các quốc gia cần phải có sự liên kết, hợp tác với nhau để giải quyết những vấn đề chung và tận dụng ngoại lực để phát triển đất nước mình.

Trong chỉ đạo thực tiễn công tác đối ngoại, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện tính độc lập, tự chủ. Trong những thời điểm quan trọng, chúng ta thấy rất rõ quan điểm độc lập tự chủ của Hồ Chí Minh trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế. Nếu không có quan điểm độc lập tự chủ, dựa vào sức mình là chính thì không thể kiên trì cương lĩnh cách mạng Việt Nam trong điều kiện Quốc tế Cộng sản đang có những nhận thức không đúng về vấn đề giai cấp, không nhìn thấy hết vị trí của vấn đề dân tộc trong cách mạng Việt

Nam, trong điều kiện một số đảng thành lập trước đều muốn chi phối đường lối của Đảng ta như Đảng Cộng sản Pháp, Đảng Cộng sản Xinhgapo…

Trong Tuyên ngôn độc lập, nếu nhìn từ góc độ quan hệ quốc tế chúng ta thấy được quan điểm độc lập tự chủ, dựa vào sức mình là chính được thể hiện rất rõ với mục tiêu là độc lập dân tộc, với niềm tin là chính nghĩa, là lẽ phải, là các tấm gương oanh liệt của các dân tộc trên thế giới theo tinh thần cách mạng Pháp và cách mạng Mỹ. Và khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy" [47, tr.4]. Theo Hồ Chí Minh, vị thế của Việt Nam cần phải được xác định, nhất định không để Việt Nam lệ thuộc vào ai, ngay cả phe Đồng minh thì dân tộc Việt Nam cũng đã “gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít”. Do vậy, Việt Nam gia nhập vào phe các nước dân chủ nhân dân với tư cách là một bộ phận của lực lượng tiến bộ này, có chủ quyền và có quyền đòi hỏi thế giới phải công nhận nền độc lập này.

Vào thời kỳ 1945-1946 chúng ta thấy rõ hơn, nếu không có độc lập tự chủ, dựa vào sức mình là chính theo quan điểm Hồ Chí Minh thì chắc chắn chúng ta không thể vượt qua tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” ấy được. Chưa có khi nào trên đất nước ta lại lắm kẻ thù như vậy, tuy chúng có mâu thuẫn với nhau về ý đồ, về quyền lợi nhưng đều có chung âm mưu tiêu diệt nhà nước non trẻ của ta, tiếp tục thiết lập chế độ thuộc địa trên đất nước chúng ta. Nếu không có tự chủ và thiếu quyết đoán, nếu không tin vào nhân dân, thì rất khó áp dụng thành công sách lược phân hoá kẻ thù, cô lập từng kẻ thù, khoét sâu được những mâu thuẫn của chúng, kéo dài thời gian hoà bình để xây dựng lực lượng, dọn đường cho dư luận quốc tế.

Người thường xuyên căn dặn cán bộ phải giữ vững lập trường, phải vững vàng, khôn khéo, phải chủ động, tích cực; phải tự lực cánh sinh, phải "đem sức ta mà giải phóng cho ta". Người còn nói: "sự giúp đỡ của các nước bạn là quan trọng, nhưng không được ỷ lại, không được ngồi mong chờ người khác. Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập" [49, tr.522].

Từ đầu năm 1950. ta đặt được quan hệ ngoại giao với Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, chính thức trở thành thành viên của phe xã hội chủ nghĩa. Đến những năm đầu 1960, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta bước vào giai đoạn cực kỳ quyết liệt, nếu không độc lập tự chủ, không dựa vào sức mình là chính thì chúng ta không thể giải quyết thành công các mối quan hệ quốc tế đặc biệt là khi mâu thuẫn Xô - Trung trở thành xung đột công khai. Cả hai nước lớn này đều yêu cầu ta phải tỏ thái độ “nhất biên đảo”, trong lúc công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam của ta đang phụ thuộc vào viện trợ lớn của hai nước về cả kinh tế lẫn quân sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ nhận định, cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam vì độc lập và thống nhất Tổ quốc là sự nghiệp cao cả và chính nghĩa, đã trở thành lương tâm, vinh dự của thời đại, được cả loài người tiến bộ, kể cả nhân dân Mỹ đồng tình ủng hộ. Vì vậy, trong cuộc tranh chấp Xô - Trung, để tập hợp lực lượng, cả hai nước đều cần đến Việt Nam. Bằng tình cảm quốc tế chân thành và trong sáng, bằng nghệ thuật ứng xử ngoại giao tinh tế, có lý, có tình, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta vẫn kiên trì đường lối độc lập, tự chủ, kiên trì vận động thuyết phục, làm cho bạn hiểu ta, tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ cho ta đến khi sự nghiệp thống nhất đất nước của ta hoàn toàn thắng lợi. Như vậy, đường lối và phương châm đối ngoại độc lập, tự chủ luôn là nền tảng để đoàn kết, tập hợp các lực lượng cách mạng thế giới, ủng hộ giúp đỡ cách mạng Việt Nam cũng là điều kiện quan trọng để làm nên những thắng lợi vang dội trong lịch sử dân tộc.

Tư tưởng đối ngoại của Hồ Chí Minh còn thể hiện mối quan hệ biện chứng giữa yếu tố dân tộc và yếu tố quốc tế. Người coi yếu tố quốc tế có ý nghĩa quan trọng cho thắng lợi của cách mạng, nhưng yếu tố dân tộc độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường luôn giữ vai trò quyết định mọi thắng lợi. Hồ Chí Minh nhấn mạnh:

Không chú trọng đến đặc điểm của dân tộc mình trong khi học tập kinh nghiệm của các nước anh em, là sai lầm nghiêm trọng, là phạm chủ nghĩa giáo điều. Nhưng nếu quá nhấn mạnh đặc điểm của dân tộc để phủ nhận giá trị phổ biến của những kinh nghiệm lớn, cơ bản của các nước anh em, thì sẽ mắc sai lầm nghiêm trọng của chủ nghĩa xét lại [51, tr.499].

Vì vậy, độc lập tự chủ phải luôn gắn với đoàn kết quốc tế mới tạo được sức mạnh tổng hợp để chiến thắng kẻ thù, mới giành được thế chủ động trong đối ngoại, đảm bảo được các quyền của dân tộc, đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ, tự do hạnh phúc của nhân dân.

Độc lập tự chủ, tự lực tự cường phải gắn với đoàn kết và hợp tác quốc tế, đồng thời kết hợp với đấu tranh kiên quyết và khôn khéo để thực hiện mục tiêu cách mạng và bảo vệ quyền lợi quốc gia là phương châm cơ bản trong quan điểm đối ngoại Hồ Chí Minh. Đây là một nguyên lý, một phương châm xuyên suốt toàn bộ hoạt động đối ngoại, ngoại giao của Việt Nam, được Đảng ta nâng lên thành đường lối độc lập tự chủ và đoàn kết quốc tế.

Một phần của tài liệu Quan điểm của Hồ Chí Minh về mục tiêu,phương châm đối ngoại và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ đổi mới (Trang 40 - 45)