Vận dụng về mục tiêu đối ngoạ

Một phần của tài liệu Quan điểm của Hồ Chí Minh về mục tiêu,phương châm đối ngoại và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ đổi mới (Trang 79 - 88)

Mục tiêu đối ngoại là vấn đề quan trọng hàng đầu trong đường lối và chính sách đối ngoại. Trong hoạch định đường lối đối ngoại vấn đề cơ bản nhất và bao trùm nhất đối với các đối tác, các bên tham gia quan hệ quốc tế là bảo vệ được lợi ích của mình. Lợi ích quốc gia dân tộc trở thành ưu tiên hàng đầu trong hoạch định và triển khai đường lối, chính

sách đối ngoại của mỗi nước. Mỗi giai đoạn cách mạng có mục tiêu đối ngoại quy định nhiệm vụ, phương châm, nguyên tắc đối ngoại. Mục tiêu đối ngoại theo quan điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhằm bảo đảm các quyền cơ bản cho đất nước, bảo đảm lợi ích quốc gia dân tộc, bảo đảm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước, đối ngoại vì hoà bình. Những nội dung đó được Đảng và Nhà nước ta quán triệt sâu sắc trong thời kỳ đổi mới.

Trước hết, vận dụng quan điểm đối ngoại nhằm đảm bảo các quyền cơ bản cho đất nước, đảm bảo lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Đây là một quan điểm lớn có tính bao quát và xuyên suốt, vận dụng quan điểm này vào công tác đối ngoại và hoạt động ngoại giao trong điều kiện hiện nay là cần phải quán triệt một cách sâu sắc. Đối với Việt Nam trong quá trình đổi mới, lợi ích quốc gia dân tộc cơ bản, chân chính và cao nhất về đối ngoại được Đảng và Nhà nước ta xác định rõ là giữ vững hoà bình để phát triển, nghĩa là phải tạo lập được môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia.

Vận dụng quan điểm Hồ Chí Minh về mục tiêu đối ngoại, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, mục tiêu đối ngoại được Đại hội VI của Đảng năm 1986 xác định:

Ra sức kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, phấn đấu giữ vững hoà bình ở Đông Dương, góp phần giữ vững hoà bình ở Đông Nam á và thế giới, tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác toàn diện với Liên Xô và các nước trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa, tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời tích cự góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội [11, tr.99].

Đại hội VI chính thức khởi xướng đổi mới tư duy nói chung và đổi mới tư duy đối ngoại nói riêng, đặt vấn đề mở cửa với thế giới bên ngoài trước sự phát triển của xu thế hoà hoãn trong quan hệ quốc tế, xu thế quốc tế hoá và hợp tác kinh tế giữa các nước có chế độ xã hội khác nhau. Đại hội chỉ ra rằng, muốn kết hợp sức mạnh của dân tộc và sức mạnh

của thời đại, nước ta phải tham gia vào phân công lao động quốc tế trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi. Đây chính là biểu hiện rõ nhất trong đổi mới tư duy đối ngoại của Đảng trên cơ sở vận dụng nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin và quan điểm đối ngoại Hồ Chí Minh, mở ra khả năng nhận thức đúng đắn về mối quan hệ giữa lợi ích dân tộc và nghĩa vụ quốc tế, giữa an ninh và phát triển, giữa hợp tác và đấu tranh nhắm thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tiếp tục khẳng định quan điểm của Đại hội VI, Nghị quyết 13 của Bộ chính trị (5/1988) về nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới, khẳng định “lợi ích cao nhất của Đảng và nhân dân ta là phải củng cố và giữ vững hoà bình để tập trung sức xây dựng và phát triển kinh tế. Đó là nhân tố quyết định củng cố, giữ vững an ninh và độc lập”, sau đó được Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 6 khoá VI (3/1989) nâng lên một tầm cao mới. Nhận thức của Đảng về thế giới và thời đại trở nên xác thực, linh hoạt, biện chứng và toàn diện hơn.

Vấn đề đối ngoại vì lợi ích dân tộc theo quan điểm của Hồ Chí Minh, đến Đại hội VII

năm 1991 của Đảng xác định rõ và nhấn mạnh nhiệm vụ đối ngoại trong thời gian tới là: Củng cố môi trường hoà bình và tạo điều kiện quốc tế thuận lợi hơn nữa để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội [18, tr.502].

Quán triệt tinh thần ấy, Đại hội VIII của Đảng (1996) đã xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ của công tác đối ngoại trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, bổ sung và khẳng định: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở. đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ đối ngoại với tinh thần Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”[15, tr.120]. Đại hội VIII của Đảng năm 1996 đã xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ của công tác đối ngoại trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, khẳng định đường lối đối ngoại tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá.

Bước sang thế kỷ XXI, Đại hội IX (2001) một lần nữa khẳng định đường lối đối ngoại tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế. Đại hội IX của Đảng có những sự bổ sung đầy đủ hơn về mục tiêu đối ngoại: Bảo đảm lợi ích cho dân tộc chân chính là xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, coi đó là lợi ích cao nhất, đồng thời thực hiện nghĩa vụ quốc tế theo khả năng thực tế của nước ta. Giữ vững độc lập tự chủ, tự cường đi đôi với đẩy mạnh đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại nêu lên quan điểm mới trong chủ trương đối ngoại.

Hội nghị lần thứ 8 BCH TW khoá IX bổ sung và làm sâu sắc hơn tư tưởng chỉ đạo đối ngoại của Đảng với quan điểm: trong bất kỳ tình huống nào cũng tránh không để rơi vào thế đối đầu, cô lập hay lệ thuộc, củng cố hoà bình, an ninh. Tạo môi trường thuận lợi cho phát triển đất nước. Hội nghị Trung ương 8, khẳng định thêm một lần nữa: "Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là mục tiêu cơ bản của cách mạng và cũng là lợi ích căn bản của quốc gia", "Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, lấy việc giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, theo định hướng xã hội chủ nghĩa là lợi ích cao nhất của Tổ quốc". Mục tiêu đối ngoại được xác định rất rõ và đúng đắn, là cơ sở cho toàn bộ hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong thời kỳ mới.

Đại hội X kế thừa và phát triển đường lối, chính sách đối ngoại đã được khẳng định tại các Đại hội trước, nhấn mạnh mục tiêu, nhiệm vụ đối ngoại là giữ vững môi trường hoà bình, ổn định và tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đại hội X của Đảng khẳng định các quan điểm:

Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hoà bình và hợp tác phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế. Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác. Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực [17, tr.115].

Quán triệt mục tiêu đối ngoại Hồ Chí Minh, các quan điểm mang tính chỉ đạo này là cơ sở quan trọng để bảo vệ lợi ích của dân tộc ta trong quá trình hội nhập quốc tế, mà

trước hết là giữ vững độc lập tự chủ, chủ quyền quốc gia và định hướng xã hội chủ nghĩa. Mặt khác, trên cơ sở đó nước ta có thể tiếp tục mở rộng quan hệ đối ngoại, tranh thủ được điều kiện quốc tế và nguồn ngoại lực phục vụ cho xây dựng và phát triển kinh tế, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Việc khẳng định thực hiện nhất quán chính sách đối ngoại rộng mở còn góp phần củng cố hơn nữa lòng tin cho các đối tác nước ngoài khi thiết lập quan hệ và triển khai hợp tác với nước ta trên mọi lĩnh vực.

Vận dụng quan điểm đối ngoại nhằm đảm bảo chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước của Hồ Chí Minh.

Xuất phát từ lợi ích và mục tiêu đối ngoại đã được xác định, quán triệt quan điểm đối ngoại của Hồ Chí Minh đối ngoại nhằm đảm bảo chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước, Hội nghị Trung ương 3 (khoá VII) đã chỉ rõ: Công tác đối ngoại phải được thực hiện trên cơ sở và nhằm mục tiêu giữ vững độc lập tự chủ và các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, hợp tác, bình đẳng và cùng có lợi, bảo vệ và phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp và bản sắc văn hoá dân tộc... Nghị quyết Trung ương 3, khoá VII của Đảng là văn kiện quan trọng đánh dấu sự hình thành đường lối đối ngoại của Đảng ta cho thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Những vấn đề đối ngoại nhằm đảm bảo chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước được quán triệt trong suốt quá trình đổi mới, đến Đại hội IX của Đảng khẳng định: “Nhiệm vụ đối ngoại là tiếp tục giữ vững môi trường hoà bình và tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm độc lập và chủ quyền quốc gia”. Đại hội IX đánh dấu mốc phát triển mới về hội nhập kinh tế quốc tế với chủ trương “chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực”. Nhằm cụ thể hoá chủ trương này, Bộ chính trị đã ra Nghị quyết 07-NQ/TW (27/11/2001) về hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó làm rõ hơn mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, nội dung và nhiệm vụ cụ thể của hội nhập kinh tế quốc tế ở nước ta.

Mục tiêu đó luôn được khẳng định trong thời kỳ hội nhập quốc tế, Đại hội X của Đảng xác định: "Nhiệm vụ của công tác đối ngoại là giữ vững môi trường hoà bình, tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã

hội, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội". Đồng thời nhấn mạnh: "Bảo vệ vững chắc Tổ quốc, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng văn hoá và an ninh xã hội; duy trì trật tự, kỷ cương, an toàn xã hội; giữ vững ổn định chính trị của đất nước, ngăn ngừa, đẩy lùi và làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá, thù địch, không để bị động, bất ngờ” [17, tr.108-109]. Đại hội còn nhấn mạnh:

Chủ động tham gia cuộc đấu tranh chung vì quyền con người. Sẵn sàng đối thoại với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực có liên quan về vấn đề nhân quyền. Kiên quyết làm thất bại các âm mưu, hành động xuyên tạc, lợi dụng các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo” hòng can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh và ổn định chính trị của Việt Nam [17, tr.113].

Đó là mục tiêu chính trị và cũng là mục tiêu của công tác đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Vận dụng quan điểm của Hồ Chí Minh về đối ngoại vì hoà bình và phát triển.

Hoà bình và phát triển là mục tiêu phấn đấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng và nhân dân ta. Với chủ đề “Giữ vững hoà bình và phát triển”, Nghị quyết 13 (5/1988) của Bộ chính trị trong khi vẫn nêu bật tình phức tạp của đấu tranh giai cấp trên thế giới, đã chỉ rõ khả năng đẩy lùi nguy cơ chiến tranh thế giới đang không ngừng tăng lên, xu thế đấu tranh và hợp tác trong cùng tồn tại hoà bình giữa các nước có chế độ xã hội khác nhau ngày càng phát triển: các nước lớn đang giảm chạy đua vũ trang và chi phí quốc phòng, giảm cam kết về quân sự bên ngoài và dàn xếp với nhau về các vấn đề khu vực để tập trung củng cố bên trong: hoà bình, ổn định và phát triển càng nổi lên thành xu thế lớn của thời đại…Bước đột phá tư duy đối ngoại của Nghị quyết 13 đã giải quyết kịp thời một loạt quan điểm về chiến tranh và hoà bình, an ninh và phát triển, về mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng và mở rộng hợp tác quốc tế, giữa yếu tố dân tộc và yếu tố quốc tế, đoàn kết quốc tế, quan hệ đồng minh…Đó cũng là mục tiêu đối ngoại mà Hồ Chí Minh hướng tới. Nghị quyết 13 của

Bộ Chính trị đã đặt cơ sở cho sự hình thành, phát triển và triển khai toàn diện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế .

Từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX, chúng ta đã triển khai mạnh mẽ các hoạt động ngoại giao cấp cao song phương với từng nước trong khu vực và trên thế giới, chủ động tham gia trên tư cách quan sát viên vào các hoạt động của các hiệp hội, các tổ chức quốc tế. Mục tiêu đối ngoại thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đảng năm 1991: “Mục tiêu của chính sách đối ngoại là tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đi lên chủ nghĩa xã hội, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội” [12, tr.18].

Tiếp theo tư tưởng trên, tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII năm 1994, Đảng ta xác định rõ thêm: “Thực hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, mở rộng, đa dạng hoá và đa phương hoá, tranh thủ tối đa mặt đồng, hạn chế mặt bất đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” [18, tr. 431]. Đến năm 1996, sự nghiệp đổi mới đất nước đã tiến hành được 10 năm, đạt được những thành tựu bước đầu có quan trọng. Thời kỳ từ năm 1996 đến nay là thời kỳ nước ta đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phấn đấu vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Mục tiêu chủ yếu của đường lối đối ngoại phải góp phần phục vụ thắng lợi sự nghiệp đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa đó.

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu Quan điểm của Hồ Chí Minh về mục tiêu,phương châm đối ngoại và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ đổi mới (Trang 79 - 88)