Thực trạng đối ngoại của Việt Nam trước đổi mớ

Một phần của tài liệu Quan điểm của Hồ Chí Minh về mục tiêu,phương châm đối ngoại và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ đổi mới (Trang 75 - 79)

Những sai lầm trong 10 năm 1975 - 1985 cũng với những hạn chế của cơ chế cũ chưa bị xoá bỏ hẳn, cơ chế mới chưa được thiết lập đồng bộ đã trở thành nguyên nhân làm bùng nổ khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng và gay gắt nhất trong lịch sử phát triển của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa nước ta từ trước đến nay. Sự bùng nổ của khủng hoảng kinh tế - xã hội gay gắt chứng tỏ sự lạc hậu về nhận thức và sự yếu kém trong chỉ đạo thực tiễn của Đảng và Nhà nước ta đối với các vấn đề kinh tế - xã hội. Những đề đó cũng ảnh hưởng rất lớn đến đối ngoại của Việt Nam thời kỳ này.

Việt Nam bị các nước bao vây, cấm vận xung quanh vấn đề Campuchia.

Sau năm 1975, Mỹ vẫn tiếp tục chính sách thù địch chống phá và kiềm chế Việt Nam như: phong toả tài sản của Việt Nam ở nước ngoài, tuyên bố cấm vận thương mại đối với Việt Nam, ba lần phủ quyết Việt Nam vào Liên hợp quốc...Trong những năm 80 của thế kỷ XX, Mỹ cùng với các nước phương Tây và một số nước châu á - Thái Bình Dương bao vây, cấm vận, cô lập Việt Nam, đòi Việt Nam rút quân ra khỏi Campuchia, đòi Việt

Nam phải giải quyết vấn đề POW/MIA (tù nhân và người mất tích trong chiến tranh). Từ năm 1979, Trung Quốc đã phối hợp với các nước ASEAN, Hoa Kỳ và phương Tây bao vây cô lập Việt Nam. Mục tiêu của Hoa Kỳ và các nước phương Tây là đòi Việt Nam phải rút quân ra khỏi Campuchia, phải từ bỏ cái mà họ gọi là Liên bang Đông Dương. Mặt khác, Trung Quốc thực hiện một kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt, đồng thời duy trì một lực lượng quân đội đủ mạnh ở biên giới Trung - Việt, thường xuyên tiến hành các cuộc pháo kích và khiêu khích vũ trang chống Việt Nam, luôn dọa cho Việt Nam bài học thứ hai, đẩy đối đầu đông dương với Trung Quốc thành đối đầu Đông Dương với ASEAN, luôn nêu thêm điều kiện bình thường hoá quan hệ giữa hai nước.

Khi sự kiện Campuchia xảy ra, Nhật Bản tuy không đình chỉ các cuộc tiếp xúc ngoại giao và viện trợ nhân đạo cho Việt Nam, nhưng đã đông cứng các cam kết viện trợ cho Việt Nam và tham gia vào liên minh bao vây, cấm vận nước ta trong suốt thập kỷ 80 của thế kỷ XX.

Quan hệ giữa Việt Nam với các nước ASEAN từ khi xảy ra vấn đề Campuchia giảm, tất cả các đề nghị của Việt Nam về đối thoại và hợp tác khu vực đều không được các nước ASEAN chấp nhận, (chịu ảnh hưởng của vấn đề Campuchia, quan hệ ASEAN - Việt Nam trở nên lạnh nhạt, trì trệ, nếu không nói là thù địch) [31, tr.383].

Nhìn chung, lấy cớ sự kiện Campuchia, nhiều nước tiến hành bao vây, phong toả về kinh tế, cô lập về chính trị đối với nước ta tạo nên tình trạng căng thẳng, mất ổn định trong khu vực, ảnh hưởng xấu đến quan hệ hoà bình, hợp tác, hữu nghị giữa nhân dân các nước và gây khó khăn nghiêm trọng cho sự phát triển quan hệ đối ngoại của nước ta. Vì vậy, nhu cầu xoá thế bị bao vây, cấm vận là nhu cầu bức thiết của đối ngoại Việt Nam.

Nước ta quan hệ đơn phương, đơn tuyến chủ yếu quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt coi quan hệ với Liên Xô là hòn đá tảng của chính sách ngoại giao.

Lấy cớ sự kiện Campuchia các nước Mỹ, Trung Quốc, ASEAN...bao vây cấm vận về kinh tế, cô lập về chính trị đối với Việt Nam. Trong thời kỳ này Việt Nam không thể thực hiện chính sách ngoại giao đa phương, giữ cân bằng với các nước lớn được nữa. Quan hệ đối ngoại của Việt Nam lúc này chủ yếu quan hệ với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em là quan hệ đồng minh chiến lược, đặc biệt coi quan hệ giữa ta với Liên Xô là

hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, là chỗ dựa vững chắc cho chúng ta.

Đại hội V nhấn mạnh tầm quan trọng trong quan hệ với Liên Xô, vì đoàn kết hợp tác với Liên Xô là bảo đảm cho thắng lợi của công cuộc bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta cũng như việc củng cố độc lập dân tộc và vị trí của chủ nghĩa xã hội trên bán đảo Đông Dương. Do đó, gắn bó chặt chẽ và hợp tác toàn diện với Liên Xô là nguyên tắc, là chiến lược, đồng thời là tình cảm cách mạng của nhân dân ta [41, tr.45].

Đẩy mạnh hợp tác toàn diện với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội. Việt Nam phối hợp với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa trong đấu tranh trên trường quốc tế, đặc biệt về vấn đề Camphuchia. Liên Xô tích cực giúp đỡ nước Cộng hoà Nhân dân Camphuchia, bảo vệ lập trường của Việt Nam cũng như các nước Đông Dương, phủ quyết các nghị quyết đòi Việt Nam rút quân, không đáp ứng đòi hỏi liên quan đến vấn đề Campuchia trong 5 điểm và 3 trở ngại mà Trung Quốc nêu ra tại các cuộc đàm phán Xô - Trung.

Mục tiêu đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam giai đoạn này là xoá bao vây cấm vận, bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc và các nước láng giềng Đông Nam á.

Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, nước ta gặp rất nhiều khó khăn, duy trì quá lâu cơ chế tập trung quan liêu bao cấp làm cho kinh tế không phát triển, không nâng cao được đời sống của nhân dân bên cạnh đó bị các nước bao vây, cấm vận, cắt bỏ viện trợ, quan hệ ngoại giao không được mở rộng.

Xuất phát từ những yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn, Đảng ta trong khi kiên trì và nhất quán với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã thực hiện điều chỉnh chiến lược đối ngoại, lấy mục tiêu hoà bình và phát triển làm chuẩn mực trong mọi hoạt động quốc tế của mình, chủ động chuyển sang giai đoạn đấu tranh dưới hình thức cùng tồn tại hoà bình, tạo lập quan hệ, phá thế bị bao vây, cấm vận, bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, củng cố và mở rộng mối quan hệ với các nước láng giềng Đông Nam á.

Việt Nam kiên trì đề nghị khôi phục quan hệ hữu nghị và láng giềng với Trung Quốc, chủ trương khôi phục quan hệ bình thường giữa hai nước trên cơ sở các nguyên tắc cùng

tồn tại hoà bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau và giải quyết những vấn đề tranh chấp bằng con đường thương lượng [10, tr.154].

Khôi phục tình đoàn kết và hợp tác Việt Nam - Lào - Campuchia, thúc đẩy đối thoại giữa ba nước với ASEAN, xoá bỏ những bất đồng là mục tiêu quan trọng trong chính sách đối ngoại của ta thời gian này.

Trong giai đoạn mới của thời đại, mục tiêu chung của các quốc gia là hoà bình, độc lập và phát triển. Các nước có chế độ chính trị khác nhau, có điểm xuất phát về kinh tế, chính trị, xã hội không giống nhau, thậm chí mục tiêu tiến lên khác nhau vẫn có thể tìm thấy tiếng nói chung trên nhiều vấn đề mà mỗi quốc gia quan tâm. Quan hệ quốc tế rộng mở, đa phương và đa dạng được Đảng ta khẳng định và theo chiều hướng cởi mở vì mục tiêu ổn định và phát triển. Do vậy, mở cửa hội nhập với khu vực và trên thế giới là đòi hỏi bức thiết, là nhu cầu vừa mang tính chủ quan vừa mang tính khách quan, chúng ta phấn đấu chủ động hội nhập để đáp ứng yêu cầu của tình hình trong nước và bối cảnh quốc tế đang thay đổi nhanh chóng.

Phương châm đối ngoại trong giai đoạn này là giữ vững độc lập tự chủ, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Độc lập, tự chủ, tự cường và xây dựng đất nước tiến lên CNXH là lợi ích tối cao của dân tộc, của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta hiện nay. Độc lập, tự chủ, tự cường mà là để giữ vững độc lập tự chủ, tự cường phải mở rộng quan hệ quốc tế theo hướng đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế, là mở rộng quan hệ quốc tế trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hoá, giáo dục, y tế…

Trong xu thế mới của tình hình quốc tế, để mở cửa hội nhập quốc tế vì mục tiêu hoà bình, ổn định và phát triển, các quốc gia đang đứng trước một sự lựa chọn đòi hỏi phải hết sức tỉnh táo, vừa bảo đảm những vấn đề có tình nguyên tắc, có tình chiến lược vừa phải hết sức mềm dẻo, uyển chuyển trong sách lược khi xây dựng đường lối đối ngoại đổi mới vì một thế giới hoà bình, vì sự ổn định và phát triển bền vững.

Hơn hai mươi năm qua, thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, cách mạng Việt Nam đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước, với sức mạnh tổng hợp của hệ

thống chính trị, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chúng ta giữ vững được ổn định chính trị - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác kinh tế và phát triển đất nước toàn diện theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tại Đại hội X, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới nhằm sớm đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp; đất nước ta sẽ tiếp tục phát triển với những thành tựu mới, tạo điều kiện thuận lợi căn bản về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội để gia tăng tiềm lực quốc phòng và sức mạnh bảo vệ Tổ quốc, đồng thời cũng đặt ra những vấn đề mới, đòi hỏi công tác đối ngoại và việc vận dụng quan điểm của Hồ Chí Minh về mục tiêu, phương châm đối ngoại để hoạch định đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng phải được thực hiện một cách khoa học và phù hợp.

Như vậy, đổi mới là đòi hỏi bức xúc của cách mạng nước ta, đồng thời cũng phù hợp với xu thế của thời đại trong đó có đổi mới về đường lối đối ngoại. Những vấn đề về đối ngoại trước đổi mới đặt ra yêu cầu cấp bách cho Đảng và Nhà nước phải vận dụng sáng tạo quan điểm đối ngoại Hồ Chí Minh đề xác định mục tiêu, phương châm đối ngoại trong tình hình mới.

Một phần của tài liệu Quan điểm của Hồ Chí Minh về mục tiêu,phương châm đối ngoại và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ đổi mới (Trang 75 - 79)