Rộng mở, đa phương đa dạng quan hệ đối ngoạ

Một phần của tài liệu Quan điểm của Hồ Chí Minh về mục tiêu,phương châm đối ngoại và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ đổi mới (Trang 45 - 49)

Hồ Chí Minh là một trong số không nhiều những lãnh tụ cách mạng đã bôn ba nhiều nước trên khắp thế giới để tìm con đường cách mạng đúng đắn cho dân tộc Việt Nam. Bởi vậy, trong tư tưởng của Người vấn đề rộng mở, đa phương đa dạng quan hệ đối ngoại đã sớm được hình thành, điều đó bắt nguồn trước hết từ tình đồng loại, từ sự xúc cảm thực sự về số phận của những người lao động cùng khổ khắp năm châu. Người nói: Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người, giống người bóc lột và giống người bị bóc lột, mà cũng chỉ có một tình hữu ái mà thôi - tình hữu ái vô sản. Nhận thức này của Người đã trở thành tiền đề của một tư tưởng lớn, đó là sự cần thiết tất yếu phải liên minh đoàn kết chiến đấu giữa những người vô sản bị áp bức ở tất cả các nước. Do đó phải gắn liền phong trào cách mạng trong nước với cách mạng thế giới, phối hợp ủng hộ lẫn nhau để đưa cách mạng thắng lợi ở các nước khác nhau.

Ngay từ năm 1919, khi thực dân Pháp cấu kết với tư bản Nhật để cùng khai thác Đông Dương, Hồ Chí Minh đã nhận định, xét về nguyên tắc, sự tiến bộ chung phụ thuộc vào việc phát triển chủ nghĩa quốc tế và văn minh chỉ có lợi khi các quan hệ quốc tế được rộng mở và tăng cường. Trên quan điểm đó, một mặt Người tố cáo, phê phán bọn thực dân Pháp nhân nhượng cho bọn tư bản Nhật vào Đông Dương, làm người “dân bản xứ sẽ sống càng khốn đốn hơn” [44, tr.9]; mặt khác, Người khẳng định: “…là phi lý nếu nghĩ rằng hai dân tộc láng giềng như dân tộc An Nam và dân tộc Nhật Bản lại có thể cứ tồn tại biệt lập với nhau” [44, tr.10]. Như vậy, từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã có tư tưởng về việc các dân tộc phải mở cửa giao lưu, quan hệ bình đẳng, cùng có lợi và kịch liệt phê phán tư tưởng biệt

lập giữa các dân tộc. Cũng với tinh thần ấy, trong một lần trả lời phỏng vấn nhà báo Mỹ, Oantơ Bơrit, Hồ Chí Minh khẳng định: “Một khi đã độc lập, Việt Nam sẽ đứng với tất cả các nước bầu bạn” [48, tr.576].

Triết lý ngoại giao Hồ Chí Minh biểu hiện trên nhiều mặt, trong đó có tinh thần “bốn biển đều là anh em”, Người cho rằng: “Nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình có nghĩa như thế. Từ khi có Đảng ta lãnh đạo và giáo dục, tình nghĩa ấy càng cao đẹp hơn, trở thành tình nghĩa đồng bào, đồng chí, tình nghĩa năm châu bốn biển một nhà” [55, tr.554]. Tư tưởng đó là cơ sở quan trọng để Hồ Chí Minh xây dựng phương châm rộng mở, đa phương đa dạng quan hệ đối ngoại

Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” năm 1927, Người đã khẳng định: “Ai làm cách mệnh trong thế giới đều là đồng chí của dân An Nam cả”[45, tr. 301]. Khi Đảng ra đời, trong Cương lĩnh đầu tiên do Nguyễn ái Quốc soạn thảo đã nói về quan hệ của cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới: cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, phải thực hành liên lạc với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản thế giới, nhất là giai cấp vô sản Pháp. Điều đó thể hiện tư tưởng về đoàn kết, mở rộng quan hệ quốc tế, sau này tư tưởng đó được Đảng thể hiện bằng phương châm đối ngoại là “làm cho nước mình ít kẻ thù hơn hết và nhiều bạn đồng minh hơn hết”, đúng với quan điểm của Hồ Chí Minh: “Mọi người yêu nước và tiến bộ đều là bạn của ta” [53, tr.605].

Trong hoạt động đối ngoại của Việt Nam, ngay từ sau khi nước nhà giành được độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương thực hiện một đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương, đa dạng. Trong nhiều phát biểu trả lời phỏng vấn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định là Việt Nam muốn “làm bạn với tất cả các nước dân chủ; sẽ hợp tác với mọi nước vui lòng hợp tác thật thà và bình đẳng với Việt Nam" [48, tr.220, 676]. Những tuyên bố này là sự khởi đầu của chính sách đối ngoại rộng mở đa phương và đa dạng hoá quan hệ quốc tế mà nước ta có thể thực hiện được trong điều kiện thực tiễn quan hệ chính trị thế giới lúc bấy giờ. Việc nước ta triển khai quan hệ đối ngoại trên nhiều hướng đã góp phần mở rộng tập hợp lực lượng quốc tế, hình thành mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam.

Trong quá trình xây dựng đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, Hồ Chí Minh luôn chú trọng xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng, giữa cái phổ biến với cái đặc thù, để mở rộng các quan hệ đối ngoại, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới. Chính sách đối ngoại độc lập tự chủ của Hồ Chí Minh không hướng tới đơn độc, biệt lập mà đi đôi với mở rộng quan hệ quốc tế, tăng cường đoàn kết quốc tế, gắn mình với thế giới, đặt mình trong xu thế phát triển của thời đại. Độc lập tự chủ nhằm bảo đảm lợi ích dân tộc chính đáng, thực hiện các quyền dân tộc cơ bản trong điều kiện lợi ích của các dân tộc đan xen, chồng chéo. Nhưng độc lập tự chủ, tự lực tự cường xa lạ với chủ nghĩa biệt phái, sự biệt lập. Để chiến thắng những kẻ thù mạnh hơn mình gấp nhiều lần trong bối cảnh thời đại mới, phương châm đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tăng cường đoàn kết và tranh thủ sự hợp tác quốc tế, coi đây là vấn đề có tầm chiến lược hàng đầu trong đường lối đối ngoại của cách mạng Việt Nam. Mục tiêu của đoàn kết và hợp tác quốc tế là tập hợp lực lượng bên ngoài, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế, làm tăng khả năng tự lực tự cường, tạo điều kiện làm chuyển biến so sánh lực lượng có lợi cho cách mạng.

Hồ Chí Minh chủ trương đối ngoại rộng mở, tìm ra những điểm tương đồng, khai thác mọi khả năng có thể, nhằm tập hợp lực lượng, hình thành mặt trận đoàn kết ủng hộ Việt Nam theo nhiều tầng, nhiều nấc. Để thực hiện chủ trương này, theo Hồ Chí Minh điều quan trọng là phải xác định được rõ mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam với các đối tác cụ thể, sắp xếp thứ bậc ưu tiên của các đối tác để tiến hành công tác đối ngoại đạt kết quả cao.

Trong “Thư gửi đồng bào toàn quốc nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám” ngày 19/8/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh điểm đồng của Cách mạng Việt Nam với một số các cuộc cách mạng trên thế giới để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của quốc tế. Người viết:

Noi gương Cách mạng 1776 của Mỹ, Cách mạng tháng Tám tranh tự chủ chống ngoại xâm.

Cũng như Cách mạng 1789 của Pháp, Cách mạng tháng Tám thực hành lý tưởng: Bình đẳng, Tự do, Bác ái.

Theo gót Cách mạng 1911 của Tàu, Cách mạng tháng Tám thực hiện chủ nghĩa: Dân tộc, dân quyền, dân sinh [48, tr.187].

Để thức tỉnh lương tri loài người tiến bộ, tăng cường sức mạnh của đoàn kết, của chính nghĩa, Hồ Chí Minh luôn lấy hoà bình, hữu nghị và đạo lý làm tiêu chí để phân biệt bạn thù. Người không bao giờ đánh đồng cả một dân tộc hay một nước với những kẻ cầm quyền gây chiến tranh xâm lược của nước đó để trung lập hoá và cô lập kẻ thù chính, đồng thời ra sức tranh thủ nhân dân nước đó đứng về phía nhân dân Việt Nam. Người xem họ là bạn, là chiến sĩ cùng mặt trận đấu tranh chống các thế lực hiếu chiến.

Vào những năm 50 - 60 của thế kỷ XX, ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới; phong trào giải phóng dân tộc; phong trào cách mạng vô sản; phong trào hoà bình dân chủ và tiến bộ trên thế giới... Trong đó, Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc xây dựng mối quan hệ gắn bó với các nước xã hội chủ nghĩa, với các "Đảng Cộng sản anh em" theo tinh thần của "chủ nghĩa quốc tế vô sản" và "chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa". Với mối quan hệ này, Người đặc biệt quan tâm đến việc góp phần xây dựng khối đoàn kết trong nội bộ phong trào "trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình".

Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc tăng cường đoàn kết, hợp tác giữa Việt Nam với các nước láng giềng. Người rất quan tâm phát triển quan hệ đối ngoại với Trung Quốc, sau khi cách mạng Trung Quốc thành công, hai nước cùng xây dựng chế độ mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những cống hiến to lớn xây dựng mối quan hệ mới, hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân Việt Nam - Trung Quốc. Theo Người:

"Mối tình thắm thiết Việt - Hoa,

Vừa là đồng chí vừa là anh em" [54, tr.64].

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc đã vận dụng kinh nghiệm ngoại giao của ông cha, ứng xử phù hợp với truyền thống của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc; am hiểu sâu sắc văn hoá Trung Hoa, kết mối thân tình với nhân dân và có quan hệ hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau với các nhà lãnh đạo Trung Quốc; đồng thời khéo xử lý quan hệ Việt -

Trung phù hợp với các mối quan hệ toàn cầu mới, trong sự tương tác với các nước lớn khác, đồng minh hay đối phương của Việt Nam.

Đối với các nước trên bán đảo Đông Dương cùng chung cảnh ngộ, cùng chịu sự áp bức, đô hộ của thực dân Pháp và sự can thiệp của các thế lực đế quốc nên đã tạo ra cơ sở khách quan để ba nước Đông Dương đoàn kết, hợp tác và liên minh với nhau trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung vì độc lập dân tộc và tự do của mỗi nước.

Bản Thông cáo chính sách đối ngoại đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà

(03/10/1945) nêu rõ:

Đặc biệt là đối với nhân dân bạn Khơme và Lào, nước Việt Nam đặt mối quan hệ dựa trên nguyên tắc dân tộc tự quyết. Đã từng chịu ách đô hộ của Pháp, nhân dân ba nước lẽ dĩ nhiên phải cùng nhau đấu tranh để cởi ách đô hộ đó, giúp đỡ lẫn nhau giành lại và duy tâm vì nền độc lập của mình... Ba nước sẽ giúp đỡ lẫn nhau trong công cuộc kiến thiết và cùng nhau tiến lên trên con đường tiến bộ [57, tr.144].

Đoàn kết, hữu nghị, giúp đỡ lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi trên cơ sở bình đẳng tôn trọng quyền tự quyết dân tộc và độc lập chủ quyền của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau là quan điểm đối ngoại căn bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quan hệ của Việt Nam với các nước.

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng với phương châm rộng mở, đa phương đa dạng quan hệ đối ngoại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp được lực lượng ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm tăng thêm sức mạnh nội lực, hoàn thành mục tiêu cách mạng cũng như mục tiêu đối ngoại, đảm bảo độc lập tự chủ, thống nhất Tổ quốc. Phương châm này là cơ sở để Đảng và Nhà nước vận dụng trong phát triển quan hệ đối ngoại giai đoạn hội nhập và phát triển hiện nay.

Một phần của tài liệu Quan điểm của Hồ Chí Minh về mục tiêu,phương châm đối ngoại và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ đổi mới (Trang 45 - 49)