Nâng cao hiệu quả công tác tổ chức chỉ đạo, quản lý lực lượng dân phòng của Ủy ban nhân dân các phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy của ủy ban nhân dân phường trên địa bàn quận hoàn kiếm, thành phố hà nội (Trang 96 - 98)

dân phòng của Ủy ban nhân dân các phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm

Lực lượng dân phòng là lực lượng nòng cốt trong công tác PCCC nói riêng và trong công tác đảm bảo ANTT ở địa bàn cơ sở nói chung. Việc xây dựng, quản lý và chỉ đạo lực lượng dân phòng để thực hiện nhiệm vụ PCCC ở cơ sở có ý nghĩa chiến lược trong công tác này đồng thời cũng là nhiệm vụ quan trọng của UBND phường thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về PCCC theo quy định của Nghị định số 79/2014/NĐ-CP. Thực tế cho thấy, khi các vụ cháy mới phát sinh thì lực lượng dân phòng đã tổ chức công tác chữa cháy và dập tắt đám cháy ngay từ khi mới phát sinh. Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy của Chính phủ cho thấy: hơn 50% số vụ cháy được dập tắt từ khi mới phát sinh là do lực lượng nòng cốt làm tốt công tác chữa cháy… đồng thời việc xây dựng lực lượng dân phòng cũng phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ PCCC. Khắc phục tình trạng nhận thức của cán bộ công chức cho rằng trách nhiệm PCCC thuộc về lực lượng Cảnh sát PCCC mà không thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác này.

Qua phân tích thực trạng công tác quản lý Nhà nước về PCCC của UBND các phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cho thấy: UBND các phường đã có sự quan tâm, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ PCCC đối với lực lượng dân phòng song chưa chặt chẽ, sát sao. Chưa có chế độ, chính sách cụ thể đối với lực lượng dân phòng và chưa làm tốt công tác xây dựng điển hình tiên tiến và nhân điển hình tiên tiến về PCCC, chưa làm tốt công tác khen thưởng đối với những đội viên đội dân phòng có thành tích xuất sắc trong công tác PCCC. Mặt khác, việc quản lý lực lượng dân phòng còn lỏng lẻo, lực lượng này hoạt động còn mang tính kiêm nhiệm, hình thức, chưa hoạt động chuyên trách, công tác huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC cho đội viên đội dân phòng chưa có hiệu quả, còn có tư

tưởng cho rằng “giao khoán” việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng dân phòng cho các cơ quan chuyên trách về PCCC… nên hiệu quả chưa cao.

Do vậy, thời gian tới phải nâng cao hiệu quả công tác tổ chức chỉ đạo, quản lý lực lượng dân phòng của UBND các phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Nội dung giải pháp này bao gồm những vấn đề sau:

Thứ nhất, tập trung chỉ đạo, thành lập các đội dân phòng, trước mắt là tại các khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao. Đây là yêu cầu bắt buộc vì theo quy định của Luật PCCC, mỗi tổ dân phố phải thành lập Đội dân phòng. Thực trạng tổ chức, hoạt động của đội dân phòng tại quận Hoàn Kiếm như chương 2 đã phân tích cho thấy vừa không đủ số lượng đội vừa mang tính hình thức trong quá trình hoạt động. Vì vậy, ở mỗi phường cần nghiên cứu, phối hợp với Cảnh sát PCCC và Công an phường, lựa chọn các khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao thành lập đội dân phòng (lựa chọn những người tích cực tham gia phong trào, có mặt thường xuyên tại khu dân cư, kết hợp với đội viên bảo vệ dân phố); ban hành quy chế hoạt động, phân công cán bộ quản lý, qua thời gian hoạt động, rút kinh nghiệm nhân rộng tới các khu dân cư còn lại và tiến tới mỗi tổ dân phố thành lập một đội dân phòng..

Thứ hai, tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động của đội dân phòng trong thực hiện nhiệm vụ PCCC của UBND các phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. UBND các phường phải phân công cụ thể cán bộ, công chức của UBND trực tiếp theo dõi hoạt động của đội dân phòng. Trên cơ sở đó, phân tích, đánh giá hoạt động của lực lượng dân phòng để tham mưu, đề xuất cho UBND phường ban hành kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ, bồi dưỡng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong thực hiện nhiệm vụ PCCC và các nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn xã hội ở địa phương cũng như các chế độ, chính sách đối với lực lượng này. Bởi hiện nay việc tuyển dụng, chi trả chế độ cho dân phòng là do UBND các quận thực hiện nên việc phân bổ ngân sách cũng hạn chế.

Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với Phòng Cảnh sát PC&CC số 1 – Cảnh sát PC&CC thành phố Hà Nội trong trao đổi thông tin về các hoạt động nghiệp vụ PCCC của lực lượng dân phòng. Hướng dẫn, bồi dưỡng về nghiệp vụ PCCC cho

lực lượng này xử lý nhanh chóng các tình huống cháy, nổ xảy ra ở địa bàn và xử dụng thành thạo các trang thiết bị, phương tiện PCCC. Chỉ đạo xây dựng và củng cố phương án chữa cháy đối với tất cả các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC. Tăng cường tổ chức thực tập các phương án chữa cháy có huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia. Hàng năm, UBND các phường chủ trì tổ chức thực tập ít nhất một phương án xử lý tình huống cháy lớn, phức tạp trên địa bàn, để rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo cứu chữa các vụ cháy và hoạt động của đội dân phòng.

Thứ tư, làm tốt công tác khen thưởng, thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng dân phòng để tạo ra phong trào thi đua. Việc thực hiện chế độ, chính sách phải theo các quy định của pháp luật và của UBND thành phố Hà Nội. Thực hiện tốt việc thay thế đội viên đội dân phòng nếu đội viên đó hoạt động không hiệu quả hoặc xử lý theo quy định về quy chế và hoạt động của đội dân phòng, rà soát, chấn chỉnh kịp thời. Xây dựng tiêu chí, đánh giá, phân loại đội viên đội dân phòng. Đồng thời, tuyển chọn những người có đủ sức khỏe, đạo đức và tổ chức đào tạo, huấn luyện các kỹ năng nghiệp vụ PCCC cơ bản. Trang bị các kiến thức pháp luật thiết yếu cho họ. Nâng cao mức đãi ngộ và có thêm các cơ chế, chính sách hỗ trợ khác để thu hút lớp trẻ tham gia vào lực lượng này. Đây là những việc cần làm ngay bởi lẽ lực lượng này có vai trò rất quan trọng trong công tác PCCC tại cơ sở.

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy của ủy ban nhân dân phường trên địa bàn quận hoàn kiếm, thành phố hà nội (Trang 96 - 98)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(109 trang)
w