về phòng cháy và chữa cháy
Theo quy định của Luật phòng cháy và chữa cháy năm 2001, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy năm 2013, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ thì UBND phường thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về PCCC trên những nội dung cụ thể sau (5, tr5):
Thứ nhất: Chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC; bảo đảm các điều kiện cần thiết về an toàn PCCC đối với khu dân cư, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC theo thẩm quyền
Cũng như các lĩnh vực khác, quản lý Nhà nước về PCCC của UBND phường trước hết ở tầm vĩ mô thể hiện ở việc chỉ đạo thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC. Phải xác định mục tiêu, nhiệm vụ công tác PCCC cho từng giai đoạn phát triển của đất nước trong từng thời kỳ và theo kịp sự phát triển của tình hình kinh tế - xã hội, xây dựng mạng lưới các đội chữa cháy cơ sở, xây dựng lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC tự nguyện, từng bước hiện đại hoá công tác PCCC ở cấp phường.
Hệ thống pháp luật về PCCC bao gồm nhiều văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý và hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành theo quy định trong đó Luật phòng cháy và chữa cháy có giá trị pháp lý cao nhất. Để các quy phạm pháp luật này thực sự đi vào cuộc sống thì UBND phường phải ban hành những văn bản cụ thể hoá các yêu cầu của Luật phòng cháy và chữa cháy có tính khả thi cao, đồng bộ, đầy đủ và phải phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Phải tiến hành rà soát, thống kê các văn bản đã ban hành để bổ sung những quy định còn thiếu trong các văn bản đó như chế độ, chính sách đối với lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC tự nguyện, người tham gia chữa cháy bị thương hoặc hi sinh...
UBND phường trong phạm vi Quản lý nhà nước về PCCC có trách nhiệm đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC đối với Khu dân cư đã được nêu tại Điều 8 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP. Theo đó, UBND phường có trách nhiệm ban hành Quyết định nội quy PCCC, thành lập các đội dân phòng, đảm bảo giao thông, nguồn nước, lối thoát nạn, phương tiện PCCC....tại khu dân cư [ 5 ].
UBND phường thực hiện việc xử lý vi phạm hành chính về PCCC theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2013. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước của mình mà phát hiện có vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC thì Chủ tịch UBND phường ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính về PCCC gây ra theo quy định của pháp luật. Để nâng cao hiệu quả công tác xử lý vi phạm hành chính về PCCC của UBND phường đòi hỏi phải nắm vững những chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2013 và các quy định của pháp luật có liên quan. Tổ chức thi hành tốt các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND phường...
Thứ hai: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức về PCCC và xây dựng phong trào toàn dân PCCC
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức về PCCC là nội dung đồng thời là biện pháp có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong hoạt động PCCC. Mục đích chính của công tác này là làm cho mọi người dân, cán bộ, công nhân viên và người đứng đầu cơ quan, tổ chức trên địa bàn hiểu rõ tầm quan trọng của công tác PCCC và tự giác thực hiện các quy định cuả pháp luật về PCCC.
Về nội dung tuyên truyền thì lực lượng Cảnh sát PCC là lực lượng được giao nhiệm vụ chuyên trách thực hiện. Xây dựng nội dung, định hướng tuyên truyền và giáo dục pháp luật, kiến thức về PCCC cho từng loại đối tượng bằng nhiều hình thức, phương pháp phù hợp. Chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình tổ chức các hoạt động tuyên truyền về PCCC dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của UBND.
Phong trào toàn dân PCCC là một hình thức hoạt động tự nguyện, tự giác, tích cực của quần chúng Nhân dân tham vào công tác đảm bảo an toàn PCCC&CNCH ở khu dân cư. Xây dựng phong trào toàn dân PCCC là một nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược trong công tác PCCC nhằm huy động sức mạnh của toàn dân thực hiện nhiệm vụ PCCC. Điều đó thể hiện vai trò của quần chúng Nhân dân trong đấu tranh cách mạng nói chung, thể hiện tư tưởng của Hồ Chí Minh về tầm quan trọng của quần chúng Nhân dân. Chính vì vậy mà ngày 4/10 hằng năm được Thủ tướng Chính phủ quyết định là ngày toàn dân PCCC. Yêu cầu đặt ra là phải tổ chức tốt ngày toàn dân PCCC gắn với các phong trào thi đua khác tại địa bàn dân cư như phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc... và phải có nhiều hình thức, biện pháp phù hợp tuyên truyền ngày toàn dân PCCC để Nhân dân nhận thức sâu sắc, ý nghĩa của ngày toàn dân PCCC...
Thứ ba: Tổ chức quản lý đội dân phòng tại các khu dân cư
- Về điều kiện thành lập đội dân phòng hoặc tổ dân phòng
Điều 44, Luật Phòng cháy và chữa cháy quy định “Tại thôn phải thành lập đội dân phòng. Đội dân phòng do Chủ tịch UBND cấp xã quyết định thành lập, quản lý” [11]. Do vậy, tổ chức quản lý đội dân phòng tại các khu dân cư là nhiệm vụ của UBND phường theo quy định của Chính phủ và cũng là biện pháp có ý nghĩa chiến lược trong công tác PCCC. Việc xây dựng lực lượng dân phòng phải đảm bảo các yêu cầu như: lực lượng này có khả năng tham mưu, đề xuất ban hành các nội quy, quy định về PCCC; thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, kiến thức về PCCC, biết tự kiểm tra an toàn PCCC, biết xử lý ban đầu khi có cháy xảy ra, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân PCCC... phải nhận thức rằng trách nhiệm tổ chức quản lý đội dân phòng thuộc về chính quyền địa phương mà cụ thể là UBND phường. Trách nhiệm đó thể hiện:
+ Nghiên cứu, hoàn chỉnh mô hình tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đội dân phòng tại các khu dân cư dưới sự chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của UBND phường;
+ Nghiên cứu, đề xuất ban hành quy chế hoạt động của đội dân phòng, chế độ, chính sách đối với đội viên đội dân phòng;
+ Tăng cường kiểm tra, thanh tra của UBND phường đối với hoạt động của đội dân phòng, phát hiện những thiếu sót trong tổ chức quản lý, chất lượng hoạt động để chỉ đạo khắc phục; phối hợp với chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát PCCC để nâng cao chất lượng hoạt động huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC cho đội dân phòng bảo đảm thời lượng, phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của từng khu dân cư;
+ Thường xuyên tiến hành sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm công tác tổ chức quản lý lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC tự nguyện và thực hiện việc xây dựng điển hình tiên tiến và nhân điển hình tiên tiến để triển khai sâu rộng các phong trào khác trên địa bàn.
Quyết định thành lập đội dân phòng phải được gửi tới cơ quan Cảnh sát PCCC quản lý địa bàn đó để quản lý và huấn luyện nghiệp vụ PCCC theo quy định.
- Về nhiệm vụ, quyền hạn của đội dân phòng
Theo quy định tại Điều 45 Luật Phòng cháy và chữa cháy thì lực lượng dân phòng có nhiệm vụ [11, tr17]:
+ Đề xuất việc ban hành quy định, nội quy an toàn về PCCC;
+ Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC; xây dựng phong trào quần chúng tham gia PCCC;
+ Kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành các quy định, nội quy an toàn về PCCC;
+ Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC;
+ Xây dựng phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện và thực hiện nhiệm vụ chữa cháy khi có cháy xảy ra; tham gia chữa cháy ở địa phương, cơ sở khác khi có yêu cầu. [ 11]
Chủ tịch UBND phường căn cứ chức năng, nhiệm vụ của lực lượng dân phòng để tiến hành quản lý và chỉ đạo đội dân phòng.
Theo quy định tại Điều 32, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 66/2014/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an. Đội dân phòng được biên chế cụ thể như sau [2, tr4]:
Đội dân phòng có biên chế từ 10 người đến 20 người, trong đó có 01 đội trưởng và 01 đội phó; biên chế từ 20 người đến 30 người được biên chế thêm 01 đội phó. Đội dân phòng có thể được chia thành các tổ dân phòng; biên chế của tổ dân phòng từ 05 đến 10 người, trong đó có 01 tổ trưởng và 01 tổ phó; cán bộ, đội viên đội dân phòng là những người thường xuyên có mặt tại nơi cư trú; Chủ tịch UBND phường ra quyết định bổ nhiệm đội trưởng, đội phó đội dân phòng, tổ trưởng, tổ phó tổ dân phòng; Công an cấp phường có trách nhiệm tham mưu, giúp Chủ tịch UBND phường thành lập đội dân phòng và trực tiếp chỉ đạo hoạt động của đội dân phòng.
Người ra quyết định thành lập đội dân phòng có trách nhiệm duy trì hoạt động, định kỳ hàng năm tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC, tổ chức phân loại chất lượng hoạt động của đội dân phòng theo quy định. [ 4]
- Về thủ tục điều động lực lượng dân phòng
Đội dân phòng khi được điều động tham gia tuyên truyền, mít tinh, diễu hành, hội thao về PCCC, thực tập phương án chữa cháy; tham gia khắc phục nguy cơ phát sinh cháy, nổ; khắc phục hậu quả vụ cháy và những hoạt động PCCC khác có trách nhiệm thực hiện theo yêu cầu của Chủ tịch UBND phường. Thủ tục điều động lực lượng dân phòng tham gia hoạt động PCCC phải có quyết định bằng văn bản (mẫu số PC16); trong trường hợp khẩn cấp thì được điều động bằng lời nói, nhưng chậm nhất không quá 03 ngày làm việc phải có quyết định bằng văn bản. Khi điều động bằng lời nói, người điều động phải xưng rõ họ tên, chức vụ, đơn vị công tác, địa chỉ, số điện thoại liên lạc và nêu rõ yêu cầu về số lượng người cần điều động, thời gian, địa điểm có mặt và nội dung hoạt động. Quyết định điều động được gửi cho đội dân phòng và có nghĩa vụ chấp hành và lưu hồ sơ.
Thứ tư: Đầu tư kinh phí cho hoạt động PCCC và trang bị phương tiện PCCC theo quy định
Nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động PCCC bao gồm Ngân sách nhà nước, thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và đóng góp tự nguyện, tài trợ của các tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, Nhà nước bảo đảm ngân sách cần thiết hàng năm để đầu tư cho hoạt động PCCC, trong nhiệm vụ chi ngân sách quốc phòng – an ninh hàng năm của UBND phường phải có nội dung bảo đảm ngân sách cho hoạt động PCCC và được sử dụng vào các nội dung sau:
- Trang bị, đổi mới và hiện đại hoá phương tiện, cơ sở vật chất kỹ thuật về PCCC;
- Hoạt động thường xuyên của lực lượng dân phòng;
- Trang bị Phương tiện PCCC bao gồm phương tiện cơ giới, máy móc, dụng cụ chuyên dùng cho hoạt động PCCC. Nó có vai trò rất quan trọng, là yếu tố không thể thiếu trong việc đảm bảo hiệu quả hoạt động PCCC. Theo quy định tại Điều 50, Luật phòng cháy và chữa cháy năm 2001 thì UBND phường phải trang bị phương tiện PCCC cho đội dân phòng. Việc trang bị phương tiện PCCC cho đội dân phòng phải được quản lý, sử dụng để đảm bảo sẵn sàng chữa cháy, ngoài ra còn được sử dụng trong công tác bảo vệ an ninh chính trị, khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định. Hiện tại, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 56/2014/TT-BCA ngày 12/11/2014 quy định về trang bị phương tiện PCCC cho lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở và lực lượng PCCC chuyên ngành. Đây là cơ sở pháp lý cho việc trang bị phương tiện cho lực lượng dân phòng.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động PCCC của lực lượng tại chỗ, đảm bảo đủ điều kiện phương tiện tham gia chữa cháy trong giai đoạn đầu và hỗ trợ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, Thông tư số 56/2014/TT-BCA của Bộ Công an quy định cụ thể về định mức, kinh phí trang bị phương tiện và trách nhiệm của cơ quan tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc trang bị phương tiện cho lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành trong công tác PCCC.
Theo Thông tư số 56/2014/TT-BCA của Bộ Công an thì lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành đã được trang bị phương tiện PCCC theo định mức bằng hoặc cao hơn quy định tại Thông tư,
trước thời điểm Thông tư có hiệu lực thì tiếp tục sử dụng cho đến hết niên hạn. Những trường hợp chưa được trang bị hoặc trang bị thấp hơn mức quy định thì thực hiện theo định mức được cụ thể tại các Khoản 1, Điều 4, 5, 6 của Thông tư số 56/2014/TT-BCA của Bộ Công an quy định danh mục phương tiện PCCC cho đội dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành.
Thứ năm: Bảo đảm điều kiện về thông tin báo cháy, đường giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy
Theo Khoản 1, Điều 22, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP quy định: “Người phát hiện thấy cháy phải bằng cách báo cháy cho người xung quanh biết, cho một hoặc cho tất cả các đơn vị sau đây:
a) Đội dân phòng hoặc đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành tại nơi xảy ra cháy.
b) Đơn vị Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy nơi gần nhất.
c) Chính quyền địa phương sở tại hoặc cơ quan Công an nơi gần nhất.” Do vậy, khi tiếp nhận thông tin báo cháy, thông tin về cứu người, cứu hộ, UBND phường có trách nhiệm huy động các lực lượng tham gia công tác chữa cháy và CNCH đồng thời báo ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH để phối hợp chữa cháy. Đảm bảo các điều kiện về đường giao thông thông suốt cho xe chữa cháy vào, các điều kiện về nguồn nước phục vụ chữa cháy, tổ chức chỉ huy chữa cháy theo quy định...
Thứ sáu: Tổ chức chỉ đạo việc xây dựng và thực tập phương án chữa cháy
Phương án chữa cháy là tài liệu nghiệp vụ dùng cho chỉ huy chữa cháy trong công tác chuẩn bị và quá trình dập tắt đám cháy. Phương án chữa cháy giúp cho chỉ huy chữa cháy định hướng việc đánh giá tình hình diễn biến đám cháy và xác định hướng quyết định các hoạt động chữa cháy cũng như công tác tổ chức các hoạt động của lực lượng chữa cháy và các lực lượng khác tham gia vào quá trình cứu người, cưú tài sản, chống cháy lan và dập tắt đám cháy. Phương án chữa cháy phải được bổ sung, chỉnh lý kịp thời khi có những thay đổi
về tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy, nổ và các điều kiện liên quan đến chữa cháy.
Theo quy định của Điều 21, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP của Chính phủ thì Chủ tịch UBND phường trong phạm vi quản lý của mình chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng phương án chữa cháy và sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ