chữa cháy trên địa bàn quận Hoàn Kiếm
Quận Hoàn Kiếm nằm ở trung tâm của thành phố Hà Nội với tổng diện tích 5,28 km2, gồm 18 phường là Chương Dương, Cửa Đông, Cửa Nam, Đồng Xuân, Hàng Bạc, Hàng Bài, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Buồm, Hàng Đào, Hàng Gai, Hàng Mã, Hàng Trống, Lý Thái Tổ, Phan Chu Trinh, Phúc Tân, Trần Hưng Đạo, Tràng Tiền, trong đó có 2 phường ngoài đê sông Hồng. Về dân số, theo thống kê của Công an quận Hoàn Kiếm tính đến hết tháng 6 năm 2015 quận Hoàn Kiếm có 212.801 nhân khẩu, là quận có mật độ dân cư cao (với mật độ 39.830 người/km2). Với vị trí là trung tâm hành chính – chính trị; kinh tế - văn hóa của thành phố, trên địa bàn quận tập trung nhiều trụ sở các cơ quan đầu não của Trung ương và thành phố, các cơ quan ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế, các khu
di tích lịch sử văn hóa, điểm tham quan du lịch, các trung tâm thương mại dịch vụ lớn, các chợ, công trình cao tầng và siêu cao tầng. Là nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô và cả nước.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PC&CC số 1, tính đến tháng 6 năm 2015, có 1625 cơ sở thuộc diện quản lý Nhà nước về PCCC ( thuộc phụ lục I của Nghị định số 79/2014/NĐ-CP (trong đó cơ sở loại 1 là 56 cơ sở, cơ sở loại 2 là 379 cơ sở, cơ sở loại 3 là 1032 cơ sở, Không phân loại là 165 cơ sở); 165 tuyến phố thương mại, phố nghề, 341 khách sạn, nhà nghỉ, 62 cơ sở quán bar, nhà hàng karaoke; cơ sở giáo dục có 53 trường học các cấp; 30 bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh; có 08 chợ trong đó có 4 chợ lớn (Đồng Xuân, Hàng da, Cửa Nam và chợ đêm, tuyến phố đi bộ) là những cơ sở tập trung hàng hóa với giá trị tài sản lớn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến cháy, nổ.
Với đặc điểm địa bàn có nhiều khu phố cổ, khu phố cũ nên phần lớn các công trình, nhà ở được xây dựng theo hình ống, nhỏ và hẹp; nhiều hộ gia đình ở chung một số nhà; có nhiều công trình, khu tập thể đông hộ, nhà ở cũ, xuống cấp; nhiều nhà dân ở gần các trường học, bệnh viện làm nhà trọ cho người lao động, người dân đi khám, điều trị thuê ở tạm trú không đảm bảo an toàn PCCC. Nhà cao tầng phát triển mạnh nhưng hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng yếu kém không đáp ứng được công tác PCCC. Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cũng thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào các giờ cao điểm trên các tuyến phố Bà Triệu, Trần Khát Chân, Trần Hưng Đạo... mà nếu xảy ra cháy thì rất khó khăn về các điều kiện đảm bảo giao thông, lối vào cho xe chữa cháy. Bên cạnh đó, nguy cơ cháy, nổ tại các khu dân cư, nhà dân ngày càng phức tạp, nguồn nước chữa cháy thiếu ở nhiều phường...
Hệ thống giao thông trên địa bàn quận gồm 166 đường phố, phần lớn phố nhỏ và ngắn (có 136 đường, phố xe chữa cháy có khả năng tiếp cận; 875 ngõ, trong đó 30 ngõ xe chữa cháy ra vào khó khăn và 845 ngõ xe chữa cháy không vào được (01 ngõ dài trên 200m, 874 ngõ có chiều dài dưới 200m) ảnh hưởng rất lớn đến công tác chữa cháy; mật độ người và phương tiện tham gia giao
thông đông, thường bị ùn ứa tại các nút giao thông, nhất là vào các giờ cao điểm; các ngõ xe chữa cháy không vào được chiếm tỷ lệ cao.
Nguồn nước phục vụ chữa cháy hiện có 17 trụ cấp nước chữa cháy (11 trụ ba họng; 6 trụ hộp, 14 trụ lấy được nước, 03 trụ không lấy được nước), 02 bể dự trữ nước chữa cháy 100 m3 (vườn hoa Cổ Tân và vườn hoa Lê Thạch), 02 bến lấy nước tại hồ Hoàn Kiếm (số 75 Đinh Tiên Hoàng và số 1 Lê Thái Tổ xe chữa cháy hút được nước). Áp lực nước tại các trụ ở nhiều khu vực tuyến đường, phố không ổn định, thậm chí không có nước, việc duy tu, bảo dưỡng chưa thực hiện thường xuyên nhiều trụ bị mất nắp, kẹt ty. Nhiều khu dân cư, khu phố cổ và một số tuyến đường, phố chính của quận chưa được lắp đặt các trụ cấp nước chữa cháy.
Từ tình hình đặc điểm trên cho thấy công tác PCCC trên địa bàn quận Hoàn Kiếm hết sức nặng nề, vừa có tính cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài đối với các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp, và cán bộ, Nhân dân trên địa bàn.