Nhận xét, đánh giá

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy của ủy ban nhân dân phường trên địa bàn quận hoàn kiếm, thành phố hà nội (Trang 80 - 83)

2.3.1. Ưu điểm

Cấp uỷ Đảng và UBND các phường đã có nhận thức sâu sắc về công tác PCCC. Có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao đối với công tác PCCC. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức về PCCC được nâng cao. Nhận thức của cán bộ và Nhân dân trong phường nâng lên rõ rệt. Đã xác định rõ trách nhiệm của mình trong công tác PCCC. UBND các phường đã chú trọng tăng cường và làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật PCCC, hướng dẫn kiến thức cơ bản về PCCC. Với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng và được sân khấu hóa nên đã thu hút được sự quan tâm của các cấp, các ngành và đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng, cụ thể như: tổ chức các lớp tập huấn, tọa đàm, hội nghị, hội thi, ký cam kết thi đua đảm bảo an toàn PCCC giữa các tập thể, đơn vị, tổ dân phố, cụm dân cư... Đặc biệt trong các đợt cao điểm về PCCC như dịp tổ chức “Tuần lễ quốc gia an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ”, dịp “Ngày toàn dân PCCC” công tác tuyên truyền về PCCC được đẩy mạnh, được UBND các phường tổ chức treo băng zôn, khẩu hiệu, tranh, áp phích tuyên truyền nội dung về PCCC tại trụ sở cơ quan, trên các trục đường quốc lộ, những nơi công cộng; các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học đã lồng ghép nội dung công tác PCCC vào đợt sinh hoạt ngoại khóa của học sinh, sinh viên... Do vậy, đã tạo nên khí thế của những ngày hội về PCCC. UBND các phường đã cử người tham gia tập huấn triển khai các chuyên đề có liên quan đến công tác PCCC, tham gia ký quy chế phối hợp trong

công tác PCCC giữa các ngành với Phòng Cảnh sát PCCC số 1 – Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội để triển khai thực hiện có hiệu quả.

UBND các phường đã đẩy mạnh công tác đầu tư kinh phí, trang bị phương tiện cho lực lượng dân phòng. Tổ chức quản lý, chỉ đạo lực lượng dân phòng thực hiện nhiệm vụ PCCC. Từng bước triển khai thực hiện tốt Quy chế dân chủ trong công tác PCCC với phương châm “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra” và mang lại kết quả đáng khích lệ, từng bước đưa công tác PCCC ngày càng trở thành nhiệm vụ của toàn dân; giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến điều kiện an toàn về PCCC như: nhân dân tự phá dỡ, giải toả tạo khoảng cách an toàn PCCC cho khu dân cư, làm đường cho xe chữa cháy tiếp cận khu dân cư dễ cháy; đóng góp kinh phí mua sắm trang bị máy bơm chữa cháy, bình chữa cháy và các phương tiện cần thiết khác cho công tác chữa cháy. Ngoài kinh phí tập trung của UBND phường, bước đầu đã có một số doanh nghiệp và các nhà hảo tâm đã đầu tư trang bị phương tiện PCCC cho một số UBND phường như phường Đồng Xuân, phường Hàng Gai....

Đã chủ động thực hiện xã hội hóa công tác tuyên truyền: Tiếp cận, quan hệ với các cơ quan, đơn vị, cá nhân để phục vụ công tác tuyên truyền, nhiều đơn vị đã tích cực tài trợ hàng chục triệu đồng in tờ gấp, xây dựng phóng sự tuyên truyền theo các chuyên đề, tập trung vào các nội dung, diện đối tượng, lĩnh vực, ngành nghề có nguy cơ cháy nổ cao, như: tuyên truyền "An toàn sử dụng gas"; các biện pháp phòng cháy phương tiện giao thông; tuyên truyền công tác PCCC trong các tòa nhà văn phòng, các khu chung cư cao tầng, khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ; … Nội dung tuyên truyền có nhiều đổi mới, tập trung thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC; cảnh báo các nguy cơ cháy; hướng dẫn cách thức phòng ngừa và xử lý các tình huống cháy nổ, kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm khi xảy ra cháy nổ... Qua đó đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở và đông đảo quần chúng Nhân dân đối với công tác PCCC. Nhiều mô hình, hình thức tuyên truyền được UBND các phường xây dựng và áp dụng có hiệu quả. Trong quá trình tuyên truyền có sự phối hợp giữa các ban ngành, có hình thức sát hợp với điều kiện thực tế của từng phường.

2.3.2. Hạn chế

Mặc dù UBND các phường đã tăng cường các biện pháp quản lý Nhà nước về PCCC, song kết quản đạt được vẫn còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hướng dẫn về PCCC chưa được UBND các phường tiến hành thường xuyên, liên tục mà chủ yếu tập trung vào dịp “Ngày toàn dân PCCC”, dịp “Tuần lễ quốc gia an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy, nổ”. Mặt khác, công tác tuyên truyền phổ biến Luật Phòng cháy và chữa cháy cũng mới chỉ tiếp cận đến các cơ quan, tổ chức, cơ sở là chủ yếu chưa chú trọng đến các nhân khẩu tạm trú như các tàu, thuyền hoạt động trên đê Sông Hồng cũng có nguy cơ cao xảy ra cháy, nổ;

Ban Văn hóa – xã hội các phường chưa có kế hoạch xây dựng các chương trình, chuyên mục về PCCC để thực hiện công tác tuyên truyền về PCCC theo nội dung chỉ đạo tại Chỉ thị 1634/CT-TTg ngày 31/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Nội dung các tin, bài, phóng sự chưa đề cập, lên án, phê phán những khuyết điểm yếu kém, những vi phạm quy định an toàn PCCC và thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác PCCC… Do vậy, trong những năm qua vẫn còn một bộ phận người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở, chủ hộ gia đình và người dân chưa có ý thức trách nhiệm về công tác PCCC, nên số vụ cháy do ý thức chủ quan của con người (sơ suất, bất cẩn trong sinh hoạt, vi phạm quy định an toàn PCCC, do đốt) vẫn còn chiếm tỷ lệ cao, tới hơn 50%.

Công tác xây dựng phong trào toàn dân PCCC mà trực tiếp là xây dựng lực lượng dân phòng tuy đã được UBND các phường đẩy mạnh nhưng chưa đảm bảo yêu cầu thực tế. Số đội dân phòng mới chỉ đạt trên 98% (18/860) theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy; nhiều đội dân phòng chỉ hoạt động mang tính hình thức, tổ chức chữa cháy ban đầu rất lúng túng và kém hiệu quả nên đã dẫn đến cháy lớn; trang bị phương tiện của lực lượng dân phòng còn thiếu về số lượng và kém về chất lượng, không đảm bảo và hoạt động mang tính kiêm nhiệm nên hiệu quả không cao.

Các quy định về chế độ chính sách động viên, khuyến khích hoạt động của lực lượng dân phòng chưa được quy định rõ ràng, do vậy chưa khích lệ được cán bộ và Nhân dân tham gia các hoạt động PCCC. Mặc dù trong thời gian qua,

UBND các phường đã có nhiều cố gắng đầu tư kinh phí cho hoạt động PCCC&CNCH nhưng vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế hoạt động PCCC, kinh phí đầu tư cho hoạt động PCCC trong vòng 05 năm trở lại đây (giai đoạn 2010 – 2015) mới chỉ chiếm khoảng 0,11% trong tổng số ngân sách Nhà nước của UBND phường. Trong khi đó nhu cầu đầu tư cho hoạt động PCCC trong thời gian tới là 0,5% trong tổng số ngân sách Nhà nước của UBND phường (giai đoạn 2015 – 2020) theo quy định .

UBND các phường mặc dù đã có đầu tư mua sắm phương tiện cho hoạt động PCCC&CNCH, nhưng vẫn quá ít so với nhu cầu thực tế. Tính trung bình mỗi năm, mỗi phường mới chỉ đầu tư khoảng 30 triệu đồng cho công tác PCCC nên gặp khó khăn về kinh phí chưa đầu tư hoặc có đầu tư nhưng rất hạn chế chiếm dưới 0,001% tổng thu ngân sách địa phương cho hoạt động PCCC. Thực trạng tình hình trang bị phương tiện chữa cháy và CNCH còn nhiều hạn chế.

Công tác quản lý Nhà nước về PCCC của UBND phường bao trùm nhiều lĩnh vực nên việc ban hành văn bản hướng dẫn chưa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ và thống nhất với một số văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành khác nên cơ sở pháp lý để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về PCCC của UBND phường còn có những bất cập. Trong quá trình tổ chức thực hiện, một số quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy và văn bản dưới Luật đã bộc lộ một số vấn đề chưa phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế hiện nay, như: yêu cầu xây dựng đội dân phòng trên địa bàn phường; việc quy định cơ sở tự xây dựng phương án chữa cháy… Mạng lưới các đội PCCC hiện có quá mỏng, không đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để thành lập được đội PCCC ở các quận trọng điểm về chính trị, kinh tế theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong Chỉ thị 1634/CT-TTg ngày 30/8/2010 thì cần đầu tư kinh phí và có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành.

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy của ủy ban nhân dân phường trên địa bàn quận hoàn kiếm, thành phố hà nội (Trang 80 - 83)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(109 trang)
w