Xác định tầm quan trọng, chiến lược của lực lượng dân phòng trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự nói chung và công tác PCCC nói riêng. Khi đám
cháy mới xảy ra thường là cháy nhỏ, nếu được phát hiện kịp thời và có sẵn lực lượng, phương tiện tại chỗ thì việc dập tắt đám cháy rất nhanh và đơn giản; thế nhưng nếu không phát hiện sớm, chữa cháy kịp thời thì đám cháy sẽ phát triển rất lớn; việc tổ chức chữa cháy trở nên rất khó khăn và dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng. Thực tiễn đã chứng minh, công tác PCCC có hiệu quả hay không phụ thuộc vào việc triển khai thực hiện phương châm 4 tại chỗ theo quy định của Luật phòng cháy và chữa cháy đó là “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”. Vì vậy, để tổ chức hoạt động PCCC nhằm hướng tới mục đích ngăn ngừa tốt nhất các sự cố về cháy, nổ cũng như chủ động trong việc PCCC thì vai trò của lực lượng dân phòng là rất quan trọng trong việc tổ chức phòng ngừa và xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố, nhằm hạn chế đến mức tối đa thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhân dân.
- Về số lượng đội viên
Lực lượng dân phòng được thành lập tại các phường theo Quyết định số 112/QĐ-UBND ngày 10/5/2006 của UBND thành phố Hà Nội. Thực hiện sự chỉ đạo của Quận ủy, UBND quận Hoàn Kiếm và UBND phường, lực lượng dân phòng đã được xây dựng, kiện toàn tổ chức hoạt động có hiệu quả, khắc phục được tình trạng phô trương, gây lãng phí. Đến nay, trên địa bàn quận đều thành lập 18 đội dân phòng trong đó đội viên đội dân phòng thuộc biên chế của Ban bảo vệ dân phố các phường với 521 đội viên, được hưởng trợ cấp từ kinh phí theo chế độ chính sách của thành viên ban bảo vệ dân phố do UBND các phường chi trả theo quy định của UBND thành phố Hà Nội.
Theo thống kê đến tháng 6 năm 2015, toàn quận hiện có 860 tổ dân phố trên 144 cụm dân cư. (Xem bảng 2.4).
- Về độ tuổi
Qua thống kê cho thấy, đa số đội viên đội dân phòng của các phường hiện nay ở độ tuổi trên 50, chiếm khoảng 85% trong tổng số đội viên đội dân phòng. Độ tuổi từ 30 đến 50 chiếm 10% và từ 30 trở xuống là 5%. Như vậy, đa số đội viên đội dân phòng hiện nay có độ tuổi khá cao, có nhiều kinh nghiệm trong công tác PCCC nói chung. Tuy nhiên, việc thiếu đội viên đội dân phòng trẻ cũng
là một trong những khó khăn trong việc tiếp cận các phương tiện chữa cháy và huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và CNCH.
- Về giới tính
Qua thống kê cũng cho thấy, hiện nay đa số đội viên đội dân phòng của các phường là nam giới (chiếm đến 90%) trong tổng số đội viên.
- Về chuyên môn PCCC
Lực lượng dân phòng là lực lượng do UBND phường, thị trấn ký hợp đồng lao động, trả phụ cấp hàng tháng theo ngân sách phân bổ của UBND quận nhưng giao cho Công an phường quản lý, phân công nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn. Qua khảo sát thực tiễn cho thấy, trong tổng số 510 đội viên đội dân phòng có tới 119 đội viên chưa được cấp chứng chỉ đã tham gia huấn luyện nghiệp vụ PCCC tổ chức. Theo báo cáo của UBND các phường cho thấy, nhiều phường tiến hành lập danh sách đội viên đội dân phòng gửi về Phòng Cảnh sát PCCC số 1 để tổ chức tập huấn nghiệp vụ PCCC nhưng một số đội viên đội dân phòng không tham gia tổ chức tập huấn. UBND các phường đã tiến hành làm rõ nguyên nhân và có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh kịp thời. (Xem bảng 2.5).
- Về hoạt động của đội dân phòng
Qua khảo sát thực tế cho thấy, đa phần các đội viên đội dân phòng của các phường đều có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PCCC, coi đây là một trong những nội dung quan trọng của công tác bảo đảm trật tự an toàn xã hội, góp phần phục vụ đắc lực, có hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của quận; luôn có ý thức nêu cao tinh thần trách nhiệm, áp dụng linh hoạt, đa dạng các biện pháp trong công tác. Những phường có đội dân phòng hoạt động thường xuyên và đạt hiệu quả cao là phường Chương Dương, phường Hàng Buồm, phường Lý Thái Tổ…
Theo thống kê của UBND các phường cho thấy tính từ năm 2011 đến tháng 6 năm 2015, đã có 233 lượt đội viên đội dân phòng và 45 tập thể đội dân phòng các phường được lãnh đạo các cấp khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự nói chung và công tác PCCC nói
riêng tại địa bàn. Riêng năm 2013 đã có 8 tập thể đội dân phòng và 59 lượt đội viên đội dân phòng đã có thành tích xuất sắc được các cấp chính quyền và Công an thành phố Hà Nội, Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội khen thưởng như đội dân phòng phường Lý Thái Tổ được Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn, đội dân phòng phường Đồng Xuân được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đó là nguồn cổ vũ, động viên khích lệ cho lực lượng dân phòng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong đó có nhiều đội viên dân phòng tích cực chữa cháy được khen thưởng đột xuất, tiêu biểu như đồng chí Lê Văn Nam, Đội phó đội dân phòng phường Chương Dương; đồng chí Nguyễn Văn Châu, dân phòng phường Tràng Tiền… Tuy vậy, bên cạnh đó, vẫn còn một số đội viên đội dân phòng còn hạn chế về kinh nghiệm, trình độ chuyên môn PCCC, chưa nhận thức đầy đủ về công tác PCCC, chỉ thực hiện một cách cầm chừng, thiếu linh hoạt, sáng tạo, ý thức tham gia công tác PCCC chưa cao, chưa thường xuyên nâng cao kiến thức nghiệp vụ PCCC nên dẫn tới việc hiệu quả công tác PCCC chưa cao. Vì vậy, trong thời gian tới, UBND các phường phải có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho đội viên đội dân phòng để có nhận thức sâu sắc, đầy đủ và trình độ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Qua phân tích công tác quản lý, chỉ đạo lực lượng dân phòng của UBND các phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cho thấy: UBND các phường đã có sự quan tâm, đầu tư cho hoạt động của lực lượng dân phòng, mỗi phường đã có biên chế một đội dân phòng kiêm nhiệm hoạt động của Ban Bảo vệ dân phố. Đã có sự kiểm tra, giám sát và động viên khen thưởng kịp thời đối với đội viên có thành tích xuất sắc trong công tác PCCC đồng thời khắc phục, chấn chỉnh kịp thời những vi phạm của đội viên trong thực hiện nhiệm vụ, rà soát và có kế hoạch thay thế đội viên đội dân phòng khi tuổi cao hoặc có những vi phạm. Chủ tịch UBND phường đã thường xuyên động viên, thăm hỏi đội viên đội dân phòng, quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng và hoàn cảnh gia đình của các đội viên...
Tuy nhiên, công tác quản lý, xây dựng lực lượng dân phòng của UBND các phường còn một số hạn chế như: UBND các phường chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của lực lượng dân phòng, lực lượng dân phòng còn hoạt động mang tính hình thức, công tác chữa cháy và CNCH của lực lượng dân phòng tại một số vụ cháy cụ thể còn bị động, thiếu chuyên nghiệp. Công tác kiểm tra, đề xuất sửa chữa phương tiện, trang thiết bị (máy phát điện, lăng, vòi, đầu nối…) phục vụ chữa cháy chưa được tiến hành thường xuyên; kiểm tra, kiến nghị, bảo dưỡng các trụ, điểm lấy nước tại một số phường vẫn chưa được lực lượng dân phòng làm thường xuyên, kịp thời ảnh hưởng đến hiệu quả công tác chữa cháy. Đặc biệt, qua khảo sát cho thấy, do nhiều yếu tố nên đội viên đội dân phòng của tất cả các phường đều biên chế trong Ban Bảo vệ dân phố của phường. Tức là Ban Bảo vệ dân phố kiêm luôn nhiệm vụ dân phòng do vậy chất lượng công việc chưa cao, bên cạnh đó do độ tuổi của đội viên đội dân phòng thường là trên 50 tuổi, là cán bộ đã nghỉ hiu nên việc tiếp cận với công tác PCCC còn khó khăn, hạn chế…