Hoàn Kiếm – thành phố Hà Nội
Cơ cấu tổ chức của UBND phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm bao gồm các phòng, ban trực thuộc như sau:
+ Địa chính – Xây dựng; + Tài chính – Kế toán; + Tư pháp – Hộ tịch; + Văn hoá – Xã hội.
Trong đó có 03 thành viên UBND phường, Chủ tịch UBND phường phụ trách chung, chịu trách nhiệm trước Đảng uỷ phường và UBND quận về các mặt công tác của UBND phường, Công an phường, Quân sự phường. Một Phó chủ tịch UBND phường phụ trách khối Văn xã, tư pháp, Kế hoạch hóa gia đình và trẻ em…., Một Phó Chủ tịch UBND phường phụ trách địa chính, đô thị, PCCC….
Ngoài ra, riêng đối với địa bàn quận Hoàn Kiếm là địa bàn rộng, phức tạp về an ninh, trật tự và tập trung nhiều cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước nên ngoài các bộ phận nêu trên cơ cấu tổ chức của UBND phường còn có thêm Tiểu đội dân quân thường trực (Tiểu đội này chỉ ở các phường của quận Hoàn Kiếm mới có, mỗi phường đều có 12 đồng chí do Ban Chỉ huy quân sự phường quản lý, chỉ đạo); Ban bảo vệ dân phố kiêm nhiệm vụ của đội dân
phòng do Công an phường quản lý, chỉ đạo theo chức năng, nhiệm vụ để bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn trong đó có nhiệm vụ PCCC, được hưởng phụ cấp trong ngân sách của UBND quận; Đội tự quản thực hiện nhiệm vụ giữ gìn trật tự công cộng theo sự phân công của Công an phường, được hưởng phụ cấp của UBND phường.
* Văn phòng – thống kê là cơ quan giúp việc cho HĐND và UBND phường có chức năng tham mưu, đề xuất các chương trình công tác của HĐND và UBND phường. Đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật và kinh phí phục vụ hoạt động chỉ đạo điều hành của UBND phường. Phòng tiếp dân của UBND phường tổ chức tiếp nhận các đơn thư của công dân, chuyển đơn thư tới các phòng ban chức năng và trả lời cho công dân kết quả giải quyết.
Công chức làm việc ở bộ phận văn phòng chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của HĐND và UBND thực hiện các nhiệm vụ sau:
+ Tổ chức tiếp công dân, làm thường trực của bộ phận tiếp công dân và trả lời hồ sơ hành chính theo cơ chế “một cửa”;
+ Tổ chức công tác văn thư, lưu trữ, quản lý con dấu, quản lý hồ sơ sổ sách và các tài liệu khác của phường;
+ Kiểm tra các văn bản trước khi trình Chủ tịch UBND phường ký, đặc biệt là tính chuẩn xác về mặt thủ tục hành chính và tính pháp lý của văn bản trước khi ban hành;
+ Tiếp nhận đơn thư dân nguyện, khiếu nại, tố cáo, đề xuất biện pháp giải quyết trình Chủ tịch UBND phường quyết định;
+ Tổng hợp tình hình thực hiện nhiệm vụ trong các lĩnh vực công tác của UBND phường;
+ Lập kế hoạch thực hiện công tác thuộc lĩnh vực công tác văn phòng thống kê; thực hiện điều tra, lập báo cáo thống kê theo yêu cầu của phòng thống kê quận;
* Địa chính – Xây dựng phường chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Phòng Địa chính, xây dựng quận. Hoạt động của địa chính – xây dựng phường tập trung vào việc tuyên truyền các hộ dân trên địa bàn phường đều phải xin phép khi xây dựng, xử lý các hộ xây dựng không phép, trái phép, cưỡng chế các hộ cố tình vi phạm các quy định của pháp luật và chính quyền địa phương.
* Tư pháp – Hộ tịch chịu sự quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ của Phòng tư pháp quận. Thực hiện nhiệm vụ quản lý và đăng ký hộ tịch trên địa bàn phường.
+ Ghi vào sổ đăng ký hộ tịch về các việc ly hôn, xác định cha mẹ, con, thay đổi quốc tịch, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự, huỷ hôn nhân trái pháp luật, hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên và những sự kiện hộ tịch khác theo quy định của pháp luật.
+ Xác nhận tình trạng hôn nhân, cấp bản sao các giấy tờ hộ tịch từ sổ gốc, lưu trữ sổ sách, hồ sơ hộ tịch.
+ Thụ lý hồ sơ báo cáo với UBND xác nhận về chỗ ở, việc làm, thu nhập hợp pháp hoặc tình trạng tài sản tại Việt Nam cho người nước ngoài thường trú tại phường khi xin nhập quốc tịnh Việt Nam.
+ Kiểm tra, thụ lý hồ sơ và chuẩn bị nội dung chứng thực chữ ký của công dân Việt Nam trong các giấy tờ phục vụ cho việc giải quyết các giao dịch dân sự ở trong nước.
+ Phối hợp chặt chẽ với Mặt trận tổ quốc phường và các thành viên của Mặt trận xây dưng, củng cố hoạt động của tổ hoà giải.
+ Thực hiện công tác đảm bảo thi hành án.
* Tài chính – Kế toán chịu sự quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ của Phòng Tài chính quận. Với nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tài chính, dự toán, quyết toán và phương án thu chi, phân bổ, điều chỉnh ngân sách Nhà nước hàng năm của phường, tổ chức thu chi ngân sách của phường, phối hợp với cơ quan Nhà nước cấp trên trong việc quản lý, kiểm tra, hướng dẫn sử dụng ngân sách, tổng hợp tình hình thu chi ngân sách Nhà nước và chuẩn bị văn bản trình Chủ tịch UBND phường để báo cáo với UBND quận theo quy định.
* Văn hoá – Xã hội chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Phòng Văn hoá - Thông tin và Phòng Lao động, thương binh và xã hội quận.
Công tác Văn hoá – thông tin – thể dục thể thao của phường với nhiệm vụ tổ chức tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết và quyết định của Chính quyền địa phương. Tuyên truyền việc xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, chống mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội, khu dân cư văn hoá, đoàn kết…
Công tác Lao động, thương binh và xã hội phường với nhiệm vụ:
+ Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực Lao động, thương binh và xã hội cho Nhân dân trên địa bàn phường;
+ Lập kế hoạch thực hiện công tác Lao động, thương binh và xã hội trình Chủ tịch UBND phường phê duyệt và tổ chức thực hiện;
+ Tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với các đối tượng chính sách như thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, bà mẹ Việt Nam anh hùng, người già cô đơn, trẻ mồ côi, hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam, chiến tranh.
Mối quan hệ công tác của UBND phường:
Thứ nhất, với Đảng uỷ phường
Hiến pháp năm 2013 quy định: Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước là sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối được thể hiện bằng chủ trương, đường lối, những tư tưởng chỉ đạo để Nhà nước và Nhân dân dựa vào đó thực hiện một cách linh hoạt, sáng tạo, hoàn thành nhiệm của của mình.
Hoạt động của UBND phường phải chịu sự lãnh đạo trực tiếp toàn diện của Đảng uỷ phường. Sự lãnh đạo của Đảng uỷ phường thể hiện ở chỗ trước khi thi hành nhiệm vụ của cấp trên giao thì UBND phường phải báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Đảng uỷ phường đặc biệt là những vấn đề nhạy cảm có liên quan. Đối với công tác PCCC trên địa bàn trước khi tổ chức thực hiện thì UBND phường cũng phải báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Đảng uỷ phường.
Thứ hai, với UBND quận
UBND quận là cơ quan cấp trên trực tiếp của UBND phường, UBND phường chịu sự chỉ đạo toàn diện của UBND quận có trách nhiệm báo cáo công tác của mình trước cơ quan cấp trên trực tiếp, nghiêm chỉnh chấp hành các quyết định, chỉ thị của UBND quận.
UBND phường thực hiện chế độ thông tin báo cáo với UBND quận trong đó có thống kê, báo cáo về công tác PCCC theo quy định tại Nghị định số 79/2014/NĐ-CP. Kết quả báo cáo của UBND phường giúp UBND quận nắm vững tình hình tại địa bàn để có những quyết định kịp thời.
Đối với các Phòng, Ban thuộc UBND quận thì mối quan hệ này là quan hệ hướng dẫn, giúp đỡ, chỉ đạo về chuyên môn. Nếu có những vấn đề phát sinh mà các ý kiến giải quyết khác nhau giữa UBND phường và Phòng, Ban chuyên môn thuộc UBND quận thì phải báo cáo Chủ tịch UBND quận quyết định. Phòng Cảnh sát PCCC số 1 không phải trực thuộc UBND quận Hoàn Kiếm mà trực thuộc Giám đốc Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội nhưng vẫn có trách nhiệm hướng dẫn các phường trên địa bàn thực hiện công tác PCCC.
Thứ ba, với tổ dân phố
Tổ dân phố không phải là một cấp hành chính Nhà nước mà là một hình thức liên kết các hộ dân thường trú trên cùng một địa bàn dân cư có mối quan hệ đoàn kết tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống hàng ngày, giữ gìn an ninh, trật tự, thực hiện nếp sống văn minh trong tổ dân phố. Tổ dân phố chịu sự quản lý của UBND phường do Chủ tịch UBND phân công các thành viên UBND phụ trách theo quy định. Tổ trưởng Tổ dân phố phải thường xuyên liên hệ với thường trực HĐND và UBND phường để quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo, điều hành của cơ quan cấp trên, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong tổ, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở phường và tổ dân phố. Tổ trưởng Tổ dân phố phải báo cáo kịp thời với Chủ tịch UBND phường về mọi mặt công tác của tổ dân phố, đề xuất biện pháp giải quyết, xử lý các công việc phát sinh…
Hình 2.1. Mô hình tổ chức UBND phường
Trong đó: Quan hệ lãnh đạo và bị lãnh đạo.