- Tiền gửi không kỳ hạn: là loại tiền mà khi khách hàng gửi vào, khách hàng có thể rút ra bất cứ lúc nào mà không cần báo trước cho ngân hàng. Loại tiền gửi này tuy biến động thường xuyên nhưng nó vẫn có số dư ổn định do việc gửi tiền vào và rút tiền ra có sự chênh lệch về thời gian, số lượng, nên Ngân hàng có thể huy động số dư đó làm nguồn vốn tín dụng để cho vay.
- Tiền gửi có kỳ hạn: là loại tiền gửi có sự thoả thuận về thời hạn rút ra giữa khách hàng và ngân hàng. Như vậy, khách hành chỉ được rút tiền khi đến hạn đã thỏa thuận. Tuy nhiên, để thu hút tiền gửi, ngân hàng cho phép khách hàng rút tiền ra trước thời hạn với lãi suất không kỳ hạn. Tiền gửi có kỳ hạn là một nguồn vốn mang tính ổn định. Ngân hàng có thể sử dụng tiền này một cách chủ động làm nguồn vốn kinh doanh. Vì vậy, các ngân hàng thường chú trọng các biện pháp khuyến khích khách hàng gửi tiền có kỳ hạn.
- Tiết kiệm dân cư: đây là hình thức huy động truyền thống của ngân hàng. Trong hình thức huy động này, người gửi tiền được cấp một sổ tiết kiệm, sổ này được coi như giấy chứng nhận có tiền gửi vào quỹ tiết kiệm của ngân hàng. Tiền gửi tiết kiệm của dân cư được chia làm 2 loại:
+ Tiết kiệm có kỳ hạn. + Tiết kiệm không kỳ hạn.
- Tiền gửi thanh toán: đây là loại tiền gửi để thanh toán, chuyển trả tiền và thu tiền cho khách hàng. Tiền gửi thanh toán chia thành 2 loại có kỳ hạn và không kỳ hạn. Nhưng đa số khách hàng gửi tiền gửi thanh toán không kỳ hạn.
- Ngoài ra, Ngân hàng huy động tiền gửi tiết kiệm của người nghèo nhằm từng bước tạo cho người nghèo có ý thức dành tiền tiết kiệm để tạo vốn tự có và quen dần với hoạt động tín dụng và tài chính, đồng thời bổ sung thêm nguồn vốn để mở rộng cho vay trên địa bàn, góp phần giảm nghèo tại địa phương.