Phương pháp rèn luyện theo mẫu trong tạo lập văn bản

Một phần của tài liệu Dạy học phong cách học trong chương trình ngữ văn trung học phổ thông luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 99 - 102)

6. Cấu trúc luận văn

3.4.2. Phương pháp rèn luyện theo mẫu trong tạo lập văn bản

3.4.2.1. Bản chất của phương pháp

Phương pháp rèn luyện theo mẫu có thể được mô tả như sau: từ một ngữ liệu cho trước, giáo viên yêu cầu học sinh phân tích ngữ liệu đó theo những yêu cầu cụ thể để nhận diện đặc trưng về phong cách của văn bản đó, sau khi nhận diện được đặc trưng thì giáo viên yêu cầu học sinh tạo lập văn bản theo mẫu đó.

Cơ sở của phương pháp rèn luyện theo mẫu là dựa trên sự quan sát, tri thức và bắt chước có ý thức, xuất phát từ vấn đề nhận thức trong triết học: “Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn. Đó là con đường biện chứng của sự nhận thức chân lí, nhận thức hiện thực khách quan”.

Quá trình hình thành và phát triển ngôn ngữ của con người gắn liền với quá trình “bắt chước”, học tập các mẫu lời nói của người khác trong hoạt động giao tiếp. Mô phỏng cũng là một phương pháp rèn luyện và hình thành các kĩ năng thực hành tiếng Việt nói chung. Tuy nhiên, phương pháp rèn

luyện theo mẫu không phải là sự bắt chước vô thức. Trong phương pháp rèn luyện theo mẫu, giáo viên phải chọn và giới thiệu các mẫu hoạt động ngôn ngữ rồi hướng dẫn học sinh phân tích để hiểu và nắm vững cơ chế của chúng và bắt chước mẫu đó một cách sáng tạo vào lời nói của mình.

Bài tập thực hành tạo lập văn bản theo phong cách chức năng có nhiều dạng, trong đó có dạng tạo lập theo mẫu. Do vậy, áp dụng phương pháp rèn luyện theo mẫu trong thực hành phong cách học là hợp lí.

3.4.2.2. Yêu cầu của phương pháp

Chọn mẫu: Việc lựa chọn và giới thiệu mẫu có ảnh hưởng tương đối lớn đến chất lượng của bài học. Mẫu có thể được sử dụng để giáo viên hướng dẫn học sinh quan sát, phân tích để phát hiện ra tri thức mới, cũng có thể làm tài liệu để giáo viên (hoặc học sinh) phân tích để minh họa, khắc sâu tri thức mới. Mẫu quan trọng như vậy nên việc lựa chọn mẫu cần thỏa mãn những yêu cầu:

- Ngắn gọn để học sinh dễ phát hiện ra các tri thức lí thuyết đã học có trong mẫu.

- Có nội dung lành mạnh, có tác dụng giáo dục tư tưởng, tình cảm lành mạnh cho học sinnh.

- Đảm bảo chuẩn mực ngôn ngữ, chuẩn mực phong cách và đạt giá trị thẩm mĩ cao. Những mẫu này thường tìm được trong các tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ.

Nguồn mẫu: Một số giáo viên thường tự đặt ra mẫu. Việc làm này có ưu điểm là không trùng lặp, đúng ý giáo viên, song khó có được sự đặc sắc. Do vậy, giáo viên nên lấy mẫu từ các văn bản của các tác giả tiêu biểu (phần văn bản đọc - hiểu trong sách giáo khoa) để đảm bảo tính chính xác và tính thẩm mĩ. Với nguyên tắc tích hợp, thực tế mẫu trong các bài tập phần thực hành phong cách học hầu hết được lấy từ các văn bản đọc - hiểu trong chương trình.

Phân tích mẫu: Từ mẫu văn bản đã dẫn, học sinh phân tích các yếu tố ngôn ngữ của văn bản đó (về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, biện pháp tu từ và bố cục trình bày), nhận xét đặc điểm của chúng trong văn bản để thấy được nét riêng về phong cách của mẫu đó.

Tạo lập văn bản theo mẫu: Sau khi học sinh đã phân tích mẫu, hiểu được đặc điểm về phong cách của mẫu, giáo viên tiến hành cho học sinh tạo lập văn bản theo mẫu đã cho.

Kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm: Giáo viên kiểm tra sản phẩm học sinh tạo lập theo mẫu đã cho, đánh giá và rút kinh nghiệm. Nên khuyến khích sự sáng tạo của học sinh bằng những lời khen nếu các em làm tốt. Nếu các em làm chưa tốt thì giáo viên nên động viên, hướng dẫn để các em tiếp tục sáng tạo.

Ví dụ: Hướng dẫn học sinh làm bài tập 2, sách Ngữ văn 12 nâng cao, tập 2, trang 190 (Phong cách ngôn ngữ hành chính): Viết biên bản một buổi sinh hoạt lớp. Phân tích, đánh giá mức độ phù hợp giữa văn bản được viết ra với các đặc điểm chung và cách sử dụng phương tiện ngôn ngữ trong phong cách ngôn ngữ hành chính.

Giáo viên lấy một biên bản viết sẵn (biên bản đại hội chi đoàn hoặc đoàn trường mà các em vừa được tham gia), cho học sinh phân tích theo một số yêu cầu: Nhận xét về cách sử dụng chữ viết (bao gồm các mẫu chữ ở các đề mục), từ ngữ, ngữ pháp, bố cục trình bày. Những cách thức diễn đạt này có đảm bảo đặc trưng của phong cách ngôn ngữ hành chính không.

Bước tiếp theo, giáo viên đưa một mẫu biên bản sinh hoạt lớp in sẵn (chưa hoàn chỉnh), cho học sinh điền tiếp những thông tin còn thiếu để hoàn thành biên bản theo mẫu.

Cuối cùng, giáo viên yêu cầu học sinh viết một biên bản sinh hoạt lớp vào tiết năm, thứ bảy với nội dung cụ thể, chính xác những gì diễn ra trong tiết sinh hoạt đó. Giáo viên nhận xét bài viết của học sinh và rút kinh nghiệm.

Trên đây là một số phương pháp thường được áp dụng trong dạy học thực hành phong cách học. Trong thực tế, các phương pháp này đã được áp dụng ở những mức độ khác nhau, tùy thuộc vào kiểu bài trong chương trình (gồm bài luyện tập và các dạng bài tập trong sách giáo khoa). Trong dạy học, thực ra không có những cẩm nang, những bí quyết nào đặc biệt. Mọi phương pháp chỉ có thể có được trên cơ sở nắm vững nội dung bài học và vận dụng sáng tạo những lí thuyết được trang bị. Vì thế, có thể nói, trong dạy học phong cách học nói riêng, các môn học trong nhà trường nói chung, nỗ lực cá nhân là yếu tố đóng vai trò quyết định.

Một phần của tài liệu Dạy học phong cách học trong chương trình ngữ văn trung học phổ thông luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 99 - 102)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(116 trang)
w