6. Cấu trúc luận văn
3.2.1. Tiếp cận văn bản thuộc các phong cách chức năng khác nhau
Như đã trình bày, bất kì văn bản nào cũng thuộc về một phong cách chức năng nhất định. Vì vậy, đối với các nhà chuyên môn, tiếp xúc với một văn bản bất kì bao giờ trong đầu họ cũng đặt ra câu hỏi: Văn bản này thuộc phong cách chức năng ngôn ngữ nào? Đối với người giáo viên cũng vậy, cần rèn luyện thói quen tiếp xúc văn bản dưới góc độ phong cách học. Trong chương trình Ngữ văn THPT, nếu như trước đây các văn bản được trích học chủ yếu là văn bản nghệ thuật - tức thuộc phong cách ngôn ngữ
nghệ thuật với các thể loại như: thơ, văn xuôi nghệ thuật hay kịch - thì nay, với nguyên tắc tích hợp và xu thế dạy học Ngữ văn là dạy học văn bản, thể loại văn bản đưa vào chương trình được mở rộng: văn bản nghị luận, văn bản khoa học, văn bản sinh hoạt… mặc dù văn bản nghệ thuật vẫn chiếm tỉ trọng đáng kể. Sự dung hợp nhiều loại văn bản như vậy trong chương trình vừa là thuận lợi nhưng cũng là thách thức đối với giáo viên. Việc tiếp cận các văn bản trong chương trình dưới góc độ phong cách học là cần thiết. Bởi rằng văn bản nào cũng được tạo ra theo một nguyên tắc nhất định. Nghĩa là các yếu tố ngôn ngữ tạo nên văn bản được người viết vận dụng theo một nguyên tắc riêng, một mục đích riêng. Nói cách khác, mỗi văn bản được viết theo một phong cách riêng. Nắm được đặc trưng phong cách học của văn bản sẽ là cơ sở khoa học đầu tiên để tiếp cận văn bản. Chẳng hạn, bài Tổng quan văn học Việt Nam trong sách Ngữ văn 10, tập 1 là một văn bản được viết theo phong cách ngôn ngữ khoa học. Soi rọi vào đặc trưng và cách thức diễn đạt của phong cách ngôn ngữ khoa học, chúng ta sẽ thấy được đặc điểm của bài viết này đồng thời sẽ có cách tiếp cận phù hợp với bài học. Hoặc bài Về luân lí xã hội ở nước ta của tác giả Phan Châu Trinh trong sách giáo khoa Ngữ văn 11 tập 2 là một văn bản chính luận. Nếu soi vào đặc trưng của phong cách ngôn ngữ chính luận và cách thức diễn đạt của nó thì người giáo viên sẽ thuận lợi hơn trong việc hướng dẫn học sinh chiếm lĩnh văn bản.