Phương pháp so sánh đối lập trong nhận diện phong cách học

Một phần của tài liệu Dạy học phong cách học trong chương trình ngữ văn trung học phổ thông luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 84 - 88)

6. Cấu trúc luận văn

3.2.2. Phương pháp so sánh đối lập trong nhận diện phong cách học

Để hướng dẫn học sinh thực hành loại bài tập nhận diện phong cách học có thể sử dụng phương pháp so sánh đối lập. Trong phần Dạy học phong cách học của giáo trình Phương pháp dạy học tiếng Việt [1], tác giả Nguyễn Quang Ninh đã coi so sánh đối lập như một thao tác để dạy học lí thuyết phong cách học. Trong thực tiễn dạy học, người giáo viên vẫn thường sử

dụng phương pháp so sánh đối lập để đi đến một kết luận khoa học nào đó. Đối với loại bài thực hành phong cách học, so sánh đối lập là một phương pháp dạy học hữu hiệu.

3.2.2.1. Bản chất của phương pháp so sánh đối lập

Phương pháp so sánh đối lập thường được bắt đầu bằng sự đồng nhất hóa, tức là phải phát hiện ra các yếu tố đồng nghĩa với nhau, có khả năng thay thế cho nhau, sau đó phải phát hiện ra sự khác biệt giữa các yếu tố đó bằng sự so sánh đối chiếu. Trong các đơn vị đồng nghĩa với nhau, sự khác biệt giữa chúng chính là sắc thái biểu cảm, sắc thái phong cách. Từ việc xác định sự khác nhau đó, ta có thể thấy được trong một trường hợp cụ thể, cần phải dùng yếu tố này chứ không phải là yếu tố kia. Thực tế, một nội dung thông báo, có thể diễn đạt bằng nhiều cách khác nhau, tùy vào mục đích hoặc cách trình bày của người viết. Việc so sánh đối lập sẽ giúp ta nhận diện được văn bản đó được viết theo phong cách ngôn ngữ nào.

Ví dụ, bài tập 2 trong sách Bài tập Ngữ văn 12 nâng cao, tập 1, trang 89: Đoạn trích sau đây có thuộc phong cách ngôn ngữ khoa học không? Tại sao?

Tên riêng khác với tên chung.

Một tên chung đưa trí óc ta không phải đến một cá thể, mà với một khái niệm trong tính chất khái quát, trừu tượng. Nhà văn là một tên chung không chỉ riêng một ai cả. Nam Cao, Nguyên Hồng… mới là tên riêng; mỗi tên riêng này chỉ một cá nhân, một nhà văn mà ta biết rõ là ai…(…) (Hoàng Tuệ - Về tên riêng, trong sách Chuẩn hóa chính tả và thuật ngữ, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1983).

Để hướng dẫn học sinh làm bài tập này, giáo viên sử dụng phương pháp so sánh đối lập: cho học sinh tìm ra những nội dung có thể diễn đạt bằng nhiều cách, sau đó so sánh với cách diễn đạt của tác giả để thấy sự khác biệt và giải thích lí do lựa chọn cách viết của tác giả, từ đó rút ra kết luận văn bản này có phải được viết bằng phong cách ngôn ngữ khoa học không.

3.2.2.2. Cách thức tiến hành phương pháp so sánh đối lập

So sánh đối lập là hoạt động nhằm xác định sự khác biệt nhau giữa các hiện tượng đồng nghĩa, để từ đó rút ra một kết luận nào đó về đối tượng đang tìm hiểu. Trong dạy học thực hành phong cách học, có thể sử dụng phương pháp này để giải quyết những bài tập nhận diện phong cách chức năng của văn bản. Trong quá trình so sánh đối lập, học sinh sẽ thấy cái lí của việc sử dụng các yếu tố ngôn ngữ cụ thể, các phong cách chức năng cụ thể trong một văn bản được tìm hiểu. Quá trình so sánh đối lập có thể tiến hành như sau:

Từ ngữ liệu đã cho (phần bài tập), giáo viên yêu cầu học sinh chỉ ra những đơn vị trong ngữ liệu có thể được diễn đạt theo nhiều cách, yêu cầu học sinh tìm những yếu tố tương đồng có thể thay thế cho yếu tố đó, giải thích vì sao người viết lại lựa chọn yếu tố này.

Sau khi cho học sinh so sánh đối chiếu những yếu tố tương đồng đó, yêu cầu học sinh chỉ ra điểm khác biệt giữa chúng, sau đó, cho các em đối chiếu cách diễn đạt đó phù hợp với phong cách ngôn ngữ nào.

Ví dụ 1: Bài tập 1, sách Bài tập Ngữ văn 12 nâng cao, tập 1, trang 102: Hãy chỉ ra sự khác nhau trong hai cách diễn đạt sau. Cách diễn đạt nào thuộc phong cách ngôn ngữ khoa học?

a) Sen: Cây mọc ở nước, lá to tròn, hoa màu hồng hay trắng, nhị vàng, hương thơm ngẹ, hạt dùng để ăn.

b) Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng Nhị vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Để làm được bài tập này, học sinh cần so sánh hai cách viết về cùng một đối tượng: cây sen. Ở câu a): định nghĩa ngắn gọn, chính xác, sự sắp xếp các ý từ khái quát đến cụ thể, từ chung đến riêng, có tính lôgic chặt chẽ; ở câu

b): diễn đạt có hình ảnh, đa tầng về nghĩa, sử dụng biện pháp tu từ, sen ở đây mang tính hình tượng, văn bản được tổ chức dưới dạng thơ lục bát.

Từ việc so sánh đối lập hai cách diễn đạt đó, học sinh sẽ nhận diện được văn bản nào được viết theo phong cách ngôn ngữ khoa học.

Ví dụ 2: Bài tập 1, sách Ngữ văn 10 nâng cao, tập 1, trang 226: Đọc hai đoạn trích sau và cho biết những cách sử dụng phương tiện nào (về từ ngữ, về kiểu câu, về biện pháp tu từ) là nét riêng của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt:

- Tao mét má nghen! Má ơi thằng Bỉnh nó cởi truồng nè má! - Chị Hai cho em đi với!

- Tao đi đái chứ đi đâu mà theo! - Cho em một trái.

- Trái gì, tao làm gì có mà cho.

(Nguyễn Thi - Mẹ vắng nhà)

- Hôm nay sao u về muộn thế? Làm tôi đợi nóng cả ruột. - Có việc gì thế vậy? (…)

- Thì u hẵng vào trong nhà đã nào (…)

- Thì u hẵng vào ngồi trên giường trên diếc chĩnh chện cái đã nào. - U đã về ạ! (…)

- Kìa nhà tôi nó chào u (…)

- Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ. Chúng tôi phải duyên phải kiếp với nhau…Chẳng qua nó cũng là cái số cả. (…)

- Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng…

(Kim Lân - Vợ nhặt)

Để làm được bài tập này, học sinh phải so sánh về các mặt: từ ngữ, kiểu câu, biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn ngữ liệu với những yếu tố đồng nghĩa khác để thấy được điểm khác biệt giữa chúng, từ đó khẳng định cách

diễn đạt trong đoạn ngữ liệu có nhiều yếu tố thuộc phong cách ngôn ngữ sinh hoạt. Chẳng hạn, về từ ngữ: chú ý những từ ngữ địa phương (mét, má, nghen, nè, chị Hai, trái), cho biết câu chuyện xảy ra ở Nam Bộ, học sinh có thể tìm những từ đồng nghĩa với những từ ngữ này (mách, mẹ, nghe, này, quả) rồi giải thích vì sao tác giả lại không lựa chọn những từ kia mà lại lựa chọn những từ ngữ này; về kiểu câu: chú ý những câu mang tính chất khẩu ngữ (Má ơi…, …chứ đi đâu…, làm gì có…, chẳng qua nó là…,…lên giường lên diếc…, nhà tôi nó…), học sinh sẽ dễ dàng dẫn ra được những cách diễn đạt khác có nội dung tương tự cách nói này để so sánh chúng; về biện pháp tu từ: nói quá (nóng cả ruột), hiện tương “iếc” hóa (lên giường lên diếc)…

Từ những phân tích so sánh trên, học sinh có thể rút ra được kết luận về cách sử dụng phương tiện ngôn ngữ nào là nét riêng của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.

Những bài tập trong sách giáo khoa chỉ đóng vai trò rèn luyện cho học sinh kĩ năng nhận diện văn bản thuộc các phong cách ngôn ngữ khác nhau. Trong thực tế của việc học tập, học sinh thường xuyên tiếp xúc với đủ loại văn bản. Nếu có kĩ năng nhận diện văn bản tốt thì việc học tập của các em sẽ thuận lợi hơn. Vì vậy, việc rèn luyện cho học sinh thói quen tiếp xúc văn bản dưới góc độ phong cách học là một việc làm cần thiết.

Một phần của tài liệu Dạy học phong cách học trong chương trình ngữ văn trung học phổ thông luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 84 - 88)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(116 trang)
w