Phương pháp phân tích ngôn ngữ

Một phần của tài liệu Dạy học phong cách học trong chương trình ngữ văn trung học phổ thông luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 89 - 93)

6. Cấu trúc luận văn

3.3.1. Phương pháp phân tích ngôn ngữ

3.3.1.1. Bản chất và vai trò của phương pháp phân tích ngôn ngữ trong dạy học phong cách học

Phân tích ngôn ngữ học là phương pháp phổ biến trong dạy học tiếng Việt. Nó không chỉ được áp dụng trong dạy học lí thuyết mà còn được áp dụng trong dạy học thực hành. Việc phân tích văn bản bao giờ cũng bắt đầu bằng việc phân tích ngôn ngữ. Do vậy phân tích ngôn ngữ học là phương pháp được áp dụng đầu tiên và phổ biến nhất trong dạy học thực hành phong cách học.

Trên thực tế, bài tập dạng phân tích văn bản theo phong cách học chiếm tỉ lệ không nhỏ trong tổng số bài tập thực hành phong cách học trong chương trình Ngữ văn THPT, chiếm khoảng 25% (trên 30 bài).

Phân tích ngôn ngữ học trong dạy học thực hành phong cách học chính là từ ngữ liệu (bài tập) đã cho, theo yêu cầu của đề bài, giáo viên hướng dẫn học sinh phân tích các yếu tố ngôn ngữ trong ngữ liệu đó để rút ra kết luận nào đó về phong cách học. Điều cần rút ra đó chính là một vấn đề thuộc tri thức lí thuyết đã học. Ví dụ bài tập 3, sách Ngữ văn 10 nâng cao, tập 2 trang 23: Hãy làm sáng tỏ đặc điểm chung của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật qua việc phân tích bài Nhà nho vui cảnh nghèo (trích Hàn nho phong vị phú - Nguyễn công Trứ) và đoạn thơ sau:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp Con thuyền xuôi mái nước song song, Thuyền về, nước lại sầu trăm ngả

Củi một cành khô lạc mấy dòng.

(Huy Cận - Tràng giang)

Để làm được bài tập này, giáo viên cần hướng dẫn học sinh phân tích các yếu tố của ngôn ngữ trong văn bản và sau đó soi chiếu vào đặc điểm chung của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.

3.2.1.2. Các hình thức phân tích ngôn ngữ thường vận dụng trong dạy học phong cách học

Phương pháp phân tích ngôn ngữ trong dạy học thực hành phong cách học có thể được tiến hành như theo các hình thức sau:

a) Phân tích - phát hiện

Trên cơ sở các ngữ liệu mẫu, giáo viên sử dụng các câu hỏi định hướng để học sinh quan sát, so sánh đối chiếu tìm ra các nét đặc trưng cơ bản của khái niệm và quy tắc mới. Thao tác này được áp dụng để củng cố tri thức lí thuyết thông qua bài tập thực hành.

Ví dụ: Bài tập 3, sách Bài tập Ngữ văn cơ bản, tập 2, trang 72 (bài

Phong cách ngôn ngữ chính luận): Phân tích đặc trưng của phong cách ngôn ngữ chính luận thể hiện trong đoạn trích sau:

Tiếng nói là người bảo vệ quý báu nhất nền độc lập của các dân tộc, là yếu tố quan trọng nhất giúp giải phóng các dân tộc bị thống trị. Nếu người An Nam hãnh diện giữ gìn tiếng nói của mình và ra sức làm cho tiếng nói ấy phong phú hơn để có khả năng phổ biến tại An Nam các học thuyết đạo đức và khoa học của châu Âu, việc giải phóng dân tộc An Nam chỉ còn là vấn đề thời gian. Bất cứ người An Nam nào vứt bỏ tiếng nói của mình, thì cũng đương nhiên khước từ niềm hi vọng giải phóng giống nòi (Nguyễn An Ninh,

Tiếng mẹ đẻ - nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức).

Để hướng dẫn học sinh làm bài tập này, giáo viên sử dụng phương pháp phân tích - phát hiện. Trước hết, giáo viên đặt một số câu hỏi mang tính định hướng gợi nhắc học sinh nhớ lại tri thức lí thuyết đã học về đặc trưng

của phong cách ngôn ngữ chính luận, sau đó, yêu cầu các em phân tích biểu hiện của chúng trong ngữ liệu mà sách giáo khoa yêu cầu. Học sinh cần phân tích được ba đặc trưng cơ bản của phong cách ngôn ngữ chính luận đó là:

- Tính công khai về lập trường chính trị: Đoạn văn thể hiện rõ lập trường coi trọng tiếng nói dân tộc. Coi việc tự hào về tiếng nói dân tộc, làm cho nó phong phú chính là việc quan trọng nhất giúp giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị.

- Tính lập luận chặt chẽ: Câu đầu nêu luận điểm khái quát, hai câu sau nêu hai thái cực khác nhau - tôn trọng và bảo vệ tiếng nói dân tộc là góp phần giải phóng dân tộc, còn vứt bỏ, khinh miệt tiếng nói dân tộc thì cũng khước từ sự nghiệp giải phóng dân tộc.

- Tính hấp dẫn, thuyết phục: Đoạn văn thuyết phục người đọc bởi lí lẽ sát thực tế và lập luận chặt chẽ.

b) Phân tích - chứng minh

Phương pháp này nhằm củng cố, khắc sâu tri thức lí thuyết. Giáo viên đưa ra tài liệu ngôn ngữ chứa các hiện tượng ngôn ngữ mà các em mới được học, yêu cầu các em chứng minh bằng việc phân tích cụ thể từng yếu tố ngôn ngữ trong ngữ liệu. Thao tác này được lặp đi lặp lại một số lần cho đến lúc giáo viên yên tâm là các em đã nắm và áp dụng được khái niệm và đặc điểm của phong cách ngôn ngữ đó.

Ví dụ: Bài tập 4, sách Bài tập Ngữ văn 11 tập 2 trang, 72: Phân tích đặc điểm về các phương tiện diễn đạt trong đoạn văn thuộc phong cách ngôn ngữ chính luận sau:

Nay muốn một ngày kia nước Việt Nam được tự do độc lập thì trước hết dân Việt Nam phải có đoàn thể đã. Mà muốn có đoàn thể thì có chi hay hơn là truyền bá xã hội chủ nghĩa trong dân Việt Nam này (Phan Châu Trinh,

Với bài tập này, giáo viên hướng dẫn và yêu cầu học sinh tìm ra các yếu tố ngôn ngữ thuộc phong cách ngôn ngữ chính luận để làm sáng tỏ đặc điểm về cách thức diễn đạt của đoạn văn này. Cụ thể:

- Về từ ngữ: dùng nhiều thuật ngữ chính trị: đoàn thể, tự do độc lập, truyền bá, xã hội chủ nghĩa, nước…

- Về câu văn: Dùng nhiều câu ghép mạch lạc, có quan hệ từ chỉ mục đích, chỉ điều kiện và hệ quả: …muốn…thì …Hơn nữa, hai câu văn liên kết với nhau theo quan hệ móc xích.

c) Phân tích - phán đoán

Nhờ phân tích chứng minh, học sinh đã hình thành được kĩ năng cơ bản và giáo viên kiểm tra được kiến thức của học sinh. Tuy vậy, thao tác này đòi hỏi nhiều thời gian. Để tiết kiệm được thời gian và thành thục hóa kĩ năng mới được hình thành, giáo viên chuyển sang giai đoạn cho học sinh tiến hành phân tích - phán đoán. Thao tác này không yêu cầu học sinh tái hiện lại các định nghĩa, quy tắc mà cần nhận diện ngay các hiện tượng phong cách đã học. Để đạt hiệu quả chắc chắn, thao tác này chỉ được áp dụng khi thao tác phân tích - chứng minh đã thành thạo. Ví dụ ở bài tập 3 đã dẫn trên, khi yêu cầu phân tích các đặc trưng của phong cách ngôn ngữ chính luận thể hiện qua đoạn văn thì học sinh phải nhớ ngay ba đặc trưng: Tính công khai về lập trường chính trị, tính lập luận chặt chẽ, tính hấp dẫn thuyết phục của phong cách ngôn ngữ chính luận.

d) Phân tích - tổng hợp

Điều quan trọng trong dạy học thực hành phong cách học dạng bài phân tích văn bản theo phong cách chức năng là học sinh có thể vận dụng kĩ năng phân tích để tiếp cận văn bản dưới góc độ phong cách học, nghĩa là phải biến kĩ năng thành kĩ xảo, thành thói quen. Thao tác phân tích - tổng hợp là bước cao nhất, bước cuối cùng của quá trình phân tích, do vậy khi tiến hành

phương pháp phân tích ngôn ngữ học, người giáo viên phải hướng vào mục đích này.

Ví dụ: hướng dẫn học sinh làm bài tập 1, sách Ngữ văn 11 nâng cao, tập 2, trang 120: Đọc lại đoạn trích Về luân lí xã hội ở nước ta của Phan Châu Trinh (trang 90), phân tích, đánh giá đặc điểm của phong cách ngôn ngữ chính luận được thể hiện trong đó.

Để hướng dẫn học sinh làm bài tập này, giáo viên cần sử dụng phương pháp phân tích - tổng hợp. Học sinh phải đọc lại văn bản, phân tích các mặt biểu hiện của phong cách ngôn ngữ chính luận qua văn bản đó, rút ra nhận xét, đánh giá của bản thân về giá trị của văn bản.

Có thể nói, phân tích ngôn ngữ là phương pháp dễ áp dụng nhất trong quá trình dạy thực hành phong cách học. Phân tích văn bản theo phong cách chức năng thực chất là phân tích các yếu tố ngôn ngữ của văn bản. Do vậy phân tích ngôn ngữ học có thể được áp dụng đối với mọi bài tập dạng phân tích văn bản theo phong cách học. Phương pháp này được áp dụng đối với dạng bài tập đã cho sẵn ngữ liệu do đó học sinh cũng dễ dàng thực hiện. Tuy nhiên cũng như các phương pháp khác, muốn phát huy tính khả dụng của nó trong giờ học thì giáo viên cần kết hợp với những phương pháp khác để tiết học sinh động, hấp dẫn.

Một phần của tài liệu Dạy học phong cách học trong chương trình ngữ văn trung học phổ thông luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 89 - 93)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(116 trang)
w