Tri thức lí thuyết Phong cách học trong chương trình Ngữ văn THPT

Một phần của tài liệu Dạy học phong cách học trong chương trình ngữ văn trung học phổ thông luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 40 - 42)

6. Cấu trúc luận văn

2.1. Tri thức lí thuyết Phong cách học trong chương trình Ngữ văn THPT

Tri thức lí thuyết phần phong cách học trong chương trình Ngữ văn THPT đối với học sinh là phần khá mới mẻ. Ở cấp trung học cơ sở, học sinh chưa được tiếp xúc với loại bài này. Bởi vậy, để học sinh tiếp thu được tri thức, giáo viên phải có phương pháp dạy học phù hợp.

Một trong những tri thức lí thuyết quan trọng là hệ thống khái niệm về các phong cách chức năng ngôn ngữ (gọi tắt là phong cách ngôn ngữ) được học trong chương trình: Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt, Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật, Phong cách ngôn ngữ báo chí, Phong cách ngôn ngữ chính luận, Phong cách ngôn ngữ khoa học và Phong cách ngôn ngữ hành chính; kèm theo đó là các đặc trưng cơ bản của mỗi phong cách ngôn ngữ và cách thức sử dụng các phương tiện diễn đạt của từng phong cách chức năng ngôn ngữ cụ thể. Những tri thức này, trên thực tế, không phải hoàn toàn mới mẻ đối với học sinh, bởi vì, các em đã được tiếp xúc với nhiều văn bản trong giờ Đọc - hiểu. Về nguyên lí, bất kì văn bản nào cũng đều thuộc về một phong cách chức năng nhất định. Tuy nhiên, để hiểu vấn đề đúng bản chất khoa học của nó, không phải là chuyện đơn giản.

Để giảng dạy được phần phong cách học trong chương trình Ngữ văn THPT, người giáo viên phải nắm vững những tri thức cơ bản của bộ môn này. Đây là điều kiện tiên quyết đối với sự thành công trong mỗi tiết lên lớp của người giáo viên. Những tri thức này có thể xuất hiện trong bài học bằng những tên gọi cụ thể, song cũng có thể chúng không xuất hiện trực tiếp trong bài, nhưng người giáo viên vẫn phải vận dụng một cách linh hoạt. Nói cách

khác, để lên lớp thành công một tiết dạy phần phong cách học, giáo viên cần nắm vững các khái niệm chung về phong cách học và tu từ học. Đó là những khái niệm như: Phong cách, phong cách học, phong cách chức năng, phương tiện và biện pháp tu từ… Đây là những khái niệm then chốt, do đó, dạy bất cứ bài nào thuộc phần phong cách học, giáo viên cũng cần huy động. Hiểu biết của người giáo viên về mỗi phong cách ngôn ngữ cụ thể không chỉ dừng lại ở những nội dung trong sách giáo khoa mà cả những khái niệm cơ bản của tu từ học nữa.

Dạy học phong cách học, giáo viên còn phải hiểu biết sâu sắc về các chuẩn mực ngôn ngữ. Thiếu những hiểu biết về chuẩn mực ngôn ngữ, giáo viên không thể có điểm tựa để hướng dẫn, đánh giá sự đúng, sai, hay dở trong cách sử dụng ngôn ngữ của học sinh nhìn từ góc độ phong cách chức năng. Chuẩn mực của tiếng Việt được thể hiện ở mọi cấp độ: ngữ âm, chữ viết, từ ngữ, cấp câu, văn bản. Nói đến chuẩn mực là nói đến cái đúng. Cái đúng là cái được cộng đồng sử dụng ngôn ngữ chấp nhận ở một thời điểm nhất định, ở một giai đoạn nhất định trong quá trình phát triển của ngôn ngữ.

Người ta chia chuẩn mực ra làm hai loại: chuẩn mực ngôn ngữ là hệ thống các phương tiện được mọi người thừa nhận là hợp lí hơn cả, có hiệu quả hơn cả trong việc phục vụ cho giao tiếp xã hội ở một thời kì nhất định; còn chuẩn mực phong cách giải quyết vấn đề lựa chọn một biến thể hợp lí nhất, đúng đắn nhất trong số nhiều biến thể có khả năng sử dụng được trong việc giao tiếng bằng ngôn ngữ. Trong quá trình giảng dạy, một trong những vấn đề mà giáo viên thường hay gặp phải, đó là tình trạng sử dụng từ địa phương. Việc phát âm tiếng địa phương là cái không thể thay đổi ở mỗi người, nhưng khi giảng dạy, giáo viên phải tránh hiện tượng dùng từ ngữ địa phương. Tiếng Việt có hệ thống từ ngữ phổ thông dùng chung cho toàn dân. Trong dạy học, nhất thiết giáo viên phải dùng tiếng phổ thông. Ở môn Ngữ văn, yêu cầu này càng được đặt ra khắt khe hơn nữa.

Ngoài vấn đề chuẩn mực ngôn ngữ, khi dạy phong cách học, giáo viên cũng cần ý thức được chuẩn mực về phong cách. Nghĩa là sử dụng ngôn ngữ cần đảm bảo chuẩn mực, phù hợp với từng phong cách chức năng của văn bản được tạo ra. Chuẩn mực phong cách giúp cho người sử dụng ngôn ngữ đạt hiệu quả cao nhất trong giao tiếp bằng ngôn ngữ.

Những tri thức lí thuyết về phong cách học là cơ sở quan trọng, nhưng đó không phải là tất cả. Để dạy học tốt phần này, ngoài việc nắm vững tri thức lí thuyết, người giáo viên cần tự trang bị vốn sống, thực tế sử dụng ngôn ngữ của xã hội hiện nay, cách hành văn mới mẻ trong các tác phẩm nghệ thuật, xu thế hiện đại hóa giáo dục trên thế giới, những cách thức tiên tiến trong dạy học tiếng... Đó là những cơ sở giúp cho giáo viên tìm tòi những phương pháp và thủ pháp phù hợp trong dạy học phong cách học.

Một phần của tài liệu Dạy học phong cách học trong chương trình ngữ văn trung học phổ thông luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 40 - 42)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(116 trang)
w