Một số khái niệm cơ bản về phong cách học cần tiếp cận

Một phần của tài liệu Dạy học phong cách học trong chương trình ngữ văn trung học phổ thông luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 42 - 46)

6. Cấu trúc luận văn

2.2.1. Một số khái niệm cơ bản về phong cách học cần tiếp cận

Như ở mục 2.1. chúng tôi đã trình bày, để thực hiện thành công một tiết lên lớp kiểu bài phong cách học thì việc nắm chắc các tri thức cơ bản của bộ môn phong cách học - trong đó có hệ thống các khái niệm cơ bản của nó - là điều kiện tiên quyết. Ở mục này, chúng tôi đi sâu vào một số khái niệm cơ bản về mà giáo viên cần trang bị khi dạy học phong cách học.

2.2.1.1. Khái niệm phong cách

Từ phong cách trong tiếng Việt tương đương với từ Style trong tiếng Anh và từ Stylus trong tiếng La tinh. Nó đã từng được quan niệm là: nghệ thuật viết, nghệ thuật diễn đạt, nghệ thuật viết sao cho đạt hiệu quả; độ vênh so với cách sử dụng thông thường; sự tu chính; sự gợi nhắc cá nhân.

Phong cách là một trong những khái niệm trung tâm của phong cách học. Nhưng từ phong cách không chỉ được dùng trong phong cách học mà còn được dùng rộng rãi trong đời sống (phong cách sống, phong cách làm

việc, phong cách thời đại…). Hiểu theo nghĩa chung nhất, nói tới phong cách là nói tới một cái gì đó riêng biệt, độc đáo, được lặp đi lặp lại. Như vậy, phong cách được hiểu như một sự xác định cái riêng biệt của hành động trong mối quan hệ biện chứng giữa hình thức và nội dung.

Từ đó có thể khái quát: Phong cách là đặc trưng của hoạt động lời nói được lặp đi lặp lại với người nào đó, ở môi trường ngôn ngữ nào đó, có khả năng khu biệt kiểu diễn đạt ngôn ngữ. Nói cách khác, phong cách là đặc trưng của diễn ngôn, là kết quả của sự lựa chọn các phương tiện biểu đạt được xác định bởi bản chất và ý định của người nói hay người viết.

Cũng cần lưu ý rằng, trong khoa học Ngữ văn, khái niệm phong cách chức năng tồn tại bên khái niệm phong cách nghệ thuật. Chương trình ngữ văn THPT hiện hành trong phần lí luận văn học có khái niệm phong cách nhà văn (lớp 12, nâng cao). Với trình độ của học sinh, sự nhầm lẫn về nội dung giữa hai khái niệm này là điều khó tránh khỏi. Vì thế, ngay từ bài học đầu tiên (phong cách sinh hoạt), giáo viên phải có ý thức giúp học sinh phân biệt hai khái niệm nêu trên. Học sinh phải nhận thức được rằng, phong cách cá nhân là vấn đề thuộc lĩnh vực lí luận văn học. Với mỗi nhà văn, phong cách được hình thành bởi nhiều yếu tố: cái nhìn đối với đời sống, cách chiếm lĩnh thực tại, sự lựa chọn đề tài, cách xây dựng nhân vật, ngôn ngữ, giọng điệu tác phẩm... Ngược lại, phong cách chức năng thuộc lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ học. Đó là sự phân loại văn bản theo chức năng mà chúng đảm nhiệm trong hoạt động ngôn ngữ của con người.

2.2.1.2. Phong cách học

Các quan niệm về phong cách học:

Theo tác giả Ephimov A. I. trong cuốn Phong cách học tiếng Nga (M. 1969, tr.23), "người ta thừa nhận cách hiểu phong cách học là khoa học về các phong cách của ngôn ngữ. Khi nghiên cứu tính quy luật trong việc sử dụng

những phương tiện lời nói, phong cách học đánh giá lựa chọn và trau dồi những kiểu mẫu tốt nhất trong hoạt động nói năng của dân tộc. Nó phát hiện và khái quát hóa những phương thức và biện pháp có kết quả và hợp lí nhất trong việc sử dụng các phương tiện khác nhau của ngôn ngữ. Do đó phong cách học là khoa học về nghệ thuật ngôn từ, về những phương tiện diễn cảm của ngôn từ" [Dẫn theo 15, tr.5].

Theo tác giả Gal’chenko I. E. trong cuốn Những vấn đề cơ bản của phong cách học (Ordzhonnikidze, 1982, tr.5), "Phong cách là khoa học nghiên cứu cách sử dụng các phương tiện của ngôn ngữ trong xã hội và bồi dưỡng cho người nói và người viết những kĩ năng diễn cảm và đúng đắn: [Dẫn theo 15, tr.5].

Trong cuốn Các kiểu chức năng của lời nói Nga (M. 1982, tr.10), A.N. Kozhin cho rằng, "Phong cách học được quan niệm là học thuyết về những hình thức diễn đạt có hiệu quả nhất về tư tưởng và tình cảm theo cái nghĩa rộng nhất của từ này, về những phương tiện diễn cảm của ngôn ngữ, về sự lựa chọn và kết hợp hợp lí các phương tiện của ngôn ngữ trong những phạm vi giao tiếp nhất định, về những tính quy luật của việc sử dụng các đơn vị ngôn ngữ trong những hành vi của hoạt động lời nói" [Dẫn theo 15, tr.6].

Như vậy, ở mỗi quan niệm trên, phong cách được chú ý ở những điểm nhất định như: sự trau dồi những kiểu mẫu tốt nhất, phát triển những phương thức và biện pháp có kết quả tốt và hợp lí nhất (quan niệm thứ nhất); cách sử dụng các phương tiện ngôn ngữ, bồi dưỡng kĩ năng nói đúng và diễn cảm (quan niệm thứ hai); hình thức diễn đạt có hiệu quả nhất, những phương tiện diễn cảm, sự lựa chọn và kết hợp hợp lí (quan niệm thứ ba); những phương tiện của tính diễn cảm, những tính quy luật của hoạt động ngôn ngữ (quan niệm thứ tư). Từ đó chúng ta có thể khái quát Phong cách học là một bộ phận của ngôn ngữ học nghiên cứu nguyên tắc, quy luật lựa chọn và hiệu quả của lựa chọn, sử dụng toàn bộ các phương tiện ngôn ngữ nhằm biểu hiện một nội

dung tư tưởng tình cảm nhất định trong những phong cách chức năng ngôn ngữ nhất định.

2.2.1.3. Phong cách chức năng

Phong cách chức năng là sự tổng hòa mọi thủ pháp sử dụng, lựa chọn, kết hợp các phương tiện thông báo bằng lời, có ý thức về mặt xã hội, có điều kiện về mặt chức năng và thống nhất nội tại trong lĩnh vực ngôn ngữ toàn dân hay ngôn ngữ dân tộc, tương ứng với những phương thức biểu đạt khác nhau, phục vụ cho mục đích khác nhau, thực hiện những chức năng khác nhau trong thực tiễn ngôn ngữ của dân tộc nhất định [Vinogradov - dẫn theo 15, tr.142].

Tiếng Việt có sáu phong cách chức năng ngôn ngữ:

Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt: Là phong cách ngôn ngữ dùng trong giao tiếp hàng ngày, mang tính chất tự nhiên, thoải mái và sinh động, giàu cảm xúc, ít trau chuốt.

Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật: Là loại phong cách ngôn ngữ dùng trong các văn bản thuộc lĩnh vực văn chương (văn xuôi, thơ, kịch)

Phong cách ngôn ngữ báo chí: Là kiểu diễn đạt dùng trong các văn bản thuộc lĩnh vực truyền thông đại chúng, như văn bản dùng trong báo in, đài phát thanh, đài truyền hình, báo điện tử.

Phong cách ngôn ngữ chính luận: Là loại phong cách ngôn ngữ dùng trong những văn bản trực tiếp bày tỏ tư tưởng, lập trường, thái độ đối với những vấn đề thiết thực, nóng bỏng của đời sống, đặc biệt trong các lĩnh vực chính trị, xã hội.

Phong cách ngôn ngữ khoa học: Là loại phong cách ngôn ngữ dùng trong các văn bản thuộc lĩnh vực khoa học - công nghệ, thường gọi là văn bản khoa học.

Phong cách ngôn ngữ hành chính: Là loại phong cách ngôn ngữ thể hiện trong các văn bản thuộc lĩnh vực giao tiếp điều hành và quản lí xã hội, thường gọi là văn bản hành chính.

2.2.1.4. Phương tiện tu từ

Phương tiện tu từ là phương tiện ngôn ngữ thuộc các cấp độ khác nhau (ngữ âm, từ vựng, ngữ nghĩa, cú pháp, văn bản) đối lập về mặt tu từ với những phương tiện trung hòa (chỉ có ý nghĩa cơ bản mà không có màu sắc tu từ). Nói cách khác, phương tiện tu từ là phương tiện ngôn ngữ mà ngoài ý nghĩa cơ bản của nó còn có sắc thái tu từ.

2.2.1.5. Biện pháp tu từ

Biện pháp tu từ là cách thức sử dụng các phương tiện ngôn ngữ ở các cấp độ khác nhau (ngữ âm, từ vựng, ngữ nghĩa, văn bản) khác với cách sử dụng thông thường nhằm diễn đạt nội dung thông tin cảm xúc thẩm mĩ.

Trên đây là một số khái niệm cơ bản về phong cách học mà người giáo viên cần nắm vững khi triển khai tiết dạy kiểu bài phong cách học. Những khái niệm này sẽ giúp cho người giáo viên có một cái nền vững chắc, có một kiến thức đủ rộng để lên lớp đạt hiệu quả cao phần phong cách học ở trường phổ thông.

Một phần của tài liệu Dạy học phong cách học trong chương trình ngữ văn trung học phổ thông luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 42 - 46)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(116 trang)
w