37 Một người cha về quê ăn tế tx Bên ngoài => bên trong
3.2. Ngôn ngữ trần thuật
Mọi tác phẩm văn học đều được viết hoặc kể bằng lời: lời thơ, lời văn, lời tác giả, lời nhân vật…gọi chung là lời văn nghệ thuật. Lời văn là hình thức ngôn từ nghệ thuật của tác phẩm văn học. Ngôn từ là chất liệu tạo nên những giá trị biểu đạt, giá trị thẩm mĩ của văn bản văn chương. Đồng thời ngôn từ còn ý thức, là tư duy, là tư tưởng. Vì thế văn học là nghệ thuật ngôn từ. Mỗi nhà văn là một nhà sáng tạo nghệ thuật bằng ngôn từ. Do ngôn ngữ có nhiều ưu thế về tính khái quát, tính trừu tượng và tính đa nghĩa nên nó giúp nhà văn sử dụng nó để thể hiện sự sống động của cuộc sống muôn màu. Ngôn từ trở thành nhân tố chắp cánh giúp nhà văn nhân lên rất nhiều lần hiệu lực của sản phẩm mà họ sáng tạo ra. Trong tác phẩm văn học, ngôn từ bao giờ cũng gắn với thái độ và giọng điệu, phong cách của nhà văn. Khi xem xét ngôn từ nghệ thuật, Khrapchenco đã nêu ý nghĩa của nó: “không phải chỉ như là những cơ sở đầu tiên của tác phẩm văn học mà còn như là một hiện tượng của phong cách văn học”[…] và “với tư cách là một hiện tượng của phong cách”[53,371]. Nguyễn Thị Bình cũng khẳng định: “một nhà văn đích thực phải ý thức về mình như một nhà ngôn ngữ vì ngôn ngữ
là yếu tố đầu tiên quyết định cung cách ứng xử của anh ta. Là phương tiện bắt buộc để anh ta giao tiếp với bạn đọc. Đối với văn chương, ngôn ngữ không chỉ là cái vỏ của tư duy mà còn là tài năng, cá tính và quan điểm nghệ thuật”[65,351]. Đối với trần thuật, ngôn ngữ người trần thuật “chẳng những có vai trò then chốt trong phương thức tự sự mà còn là yếu tố cơ bản thể hiện phong cách nhà văn, truyền đạt cái nhìn, giọng điệu, cá tính của tác giả” [22,148]. Sự linh hoạt trong giọng điệu trần thuật của nhà văn góp phần tạo nên màu sắc đa dạng ở bình diện ngôn từ. Nguyễn Tuân là nhà văn được đánh giá là người có vốn từ vựng giàu có, nhiều tìm tòi trong diễn đạt, nhưng ông không bao giờ thỏa mãn với chính mình. “Công chức” trong đời sống, “công chức” trong văn chương là điều Nguyễn Tuân không chịu đựng nổi. Điều đó chứng tỏ nhà văn luôn ý thức rất cao về sự sáng tạo ngôn ngữ trong sáng tác văn học. Bằng tài năng và lao động nghiêm túc, nhà văn đã tự tìm cho mình một lối đi riêng, trong đó có ngôn ngữ trần thuật. Chỉ xét riêng truyện ngắn Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám, chúng ta đã nhận thấy sự đa dạng của giọng điệu và các cách thức sử dụng ngôn ngữ trần thuật. Bao trùm lên tất cả là một Nguyễn Tuân giàu có về ngôn ngữ, tài hoa, nhạy cảm về ngữ nghĩa của từ, ngữ điệu của câu, luôn hướng tới sự mới mẻ, lạ hóa trong dùng từ và diễn đạt trong ngôn ngữ trần thuật… Dấu ấn riêng trong ngôn ngữ trần thuật của Nguyễn Tuân thể hiện trước hết ở sự kết hợp tài tình giữa ngôn ngữ kể và ngôn ngữ tả trong lời văn trần thuật.