Điểm nhìn trần thuật khách quan (trần thuật không tham dự)

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nguyễn tuân (Trang 51 - 57)

37 Một người cha về quê ăn tế tx Bên ngoài => bên trong

2.1.2.Điểm nhìn trần thuật khách quan (trần thuật không tham dự)

Phương thức trần thuật không tham dự (khách quan hoá) là trần thuật ở ngôi thứ ba (vắng mặt). Với điểm nhìn này, người trần thuật (chính là tác giả) không phải là nhân vật trong truyện, thường kể về người khác ở vị trí khách quan. Nghĩa là người kể luôn có ý thức giữ một khoảng cách nhất định đối với sự kiện, nhân vật. Người kể như là người chứng kiến, biết hết mọi sự việc, nhân vật nhưng tách mình ra khỏi sự đồng cảm với sự việc được kể, như một nhà quay phim đang “lia ống kính” để thu những khuôn hình chân thực nhất, tiêu biểu nhất đang xảy ra. Với cách trần thuật này, người kể chuyện thường thể hiện thái độ khách quan, dửng dưng với sự việc được kể, sử dụng ngôn ngữ trần thuật ở dạng trung tính. Cách kể này thuyết phục người đọc bởi tính xác thực của sự kiện, tình tiết, chi tiết và đem đến cho tác phẩm màu sắc khách quan tối đa.

Chọn điểm nhìn trần thuật khách quan được rất nhiều nhà văn có tên tuổi lựa chọn. Tuy nhiên, cùng một phương thức trần thuật nhưng ở mỗi nhà văn, tuỳ sở trường và phong cách nghệ thuật, họ đã tạo nên những sắc thái riêng và phong cách trần thuật khác nhau. Nguyễn Công Hoan hóm hỉnh, tinh quái; Vũ Trọng Phụng mỉa mai cay độc; Nguyên Hồng bình tĩnh tả, kể cảnh nghèo, cảnh khổ như một người vô tình chứng kiến và ghi lại; Tô Hoài quan sát tỉ mỉ và tinh tế, thông minh, hóm hỉnh kèm đôi nét tâm lí và triết lí đượm sắc thái buồn pha chút mùi vị chua chát kiểu Nam Cao; Nam Cao hiện thực tỉnh táo, dửng dưng, lạnh lùng, chua chát đến tàn nhẫn; Bùi Hiển có cái chất hài hước, khoẻ khoắn, châm biếm dí dỏm, cái chất “nói trạng” lạc quan, tươi tắn của đời sống dân gian Nghệ Tĩnh... Nguyễn Tuân cũng chọn cho mình lối trần thuật này nhưng theo một lối kể riêng, khá đa dạng về sắc thái: lúc hài hước, trào phúng; lúc lạnh lùng, khinh bạc; lúc xót xa, tiếc nuối; lúc rờn rợn ma quái…Nét nổi bật trong phong cách tự sự của Nguyễn Tuân là dù kể về cái gì, miêu tả cái gì cũng nhằm mục đích gây được ấn tượng đậm nét, phải tạo được cảm giác mãnh liệt cho người đọc. Phong cách này chi phối rất rõ hệ thống đề tài và hình tượng nghệ thuật trong sáng tác của ông trước Cách

mạng tháng Tám. Trong số 38 truyện ngắn tiêu biểu của Nguyễn Tuân trước 1945 (Theo Truyện ngắn Nguyễn Tuân, Nxb Văn học, 2004), số tác phẩm sử dụng lối trần thuật khách quan chiếm 26 truyện (68.4%) và hầu hết đó là những tác phẩm để lại nhiều ấn tượng nhất đối với độc giả. Có thể khẳng định, Nguyễn Tuân sở trường ở lối trần thuật ở ngôi thứ ba (khách quan hoá) nhưng vẫn thiên về góc nhìn chủ quan với cách nhìn bên trong. Vì thế, đằng sau mỗi câu chuyện, mỗi nhân vật, dù nhà văn cố “giấu mình”, tỏ ra khách quan thì độc giả vẫn nhận ra thái độ, tấm lòng của ông đối với cuộc đời. Chọn cách trần thuật này, Nguyễn Tuân có điều kiện phô diễn đầy đủ nhất cái “tôi” độc đáo, tài hoa, uyên bác của mình.

Khi viết về mảng đề tài vẻ đẹp “Vang bóng một thời”, Nguyễn Tuân thường sử dụng lối kể chuyện ở ngôi thứ ba (người kể chuyện vắng mặt) với một nhịp điệu chậm rãi, đĩnh đạc và trang trọng. Dường như “Khi hướng về cái đẹp của đời sống văn hoá dân tộc, cái tôi Nguyễn Tuân lùi xa về hậu cảnh, nhường toàn bộ các khuôn hình từ đặc tả đến toàn cảnh cho những đường nét màu sắc cổ kính “vang bóng, với một thái độ đặc biệt trân trọng”[20,361]. Đó là cách trần thuật mà qua mỗi câu chuyện “Nguyễn Tuân đã làm hoạt động dưới mắt người đọc cả cái thời dĩ vãng thắm màu đỏ, và đã tìm diễn được những đặc sắc và những triết lí cũ kia”[49,267].

Trong truyện ngắn Hương cuội, người kể chuyện lặng lẽ quan sát và tái hiện lại cung cách sinh hoạt của “một cái gia đình cũ kĩ nhà cụ Kép” vào buổi chiều ba mươi tết. Cái “không khí của những ngày đi mất ấy” hiện về qua từng câu văn nhẹ nhàng, chậm rãi nhưng rất gợi: “Mợ Ấm cả, mợ Ấm hai ngồi lau lá dong chăm chỉ. Thỉnh thoảng họ ngừng tay, để hỏi nhau xem còn thiếu những thực phẩm gì trong cái mâm cơm cúng chiều nay. Lũ con đàn, bi bô ở ngoài sân. Chúng đang đánh bóng ở ngoài sân những lư, đỉnh, cây đèn nến bằng đồng mắt cua và bằng thiếc Sông Ngâu” [74,123]. Cụ Kép làng Mọc là người thích uống rượu ngâm thơ và chơi hoa lan. Trong vườn lan nhà cụ có đủ các giống lan: Tiểu kiều, Đại kiều, Nhất điểm, Loạn điểm, Yên tử, đông lan, Trần mộng, nhiều nhất là Mặc lan. Trước đây, nghĩ mình là thân nhà nho giữa thời buổi Tây Tàu nhố nhăng, làm tiêu mất bao nhiêu giá trị tinh thần, lúc ấy phải lo cho sự mất còn của mình, cụ không dám nghĩ đến chuyện chơi hoa. Mỗi năm một lần, cụ Kép tổ chức tiệc Thạch lan hương vào rằm Nguyên Tiêu, khắp vườn treo lồng đèn. Đá cuội

tròn được rửa sạch, bọc kẹo mạch nha xung quanh rồi đặt vào lòng chậu hoa lan vừa nở, xong úp lồng bàn giấy lên mười chậu Mặc lan, ủ từ đêm trước đến đêm rằm Nguyên tiêu. Khi Mặc lan mãn khai, cũng là lúc cụ Kép cho mở từng chiếc lồng bàn để bắt đầu tiệc rượu. Thạch lan hương đã biến thành một thứ lễ nghi thiêng liêng của những bậc tài tử chơi hoa, của đạo sống thanh cao, tao nhã. Tái hiện lại đạo sống thanh cao của những con người một thời xa ấy một cách trang trọng và sống động chỉ có ở Nguyễn Tuân: “Một mùi hương lan bị bỏ tù trong bầu không khí lồng bàn giấy phất từ đêm qua, đến bây giờ vội tản bay khắp vườn cây. Bốn cụ và bõ già đánh hơi mũi; những cặp mắt kém cỏi đăm đăm nhìn kĩ khoảng không trong vắt như có ý theo dõi luồng hương thơm thấm nhập dần vào các lớp khí trời.

Cơn gió nhẹ pha loãng hương thơm đặc vào không gian.

- Dạ, xin rước các cụ. Dứt tiếng cụ Kép, tất cả bốn cụ đều úp lòng tay vào nhau thi lễ và giơ tay chỉ thẳng vào giữa, mời nhau ai cao tuổi xin nhắp chén trước đi. Tiệc rượu bắt đầu. Bõ già kính cẩn chắp tay đứng sau lưng chủ, có vẻ cũng thèm say lắm” [74,130].

Cùng với rất nhiều truyện khác như Những chếc ấm đất, Chén trà sương, Đèn đêm thu…Nguyễn Tuân tiếp tục đặt điểm nhìn sự kiện và con người từ bên ngoài để dựng lại sinh động cái thú hưởng lạc tao nhã của đám tài hoa tài tử, những sinh hoạt hàng ngày của một thế hệ nhà nho “bất đắc chí” một thời. Tất cả đã được lí tưởng hoá, được tôn lên thành một thứ lễ nghi trang trọng, thậm chí thành một đạo sống, một lí tưởng cao cả của đám người mê thanh sắc muốn thoát li hẳn cuộc đời phàm tục này. Người đọc khâm phục Nguyễn Tuân bởi khả năng “phục chế” chính xác, sinh động ngôn ngữ, cử chỉ, cái hương vị cũ kĩ của một thời đã xa như chính mình là người trong cuộc. Đó là sự trân trọng mà Nguyễn Tuân dành cho những vẻ đẹp “vang bóng một thời”.

Bữa rượu máu, Một đám bất đắc chí, Chữ người tử tù…là những truyện ngắn tiêu biểu cho lối trần thuật khách quan tối đa, Nguyễn Tuân gọi là lối viết lạnh. Dường như mọi cảm xúc, thái độ, tình cảm của người kể chuyện giấu kín, đạt đến “độ zéro”.Chỉ có sự việc, tình huống, chi tiết lên tiếng. Chính vì thế, những truyện ngắn này đã gây ra nhiều ý kiến đánh giá trái ngược. Lí Văn, Phó Kình, Cai Xanh trong Một

đám bất đắc chí là những chân dung độc đáo, hào sảng, đầy huyền thoại về những tay anh chị giết người không gớm tay, trước một “tiếng bạc lớn”. Hành tung bí mật, họ “nghèo, cực, khái”, “lấy chỗ tiền bạc của bọn bất nghĩa, đem chia cho anh em khác nghèo như mình”. Có phải họ chống Pháp? “Có mấy lần, Cai Xanh hay bàn với những người thân tín về việc ông Thám ngoài Yên Thế”[74,142], hay họ chỉ “tự đặt ngay mình vào địa vị của người dám nghĩ dám làm”. Con dao của Cai Xanh “sau những lần cắm ngập vào thớ thịt nóng hổi của bao nhiêu tử thi, dao đó lại trở lại nằm trong hầu bao của Cai Xanh. Chung quanh con dao thép sáng ngời, một huyền sử đã bao trùm” [74,142]. Và “những lúc nhàn tản, không dự một đám cướp to nào, những lúc nhỡ độ đường không có tiền trả những hàng quán hẻo lánh”, Cai Xanh đưa hộp thuốc lào có mặt hổ phù để làm tin. Chủ quán chỉ nhìn đến cái mặt hổ phù trên hộp là xanh mặt, chối ngay: “Dạ không dám. Khi nào ông anh sẵn thì ông anh cho đàn em xin. Cái đó có là bao mà dám phiền lòng ông anh”[74,143]. Cách hành xử tạo uy trước của Lí Văn, Cai Xanh, Phó Kình là của đám anh chị trong giang hồ. Nhưng họ không giết người bậy, chỉ trừ những lúc nguy nan phải ra tay để gỡ lấy mạng mình. Tài nghệ phóng dao, phóng mai của Phó Kình, Lí Văn quả là thượng đẳng. Nếu ngón bút chì bách phát bách trúng của Phó Kình còn thô, “chưa được ngọt đòn”, thì ngón bút chì của Lí Văn, chỉ vừa khít làm gãy chân gà, chứ chưa phạm đến “tính mệnh” gà! Nguyễn Tuân trình bày một thứ nghệ thuật thượng đẳng của một đám bất đắc chí đã nhúng tay vào tội ác mà vẫn còn vương vấn lương tâm, một hạng anh hùng hảo hán lai trộm cướp. Cái cách miêu tả lạnh lùng, thản nhiên nghệ thuật “ném bút chì” của đám Lí Văn, Phó Kình, Cai Xanh của Nguyễn Tuân đem đến cho người đọc nhiều thán phục lẫn nghi ngại cái quan niệm độc đáo của nhà văn. Phan Cự Đệ có lí khi ông cho rằng: “ở đâu tác giả cũng cố gắng tìm thấy cái đẹp nên đôi khi cái đẹp nghệ thuật vị nghệ thuật của ông xuất hiện vào những trường hợp khá oái oăm, tàn nhẫn: cái đẹp của một nghệ thuật “ném bút chì”, cái đẹp của những dòng chữ một người tử tù, cái đẹp của một nghệ thuật chém treo ngành rất ngọt. Ở đây vô hình trung nhà văn đã đi tìm “cái đẹp” ngay cả trong những hành động tàn bạo, đao phủ”[49,272-273]. Đó là những mâu thuẫn sâu xa trong quan niệm về cái đẹp của Nguyễn Tuân. Nhưng đó mới chính là văn Nguyễn Tuân: tài

hoa, thích độc đáo, thích gây sự. Đúng như Nguyễn Tuân từng nói: nghề văn là “cái nghề dùng chữ nghĩa mà sinh sự, mà sinh sự thì sự sinh”(dẫn theo Đinh Trí Dũng). Ở loạt truyện mà nhà văn gọi là Yêu ngôn, Nguyễn Tuân chủ yếu sử dụng lối trần thuật khách quan để thể hiện cái “tôi” thích đi tìm những cảm giác mới lạ, mãnh liệt. Với lối trần thuật này, Nguyễn Tuân thoả sức tung hoành sức mạnh của trí tưởng tượng, của tài hoa và vốn ngôn ngữ giàu có để diễn tả những cảm giác khác thường, điều mà ông không tìm thấy trong hiện tại.

Trong truyện Khoa thi cuối cùng, Nguyễn Tuân dựng lại cảnh một hồn ma báo oán thật ghê rợn. Hai anh em ông Đầu Xứ Anh, Đầu Xứ Em, nổi tiếng hay chữ nhất vùng Hà Nam, lều chõng đi thi với bao hi vọng hiển đạt của bản thân cùng bạn bè, thầy học.Thế nhưng, oan hồn người đàn bà hiện lên giữa trường thi phá tan giấc mộng của họ. “Ông Đầu Xứ Anh vào trường thi, rồi oan hồn hiện lên, ngay ở kì đệ nhất. Một người đàn bà trẻ, xoã tóc, ẵm con, hiện ngay dưới chân lều, ngay chỗ đầu chõng, kêu khóc giữ rịt lấy tay không cho viết quyển nữa. Gào khóc chán, người đàn bà ấy lấy mớ tóc xoã quất vào mặt ông bỏng rát lên. Lại cười sằng sặc, lấy nghiên mực hắt vào ống quyển của ông…Lúc gần chiều, ông nổi một cơn đau bụng hắc loạn, phải bỏ dở kì thi, nhờ người dìu về nhà trọ”[74,189]. Đến lượt ông Đầu xứ Em vào trường thi, hồn ma cũng không chịu buông tha: “hễ cứ động ngòi bút lên mặt quyển là ông Đầu Xứ Em lại thấy đau bụng, đau quằn quại”. “Trong tiếng ngọn lửa reo, lại có tiếng cười nói lanh lảnh. Khói bốc lên, khói trụt tụt toả xuống soai soải…Trước mắt ông Đầu xứ Em mê mệt và hoảng hốt, những vờn khói- thoảng mùi gây gây, khen khét, và tanh lợm - bỗng sẫm hẳn lại thành một mớ tóc xoã u hiển đóng khung lấy một khuôn mặt người” [74,200,201]. Tất cả những chi tiết, sự kiện diễn ra ở trường thi được người kể chuyện thuật và miêu tả lại nhằm lí giải một sự thật về sự báo oán của oan hồn kia. Nguyên nhân là, “sinh thời, cụ Huấn đẻ ra hai ông đã phạm vào một việc thất đức”[74,190]. Cụ đã gây ra cái chết của một nàng hầu nổi tiếng tài hoa, đã có mang bảy tháng. Oan hồn người đàn bà ấy đeo đẳng, cất lên tiếng nói, thề trả thù xưa, quyết làm cho người sống phải lụn bại.

Trong truyện Rượu bệnh, Nguyễn Tuân chủ yếu sử dụng điểm nhìn trần thuật khách quan để thuật, kể về chân dung một ông vua uống rượu thường được gọi là Bố

Ô. Hình tượng Bố Ô lần lượt hiện lên, kì lạ từ lai lịch, đến cách sống: “Người ta không rõ ông cụ ấy tên gì và người ở đâu. Mỗi buổi sớm lúc giời đất còn lờ mờ, ông cụ đã ngồi sẵn ở các cửa ô Hà Nội, không ai rõ người có tuổi đó làm nghề gì”[74,273]. Con người ấy “dáng điệu thì khuất nhục, ngôn ngữ lúc thì hóm hỉnh, chơi chơi thật thật cứ y như là tiên hiện hình xuống để thử lòng người đi qua”[74,275]. Với một cái chén gỗ lớn, một cái ghế gỗ con, mỗi buổi sáng tinh mơ ông ngồi ở một cửa ô, đón các cô hàng rượu để thử rượu. Không ai rõ thân phận Bố Ô, có lúc ông hiện ra là một người lịch lãm, hiểu biết sâu sắc mọi lẽ ở đời. Ông bảo ban cô Cốm (cô hàng bán rượu mà Bố Ô quý mến) “lắm điều hữu ích về lẽ xuất xứ của một cô gái ngồi hàng chợ, một nơi mà người đi thì không biết bao nhiêu đấng và của thì không rõ bao nhiêu loài”. Có lúc người ở kẻ chợ thán phục cái người say rượu có tuổi vừa làm một việc lộng hiểm có hiệu quả là làm đại náo dinh quan Thượng để cứu cô Cốm bị cậu ấm con quan đầu tỉnh bắt làm nhục. Mạch trần thuật thỉnh thoảng xen vào những đoạn miêu tả với những tưởng tượng đặc sắc của người kể chuyện, làm cho câu chuyện về nhân vật đã kì lạ, càng kì dị hơn. Ví dụ, cách uống rượu của Bố Ô: “Một chén. Bốn năm chén. Mười chén. Ba mươi chén. Chén nào Bố Ô cũng chỉ làm có một hơi. Nhanh như kẻ khát đường vớ được nước suối rừng, vục nón xuống mà múc lấy múc để. Và rượu vào đến đâu, là chân ông già lại đẫm tuôn mồ hôi ra đến đấy, làm dầm dề cả gối. Nhiều dòng nước trắng cứ theo mỗi chân tóc mà tuôn ra”[74,280]. Căn bệnh Bố Ô mắc phải cũng kì quái: bệnh rượu. “Ở khắp mình kẻ có tật nguyền kia, những thứ ung thư rất kì quái cũng bắt đầu phát ra. Nó to bằng quả trứng ngỗng. Có đến hàng chục quả trứng ngỗng nổi rõ trên khắp thân thể. Lúc nó nung chín, nổ vỡ bục ra; rồi theo sau…phì phì là một thứ nước trắng như sữa dừa. Quệt vào mũi không thấy tanh. Chỉ thấy hăng sè. Nước cay ấy nhầy nhờn nơi lá màn, chăn gối và áo quần. Lũ ruồi nhặng tưởng bở đậu xuống đưa vòi ra hút phải đều say ngất đi như bị thuốc mê cánh cụp lại và chân cẳng co ngửa lên giời rụng ngã xuống mặt chiếu”. Cái chết của con người này cũng khác thường: chết rượu, chết cháy. Bố Ô uống rượu đến mức toàn thân như một cây men, khi bắt lửa, toàn thân bốc cháy không gì dập tắt được. Xác cháy trong hơi rượu, cũng thơm, ngông như người: Ngọn lửa xanh lè vờn lấy mình ông già đang say mềm. Xác Bố Ô nứt đến

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nguyễn tuân (Trang 51 - 57)