37 Một người cha về quê ăn tế tx Bên ngoài => bên trong
2.2.2. Nhịp điệu trần thuật chậm rãi, khoan thai, đĩnh đạc
Ở các truyện được kể với nhịp điệu nhanh, Nguyễn Tuân chú ý nhiều đến sự phát triển liên tục của cốt truyện, của sự kiện để tạo kịch tính và kết thúc bất ngờ. Vì thế trong những truyện ngắn ấy thường thiên về thuật, rất ít xuất hiện các đoạn tả cảnh, tả tình, những hồi ức để tạo nên những cách quãng trong mạch trần thuật. Ngược lại, số lượng lớn truyện ngắn Nguyễn Tuân trong quá trình trần thuật thường xuất hiện nhiều quãng ngắt, khoảng lặng làm mạch truyện chùng lại, không bị chuồi theo sự kiện. Những quãng ngắt, khoảng lặng ấy được tạo nên bởi sự phối xen các đoạn tả cảnh, tả diễn biến nội tâm, những đoạn hồi tưởng của nhân vật, hoặc bình luận “trữ tình ngoại đề” về sự việc, về nhân vật của người trần thuật…đã gây ấn tượng về sự chậm chạp của nhịp kể, sự dài dòng, lan man của mạch kể. Những thủ thuật kể ấy góp phần tạo nên nhịp điệu chậm rãi, khoan thai, đĩnh đạc rất đặc trưng trong truyện ngắn Nguyễn Tuân. Trong tập Vang bóng một thời, các câu chuyện đều được kể một cách chậm rãi, thong thả. Truyện thường xoay quanh một vài nhân vật, ít biến cố sự kiện phức tạp nhưng người đọc vẫn cảm giác truyện khá dài dòng là do sự xuất hiện của nhiều đoạn tả cảnh, tả tâm trạng, tả chân dung, những hồi ức…xen vào khi trần thuật.
Truyện ngắn Những cái ấm đất dường như chỉ xoay quanh nhân vật cụ Sáu. Người kể chuyện có lúc nhập vào nhân vật nhà sư, lúc nhập vào cụ Sáu, chậm rãi kể dưới hình thức những suy tư, hồi ức theo thời gian về cuộc đời ông cụ Sáu, một người cả đời chỉ đam mê phong vị trà tàu, không màng danh lợi. Cách trần thuật ấy tạo ra những quãng ngắt cho mạch truyện. Đang thuật truyện người nhà cụ Sáu xin nước giếng chùa về cho cụ Sáu pha trà, mạch truyện bắt sang hai trang văn vừa tả cảnh, vừa tả hình ảnh nhà sư nhìn theo bọn người xin nước vừa miên man nghĩ đến cụ Sáu, “thở dài tỏ ý tiếc cho một kiếp chúng sinh còn vướng mãi vòng nghiệp chướng. Lời kể của người trần thuật hồi tưởng về mối quan hệ tri kỉ giữa nhà chùa cùng cụ Sáu làm cho người đọc hình dung cốt cách một con người: “Cụ Sáu vốn đi lại với nhà chùa đây kể ra đã lâu. Từ trước cái hồi nhà sư già tới trụ trì. Mấy pho tượng Phật Tam thế bằng gỗ mít đặt ở trên bệ và mấy pho kinh in giấy đại thừa là của cụ Sáu cúng đấy […]. Ông cụ Sáu tì tay vào thành giếng nhờn mịn rêu xanh, chỉ ngón tay xuống lòng giếng sâu thẳm gần hai con sào mà nói: “Chùa nhà ta có cái giếng này quý lắm. Nước rất ngọt. Có lẽ tôi nghiện trà tàu vì nước giếng chùa nhà đây. Tôi sở dĩ không nghĩ đến việc đi đâu xa được, cũng là vì không đem theo được nước giếng này đi để pha trà […]. Chỉ có nước giếng đây là pha trà không bao giờ lạc mất hương vị”…Vẫn là những độc thoại của nhà sư: “Ông cụ Sáu này, nếu không đam mê cái phong vị trà tàu, đam mê đến nhiều khi lầm lỗi, nếu ông ta bỏ được thì cũng thành một ông sư taị gia. Danh và lợi, ông ta không màng. Phá gần hết cơ nghiệp ông cha để lại, ông ta đã coi cái phú quí nhỡn tiền không bằng một trà tàu”[75,46].
Người đọc có cảm giác truyện dài dòng bởi Nguyễn Tuân còn xen vào mạch truyện một câu chuyện thứ hai của một người khách lạ kể cho cụ Sáu nghe về một người ăn mày cổ quái, rất sành uống trà tàu. Chỉ sau chén trà thứ hai đã phát hiện trong ấm trà gia chủ cho uống có lẫn mùi trấu, khiến mọi người kinh ngạc. Mạch truyện tiếp tục với những đối thoại nhịp nhàng, chậm rãi giữa chủ và khách về người ăn mày kì lạ, về những ấm trà quý, tiễn nhau bằng mấy tuần trà. Đối với cụ Sáu, được gặp những người như thế, cùng thưởng thức trà ngon, đàm đạo về trà tàu, cuộc đời không còn gì bằng.
Truyện Chén trà sương chỉ vẹn vẹn trong sáu trang sách kể về cách thưởng thức một ấm trà buổi mai của cụ Ấm mà người đọc có cảm giác đó là câu chuyện của cả một đời người, của một điệu sống đặc biệt. Cụ Ấm sống thanh bạch, cô đơn nhưng hạnh phúc bên chén trà và đốm lửa. Cái cách chuẩn bị để uống một ấm trà vào buổi mai của cụ Ấm thật nhiều công phu, đã trở nên một lễ nghi thiêng liêng. Nguyễn Tuân dựng lại không khí ấy bằng sự quan sát tỉ mỉ, tả rất chi tiết, nhiều liên tưởng thú vị, nhịp văn đi rất chậm: “Trong cảnh trời đất lờ mờ chưa đủ phân rõ phần đêm và phần ngày, ông cụ Ấm có cả phong thái một triết nhân ngồi rình bước đi của thời gian. Đêm đông dài không cùng. Nó mênh mông và tự hết rất chậm chạp […].
Cụ Ấm phẩy phành phạch quạt mo theo một nhịp nhanh chóng trước hoả lò. Hòn than tàu lép bép nổ, nghe rất vui tai. Và làm vui cho cả mắt nữa, tàn lửa không có trật tự, không bị bó buộc kia còn vẽ lên một khoảng không gian những nét lửa ngang dọc, cong queo ngoằn ngoèo […].
Những hòn than tàu cháy đều, màu đỏ ửng, có những tia lửa xanh lè vờn ở chung quanh. Không khí mỗi lúc giao động càng nâng cao thêm những ngọn lửa xanh nhấp nhô. Hòn lửa rất ngon lành, trở nên một khối đỏ tươi và trong suốt như thỏi vàng thổi chảy.
Thỉnh thoảng, từ hòn than tự tiêu diệt buột ra một tiếng khô, rất khẽ và rất gọn. Thế rồi hòn than đi hết một đời khoáng chất. Bây giờ hòn than chỉ còn là một điểm lửa ấm áp trong một cái vỏ tro tàn dầy và trắng xốp. Cụ Ấm vuốt lại mái tóc trắng, cầm thanh đóm dài đảo lộn tàn than trong hoả lò, thăm hỏi cái hấp hối của lũ vô tri vô giác” [74,149,150]. Thời gian như ngừng trôi. Không gian tĩnh lặng. Cụ Ấm tìm thấy bao nỗi niềm trong cảnh sống đơn độc bằng cách nói chuyện với: hòn than và lửa. Chỉ trong khoảng tích tắc, cụ Ấm chứng kiến những “tang thương biến đổi”, một đời than, đời lửa tàn lụi đi qua tâm hồn đa cảm của cụ Ấm. Cụ quan sát, hỏi thăm giây phút hấp hối của lũ vô tri vô giác kia. Cụ thương cảm cho cái chết của than và lửa. Rồi cụ ngậm ngùi bỏ thêm vài hòn than khác vào hoả lò…Tiếng nước sôi rộn ràng đưa cụ trở về với thực tại. Cuộc trà bắt đầu với những lễ nghi: “Cụ khẽ nâng vuông vải tây phủ điều trên khay trà gỗ trắc có chân quỳ. Nhẹ nhàng, khoan thai, cụ Ấm nhắc cả đĩa dầm chén tống chén quân ra khỏi lòng khay...”[74,150]. Thật trịnh trọng, thật công phu. Bởi theo cụ,
“Trong ấm trà pha ngon, người ta nhận thấy cả mùi thơ và một vị triết lí”[74,151]. Từ ngôn ngữ kể kết hợp miêu tả nội tâm nhân vật cụ Ấm, mạch truyện rẽ ngang bởi những hồi tưởng của cụ Ấm về những ông khách tạp, uống trà rất tục và chuyện ngày xưa thời còn là học trò, cụ vinh dự được quan Đốc cho đứng hầu trà buổi sớm mai...Rồi nhà văn dềnh dàng với những suy nghĩ về tác dụng của việc uống trà, ngâm thơ lúc thanh tâm, “Âu đó cũng là một quan niệm và một phép vệ sinh của thời cũ”[74,149-154]; là câu chuyện hai cha con cụ Ấm đàm đạo văn chương bên cuộc trà; là câu chuyện lấy nước pha trà không gì thơm bằng cái thứ nước, như những giọt thuỷ ngân đọng trên lá sen mỗi sáng mai… Cách kể phối xen nhiều thủ pháp kể, tả, liên tưởng, hồi tưởng… như vậy làm cho sự vận động của thời gian, của nhịp sống trong truyện như thuộc về một thế giới khác. Qua nhịp điệu trần thuật chậm rãi, trang trọng trong Những chiếc ấm đất, Chén trà sương và còn nhiều truyện khác như Hương cuội, Thả thơ…Nguyễn Tuân đã tìm được nhịp điệu trần thuật phù hợp để tái hiện sinh động cuộc sống thanh cao của một lớp người xưa cũ. Thú uống trà không chỉ là cử chỉ ăn uống tầm thường mà là một hành vi đặc biệt, có nghi lễ, nhịp điệu rõ ràng. Đó là một điệu sống thanh cao của những con người tài hoa, lánh xa cuộc đời phàm tục, không màng danh lợi. Nguyễn Tuân đã gửi vào đó bao nhiêu là tha thiết và trân trọng.
Rất nhiều tác phẩm Nguyễn Tuân sử dụng lối kể chuyện có sự đan xen giữa mạch kể và tả như trên. Trong Ngôi mả cũ, xen vào mạch kể về gia cảnh hai chị em cậu Chiêu và cụ Hồ Viễn - một viên tướng Cờ Đen võ nghệ cao cường nay làm thầy địa lí là những đoạn văn tả cảnh, những liên tưởng tạt ngang, tạo nên những quãng ngắt trong mạch trần thuật. Đang từ câu chuyện về cụ Hồ Viễn làm cậu Chiêu thích thú, mạch truyện rẽ ngang với một đoạn văn tả cảnh đầy chất thơ: “Giàn bầu nậm ở ngoài sân, dây leo và lá chằng chịt lấp chật ô giàn nứa, đã làm dịu hẳn cái nắng tháng tư ở trước mặt nhà. Ánh nắng đổ xuống giàn, khi lọt xuống sàn bị cái cốt xanh ngắt của cây lá lọc qua một lượt, rồi đổ dồn và vờn vào vải trắng dài cậu Chiêu đang ngửng đầu ngắm những quả bầu nậm buông thõng xuống ngang mặt. Cái áo vải trắng cậu chiêu đã biến thành một màu áo lụa màu xanh của một người phong lưu và đa tình. Đấy là cái màu dịu mát của chất ngọc bích; đấy là màu xanh ở những cánh đồng lúa non ngút ngàn của những xứ yên ổn không bao giờ có nạn binh lửa. Gió nam từ ngoài luỹ tre già
thưa đưa vào, làm va đụng vào nhau những bình rượu của Tự Nhiên. Những quả bầu mà được cứng lần cùi như chất vỏ cây khô, thì mỗi khi cơn gió vèo đẩy những bình rượu ấy văng cụng vào nhau, người ta sẽ nghĩ ngay đến cái hình và cái tiếng của lũ khánh đất nung và cá đất nung ở cái sân cây cảnh một gia đình thanh bạch”. Tiếp đến là cảnh một đêm trăng: “Hai cái sừng trăng đã mở to, đã đầy dần. Rồi vừng trăng tròn vẽ lên trời, lần thì cái quầng, lần thì cái tán. Thế rồi nó khuyết ở đầu ngọn tre, những lúc gió sớm giục canh gà gọi nước bể dâng lên. Trăng tháng tư đã gần hết một tuần”[74,116-117]. Những đoạn văn như thế xen vào trong mạch trần thuật, làm tăng thêm cái chất thơ của khung cảnh sống thanh bạch của hai chị em cậu Chiêu. Còn người đọc có cảm giác Nguyễn Tuân có vẻ lan man trong mạch kể, lại vừa bất ngờ bởi những liên tưởng độc đáo, thú vị của tác giả.
Nhịp điệu trần thuật chậm rãi trong truyện ngắn Nguyễn Tuân còn bị chi phối bởi cách xây dựng kết cấu truyện theo tuyến tính thời gian và đặc điểm lời kể thường ít lời thoại. Nếu có thì cũng rất chậm, đối thoại đầy tính nghi lễ, nhịp nhàng. Câu văn, nhịp văn chậm rãi buông theo những cảm xúc của người kể chuyện. Trong loạt truyện
Yêu ngôn, nhà văn chú trọng miêu tả cảnh vật nhuốm màu kì dị để gây ấn tượng, gợi cảm giác kì lạ cho con người chứ không chú trọng xây dựng tình huống bất ngờ để đẩy nhanh nhịp điệu kể. Truyện Trên đỉnh non Tản kể về những bí ẩn về ngôi đền Thượng trên đỉnh núi Tản. Mạch truyện được triển khai theo lối kết cấu thời gian tuyến tính, cách kể giàu tính chất truyền kì dân gian. Từng câu chuỵện được kể rất chậm rãi, phối hợp với nhiều đoạn văn miêu tả khung cảnh kì lạ và nội tâm nhân vật càng làm cho nhịp điệu kể chậm chạp hơn. Nguyễn Tuân chậm rãi dẫn người đọc vào một thế giới của ngàn xưa, của “thời thạch khí”; của “những trận hồng thủy dữ dội, tàn khốc bởi cuộc đánh ghen giữa vua Thủy và một trong bốn vị thần trong bốn vị Tứ Bất tử nơi thế giới u linh: Thánh Tản Viên”; “của chỏm non Tản chứa cả một thế giới của bí mật, của huyền ảo”. Người ta truyền rằng, rất khó để đến được đền Thượng. Ai đến được đó rồi thì sống để dạ, chết mang theo. Truyện kể rằng: “Hình như có một lần, đâu có ông phủ Quốc Oai nói chuyện một cách sợ sệt về đền Thượng với quan Đốc học Sơn Tây. Ông phủ Quốc Oai mới chỉ nói có mấy câu về việc ông ta mang trộm về được ít đá cuội và một mẫu gỗ chò thế rồi lăn đùng ra chết”[74,170]. Cái viên đá cuội ấy, khi đập ra có
một cái nhân nhỏ màu trắng tiết ra một mùi hương đượm của quả men rượu ủ trấu. Đem thả vào bát nước mưa, uống thấy say ngát vô cùng. Từ câu chuyện về hòn đá cuội kì dị ấy, tác giả miên man kể tiếp những câu chuyện kì lạ khác về đám thợ mộc làng Chàng Thôn - những người được Thần Non Tản bắt đi trùng tu đền Thượng. Con đường lên núi Tản của đám phó mộc cũng kì dị. Một bến Gòn hoang vắng, “im vắng đến nỗi dòng nước chảy xuôi cũng không chịu lên tiếng”. “Đêm thẳm”, “nước đặc sịt”, “lừ đừ”, “đen ngòm, đen kịt”, “thăm thẳm”. Đám thợ ra đi “như đi vào cái rỗng tuếch của không gian”, “như trong một giấc mơ thần”. “Thế rồi cả đoàn người cứ thấy bay lên, cứ chọc thủng các lớp mây. Từ dưới bay vụt thẳng lên cao lắm, hiệp thợ ấy chỉ là những hạt mẳn sắt bị một khối đá nam châm xa cao tít tắp hút ngược lên”[74,168-179]. Rồi bỗng “rơi cả bọn đánh bịch một cái trên một vật cứng và mát”. Một thế giới huyền ảo, kì lạ hiện ra với suối Tịch Mịch có nhiều đá cuội làm gạo nấu cơm và chế rượu uống. Cơm không cần phải nấu, “những nhân đá xanh vàng kia, cứ đập rời ra, bốc bỏ mồm là đủ hương vị một hạt cơm, một hạt xôi rồi. Nhân đá trắng, thả vào những gióng tre Đằng Ngà khổng lồ đựng nước suối đem uống với nhau, thấy ngà ngà say, lâng lâng”. Một vườn đào, với “những trái đào rợ Hồ nhân hột có dáng cái thai đứa trẻ gục đầu ngủ quên. Rớt xuống thảm cỏ, hột Hồ đào hóa thành luống cúc tần có bảy lá mốc”. Ánh sáng trên đó “lúc nào cũng nhờ nhờ như nước gạo pha loãng, không kể trưa, không kể tối”. Còn những người thợ mộc sau khi trùng tu ngôi đền Thượng xong, họ không bao giờ dám hé răng cậy miệng nói lấy nửa lời về chuyện họ đã ở hơn một tháng trên non xanh. Kẻ nào lỡ lời là chết ngay lập tức, không ai hiểu ra sao cả. Chỗ cổ người chết có một cái nhọt bọc. “Nặn nhọt ra, có một cái ngòi xanh lè, dài vừa đúng một cái lá trúc con. Con trúc đao! Sự trừng phạt của Thần Non Tản!”[74,173] đối với những kẻ lỡ lời về ngôi đền. Vừa thuật, kể, vừa sử dụng nhiều đoạn văn miêu tả giàu liên tưởng và tưởng tượng như vậy làm không khí của câu chuyện tăng thêm vẻ huyền bí, người đọc dường như đắm chìm trong một thế giới u linh, thần tiên, với những cảm giác rờn rợn hòa lẫn những cảm giác thú vị, mới mẻ về chốn “Ngàn thăm thẳm kín mật”. Cùng với các truyện khác như Xác ngọc lam, Rượu bệnh, Loạn âm, Lửa nến trong tranh..., Nguyễn Tuân đã cho người đọc thấy khả năng tuyệt vời của trí tưởng tượng và tài hoa trong việc dựng không khí mang màu sắc Liêu Trai cho tác phẩm. Chính những đoạn tả
cảnh, dựng không khí như thế làm cho nhịp điệu câu chuyện chùng xuống, lắng lại, tạo nên những khoảng lặng cho người đọc suy tư. Vì thế, sức gợi, sự ám ảnh của hình tượng trong tác phẩm càng sâu đậm hơn.
Một số truyện trong tập Nguyễn của Nguyễn Tuân thường gợi cảm giác dàn trải vì cách dẫn dắt mạch truyện bị ngắt, tãi ra với nhiều phần, đoạn kể và tả về những sự việc, nhân vật khác nhau; hoặc do mạch cảm xúc kéo dài, không dừng được của nhân