Giọng điệu khách quan lạnh lùng

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nguyễn tuân (Trang 87 - 90)

37 Một người cha về quê ăn tế tx Bên ngoài => bên trong

3.1.2.Giọng điệu khách quan lạnh lùng

Trong một lần đề cập đến nghề viết của mình, Nguyễn Tuân cho rằng: “Có hai lối viết, tôi gọi là lối nóng và lối lạnh. Cũng như tạng người, có tạng hàn, tạng nhiệt. Tôi thích lối viết lạnh”[49,159] (dẫn theo Hà Văn Đức, Nguyễn Tuân tác gia và tác phẩm). Lối viết lạnh này thể hiện trong một số truyện ngắn của Nguyễn Tuân viết về các đối tượng quan lại tay sai và bọn thực dân xâm lược. Ở những tác phẩm này, âm hưởng phê phán xã hội khá rõ. Một vụ bắt rượu lậu đả kích một lũ quan lại sâu mọt ở nông thôn với tất cả những thủ đoạn hạch sách, nhũng nhiễu, vơ vét của chúng. Tri phủ Thiệu Hoá tỉnh Thanh tâm địa xấu xa mà mở mồm là giở giọng mị dân, khuyến khích đám hương chức kì cựu “nên giảng giải cho lũ đàn em về cái đức làm dân đối với bề trên không được tỏ vẻ kháng cự và cái đạo làm dân trong một nước thái bình, ở một thời yên lặng, phải đóng sưu thuế theo tạp dịch đều đều […]. Rồi nhà nước sẽ thương tới và quan phủ hứa thêm rằng ngài đã bẩm tỉnh cho thì tha hồ mà được nhờ”. Một “ông Đề cặp mắt sáng như tia lửa, những lúc nheo nheo mi mắt lại, thì không khác gì mắt con cú vọ lúc ở trên cành cây gạo chú mục nhìn đống thịt chết ở trên mặt đất”. Đấy là cặp mắt đe doạ, nhắc nhở kẻ dưới quyền như thầy lí hãy biết điều, hãy cận thận,

“rằng một ngày rất gần đây, chúng nó sẽ phải thay đổi chủ và thầy thì cố nhiên sẽ mất sở hữu ấy”[74,29-30].

Bữa rượu máu chứa cả một bí mật nội dung lẫn hình thức của một áng văn độc đáo, một thách đố ngang tàng về đề tài và thi pháp. Sử dụng lối viết lạnh, Nguyễn Tuân đưa người đọc đến với một thứ nghệ thuật kì bí, ma quái, nghệ thuật “Chém treo ngành”. Bát Lê là chỗ đầy tớ trung thành của quan Tổng đốc. Y nổi tiếng với tài chém đầu những người bị án trảm một cách gọn ghẽ, không bao giờ đến hai nhát. Bát Lê xuất hiện trong một không khí rùng rợn, khác thường: Phía tây thành Bắc nổi lên một vườn chuối um tùm, lạ kì thay, sáng nay xác chuối nằm ngổn ngang bởi một bàn tay bí mật. Đám vợ lính khiếp sợ bởi những tiếng hát phù thuỷ, tiếng roạt roạt và những nhát chém. Họ đem nỗi sợ ấy về hỏi chồng và được những người lính cơ “cảm động sợ hãi và cắt nghĩa: Ông Bát Lê sắp làm việc đấy”[74,77]. Thái độ của bọn lính về Bát Lê đặt nhiều nghi vấn. Ông ta là ai? Thiên thần hay ác quỷ? Để thực hiện lệnh xử trảm mười hai tử tù cho “sắc tay”, Bát Lê được quan Đổng lí cho luyện nghề ở vườn chuối. Mấy trăm cây tươi vô tội ngã gục dưới bàn tay y. “Bát Lê trịnh trọng tiến vào cái khu vườn chuối đã dọn từ hôm trước để nhận lấy lưỡi gươm thí nghiệm cuối cùng của một cuộc tập chém. Y đứng giữa hai dãy chuối, tay phải cầm ngang thanh quất…Thế rồi vừa hát vừa chém, vừa chém bên trái, vừa chém bên phải, Bát Lê đã hát hết mười bốn câu và đánh gục mười bốn cây chuối. Bát Lê quay mình lại, ngắm nhìn công trình phá hoại của mình. Thì ở mười bốn cây chuối chịu tội kia thân trên bị chém vẫn còn bị dính vào phần gốc bởi một lần bẹ giập nát”[74,80-81]. Thật hoàn hảo, nhưng đó chỉ là tập chém. Tại pháp trường, Bát Lê mặc áo trắng, thắt khăn Lê điều, khai đao hành quyết như một vũ công. Trong âm thanh: “Một tiếng loa. Một tiếng trống. Ba tiếng chiêng. Dứt một hồi chiêng mớm, thì một tấm linh hồn lìa khỏi xác. Tùng! Bi li! Bi li! Bát Lê bắt đầu hoa thanh quất mấy vòng. Rồi y hát những câu tẩy oan với hồn con tội. Trong nhà rạp, các quan chỉ nghe thấy cái âm lơ lớ rờn rợn. Viên Công sứ Pháp chăm chú nhìn Bát Lê múa lượn gữa hai hàng tử tù và hát đến đâu thì những đầu tội nhân bị quì kia chẻ gục đến đấy. Những tia máu phun lên kêu phì phì, vọt cao lên nền trời chiều. Mà trên áng cỏ hoen ố, không một chiếc thủ cấp nào rụng xuống”. Điều khiến viên Công sứ kinh

ngạc là “trên quần áo trắng hắn không có một giọt máu nào phun vấy được vào”[74,83].

Đoạn văn này được viết bằng bút lạnh gần như tuyệt đối. Thái độ người viết không để lại dấu vết trên bề mặt câu chữ. Miêu tả cảnh xử trảm mười hai tội nhân kia, Nguyễn Tuân tạo nên những ý nghĩa lập lờ. Bát Lê là đao phủ hay chỉ là nạn nhân thực hiện lệnh quan thầy? Có phải Nguyễn Tuân bất chấp tất cả chỉ quan tâm đến nghệ thuật, đến cái tài “chém treo ngành rất ngọt của Bát Lê? Những tử tù kia, họ có phải là đồng chí của Nguyễn Thiện Thuật qua hai chữ “Bãi Sậy”?, hay những người yêu nước đầu thế kỉ XX? Nhưng chút tình cảm yêu nước ấy trong lòng người đọc bị xoá ngay bởi một lối viết lạnh, hoàn toàn vô can. Cảnh tượng quá rùng rợn nhưng ngôn ngữ Nguyễn Tuân như những nhát dao, không vướng máu và nước mắt, cũng không chút bàng hoàng, gào thét, căm hờn, không dấy lên một mảy may tình cảm thường tình của nhân thế.

Đọc truyện ngắn này, chúng ta nhận ra những mâu thuẫn sâu xa trong quan niệm về cái đẹp của Nguyễn Tuân trước cách mạng tháng Tám. Đọc kĩ văn bản Bữa rượu máu, quả thật hình tượng Bát Lê xuất hiện khá đậm đặc, nhất là cảnh y rượt nghề ở vườn chuối và thực hành án trảm tại pháp trường được Nguyễn Tuân miêu tả công phu, đầy nghệ thuật. Tuy nhiên, chuyện về Bát Lê chỉ là phần nổi, thâm ý của nhà văn có lẽ nằm ở những dòng viết về viên quan Tổng đốc và vị Công sứ Pháp đang cùng thưởng thức một “bữa rượu máu”. Hành động của tên Tổng đốc thi hành án trảm cũng đầy ẩn ý hướng về phía Công sứ Pháp, khi y thổ lộ với Bát Lê “cho một vị quan Tây ở đây thấy rõ cái cách chém người sắc tay của một người đầy tớ hầu cận ta là như thế nào”; và y còn “ân cần” buộc thầy thông ngôn Nam Kì dịch cho bằng được sáng kiến man rợ của y cho tên Tổng đốc: “Bẩm quan lớn, chém treo ngành như thế này là phải lựa vào những lúc việc quân quốc thanh thản, số tử tù ít thôi. Gặp phải những lúc nhộn nhạo quá, án chém nhiều, tử tù đông quá, thì ti chức đã có cách khác. Là chẻ đôi cây tre đực dài ra, cặp vào cổ tù xếp hàng, nối đuôi, quỳ hướng về một chiều. Đại để nó cũng như là cái lối thanh tre cặp gắp chả chim mà nướng ấy. Rồi Bát Lê sẽ cầm gươm mà róc ngang như người ta róc mắt mía”. Những câu nói nghe rất man rợ, thản nhiên của tên Tổng đốc chứa đầy vẻ kiêu hãnh, ngạo mạn. Phải chăng y đang đánh tự bóng mình,

hay y xu nịnh, hay để cho quan thầy thán phục và khiếp sợ nghệ thuật hành quyết độc nhất vô nhị của y? Y là kẻ thừa hành pháp lệnh hay là một tác giả của tội ác? Hình tượng cơn gió lốc oán thù đuổi theo quan công sứ lúc ra về chứa nhiều thâm ý của tác giả, mặc dù lời văn vẫn như là vô can: “Lúc quan công sứ ra về, khi lướt qua mười hai đầu lâu còn dính vào da cổ người chết quỳ, sân pháp trường sắp giải tán bỗng nổi lên một trận gió lốc xoáy rất mạnh […]. Trận gió xoắn, giật, hút cát bụi lên, xoay vòng quanh đám tử thi và đuổi theo các quan đang ra về. Cái mũ trắng ở trên đầu quan công sứ bị gió lốc dữ dội lật rơi xuống bãi cỏ lăn lộn mấy vòng. Mọi người liếc trộm hai quan thủ hiến và thì thào”[74,79-84].

Chỉ có sự việc được miêu tả, được thuật lại khách quan, thái độ người trần thuật dường như là vô can, bình thản, không bình luận như trong Chữ người tử tù hoặc các truyện khác, nhưng đó lại là những chi tiết biết nói. Từ câu chuyện về tài “chém treo ngành” của Bát Lê đến chuyện hai tên quan hoan hỉ uống “Bữa rượu máu”, những lời nói lạnh lùng man rợ của tên Tổng đốc, cơn gió lốc hất tung mũ tên quan Tây xuống đất…đã giúp người đọc nhận ra thái độ của nhà văn. Dường như chủ đề, cảm hứng truyện đã thay đổi sang hướng đả kích kín đáo chế độ thực dân nhiều hơn. Rõ ràng, khi nhà văn khách quan, tỉnh táo trong trần thuật, để cho sự việc trong tác phẩm tự lên tiếng, thì ngôn ngữ tác phẩm giàu tính đa thanh, văn bản nghệ thuật sẽ ngầm chứa nhiều tầng ý nghĩa sâu hơn. Bữa rượu máu của Nguyễn Tuân đã trở thành một “tảng băng trôi”(Hê-ming-uê). Với những tác phẩm có nghệ thuật trần thuật như vậy luôn luôn tạo được sự thích thú và hướng người đọc đến những khám phá mới về nội dung tác phẩm.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nguyễn tuân (Trang 87 - 90)