TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN TUÂN 2.1. Điểm nhìn trần thuật
Trần thuật là một phương tiện cơ bản của phương thức tự sự, là một yếu tố quan trọng tạo nên hình thức của tác phẩm văn học. Sức hấp dẫn của tác phẩm tuỳ thuộc rất nhiều vào nghệ thuật trần thuật của nhà văn. Trong tác phẩm văn xuôi tự sự, nội dung trần thuật phải được thể hiện từ điểm nhìn, bằng quan điểm trần thuật nào đó. Xác định điểm nhìn trần thuật nghĩa là chỉ ra vị trí từ đó người trần thuật nhìn ra và miêu tả sự vật, tường thuật câu chuyện trong tác phẩm. Điểm nhìn trần thuật “là phương thức phát ngôn trình bày miêu tả phù hợp với cách nhìn, cách cảm thụ thế giới của tác giả” [63,149]. Điểm nhìn “thể hiện vị trí người người kể dựa vào để quan sát, cảm nhận,
trần thuật, đánh giá các nhân vật và sự kiện” [68,104]. Nhà văn không thể miêu tả, trần thuật các sự kiện về đời sống nếu không xác định cho mình một điểm nhìn đối với sự vật hiện tượng, nó như “mở một con đường đi vào rừng rậm” (Puđôpkin). Như vậy, “điểm nhìn trần thuật là một trong những yếu tố hàng đầu của sáng tạo nghệ thuật […] ngày nay là một vấn đề then chốt của tự sự học” [68,175] và có mối quan hệ mật thiết với cấu trúc nghệ thuật, giọng điệu của tác phẩm, với cách cảm thụ thế giới, thái độ của nhà văn. Khi nghiên cứu cấu trúc văn bản, chúng ta cần quan tâm đến điểm nhìn, chỗ đứng mà tác giả lựa chọn. Chính điểm nhìn, chỗ đứng này chi phối cách miêu tả, đánh giá sự việc, câu chuyện và thành cơ sở để người đọc chúng ta cân nhắc, lựa chọn thái độ đối với hiện thực, nhân vật được phản ánh . Ngoài ra, xác định đúng điểm nhìn trần thuật của tác giả sẽ tạo cho người đọc cái thế nhìn sâu hơn vào tác phẩm, đưa họ đến cái điểm nhận thức và cảm thụ mà nhà văn muốn đạt đến. P.lubbock, một trong những người đầu tiên chỉ ra mối liên quan giữa vấn đề người kể chuyện với vấn đề “điểm nhìn”, tuyên bố: “Tôi cho rằng toàn bộ vấn đề rắc rối về phương pháp trong nghệ thuật sáng tác phụ thuộc vào vấn đề “điểm nhìn” - vấn đề thái độ của người kể chuyện với việc trần thuật” (dẫn theo Đỗ Hải Phong) [65,118]. Với những cây bút tài năng, quan điểm trần thuật không chỉ đảm bảo tính hợp lí, mà còn trở thành một hình tượng nghệ thuật độc đáo. Cách vận dụng linh hoạt các điểm nhìn trần thuật góp phần tạo nên tính sinh động và hấp dẫn cho tác phẩm văn học. V.Ekhalidev đã nhận xét: “Trong tác phẩm tự sự điều quan trọng là tương quan giữa các nhân vật với chủ đề trần thuật, hay nói cách khác điểm nhìn của người trần thuật đối với những gì anh ta miêu tả”. Điều đó có nghĩa là nội dung trần thuật trong tác phẩm tự sự bao giờ cũng được trao cho một người nào đó, đó là người môi giới giữa hiện tượng được miêu tả với người nghe. Nhà văn có thể tiến hành trần thuật theo quan điểm của mình, hoặc trao nó cho người trần thuật, hoặc theo điểm nhìn của một trong số các nhân vật hoặc kết hợp luân phiên các quan điểm của các nhân vật khác nhau. Người kể chuyện có thể là người tham gia vào câu chuyện như một nhân vật, có thể là người chứng kiến và cắt nghĩa các sự kiện đã xảy ra. Tuỳ theo quan điểm điểm nhìn được lựa chọn mà người trần thuật xuất hiện dưới những tư cách khác nhau. Có khi là người kể chuyện xưng “tôi” kể về những gì của chính mình đã trải qua, đã quan sát giữ quyền kể chuyện từ đầu đến cuối tác phẩm
(trần thuật theo ngôi thứ nhất - chủ quan hoá). Có khi kể chuyện theo ngôi thứ ba vô tình nào đó (trần thuật khách quan hoá) không xuất hiện và không tham gia vào quá trình diễn biến của câu chuyện, câu chuyện dường như tự nó hiện ra. Có thể nói, việc lựa chọn các phương thức trần thuật gắn liền với quan điểm trần thuật của nhà văn. Tuỳ theo tiêu chí phân loại mà có cách phân chia các kiểu điểm nhìn khác nhau. Căn cứ vào khoảng cách giữa chủ thể và đối tượng, cuốn Nhập môn văn học đã chia quan điểm trần thuật trong tác phẩm tự sự thành năm loại: quan điểm trần thuật tham dự,quan điểm trần thuật không tham dự, quan điểm trần thuật thông suốt, quan điểm trần thuật khách quan, quan điểm trần thuật thông suốt và cả chọn lọc [72,31]. Căn cứ vào vị trí người kể chuyện dựa vào để quan sát, trần thuật, đánh giá các nhân vật và sự kiện có các loại: điểm nhìn bên trong, điểm nhìn bên ngoài, điểm nhìn không gian, điểm nhìn thời gian, điểm nhìn tâm lí. Xét về trường nhìn trần thuật có trường nhìn tác giả (trần thuật không tham dự - khách quan), trường nhìn nhân vật (trường nhìn tham dự). Xét về bình diện tâm lí có điểm nhìn bên trong và điểm nhìn bên ngoài…
Việc chọn điểm nhìn và tổ chức điểm nhìn để trần thuật có vai trò quyết định đến sự thành công hay thất bại của tác phẩm tự sự. Theo Hoàng Ngọc Hiến, “việc nhà văn chọn quan điểm trần thuật từ đó câu chuyện được kể cũng giống như nhà thơ chọn chi tiết hay thể thơ tự do hay thơ không vần, sự lựa chọn này sữ góp phần vào hiệu quả của tổng thể mà câu chuyện sẽ có”. Đối với một nhà văn có tài, họ sẽ chọn được một vị trí trần thuật mà họ cảm thấy tốt nhất. Và dù chọn điểm nhìn trần thuật nào, với mọi sự biểu hiện, miêu tả đều từ tác giả mà ra vì “lí luận hiện đại không phân biệt ngôi thứ nhất hay ngôi thứ ba mà mọi trần thuật đều xuất phát từ cái “tôi”hiểu biết, đều là ngôi thứ nhất cả, chỉ khác nhau ở mức độ ẩn hiện” [19,187]. Song để tạo nên hình tượng nghệ thuật, tác giả có thể tạo ra môi giới đứng ra kể chuyện, quan sát, miêu tả; cũng có thể trong tác phẩm, người trần thuật theo ngôi thứ ba ẩn mình, và người trần thuật theo ngôi thứ nhất lộ diện… Những sự phân chia này hoàn toàn mang tính tương đối và thuần tuý mang tính nghệ thuật. Tuỳ thuộc vào quan điểm phản ánh hiện thực và tài năng, mỗi nhà văn có cách lựa chọn và tổ chức điểm nhìn trần thuật riêng. Nguyễn Tuân là một nhà văn hiện đại, sáng tác của ông thể hiện quá trình hiện đại hoá tư duy nghệ thuật ở sự thay đổi, cách tân điểm nhìn trần thuật. Truyện của ông không chỉ có
một chủ thể trần thuật mà có sự trần thuật đa chủ thể, cùng với tác giả trần thuật còn có nhân vật tự kể, hồi tưởng, còn có nhân vật tràn thuật, đánh giá cho nhau, về nhau…Sự đa dạng, linh hoạt trong cách trần thuật này làm câu chuyện được kể trong truyện ngắn Nguyễn Tuân trở nên uyển chuyển, hấp dẫn, đa thanh về sắc thái ngôn ngữ trần thuật.