Nhịp điệu trần thuật nhanh, gấp gáp

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nguyễn tuân (Trang 66 - 70)

37 Một người cha về quê ăn tế tx Bên ngoài => bên trong

2.2.1. Nhịp điệu trần thuật nhanh, gấp gáp

Như đã trình bày ở phần trên, yếu tố tạo nên nhịp điệu trần thuật là những sự kiện, biến cố, tình tiết được đan cài bởi các thủ pháp kể của nhà văn. Theo Li-kha- chốp, “Với một biến cố thật lớn, xảy ra trong một khoảng thời gian rất ngắn đã gây ấn tượng về sự vận động nhanh chóng của thời gian. Ngược lại biến cố ít sẽ gây ấn tượng về sự chậm chạp”. Điều đó có nghĩa là biến cố và thời gian vận động sẽ chi phối tốc độ nhịp điệu trần thuật trong tác phẩm tự sự. Theo thuyết “thời gian giả” của Genette, muốn khám phá nhịp điệu trần thuật trong tổng thể chung của tác phẩm tự sự, trước hết cần xem xét cụ thể về các vận động tự trong văn bản truyện. Và sự tương tác giữa các vận động sẽ tạo ra nhịp điệu kể chuyện của tác phẩm. Genette cho rằng “nếu đem số trang dành cho một (một vài) sự kiện hoặc một (một vài) phần của văn bản truyện để chia cho khoảng thời gian thực tế (năm, tháng, ngày…) tương ứng của câu chuyện được kể thì sẽ thấy được sự biến đổi của nhịp điệu kể chuyện”[62,51]. Trên cơ sở lí thuyết này, chúng ta thấy những tác phẩm được trần thuật với nhịp điệu nhanh, diễn biến cốt truyện thường có nhiều biến cố, sự kiện xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn và mạch kể ít có quãng ngắt.

Khảo sát truyện ngắn Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám, chúng tôi nhận thấy, một số tác phẩm phản ánh đời sống hiện thực viết theo khuynh hướng hiện thực phê phán thường được kể với một nhịp điệu nhanh, nhiều tiết đoạn diễn biến mạch truyện khá gấp gáp. Đó là các truyện Một vụ bắt rượu lậu, Đánh mất cái ví, Thời sự, Một cảnh rước dâu chạy tang…Mặc dù, hầu hết trong các truyện ngắn Nguyễn Tuân, cốt truyện không nhiều sự kiện. Tuy nhiên do áp lực của sự việc, thời gian, và các thủ pháp kể (cách xây dựng tình huống bất ngờ) của nhà văn nên diễn biến tâm lí của nhân vật, của sự việc vận động liên tục đã tạo nên nhịp kể nhanh. Có lẽ cách kể này hướng tới sự tái hiện hiện thực khách quan. Trong truyện Đánh mất cái ví, mạch truyện diễn tiến khá nhanh do tác giả sử dụng nhiều đối thoại và hầu hết khá ngắn để thuật câu

chuyện khá tội nghiệp về cuộc sống khó khăn của những nhà nho kiết Khoá Liêm, ông Tú. Ở lối kể này, tác giả ít tả cảnh, nghiêng về thuật. Diễn biến tâm lí nhân vật cũng đựoc tả khá nhanh. Truyện ngắn Một vụ bắt rượu lậu viết về nỗi khổ của những kẻ làm dân làng Phong Cốc. Những sự kiện ập đến rất nhanh đối với thầy lí vốn xuất thân thấp hèn nhờ lo lót quan trên nên được chân lí trưởng. Đầu tiên là chuyện quan Phủ hành hạt qua làng và thầy lí bị quan quở trách: làm lí trưởng mà không nắm được “số rượu dân làng uống trung bình trong những ngày thường chênh lệch với những ngày tế lễ…Vô lí quá”[74,30]. Quan ra đi với lời đe doạ sẽ xem xét “liệu anh có còn giữ được cái đồng triển không?”. Tâm lí kẻ tôi tớ trước quan trên được miêu tả khá sinh động: “Thầy lí run lẩy bẩy, chỉ biết mồm “dạ dạ” đưa mãi hai bàn tay chắp lên khỏi ngực. Thầy không dám nhìn thẳng vào quan […] thầy lí càng không dám giữ đầu mình cho thẳng thắn, chỉ biết cúi mặt xuống đất hết nhìn đôi ủng da tây của quan Phủ, đôi guốc kinh của ông Đề và đôi bàn chân lấm của mình. Thầy kí lúc này là hoá thân của nỗi sợ hãi”[74,30]. Thầy lí không ngờ mới đây, trong tư thất quan Phủ, lúc thầy khom lưng dâng cái phong bì “lễ mọn”, quan còn khen, coi mình như đầy tớ tay chân trong nhà, vậy mà hôm nay quan lạnh lùng, sắc mặt giận dữ, làm om cả đình làng? Không thể hiểu nổi, thầy lí đâm ra kém ăn, kém ngủ, cáu gắt với vợ con. Nỗi lo sợ ám ảnh thầy. Toàn bộ diễn biến tâm lí của thầy lí cùng những biểu hiện tính cách tên quan được diễn tả trong một thời gian ngắn giúp người đọc nhận ra cái thân phận hèn mọn đáng thương của thầy lí, sự tráo trở, mị dân, đạo đức giả của đấng phụ mẫu kia. Nửa sau của câu chuyện kể về sự kiện thứ hai xẩy ra thật bất ngờ, cuốn thầy lí và dân làng Phong Cốc vào sự kiện.

Mạch trần thuật chuyển sang nhịp nhanh, dồn dập, kịch tính, và kết thúc thật bất ngờ, đầy hài hước. Hàng loạt câu văn ngắn được dùng để thuật tình huống bất ngờ xẩy ra với dân làng Phong Cốc và thầy lí: “Rồi một bữa trưa kia, thầy lí vừa bỏ mẫu triện đồng vào tráp đen, thì thấy lũ trẻ làng đang reo ầm lên ngoài đồng:

- A…a…a…Tây về! Có Tây về làng ta!”…

“ - Trong làng có rượu lậu! Ông đi ngay! Có cả quan Đoan về đấy! Cả bọn kéo đi rất nhanh […], ập vào nhà bác nhiêu Tỉn […].

Thầy lí trong bụng phập phồng và từ lúc đi đến giờ, thầy chỉ biết đi theo nhà Đoan thôi. Lúc đến nhà nhiêu Tỉn, thầy mới hiểu rằng quan Đoan về bắt rượu lậu ở nhà tên nhiêu Tỉn, một người mà thỉnh thoảng vẫn đưa lại nhà những chai rượu khê rất ngon trong những ngày nhà ông lí có kị dùng thứ rượu cúng tinh khiết ấy”. Bỗng ông đội Toan vừa reo, vừa chạy:

- Nó đây rồi! Các thầy mau theo bắt lấy! Kia kìa, nó đang mang vò cơm chạy! Nó vừa vọt ra cổng ngang!

Lính đoan chạy, cả quan Đoan, cả thầy lí cũng chạy theo một người nhà quê đang ôm một cái chĩnh chạy miết ra phía bờ ao gân đình làng, cách họ độ ba chục bước.

Trẻ con khóc. Chó sủa. Đàn bà kêu, và các ông già bà lảo trố mắt, chống gậy “càng cua” đứng nhìn theo đám bụi mù bay”[74,33-34].

Một cuộc đuổi bắt, đe doạ bằng súng lục của quan Đoan với nhiêu Tỉn ở dưới ao và thầy lí trên bờ. Thầy lí cuống cả lên. Nhưng câu chuyện khám xét rượu lậu kết thúc một cách ngộ nghĩnh không ngờ: cái chĩnh kia của nhiêu Tỉn là tương chứ không phải rượu.

“Lúc sự yên lặng đã trở lại trong làng và mọi người đã ngặt nghẽo cười khi giải tán trừ nhà Đoan rời làng Phong Cốc với nỗi tức bực thì trời đã xế bóng. Bác nhiêu Tỉn cũng mỉm cười bưng chĩnh tương về nhà, trong bụng nghĩ thương vợ phải một phen chạy rượu lậu vất vả, và không biết vợ đã đem giấu kín vò cơm ở nơi đâu đây. Bác tự nghĩ nếu không có chĩnh tương này thì có trời mới gỡ nổi cho bác khỏi ở tù”[74,36]. Hai sự việc gắn với hai thời điểm được tác giả kể với một nhịp điệu nhanh, dồn dập, đã góp phần làm cho không khí truyện thêm căng thẳng, kịch tính và kết thúc thật ngộ nghĩnh. Bức tranh đời sống nông thôn, thân phận người nông dân thời thuộc Pháp hiện ra vừa tội nghiệp, đáng thương vừa hài hước. Cách kể như vậy thực sự đã góp phần tạo nên giá trị phản ánh hiện thực cho tác phẩm.

Trong truyện ngắn Một cảnh rước dâu chạy tang, tác giả đã khéo léo dẫn dắt các sự việc hoặc xây dựng một tình huống truyện bất ngờ để triển khai mạch truyện. Cái sự kiện “Bà cụ Trưởng Hàng Bút khoẻ mạnh thế mà chết ngay, không ốm một trận nào, không uống một thang thuốc chén nào"[74,233] đã gây áp lực lên toàn bộ câu

chuyện, đẩy diễn biến câu chuyện căng thẳng, gấp gáp hơn. Tình huống ấy đặt các nhân vật vào một tình thế khó khăn phải lựa chọn, phải quyết định nhanh chóng. Cụ bà Trưởng Hàng Bút đột ngột chết, hoá ra lại là niềm vui cho nhà cụ Hàn Ông, cụ Hàn Bà. Hai cụ vốn lo lễ cưới nay mai cho cậu Bế khiến vợ chồng cụ cứ khô héo dần. Nhận được tin cụ Trưởng bà thông gia vừa mất, cụ Hàn ông như mở cờ trong bụng, bèn bàn với vợ:“nhân dịp này đi xuống xin luôn con Bình cho thằng Bế nhà. Vào lúc nhà gái đang bối rối thế này, mình cố xin cưới chắc phải cho và nhất định là không dám bày vẽ thách thức như lúc bình thường. Bà biết mình giảm được cái khoản ô tô và cỗ bàn cũng đỡ nhiều lắm. Thôi, thế mà cũng là may”[74,234]. Sự đời nó vậy, cái khổ người này thường là cái sung sướng của người khác! Mạch truyện tiếp tục với một loạt sự việc được kể trong một thời gian gấp rút. Bắt đầu là những lí lẽ xin cưới chạy tang hợp tình hợp lí của bà mối bên cụ Hàn dồn cụ Trưởng ông, cô Bình vào thế không thể cưỡng: “Sự chủ vốn nghèo, biết nói thế nào, nếu không là nhận phứt số tiền sáu chục của nhà trai giúp mình là đúng dịp”. Thôi thì sự việc đã rồi “Việc hỉ đã rồi hãy tính đến việc hiếu. Người chết đâu đã bằng người sống - đang sống một cách lúng túng”. Cô Bình “bị ba người lớn hỏi dồn như quan lấy khẩu cung, mặt dài ra theo dòng nước mắt” [74,236]. Cô Bình - phận gái út chỉ việc tuân theo sự sắp đặt của cha anh. Mọi sự diễn ra chóng vánh. Ngày, giờ cưới của đôi trẻ đã được sắp sẵn vào trưa hôm sau. Cái đám cưới chạy tang diễn ra trong nhà cụ Trưởng ông chủ yếu được viết bằng một nhịp văn nhanh. Nhà văn ít miêu tả, chủ yếu là thuật sự việc:“Cái đám cưới ấy, thật quả là một đám cưới chạy tang. Nghi lễ giảm, sính lễ giảm, tiệc tùng giảm. Nhà trai chỉ cho có hai xe hơi đến cửa nhà gái. Một xe dành cho cô dâu không có kết hoa, một xe nhà trai đến đón dâu thì phù rể vẻn vẹn có một người kèm với một ông chủ hôn ăn mặc xuềnh xoàng. Lá thiếp báo hỉ của cậu Bế có chua xuống phía dưới một dòng chữ con và ngả:

Lễ thành hôn sẽ cử hành hết sức thân mật. Chưa bao giờ một câu văn xã giao được dùng theo nghĩa đen đúng nghĩa và đúng chỗ đến như thế.

Nhà gái cũng chả trang hoàng gì mấy vào dịp vui mừng. Sự bài trí trông rất đểnh đoảng và càng ngắm, quan khách càng thấy rõ chỗ thiếu vẻ tận tâm. Những màu đỏ hình như tối úa có nửa cốc; chén nước trà Tàu không có một tí hương thơm nào [...]. Lễ đón dâu thế là gần xong.

Người ta dắt chú rể và cô dâu vào lạy mẹ vợ […].

Đám cưới sụt sùi rời khỏi cửa nhà gái. Một tràng pháo nổ. Nó nổ một cách gắt gao, quằn quại đúng như tiếng vỡ của những quả pháo tống hung thần lúc một đám hiếu lên đường”[74,238-239]. Tất cả đều diễn ra chóng vánh, đơn giản, sơ sài, lạnh lẽo. Bởi lòng người trong cuộc đang rầu rĩ, đang như lửa đốt, chỉ mong mọi việc chóng qua. Sự việc hòa trong lời văn thuật truyện, diễn tả chân thực, đúng nghĩa một đám cưới chạy tang.

Nhìn chung, ở những tác phẩm hướng tới sự tái hiện hiện thực đời sống mang khuynh hướng phê phán, Nguyễn Tuân thường chú ý xây dựng tình huống giàu kịch tính, sử dụng nhiều đối thoại ngắn, câu văn ngắn để tạo độ “căng” cho mạch truyện, đẩy nhân vật vào những hành động mang tính bước ngoặt nên nhịp điệu trần thuật thường nhanh, gấp. Tuy nhiên, số lượng tác phẩm được kể với nhịp điệu trần thuật nhanh trong sáng tác Nguyễn Tuân không nhiều.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nguyễn tuân (Trang 66 - 70)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(136 trang)
w