Nhịp điệu trần thuật

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nguyễn tuân (Trang 64 - 66)

37 Một người cha về quê ăn tế tx Bên ngoài => bên trong

2.2.Nhịp điệu trần thuật

Nhịp điệu là một phương tiện quan trọng để cấu tạo hình thức nghệ thuật tác phẩm văn học, là sự phát triển nhanh, chậm của mạch kể trong tác phẩm. Nó tạo sự hấp dẫn lôi cuốn người đọc, giúp người nghiên cứu phát hiện phong cách nhà văn. Việc tìm hiểu nhịp điệu trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Tuân trước 1945, chúng tôi nhằm tìm ra những nét đặc sắc trong nghệ thuật viết truyện ngắn của nhà văn này.

Nhịp điệu là “sự lặp đi lặp lại có tính chất chu kì, cách quãng hoặc luân phiên của các yếu tố có quan hệ tương đồng trong thời gian hay quá trình nhằm chia tách và kết hợp các ấn tượng thẩm mĩ…Trong văn xuôi, nhịp điệu của tổ chức lời văn được hình thành trên cơ sở sự phân tách văn bản thành chương, hồi, đoạn. Câu văn dài, ngắn khúc khuỷu được lặp lại cũng tạo nên nhịp điệu cảm nhận đời sống”[22,165]. Mặt khác, “trong văn xuôi thì nhịp điệu còn là yếu tố thời gian, nhịp điệu kể, nhịp điệu tả… Nhịp điệu ấy cũng có thể nhanh hay chậm, cô đúc hay dàn trải”[24,164].

Xét ở cấp độ trần thuật, “nhịp điệu là sự luân chuyển giữa mạch kể và mạch tả, hay sự lặp lại các mô típ hoạt động”[22,166]. Theo Trần Đình Sử, “sự phối hợp các thành phần trần thuật, sự luân phiên, phối xen các sự kiện và các đoạn tả cảnh, tả tình, hồi tưởng sẽ tạo nên nhịp điệu trần thuật”[68,174]. Nói cách khác, nhịp điệu trần thuật là sự phát triển nhanh hay chậm của mạch kể trong tác phẩm tự sự. Nó được tạo nên bởi những sự kiện, biến cố, tình tiết được đan cài bởi các thủ thuật kể của nhà văn. Tuỳ theo đối tượng trần thuật và quan điểm sáng tác mà mỗi tác phẩm có nhịp điệu trần thuật riêng. Nhịp điệu thể hiện cách cảm nhận thẩm mĩ của nhà văn về thế giới, tạo cảm giác vận động của cuộc sống, chống lại sự đơn điệu của văn bản nghệ thuật. Tắt đèn của Ngô Tất Tố được trần thuật bằng nhịp điệu nhanh, gấp gáp, miêu tả các sự kiện, biến cố dồn dập xảy ra ở làng Đông Xá trong một thời gian ngắn. Cách trần thuật ấy làm nổi bật không khí căng thẳng, quay cuồng của nông thôn miền Bắc mùa sưu thuế. Nguyễn Công Hoan trong các truyện ngắn trào phúng thường xây dựng những tình huống đời sống mang tính kịch cao, trong đó sự va chạm giữa các nhân vật trở nên

gay gắt và bị dồn nén cao trong một không gian, thời gian ngắn. Ông quan tâm miêu tả cử chỉ, hành động “diễn trò”của các nhân vật như những diễn viên trên sân khấu hài với những hành động nhanh, liên tục và dẫn đến kết thúc bất ngờ nhằm lật tẩy bản chất đích thực, hoặc cảnh ngộ của nhân vật. Vì thế truyện ngắn trào phúng của Nguyễn Công Hoan hay dùng chuỗi câu văn câu ngắn để diễn tả hàng loạt hành động liên tục, dồn dập càng đẩy nhanh nhịp trần thuật và thu hút tính tập trung của độc giả hơn. Ví dụ: “Chửi. Kêu. Đấm. Đá. Thụi. Bịch. Cẳng chân. Cẳng tay. Như mưa vào đầu. Như mưa vào lưng. Như mưa vào chân”. Hay: “Xong đâu đấy. Cô diện đôi dày mang cá, ôm cả cái ví đầm đến trước tủ gương mà đứng. Cô quay đằng trước. Cô đi đi. Cô lại lại. Cô uốn éo. Cô thướt tha. Rồi cô đứng yên, cô ngắm. Cô bàn. Cô tán. Cô bình phẩm. Cô khoái lắm”(Cô Kếu, gái tân thời) [13,498]. Các truyện Kép Tư Bền, Đồng hào có ma, Ngựa người, người ngựa…cũng sử dụng khá nhiều cách trần thuật như vậy. Tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng hướng về phản ánh những mặt trái của đời sống xã hội, những nghịch lí xảy ra bất ngờ nên nhịp trần thuật cũng nhanh, gọn, khẩn trương… Truyện ngắn Thạch Lam ít sự kiện, cốt truyện dựa trên những tình huống tâm lí, đi sâu vào diễn tả những cảm giác nhẹ nhàng, tinh tế, đẹp và trữ tình nên nhịp văn thủ thỉ như tâm tình với độc giả, chậm và man mát buồn, gợi không gian riêng đầy chất thơ (Dưới bóng hoàng lan, Hai đứa trẻ…). Nhịp điệu văn Nam Cao khá biến hóa do kết cấu truyện Nam Cao hay dùng thủ pháp “đồng hiện”, xáo trộn, thay đổi liên tục trật tự và độ dài thời gian nghệ thuật nên hình tượng thời gian rất sinh động và biến hoá đa dạng trong từng tác phẩm. Khi thuật các sự kiện thường với tốc độ vừa phải, nhưng khi miêu tả diễn biến tâm lí, những dòng hồi tưởng, độc thoại ...thì nhịp trần thuật thường chậm. Nhìn chung, khi các nhà văn hướng vào đời sống nội tâm, hồi tưởng, tưởng tượng, tả cảnh, tả tình, “trữ tình ngoại đề”…trong khi kể thì nhịp điệu trần thuật thường có những quãng ngắt, quãng lặng, chậm rãi. Còn khi nhà văn xây dựng những cốt truyện hướng về tái hiện sự kiện xã hội, tập trung miêu tả diễn biến sự kiện, tình huống, hành động con người với nhiều biến cố thì nhịp kể thường nhanh, gấp gáp, khẩn trương. Do sự chi phối của đối tượng trần thuật và quan điểm sáng tác nên nhịp điệu trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám không đơn điệu một chiều mà có sự thay đổi linh hoạt ngay trong từng tác phẩm. Qua khảo sát

truyện ngắn của ông, chúng tôi thấy nổi hai kiểu trần thuật có nhịp điệu tiêu biểu: nhịp điệu trần thuật nhanh, gấp gáp (số lượng ít) và nhịp điệu trần thuật chậm rãi, thong thả, đĩnh đạc (số lượng nhiều nhất và đặc trưng nhất) cho nhịp điệu trần thuật trong hầu hết truyện ngắn của Nguyễn Tuân.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nguyễn tuân (Trang 64 - 66)