Giọng điệu khinh bạc, cao ngạo

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nguyễn tuân (Trang 82 - 87)

37 Một người cha về quê ăn tế tx Bên ngoài => bên trong

3.1.1.Giọng điệu khinh bạc, cao ngạo

Với những sáng tác trước 1945, Nguyễn Tuân luôn thể hiện là một nghệ sĩ tài tử, ngông nghênh, kiêu bạc với cuộc đời. Đọc truyện ông, thấy nổi bật hình ảnh con người kinh lịch nhiều, tài hoa, trân trọng, đề cao cái đẹp, sống rộng rãi, không bao giờ chịu gò bó vào một khuôn khổ nào. Con người ấy lại ý thức rất cao về khả năng của mình và luôn khao khát sống một cuộc đời đầy đủ, ý nghĩa. Nhưng trong xã hội cũ, người như thế không thể tìm được một chỗ đặt chân. Thành ra ông phải sống chật hẹp, vô nghĩa giữa một cuộc đời đầy những nhố nhăng, đi đâu cũng gặp kẻ bất tài, hãnh tiến, rồi đâm ra khinh bạc với đời. Bất mãn với xã hội, một mặt Nguyễn đi tìm những vẻ đẹp trong thiên nhiên, xã hội, mặt khác quay lưng với thực tại, trở về với quá khứ, với những vẻ đẹp “vang bóng một thời”, hay hướng về một thế giới siêu nhiên huyền ảo, hoặc tiêu phí cuộc đời trong bê tha, truỵ lạc…để chơi ngông, để phô diễn tài hoa, để khinh đời, chán đời… Tất cả những phản ứng đó đối với chế độ thực dân phong kiến là cơ sở nảy sinh cảm hứng và giọng điệu khinh bạc trong sáng tác của Nguyễn

Tuân trước Cách mạng tháng Tám. Dường như toàn bộ điểm nhìn hiện thực của nhà văn đều bị chi phối bởi giọng điệu của cái “tôi”tài năng mà nhiều bất mãn với cuộc đời ấy. Có thể nói, chất khinh bạc với nhiều sắc điệu khác nhau là một trong những giọng điệu bao trùm trước tác của Nguyễn Tuân, nhất là các sáng tác trước 1945.

Nhà văn Nguyên Ngọc đã nhận xét: “Nguyễn Tuân luôn muốn mỗi ngày sống, mỗi trang đời của mình cũng là một trang nghệ thuật […]. Đó là thái độ thẩm mĩ đặc biệt của ông, riêng ông, đối với cuộc sống”[49,593]. Rất trân trọng cái đẹp, chắt chiu cái đẹp trong nghệ thuật và cuộc sống, mặt khác, từ góc độ cái đẹp, Nguyễn Tuân phát hiện một cách sắc sảo những nét phản thẩm mĩ, những mặt xấu xa, những tên bạo chúa “nhân cách đê hạ” của bọn người trọc phú, trưởng giả cậy có tiền dám ngồi xổm lên cái đẹp, lên nghệ thuật. Ông khinh ghét tất cả sự phàm tục ấy. Khác với nhiều nhà văn hiện thực cùng thời, thái độ phê phán của Nguyễn Tuân đối với xã hội chủ yếu là từ góc độ thẩm mĩ chứ không phải từ quan điểm giai cấp (trừ các truyện theo khuynh hướng hiện thực phê phán). Ngay từ truyện ngắn Vườn xuân lan tạ chủ (1935), Nguyễn Tuân đã bày tỏ quan niệm: nghệ thuật, cái đẹp không thể sống chung với bạo lực, ngu dốt. Tuý lan trang vốn là một “hoa viên” xinh đẹp, thơ mộng gắn với đạo sống thanh cao của quan Án Trần, cô chiêu Tần, cậu ấm Hai ngang nhiên hiện hữu giữa thời loạn lạc. Tiếc thay, sống vào thời loạn, cái phú quý và cái sắc đẹp cũng nhiều khi là cái mầm vạ lớn. Túy lan trang bị đốt, người không còn, lan tạ theo chủ, “giờ chỉ còn là một chỗ đi về của đám mục đồng. Tụi trẻ kia không biết kính trọng cái âm phần của giống Tuý lan khi yên giấc sau lúc tạ chủ, cho trâu bò giẫm nát cả mồ hoa”[74,12]. Thảm cảnh Tuý lan trang gieo vào lòng người đọc bao nỗi xót xa về sự mong manh của số phận người tài tử, của thân phận cái đẹp trong thời loạn. Đồng thời câu chuyện vẫn phảng phất một không khí khinh mạn, cao ngạo của nhà văn về cái thô lậu, vô cảm của người đời. Huấn Cao trong Chữ người tử tù, dù thất thế vẫn ngang tàng rỗ gông trước ánh mắt hằn học của bọn lính giữ tù, vẫn khinh bạc đến điều viên quan coi ngục. Lời khuyên của Huấn Cao dành cho quản ngục vừa khẳng định một quan niệm về cái đẹp, vừa toát lên cái cao ngạo của một tài năng, khí phách hơn đời đang răn dạy kẻ sống nơi phàm tục: “Ta khuyên thầy quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng trẻo với những nét chữ vuông vắn tươi tắn nó nói lên hoài bão tung hoành của

một đời con người […]. Tôi bảo thực đấy: thầy Quản nên tìm về quê mà ở đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”[70,148-149]. Xác ngọc lam có một số nét gặp gỡ với Chữ người tử tù. Ở đây, cái Đẹp (cô Dó tài sắc nhập vào hòn đá nghè giấy dó) chẳng may rơi vào tay Huyện Khoẻ - tên tri huyện bất lương, hám danh lợi, một tên bạo phú “nhân cách đê hạ” đã chết một cách oan uổng, hóa thành khối ngọc lam. “Ông Huyện Khoẻ đã ôm lấy xác cô Dó vui reo ồn ào: - Trời té ra là ngọc thạch, Thuý ngọc, ông Chiêu ạ. Một khối ngọc toàn bích. Việc gì mà ông buồn khóc. Thì ra trước kia nó là thứ ngọc biết nói. Mất người nhưng chúng ta vẫn còn lành vẹn một phiến ngọc ví bán đi thì có thu về được cơ man là tiền bạc. Hoặc là bán, hoặc là để đem làm vật tạ lễ một vị quan thầy. Người ngọc ví có còn sống để lên tiếng một đôi khi mà làm vui cho đám tửu đồ nhà tôi thì cũng vẫn là một sự đáng quí đấy. Mất đi ai chẳng tiếc. Nhưng mất người mà còn sót lại ngọc, thì cái di hài này có lẽ còn quí giá hơn người lúc sống kia đó vậy. Để tôi đem dâng cho quan thầy tôi...”[74,270]. Toàn bộ lời nói của Huyện Khoẻ đã phơi bày cái vô cảm, tuyệt tình, sự tính toán con buôn, vụ lợi. Một “nhân cách đê hạ”, “vô sở bất chí” như thế thì còn cái gì ở thế gian này mà hắn không làm đến. Sự căm giận đã lên đến đỉnh điểm. Nguyễn Tuân cho ta thấy, đối với lũ háo danh, vụ lợi, cái đẹp chỉ là một thứ hàng hóa hoặc một thứ đồ chơi. Cái Đẹp không thể ở với kẻ vụ lợi, háo danh, nhơ nhớp. Cái Đẹp phải đi với cái Tâm trong sáng, với những người có tâm hồn nghệ sĩ, tri âm tri kỉ. Quan niệm này cũng được thể hiện trong Một người muốn đập vỡ đàn. Nguyễn Tuân đau xót, căm giận trước cái cảnh nhục nhã của một đám nhạc công phải suốt ngày đàn mua vui cho những “người ngoại quốc dắt nhau tới tiệm nhạc Bagtelle để thoả mãn ít nhiều nhục dục”. Âm nhạc không còn là một cái thú thanh cao của tâm hồn mà vô tình đã a tòng “giúp một tay vào những trò kiêu sa dâm ác của một đám người thừa ăn thừa mặc, tìm nhau ở đây để ăn một bữa cơm đắt tiền, mượn tiếng đàn để làm tiêu một cuộc no say hãnh diện và đôi trai gái ấy đã mượn luôn âm nhạc để cho cho nhau chút ảo tưởng của tình ái mà mặt thực thì chỉ là những thú tính thô kệch”[74,208].

Vốn là người ý thức rất cao tài năng cá nhân, đề cao cá tính nên Nguyễn Tuân Ông không thể dung nạp nổi những kẻ bất tài, vô học. Trong Nhà Nguyễn, Nguyễn

Tuân tỏ thái độ bất bình, coi thường kẻ bất tài, có tiền, lại đá tí học đòi huênh hoang: “Tự nhiên chẳng căn cứ vào đâu cả, anh xưng xưng nhận ngay mình là có tài, cũng bắt chước bỉ báng đồng tiền, khinh thế ngạo vật, tức là bỏ đứt cái sở trường của mình để vác ngay cái sở đoản ra mà đập lên đầu thiên hạ cho người ta tối mày tối mặt lại. Thành ra anh bỏ đi một cái chỗ ngồi đích đáng của anh để nhảy sang chiếm chỗ tại miếng đất người khác. Ta không nên vụng dại thế. Anh há chẳng được trông thấy những cái thảm trạng gây nên bởi một một chú lái buôn cứ đòi đốt trầm nắn phím. Anh há chẳng được chứng kiến những cuộc tàn sát thi ca của những ông lãnh binh sính làm thơ. Từ nay về sau, đứa nào cứ đến đấm cửa nhà anh để mở mồm khen anh là một người có tài thì anh phải chối những lời xàm bậy đó và đãi nó một số tiền rất hậu rồi đuổi nó ra. Nếu nó còn đến để vu khống anh ngay ở nhà anh nữa, thì cứ trói phăng nó lại. Đời sẽ khen anh là một người có liêm sỉ” [74,341]. Giọng điệu châm biếm, dè bỉu, ngạo mạn tràn ngập trong suốt đoạn văn. Giọng điệu này cũng thể hiện khá đậm đặc trong Đôi tri kỉ gượng.

Nguyễn Tuân xây dựng nhân vật Mợi - người mà theo Nguyễn tài năng được ví như một cái bó đuốc “chỉ đủ dùng để bắt một con ếch ở một thửa ruộng đêm xâm xấp nước thôi”[74,401]. Mợi và Nguyễn là hai tên đinh rời Thanh Hoá đi Hà Nội. Họ cho rằng muốn lập thân lẫn danh cho được phải chăng, thì phải sống ở một thành phố nào có những ánh sáng chói hẳn lên. Mợi cũng ôm mộng văn chương. Khốn nỗi, “Mợi là một người công chức cả đến trong công việc sáng tạo - cái công việc duy nhất có thể lưu một cái tên mình cho nghìn sau”[74,402]. Từ “công chức” được Nguyễn Tuân dùng trong sự đối lập với "sáng tạo, tài năng", với “cá tính” độc đáo để rẻ rúng, coi thường những kẻ bình thường như Mợi. Mợi chỉ là một “cái bó đuốc chỉ đủ dùng để bắt một con ếch ở một thửa ruộng đêm xâm xấp nước thôi”. Và, “Con người như thế mà cũng bắt thiện hạ in thơ mình thì có gan dạ không? Đọc tập thơ Mợi, Nguyễn đã lấy làm khó chịu quá. Chàng phán xuống một câu: - “Thơ gì mà cục gạch thế này?

Câu đó chưa ác bằng câu này:

- Hắn nếu có bỏ nghiệp văn theo nghiệp võ, làm đến đại tướng thì có mạt kiếp cũng không dám hành binh bằng một cuộc đại tấn công nào. Chỉ có đánh úp lặt vặt mà thôi.Y như những cuộc chiến tranh sài mòn ở Y Pha Nho hồ Nã Phá Luân thời Đề Chính thứ nhất”[74,403]. Dường như khi chạm đến những gì tầm thường, những con

người nhạt nhẽo, bất tài là Nguyễn Tuân không chịu nổi. Những lúc ấy, giọng điệu khinh bạc sở trường của ông có dịp tung hoành. Ông ném vào đó tất cả sự phẫn nộ, khinh thị, dè bỉu…bằng một lối nói trào lộng tỉnh queo đầy chất khinh bạc, cao ngạo.

Trong khá nhiều truyện ngắn tự truyện, chúng ta đều thấy cái “tôi” Nguyễn Tuân hiện ra với giọng điệu khinh bạc, cao ngạo chứa đầy chất “gây sự”, bất cần, ngông ngạo. Nguyễn tuyên ngôn một cách hùng hồn: ta đến với cuộc đời này là “để mà thờ Nghệ Thuật. Nghệ Thuật với hai chữ viết hoa”. Nguyễn mưu sinh bằng nghệ thuật và sống cho nghệ thuật. Muốn “cho được mình vẫn là mình” Nguyễn cứ phải găng mãi với xung quanh. “Phải đương đầu. Phải khai chiến. Phải đánh nhau với xung quanh”. Nguyễn gây sự với đời bằng cách: “y lượm những hòn đá thực to ném lung tung, bất kể là trúng đích hay là trật sang bên cạnh. Chàng hãy cứ biết mình phải ném đá. Chàng ném đá vào đầu, vào mặt rất nhiều người. Cả người quen nữa. Có nhiều hòn lại còn dính cả máu người thân trong nhà”. Nguyễn cố tình gây sự với đời bằng cách lập ngôn “lủng ca lủng củng dấm dẳn cứ như đấm vào họng” người ta. Độc giả góp ý, Nguyễn lại cho rằng họ đang “làm một điều thiện rất ngu, rất kệch cỡm”. Nguyễn bất chấp, vẫn “cứ lập ngôn một cách bướng bỉnh” và khinh đời, chửi đời: “Ở cái thời và xứ Nguyễn đang sống, người ta xét lời của sách có như là phê bình thơ bát cú Đường luật về quãng hậu bán thập cửu thế kỉ, nghệ thuật chưa hả hết mùi luân lí của thời đại”. Hoặc: “Đời nó ngu thế, không bướng thì sao có được?”[74,320-377]. Nguyễn là mẫu nhân vật chơi ngông với tính cách đối lập với cộng đồng xung quanh. Mợi thuộc đám chúng nhân mờ mờ, nhạt nhạt, xam xám. Trong truyện Cái cà vát đen, Nguyễn chơi ngông, “gây sự” với đời bằng một sự thay đổi rất quái: “Những gì là lộng lẫy, hào nhoáng, chàng thải hết. Và giờ, trước ngực nơi cổ, người ta chỉ thấy chàng tết có một nút cà vát đen kịt” [74,437] để tự để tang mình. Còn chàng Nguyễn trong Nhà Nguyễn thì sống phóng túng, không trách nhiệm. Đi là để “đổi không khí để giữ cho lòng mình luôn luôn mạnh và yêu sống”. Làm nhà nhưng không ở mà cho thuê. Đó cũng là một cách “gây sự” để chứng tỏ mình hoàn toàn khác với xung quanh.

Những biểu hiện của giọng điệu khinh bạc trong văn Nguyễn Tuân là sản phẩm của một quan niệm nghệ thuật đề cao cái đẹp, đề cao ý thức cái tôi cá nhân cá thể khá phổ biến trong văn học lãng mạn Việt Nam đầu thế kỷ XX. Bên cạnh sự phủ nhận thực

tại xã hội xấu xa, phàm tục, đạo đức giả, giọng khinh bạc của Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám còn do sự ảnh hưởng của lối sống theo chủ nghĩa cá nhân cực đoan của Anđré Gide (nhà văn Pháp 1869-1951). Theo Anđré Gide, con người muốn tỏ ra có bản lĩnh, cá tính thì phải là những hòn bi lăn ngược dốc trong khi thiên hạ đang từ trên thuận chiều thoải xuống. Hầu hết các nhân vật của Nguyễn Tuân (Bạch, ông Cử Hai, ông Phó Sứ lăng, Nguyễn, Hoàng…) đều là những phân tâm của cái “tôi”nhà văn. Khi nhân vật của Nguyễn Tuân chơi ngông hoặc lập dị, chẳng qua họ muốn tỏ ra là những tính cách khác với cộng đồng xung quanh hoặc có tài khác thường. Hoặc trắng hẳn, hoặc đen hẳn không nên làm cái đám chúng nhân mờ nhạt, xam xám “buồn buồn, tội tội, thương thương” (Xuân Diệu). Thà cứ vụt lóe sáng lên rồi tắt hẳn còn hơn làm một ngọn đèn le lói canh trường suốt trăm năm. Ý thức về cái “tôi”cá nhân ấy khi bị đẩy đến cực đoan đã tạo ra lòng tự cao tự phụ, khinh bạc. Đây chính là cơ sở quan trọng để chúng ta cắt nghĩa giọng khinh bạc trong truyện ngắn Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nguyễn tuân (Trang 82 - 87)