Theo nhóm tác giả Lê Bá Hán - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi trong Từ điển thuật ngữ văn học, trần thuật “là phương diện cơ bản của phương thức tự sự, là việc giới thiệu, khái quat, thuyết minh, miêu tả, đối với nhân vật và sự kiện, hoàn cảnh, sự vật theo cách nhìn của một người nhất định, vai trò của trần thuật là rất lớn. M.Gorki vạch rõ tiểu thuyết hay tự truyện, những con người được tác giả thể hiện hành động với sự giúp đỡ của tác giả, tác giả luôn luôn ở bên cạnh họ mách cho người đọc phải hiểu họ như thế nào, giải thích cho người đọc hiểu những ý nghĩ thầm kín, những động cơ bí ẩn đằng sau hành động của các nhân vật được miêu tả. Tô đậm thêm cho tâm trạng của họ bằng những đoạn miêu tả thiên nhiên, trình bày hoàn cảnh và nói chung là luôn giật dây cho họ được thực hiện những mục đích của mình, điều khiển một cách tự do và
nhiều khi rất khéo léo mặc dù người đọc không nhận thấy những hành động, những lời lẽ, những việc làm, những mối tương quan của họ” [20,364].
Như vậy, có thể thấy thành phần trần thuật trước hết đó là lời thuật, chức năng của nó là kể việc. Tuy nhiên trần thuật còn bao hàm cả việc miêu tả đối tượng, phân tích hoàn cảnh, thuật lại tiểu sử nhân vật, lời bình luận, lời trữ tình ngoại đề, lời ghi chú của tác giả…Về hình thức, trần thuật chủ yếu là đối thoại, độc thoại của chủ thể trần thuật với độc giả. Trong tác phẩm tự sự, trần thuật gắn toàn bộ công việc bố cục, kết cấu tác phẩm, trần thuật là cả một hệ thống tổ chức phức tạp nhằm đưa hành động, lời nói nhân vật vào đúng vị trí của nó để người đọc có thể bình luận theo ý định tác giả. Khi nói đến trần thuật, người ta thường nói đến cái nhìn, giọng điệu trần thuật, nhịp điệu trần thuật, bố cục trần thuật, khoảng cách góc độ của người trần thuật đối với cốt truyện tạo thành. Giọng điệu trần thuật chỉ mối quan hệ giữa thái độ của người kể đối với các sự kiện được kể. Bố cục trần thuật hình thành với sự triển khai, đan cài, phối hợp, luân phiên các điểm nhìn gần gũi với sự việc, có điểm nhìn cách xa trong không gian và thời gian, có điểm nhìn bên ngoài hoặc nhìn xuyên qua nội tâm nhân vật, có cái nhìn nhân vật, sự kiện từ một nền văn hoá khác. Về các kiểu trần thuật, từ thế kỉ XIX trở về trước thịnh hành kiểu trần thuật khách quan do một người trần thuật biết trước sự việc tiến hành kể theo ngôi thứ ba. Sang thế kỉ XX, ngoài lối kể chuyện truyền thống ấy còn thêm kiểu trần thuật ngôi thứ nhất do một nhân vật trong truyện đảm nhiệm. Sự trần thuật có khi biến thành “dòng ý thức” lời độc thoại nội tâm. “Trần thuật là phương diện cấu trúc của tác phẩm tự sự thể hiện mối quan hệ chủ thể với khách thể trong loại hình nghệ thuật” [20,365]. Vì vậy khi tìm hiểu tác phẩm tự sự người ta thường chú ý đến trần thuật, và cùng lời miêu tả, trần thuật đóng vai trò không nhỏ trong sự tái hiện thế giới và thể hiện tư tưởng nhà văn vào tác phẩm văn học.
Theo Lại Nguyên Ân trong 150 thuật ngữ văn học thì trần thuật được hiểu là “thành phần lời tác giả - của người trần thuật hoặc của một người kể chuỵện…Trần thuật bao gồm việc kể và miêu tả các hành động và các biến cố trong thời gian; mô tả chân dung, hoàn cảnh hành động, tả ngoại cảnh, tả nội thất…; bàn luận; lời nói bán trực tiếp của các nhân vật. Do vậy trần thuật là phương thức chủ yếu để cấu tạo tác phẩm tự sự. Tính chất của trần thuật tuỳ thuộc vào điểm nhìn (cũng gọi là “lập trường”
hoặc “quan điểm”) mà từ đó nó được dẫn dắt…Có thể phân chia các kiểu “điểm nhìn” tạo thành trần thuật:
1) Xét ở bình diện đánh giá: tác giả, người kể chuyện, nhân vật có thể cùng một lập trường tư tưởng…
2) Xét ở bình diện định tính không gian-thời gian: cái được mô tả liên quan tới tác giả hoặc nhân vật bình giá ở phương diện thời - không gian nào.
3) Xét ở bình diện cảm nhận các biến cố: sự cảm nhận có thể được xem như chủ quan, ở trường hợp này, trần thuật sẽ được tạo dựng dựa vào dữ kiện một sự cảm nhận của một ai đó…” [2,337-338].
Ở Việt Nam từ khoảng năm 2000 trở lại đây, khi ngành Tự sự học (một phân nhánh chủ yếu của thi pháp học hiện đại) xuất hiện thì trần thuật - một trong những phương diện của Tự sự học được các nhà nghiên cứu chú ý nhiều hơn. Tự sự học tập trung nghiên cứu cấu trúc của văn bản trần thuật trên các phương diện: điểm nhìn, quan điểm, góc nhìn trần thuật, các hành vi của người trần thuật và ngôn từ của anh ta... Trần Đình Sử trong sách Lí luận văn học, tập 2 (2008) viết: “Trần thuật là sự trình bày liên tục bằng lời văn các chi tiết, sự kiện tình tiết, quan hệ, biến đổi về xung đột và nhân vật một cách cụ thể, hấp dẫn, theo một cách nhìn, cách cảm nhất định. Trần thuật là sự thể hiện của hình tượng văn học, truyền đạt nó tới người thưởng thức” [68,100]. Trần thuật là biện pháp nghệ thuật cơ bản nhất để tạo thành văn bản văn học. “Về bản chất, trần thuật là hành vi ngôn ngữ kể, thuật, miêu tả, cung cấp thông tin về sự kiện, nhân vật, theo một thứ tự nhất định trong không gian, thời gian và về ý nghĩa, trần thuật có nhiệm vụ cho người đọc biết ai xuất hiện ở đâu, khi nào, làm gì, trong tình huống nào…” [69,100]. Lại Nguyên Ân trong bài viết “Về việc mở ra môn trần thuật học trong ngành nghiên cứu văn học ở Việt Nam”(Tự sự học, phần 1,2007) quan niệm: “Trần thuật” (narration) trỏ phương thức nghệ thuật đặc trưng trong các tác phẩm thuộc loại văn học tự sự”. “Thực chất hoạt động trần thuật là kể, là thuật; cái được thuật, được kể, trong tác phẩm văn học tự sự là chuyện” [65,146]. Như vậy, trần thuật đòi hỏi phải có người kể, người thổ lộ. Trần thuật phải xử lí mối quan hệ giữa chuỗi lời kể với chuỗi sự kiện và các nhân vật trong tác phẩm.
Theo Trần Đình Sử, “có hai yếu tố quyết định trần thuật là người kể và chuỗi ngôn từ. Từ người kể chuyện ta có ngôi trần thuật, lời trần thuật, điểm nhìn trần thuật. Từ chuỗi ngôn từ, ta có thể kể đến các yếu tố: lược thuật, dựng cảnh, hồi thuật, dự báo, gây đợi chờ, phân tích bình luận, giọng điệu” [68,100]. Nói một cách khác, trần thuật là sự phân bố thế giới hình tượng qua một văn bản ngôn từ nhằm đạt được hiệu quả tư tưởng thẩm mĩ…là sự trình bày liên tục bằng lời văn các chi tiết, sự kiện, tình tiết, các mối quan hệ xung đột về sự kiện và nhân vật tạo nên sức hấp dẫn theo tổ chức điểm nhìn trần thuật. đây là yếu tố then chốt đóng vai trò quan trọng trong cấp đọ kết cấu trần thuật.
Nhà lí luận người Mĩ Jonathan Culler đã đưa ra ý kiến: “Bất cứ trần thuật nào đều có người trần thuật, người kể, bất kể người trần thuật ấy có được xác nhận rõ ràng hay không? Bởi vì trọng tâm của chủ đề mỗi câu chuyện đều là vấn đề mối quan hệ giữa người trần thuật hàm ẩn với câu chuyện mà nó kể ra, nên muốn hiểu rõ một đoạn tự sự. một tác phẩm tự sự, bắt buộc phải xác nhận các bộ phận thuộc về cái nhìn của nó, phân biệt bản thân hành động và sự quan sát của người trần thuật đối với hành động đó” [67,189]. Trong tác phẩm tự sự, trần thuật như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào tác giả. Vì thế vai trò của tác giả là rất lớn.“Tác giả là trung tâm tổ chức nội dung và hình thức cái nhìn nghệ thuật trong tác phẩm, là người mang thế giới cảm quan đặc thù và trung tâm tổ chức ngôn ngữ theo nguyên tắc nghệ thuật” [20,106].
Trên cơ sở những lí luận về trần thuật, các thành phần của trần thuật, bản chất của trần thuật trong tác phẩm tự sự, chúng ta nhận thấy rằng, khảo sát cách trần thuật của một nhà văn (tức cách nhà văn kể như thế nào) cùng một lúc người nghiên cứu nhận ra được nghệ thuật kể, lời văn kể cùng cái nhìn, điểm nhìn của nhà văn về con người và thế giới. Qua những phương diện đó, người đọc nhận ra sức cảm hoá, hấp dẫn, lôi cuốn của tác phẩm không chỉ ở nội dung mà chính là cả hình thức kể của tác giả. Tóm lại, trần thuật là yếu tố thuộc hình thức trong cấu trúc văn bản tự sự, phương diện này góp phần làm nổi bật vai trò chủ thể trần thuật. Nghiên cứu nghệ thuật trần thuật chính là nghiên cứu “kĩ thuật” kể của mỗi nhà văn.
Truyện ngắn của Nguyễn Tuân hấp dẫn người đọc ở sự đặc biệt của đề tài, sự phức tạp của quan niệm nghệ thuật. Dù chỉ lướt qua một lần thôi, nhưng tác phẩm của ông, dù sau bao nhiêu năm, vẫn cứ quanh quất bên ta, trước ta như là vang bóng. Điều đó chứng tỏ tác phẩm của Nguyễn Tuân đã vượt qua thử thách của thời gian, khiến người đọc trân trọng và càng đọc kĩ hơn. Sức hấp dẫn của văn Nguyễn Tuân ngoài lí do nội dung được phản ánh trong tác phẩm, tấm lòng và nhân cách nhà văn, còn một lí do không thể phủ nhận, đó là cách kể (cách trần thuật) của nhà văn. Đối với tác phẩm tự sự, nghệ thuật kể chuyện đóng vai trò quan trọng nhất trong các yếu tố hình thức. Nguyễn Tuân cũng được đánh giá là một trong số những nhà văn có tài kể chuyện hay nhất của thế kỉ XX là bởi ông biết vận dụng một cách tài tình và sáng tạo ngôn ngữ tự sự để dựng người và tả cảnh, để kể và tả, để giới thiệu, bình luận về sự kiện, nhân vật và để nhân vật tự nói lên những uẩn khúc bên trong của mình. Xét cho cùng, sức sống của nội dung tư tưởng trong tác phẩm phụ thuộc rất nhiều vào tài năng kể “như thế nào” của nhà văn.
Nét nổi bật trong phong cách tự sự của Nguyễn Tuân là dù kể về cái gì, miêu tả cái gì cũng nhằm mục đích gây được ấn tượng đậm nét, phải tạo được cảm giác mãnh liệt cho người đọc. Phong cách này chi phối rất rõ hệ thống đề tài và hình tượng nghệ thuật trong sáng tác của ông trước Cách mạng. Nguyễn Tuân bắt đầu khẳng định phong cách của mình và thu hút giới nghiên cứu ở cả nội dung tư tưởng và cách kể chuyện của mình từ Vườn xuân lan tạ chủ (đăng Tiểu thuyết thứ bảy, 1935). Đây là truyện ngắn có tính chất báo hiệu một Nguyễn Tuân đặc biệt từ đề tài, quan niệm về cái đẹp, cách tạo không khí khinh mạn, cao ngạo, thần kì, thoát tục và nhiều sáng tạo ngôn ngữ. Câu chuyện đưa người đọc trở về với “Tuý lan trang”, chủ nhân là quan án Trần cùng con gái yêu - cô chiêu Tần. Cảnh cô chiêu Tần hàng ngày theo lời cha chèo thuyền trên sông Mã đi mua thứ “rượu khê” ở làng Vĩnh Trị về “bón hoa” đẹp như một bức thuỷ mặc. Vị hưu quan “đã không quan tâm đến vóc xương khô” của mình chỉ lo cho hoa trong thời loạn “một mai lũ người ô hợp tràn đến”. Bên cạnh quan Án là cậu ấm Hai “giữa buổi loạn li mà chỉ biết có ngón đàn, hiểu có hồn hoa”, “tâm người tài tử, chọn lầm thế kỉ, buồn, tủi, cực đến dường nào”. Ba con người tài tử gặp nhau, tạo nên một đạo sống thanh khiết, thoát tục nơi “Tuý lan trang”. Nhưng rồi tai họa ập đến, “Tuý lan
trang” bị đốt, cô chiêu Tần bị cướp bắt đi, quan Án phẫn uất mà chết, lạ thay, “giống cỏ quý kia cũng quyết tạ theo tri kỉ, không thể ở lại với thế gian”. Giai nhân, người tài tử mất đi, thuật cất “rượu khê” ở làng Vĩnh Trị cũng thất truyền. Lan biết tạ theo chủ, các loài cây cỏ khác ở “Tuý lan trang” cũng “đều ủ rũ để tang người thiên cổ”. Xót xa hơn lũ mục đồng thô lậu, hồn nhiên cho trâu bò giẫm nát cả “mồ hoa”…Vườn xuân lan tạ chủ nổi bật với giọng điệu xót xa của một nghệ sĩ trước sự mất mát của cái đẹp bởi thời loạn lạc. Quan niệm về cái đẹp, nghệ thuật không thể chung sống cùng bạo lực và sự dốt nát; về thân phận người tài tử; những sáng tạo về ngôn ngữ, lối kể chuyện chậm rãi, cổ kính, trang trọng, gần lối kể dân gian, kể theo tuyến tính thời gian, kết hợp giữa thuật, miêu tả và bình luận ngoại đề, nhiều hình ảnh, chi tiết mang tính ẩn dụ…đã hội tụ đầy đủ trong truyện ngắn này. Những phẩm chất nghệ thuật ấy sẽ bộc lộ rõ hơn về sau trong Vang bóng một thời và Yêu ngôn…
Vang bóng một thời và Yêu ngôn khẳng định một lối thoát của Nguyễn Tuân cho tâm hồn và cho nghệ thuật của mình. Trong Vang bóng một thời ông hướng về dĩ vãng với thái độ của một người đi tìm những cảm giác lạ, đi tìm cái đẹp thuần tuý của nghệ thuật. Ở mảng đề tài này, Nguyễn Tuân thường chọn ngôi kể vắng mặt, mạch trần thuật chậm rãi, từ tốn, ít sự kiện, đối thoại ít, nhịp nhàng, giọng điệu trang trọng, nhiều trân trọng và nuối tiếc. Rất nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nhà văn đã tìm được một lối kể riêng, nói như Thạch Lam, “tác giả đã khéo phác hoạ được cái không khí của những ngày đi mất ấy”. Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại cũng có cảm giác đọc Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân như “ngắm những bức họa cổ”. Thạch Lam nhận xét sự độc đáo của đề tài Vang bóng một thời “là người đầu tiên”[...] đã làm hoạt động dưới mắt người đọc cả cái dĩ vãng thắm màu đỏ, và tìm diễn được những đặc sắc và những triết lí cũ kia”[49,267]. Nguyễn Tuân không lí tưởng hoá chế độ phong kiến, ông chỉ chắt chiu gạn lọc những nét đẹp trong khi biểu hiện cuộc sống. Vì thế, thế giới nhân vật của ông có những cá tính, phong cách đặc biệt của họ. Mỗi truyện một cách trần thuật, không lặp lại. Cụ Ấm thích uống trà trong sương sớm và pha trà với thứ nước đọng trong lá sen buổi mai. “Chưa bao giờ ông già này dám cẩu thả trong cái thú chơi thanh đạm. Pha cho mình cũng như pha mời khách, cụ Ấm đã để vào đấy bao nhiêu công phu. Những công phu đó đã trở nên lễ nghi, nếu trong ấm trà pha ngon,
người ta nhận thấy có một mùi thơ và một vị triết lí” [74,151]. Một cụ Kép để tất cả cái “quãng đời xế chiều” của mình vào việc chăm sóc một vườn hoa quý. Cụ thường nói rằng: “người chơi hoa nhiều khi phải lấy cái chí thành, chí tình ra mà đối đãi với cả đến cái đẹp không bao giờ lên tiếng nói. Như thế mới phải đạo, đạo của người tài tử” [74,127]. Cách chơi hoa, uống trà, thưởng rượu Thạch lan hương của các cụ ngày xưa được Nguyễn Tuân miêu tả tỉ mỉ, chậm rãi và đầy lễ nghi nhịp nhàng, trang trọng, thiêng liêng và tất cả đã được nâng lên thành đạo, thành nghệ thuật. Chính cái tài hoa, thái độ mến yêu, tiếc nuối vẻ đẹp xưa giúp Nguyễn Tuân thăng hoa thành những trang hoa, “tờ hoa” ít nhiều mang màu sắc lí tưởng hoá để thể hiện quan niệm của mình trong
Chén trà sương, Hương cuội, Những chiếc ấm đất, Đèn đêm thu…
Truyện Ngôi mả cũ đưa chúng ta đến cái “hương vị cũ kĩ và nhẫn nại của một sự hi sinh” [49,128]. Sau thời loạn, một nhà gia thế chỉ còn hai chị em. Người chị không lấy chồng, ở nhà dệt vải nuôi em ăn học. Cậu em chăm chỉ và ngoan ngoãn, yêu chị, kính chị như kính mẹ. Sự phối hợp giữa thuật, kể, phác họa về gia cảnh hai chị em cô