Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng thị phần doanh nghiệp phải chú trọng đến yếu tố chi phí, vì nó là yếu tố quan trọng quyết định đến lợi nhuận doanh nghiệp và giá cả sản phẩm cung cấp cho thị trường. Đối với thị trường tiêu thụ sản phẩm ống thép mạ kẽm có nhiều nhà cung ứng, khách hàng với nhiều sự lựa chọn nên việc lựa chọn một nhà cung cấp là đối tác thì doanh nghiệp phải tạo ra những sự khác biệt so với đối thủ. Sự khác biệt có thể là sự khác biệt về giá, khác biệt về chất lượng hay dịch vụ cung cấp và giá là yếu tố quan trọng nhất trong quyết định mua của khách hàng. Do đó, giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, có tính quyết định đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng thị phần của doanh nghiệp trong hiện tại và tương lai.
Để giảm chi phí trong quá trình sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh đối với sản phẩm ống thép mạ kẽm doanh nghiệp phải thực hiện những việc sau:
Thứ nhất, làm tốt công tác thị trường nhằm đẩy mạnh hiệu quả hoạt động bán hàng, nâng cao sản lượng tiêu thụ hàng hóa trên thị trường nhằm giảm chi phí lưu kho, chi phí lãi vay phát sinh trong quá trình lưu kho hàng hóa. Để đẩy mạnh hoạt động bán hàng Công ty phải tăng cường đầu tư cho đội ngũ bán hàng nhằm tạo động lực cho họ phát huy cao độ khả năng bán hàng của mình, kết hợp với các hoạt động marketing, tiêp thị để hỗ trợ cho hoạt động bán hàng diễn ra nhanh hơn, đạt hiệu quả cao hơn, để từ đó giảm thiểu tối đa lượng hàng hóa tồn kho, tạo sự luân chuyển hàng hóa nhanh thu nguồn tài chính về cho Công ty để có dòng tiền ổn định, giảm được chi phí lãi vay và gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Thứ hai, phát huy công suất của dây chuyền sản xuất nhằm giảm chi phí khấu hao cho sản phẩm, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí hoạt động cho
doanh nghiệp và giảm giá thành sản phẩm. Để phát huy được công suất của dây chuyền sản xuất thì Công ty phải có kế hoạch đầy đủ nguồn nguyên liệu đáp ứng cho yêu cầu sản xuất, nâng cao tay nghề cho người lao động để tăng hiệu quả sản xuất, đầu tư những máy móc, công nghệ mới có công suất cao hơn, tạo ra chất lượng tốt hơn, hạn chế phế phẩm, hàng kém chất lượng. Bên cạnh đó, phải thực hiện tốt công tác bảo trì, bảo dưỡng máy móc thiết bị nhằm đảm bảo cho quá trình vận hành máy móc diễn ra liên tục, giảm thời gian dừng máy do hư hỏng, tăng tuổi thọ máy móc nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà máy.
Thứ ba, phát huy hiệu quả của hệ thống dây chuyền khép kín, đảm bảo khả năng sản xuất liên tục, đáp ứng nguồn nguyên liệu kịp thời để tiến để quá trình sản xuất không bị gián đoạn nhằm tối đa công suất của hệ thống dây chuyền nhằm giảm chi phí thấp nhất cho quá trình khấu hao tài sản của doanh nghiệp. Thông qua đó, giảm giá thành của sản phẩm, tạo ra được sản phẩm với giá tốt nhất đáp ứng khả năng cạnh tranh của thị trường.
Thứ tư, tăng cường công tác quản trị chi phí để giảm giá thành sản phẩm, cắt giảm những chi phí gián tiếp, không cần thiết trong hoạt động sản xuất và công tác quản trị nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của tổ chức, giảm chi phí hoạt động, nâng cao lợi nhuận cho doanh nghiệp. Để giảm chi phí gián tiếp Công ty cần đánh giá lại cơ cấu tổ chức, tổ chức nhân sự hợp lý để tinh gọn bộ máy tổ chức giảm tối thiểu chi phí về lao động.