9. Cấu trúc của luận văn
1.2.1 Thực trạng công tác dồn điền đổi thửa ở Việt Nam
Trên cơ sở Nghị quyết của BCH TW Đảng lần thứ V khóa IX về đẩy mạnh công nghiệp hóa nông thôn; trong phần chính sách đất đai nêu rõ “khuyến khích và tạo điều kiện để nông dân dồn điền đổi thửa, tập trung ruộng đất theo chính sách của Nhà nước để phát triển sản xuất mở mang ngành nghề”. Nghị quyết số: 29/NQ- HĐND ngày 29/6/2012 của Hội đồng nhân dân Huyện Uỷ Ba Vì về việc phê chuẩn đề án dồn điền đổi thửa gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012 – 2016 [19]. Thành phố Hà Nội đã ban hành nghị quyết, chỉ thị với những nội dung cụ thể.
Khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất, tạo ra các ô thửa có diện tích lớn, tạo điều kiện cho việc phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên canh sản xuất hàng hóa, đạt hiệu quả cao trên từng đơn vị diện tích, từng bước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Trước khi dồn điền đổi thửa phải tiếp tục rà soát hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất, rà soát lại quỹ đất công và phân định cụ thể đất công ích, đất khó giao, đất dành cho quy hoạch các nhu cầu phi sản xuất nông nghiệp, quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, làm cơ sở cho việc lập hồ sơ thuê quỹ đất công theo quy định của pháp luật, tăng cường quản lý, sử dụng đất công hợp lý, chặt chẽ, có hiệu quả, tăng thu cho ngân sách.
Quá trình thực hiện phải đảm bảo sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý của các cấp chính quyền. Việc chỉ đạo phải làm tốt công tác tuyên truyền, thực hiện thống nhất chặt chẽ, dân chủ công khai; đảm bảo sự tự nguyện của công dân, đảm bảo sự đoàn kết nhất trí, ổn định an ninh nông thôn.
Đảm bảo đúng luật, không đặt vấn đề xem xét lại những nội dung đã thực hiện trước đây, diện tích dồn điền là diện tích các hộ được cấp GCN
QSDĐ hoặc diện tích được giao theo tiêu chuẩn (đối với hộ chưa được cấp GCN QSDĐ).
Đảm bảo ổn định và phát triển sản xuất trong quá trình dồn, đổi tạo mọi điều kiện cho các hộ sử dụng đất thực hiện các quyền theo Luật định;
Hiện nay, các địa phương đang đẩy mạnh việc dồn điền đổi thửa nhằm khắc phục tình trạng manh mún đất canh tác, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cơ giới hóa, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Các địa phương đang nỗ lực triển khai việc DÐÐT, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc cơ giới hóa, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, đang được người dân đồng thuận. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai việc DÐÐT tại các tỉnh phía bắc, nhất là ở cấp cơ sở, một số nơi đã nảy sinh tiêu cực, khiếu kiện kéo dài. Ðể xảy ra tình trạng này, ngoài nguyên nhân do đội ngũ cán bộ cơ sở thực hiện DÐÐT thiếu công khai, dân chủ; trình độ và nhận thức hạn chế; còn do cấp ủy, chính quyền và một số ngành liên quan thiếu sự hướng dẫn cụ thể, chỉ đạo sâu sát. Việc DÐÐT phải đặt dưới sự chỉ đạo tập trung của cấp ủy, chính quyền, có sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội và sự đồng thuận của người dân. Phương án thực hiện DÐÐT phải được bàn bạc dân chủ, công khai theo đúng Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở; tuân thủ Luật Ðất đai và các văn bản pháp luật hiện hành; căn cứ vào quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết nông thôn mới; tạo sự đồng thuận cao, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa hộ dân và tập thể.
Thành phố Hà Nội, từ khi mở rộng địa giới hành chính đến nay có tổng diện tích đất nông nghiệp là 179.270 ha. Trước đây thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, ruộng đất nông nghiệp được giao khoán đến từng hộ gia đình được chia bình quân có ruộng tốt, có ruộng xấu, có gần có xa. Do vậy rất phân tán, manh mún, bình quân 10 - 12 thửa/hộ, cá biệt có nơi tới 30 - 40 thửa/hộ, diện tích bình quân 150m2/thửa, có nơi diện tích mạ chỉ có 5 - 7m2/thửa (http://sonnptnt.hanoi.gov.vn/).
Ruộng đất manh mún đã không còn phù hợp với tình hình sản xuất như hiện nay vì không thể đầu tư thâm canh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi không đưa được cơ giới hóa vào gây lãng phí công lao động rất lớn. Mặt khác ruộng đất manh mún, ô thửa nhỏ còn gây khó khăn cho việc lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý đất đai.
Để triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới với mục tiêu đã được Thành ủy Hà Nội xác định là trên 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015 theo Bộ tiêu chí Quốc gia. Việc tiến hành DĐĐT sẽ giải quyết được cơ bản tình trạng manh mún và phân tán ruộng đất cho người nông dân, tạo điều kiện quy hoạch vùng sản xuất tập trung; thuận lợi để áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp, giúp giảm chi phí sản xuất và tăng hiệu suất lao động; chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp; nâng cao thu nhập cho người nông dân; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tạo quỹ đất để có mặt bằng xây dựng các công trình phúc lợi thực hiện nhóm tiêu chí xây dựng cơ sở vật chất trong nông thôn mới; tạo quỹ đất công cho cơ sở để thực hiện đấu giá huy động nguồn nội lực cho xây dựng nông thôn mới.
Công tác DĐĐT được thành phố Hà Nội xác định đây là khâu đột phá để triển khai thành công Chương trình xây dựng NTM, nên công tác DĐĐT được Hà Nội đặc biệt quan tâm. Sau 3 năm với nhiều nỗ lực không mệt mỏi, hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã cơ bản hoàn thành công tác dồn DĐĐT, tính đến hết quí III năm 2014 đã đạt 97,11%, với 74.158,21/76.365 ha. Để thực hiện tốt công tác này, thành phố hỗ trợ toàn bộ kinh phí hội họp của cơ sở để thống nhất toàn dân đối với phương án DĐĐT, kinh phí đo đạc, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng bản đồ, quy hoạch đồng ruộng, quy hoạch hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng theo quy định của Nhà nước, kinh phí mua vật tư để cứng hóa giao thông, thủy lợi nội đồng... Đồng hành với DĐĐT, là ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng đáp ứng tiêu chí NTM (http://danviet.vn/).
DĐĐT thành công, nhiều cánh đồng mẫu lớn, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hình thức tích tụ ruộng đất hiệu quả cao đã và đang liên tục ra đời ở Hà Nội như: Mô hình sản xuất hoa, rau an toàn, chăn nuôi xa khu dân cư, nuôi trồng thủy sản... Cũng nhờ DĐĐT, công tác cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh, hỗ trợ nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, giải phóng sức lao động, nâng cao thu nhập của người nông dân và góp phần hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp.
Không chỉ giúp hình thành các cánh đồng mẫu lớn để sản xuất hàng hóa tập trung, tăng cường cơ giới hóa trong nông nghiệp, DĐĐT còn giúp Hà Nội có thêm quỹ đất đất dôi dư, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương có mặt bằng xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương.
Dồn điền đổi thửa là khâu quan trọng để hình thành phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, ổn định, lâu dài; là yếu tố quyết định thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển góp phần đưa cơ giới hoá, hiện đại hóa trong nông nghiệp, nông thôn hưởng ứng chương trình nhân rộng cánh đồng mẫu lớn của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. DĐĐT là tiền đề để xây dựng nông thôn mới thành công, chính vì vậy UBND Thành phố cần sớm cụ thể hóa Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố khóa XIV, kỳ họp thứ 4 để ban hành hệ thống chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn tạo điều kiện cho nông dân thực hiện tốt công tác DĐĐT tại những vùng phát triển sản xuất nông nghiệp ổn định.
Những thành công trong DĐĐT trên cả nước nói chung và của thành phố Hà Nội nói riêng sẽ góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn mới trên cả nước. Mặc dù còn có những tồn tại chung trong công tác này nhưng những kết quả bước đầu tạo tiền đề tốt cho bà con nông dân huyện Ba Vì trong công cuộc dồn điền đổi thửa trong thời gian tới.