0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (97 trang)

Công tác dồn điền đổi thửa

Một phần của tài liệu VAI TRÒ CỦA CÔNG TÁC XÃ HỘI TRONG CÔNG TÁC DỒN ĐIỀN ĐỔI THỬA TẠI HUYỆN BA VÌ, THÀNH PHỐ HÀ NỘI (Trang 29 -31 )

9. Cấu trúc của luận văn

1.1.1.3 Công tác dồn điền đổi thửa

Dồn điền đổi thửa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, dồn điền đổi thửa giúp tăng diện tích trên một thửa ruộng, tạo thuận lợi cho hộ canh tác, thực hiện cơ giới hoá nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; từng bước phân công

lao động trong từng địa bàn, tạo việc làm, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích sản xuất.

Ruộng đất manh mún đã không còn phù hợp với tình hình sản xuất như hiện nay vì không thể đầu tư thâm canh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi không đưa được cơ giới hóa vào gây lãng phí công lao động rất lớn. Mặt khác ruộng đất manh mún, ô thửa nhỏ còn gây khó khăn cho việc lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý đất đai.

Để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với mục tiêu đã được Thành ủy Hà Nội xác định. Việc tiến hành dồn điền đổi thửa sẽ giải quyết được cơ bản tình trạng manh mún và phân tán ruộng đất cho người nông dân, tạo điều kiện quy hoạch vùng sản xuất tập trung; thuận lợi để áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp, giúp giảm chi phí sản xuất và tăng hiệu suất lao động; chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp; nâng cao thu nhập cho người nông dân; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tạo quỹ đất để có mặt bằng xây dựng các công trình phúc lợi thực hiện nhóm tiêu chí xây dựng cơ sở vật chất trong NTM; tạo quỹ đất công cho cơ sở để thực hiện đấu giá huy động nguồn nội lực cho xây dựng NTM.

Do có ô thửa lớn, giao thông, thủy lợi nội đồng đảm bảo sẽ giúp cho công tác cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, giải phóng sức lao động, từ đó hỗ trợ nâng cao thu nhập của người nông dân và góp phần hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp. Việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng và hình thành tổ dịch vụ cơ giới phục vụ sản xuất trong hợp tác xã nông nghiệp, cùng với việc quy hoạch lại đồng ruộng sẽ giúp cho công tác tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông thôn diễn ra thuận lợi, hình thành các hợp tác xã. Mặt khác, nếu trước đây, một doanh nghiệp muốn đầu tư vào một địa phương phải bàn bạc với nhiều hộ, thì nay chỉ cần thỏa thuận với một hoặc vài hộ là

có diện tích đủ để thực hiện một dự án sản xuất. Như vậy, DĐĐT còn tạo điều kiện để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Dồn điền đổi thửa không phải là một tiêu chí cụ thể trong chương trình xây dựng nông thôn mới, nhưng có tác động đến các tiêu chí như tiêu chí nâng cao thu nhập, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất... bởi ý nghĩa của việc dồn điền đổi thửa không những giúp nông dân giảm chi phí sản xuất mà còn là điều kiện cần để chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tổ chức sản xuất hàng hóa, là cơ sở để phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã trong nông nghiệp, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới.

Việc DĐĐT căn cứ vào quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết nông thôn mới, gắn với chỉnh trang đồng ruộng, tổ chức lại sản xuất, khuyến khích các hộ tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa tập trung. Phương án DĐĐT phải tuân thủ Luật Đất đai và các văn bản pháp luật hiện hành. Trường hợp diện tích đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án hoặc đã chuyển quyền sử dụng đất thì phải đối trừ trong tổng diện tích đất nông nghiệp được giao. Đối với quỹ đất công ích, sau DĐĐT nên tập trung vào các vị trí đã quy hoạch cho công trình công cộng hoặc liền các khu trung tâm, khu dân cư để tiện lợi cho sử dụng. Khuyến khích các hộ góp một phần diện tích đất nông nghiệp ổn định đang sử dụng để làm đường nội đồng, thuỷ lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch được duyệt. Sau khi DĐĐT phải chỉnh lý biến động đất đai, hồ sơ địa chính, cấp đổi, cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ.

Một phần của tài liệu VAI TRÒ CỦA CÔNG TÁC XÃ HỘI TRONG CÔNG TÁC DỒN ĐIỀN ĐỔI THỬA TẠI HUYỆN BA VÌ, THÀNH PHỐ HÀ NỘI (Trang 29 -31 )

×