9. Cấu trúc của luận văn
1.1.2.1 Lý thuyết vai trò xã hội
Thuyết vai trò được hình thành dựa trên sự đóng góp quan trọng của khoa học Xã hội học và Tâm lý học va có mối quan hệ chặt chẽ với Thuyết chức năng cấu trúc của các tác giả Auguste Comte, Herbert Spenser, Emile Durkheim, Vilfredo Pereto, Athur Radcliffe- Brown và Peter Blau. Thuyết vai trò nhấn mạnh tính liên kết chặt chẽ của các bộ phận câu thành nên một chỉnh thể mà mỗi bộ phận đều có chức năng nhất định góp phần đảm bảo sự tồn tại của chỉnh thể đó với tư cách là một chỉnh thể tương đối ổn định, bền vững [14, tr.97].
Thuyết vai trò được đánh giá là phương pháp tiếp cận hiệu quả đối với việc hiểu biết về con người và xã hội, do đó có nhiều vấn đề liên quan đến vai trò và sự thể hiện vai trò được quan tâm đề cập, đặc biệt là sự mơ hồ trong vai trò, xung đột vai trò, sợ hãi vai trò.
Mơ hồ vai trò là hoàn cảnh của một cá nhân gặp phải khó khăn trong việc xác định, quyết định vai trò nào nên thực hiện.
Xung đột vai trò xảy ra khi một cá nhân đối phó với sự căng thẳng vì cá nhân đó chưa đủ khả năng để thực hiện hoặc đáp ứng các đòi hỏi của vai trò.
Sợ hãi vai trò nói đến những khó khăn có thể cảm nhận thấy trong việc hoàn thành bổn phận vai trò. Đối lập với xung đột vai trò, khi sự căng thẳng được cảm nhận giữa hai vai trò cạnh tranh nhau, sự căng thẳng trong sợ hãi và vai trò chỉ xuất hiện từ một vai trò.
Vai trò là những khuôn mẫu ứng xử khác nhau do xã hội áp đặt cho mỗi chức vị của con người trong xã hội đó. Có hai loại vai trò khác nhau: vai trò hiện và vai trò ẩn. Vai trò hiện là vai trò bên ngoài mọi người đều có thể thấy được. Vai trò ẩn là vai trò không biểu lộ ra bên ngoài mà có khi chính người đóng vai trò đó cũng không biết, ví dụ trong những gia đình không hạnh phúc, bố mẹ thường bất hoà nhiều khi đứa con nhỏ được huấn luyện để đóng vai người trung gian hoà giải mà chính nó và cha mẹ không biết. Vì một người có thể có nhiều vai trò khác nhau, những khuôn mẫu ứng xử do xã hội áp đặt có thể mâu thuẫn với nhau, tạo ra khó khăn [14, tr.98].
Thông thường, mỗi cá nhân có nhiều vị trí, vai trò trong xã hội. Vai trò bao gồm một hệ thống các nhiệm vụ, chức năng, chuẩn mực, như một bản kế hoạch chi tiết hoặc đề án định hướng, chỉ đạo hành vi con người. Những vai trò chỉ ra cụ thể cách thức nhằm đạt được mục tiêu va hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời cũng chỉ ra những nội dung hoạt động cần thiết đòi hỏi phải có trong bối cảnh hoặc tình huống có sẵn, tình huống bất ngờ. Hầu hết các hành vi xã hội hàng ngày của các cá nhân quan sát được thực ra là những việc mà con người thực hiện những vai trò của họ. Do đó, khi đề cập đến vai trò cho một vị trí nào đó, người ta có thể đoán trước được một phần lớn các hành vi của người đó trong vị trí xã hội mà họ sẽ có. Những mong muốn cho mỗi vai trò có thể khác nhau nhưng phù hợp vai trò mà cá nhân thực hiện hoặc thể hiện trong đời sống hàng ngày của họ. Khi vai trò phù hợp với khả năng của cá nhân thì cá nhân đó sẽ đảm trách tốt vai trò được kỳ vọng, được phân công. Muốn thay đổi hành vi cá nhân, trước hết cần tạo cơ hội để cá nhân đó thay
đổi vai trò. Công tác xã hội vận dụng những luận điểm này cùng với các phương pháp tiếp cận để thực hiện các can thiệp cho đối tượng của mình.
Vì chỉ là các vai trò, người ta có thể thay đổi không tiếp tục đóng một vai nào đó không lành mạnh, hoặc tập đóng một vai mới tốt đẹp hơn cho cuộc sống. Thuyết vai trò được áp dụng vào Công tác xã hội để chỉ ra rằng trong mọi việc đều tồn tại những vị trí, các vai trò khác nhau và các vị trí, vai trò này được phân công, thể hiện bởi các thành viên. Mỗi vị trí thể hiện chi tiết các vai trò bao gồm một chuỗi các chức năng cần thiết. Vai trò của nhân viên CTXH ở đây là giúp khách hàng thấy được những vai trò khác nhau họ có thể đóng tùy theo hoàn cảnh cá nhân và tài nguyên có thể huy động được.
Quá trình ứng dụng lý thuyết này trong công tác dồn điền đổi thửa sẽ thể hiện được vai trò của chính nhân viên công tác xã hội và vai trò của những người làm công tác dồn điền đổi thửa, đặc biệt là chính người dân, những người liên quan trực tiếp tới công tác này. Trên thực tế vai trò của nhân viên công tác xã hội vẫn chưa được thể hiện rõ ở các địa phương mà chủ yếu ẩn dưới các tổ chức, các đoàn thể xã hội. Với công tác dồn điền đổi thửa thì vai trò của CTXH chủ yếu là vai trò kết nối nguồn lực, vai trò hướng dẫn, giáo dục, vai trò tư vấn, tham vấn, vai trò vận động, hoạt động xã hội, vai trò xây dựng và thực hiện kế hoạch cộng đồng, vai trò tạo sự thay đổi. Và với từng công đoạn thì từng vai trò sẽ được thể hiện khác nhau. Với vai trò của nhân viên công tác xã hội cần xác định rõ đang ở vị trí nào. Không làm hộ làm thay thân chủ. Còn với người dân cần tăng vai trò của họ trong quá trình thực hiện công tác dồn điền đổi thửa bởi nó gắn liền với lợi ích và quyền lợi của họ.