Tư tưởng Hồ Chí Minh về tài năng của người cán bộ

Một phần của tài liệu vận dụng tư tưởng hồ chí minh về cán bộ vào xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở tình hà tĩnh (Trang 50 - 52)

Đạo đức được xác định là yêu cầu đầu tiên, quan trọng nhất, là gốc của người cán bộ cách mạng, nhưng Hồ Chí Minh cũng không bao giờ xem nhẹ tài năng. Người yêu cầu người cán bộ phải vừa có đức, vừa có tài. Người luôn nhấn mạnh đến năng lực lãnh đạo và thực hành công việc của người cán bộ. Theo Hồ Chí Minh, cán bộ tốt nhất thiết phải là người có đủ phẩm chất và năng lực, mà những phẩm chất và năng lực đó phải được biểu hiện bằng những việc làm cụ thể, bằng việc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hồ Chí Minh không viết riêng một bài nào chuyên bàn về tiêu chuẩn tài năng của người cán bộ, song tất cả các bài viết liên quan đến cán bộ của người đều toát lên các yêu cầu tiêu chuẩn, tài năng, năng lực của cán bộ.

Tinh thần quý trọng người hiền tài: “chiêu hiền đãi sĩ” được thể hiện rất rõ trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngay từ khi chuẩn bị giành chính quyền và nhất là trong những ngày đầu cách mạng còn non trẻ, Hồ Chí Minh đã có bài viết nổi tiếng để tập hợp người tài cho cách mạng Việt Nam là “Nhân tài và kiến quốc” và “Tìm người tài đức”, trong những bài ấy có đoạn viết: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số hai mươi triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức”.… “nay muốn sửa đổi điều đó, trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ: tên, tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó. Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo ngay cho đủ” [30, tr.451].

Tài năng không bỗng dưng mà có, Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ cách mạng phải luôn chăm lo, rèn luyện, thực hiện lời dạy của Lênin là: “Học, học nữa, học mãi !”, và chính Người là tấm gương sáng về tinh thần tự rèn luyện nâng cao trình độ, không ngừng học tập để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng.

Tài luôn đi đôi với đức. Đức và tài có mối quan hệ biện chứng với nhau. Hồ Chí Minh luôn kết hợp chặt chẽ hai yêu cầu này khi đánh giá, giáo dục, sử dụng cán bộ. Hồ Chí Minh giải thích một cách đúng đắn rằng: đạo đức và tài năng là hai mặt không thể tách rời trong mỗi người cán bộ cách mạng. Người luôn coi trọng tiêu chí đạo đức, lấy đức làm gốc, làm nền tảng của người cách mạng. Nhưng người không bao giờ xem nhẹ tài năng. Cán bộ có tài mới làm được việc. Theo người: “cán bộ có đức, không có tài như ông Bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai” [34, tr.184]

Người yêu cầu cán bộ cách mạng phải vừa “hồng” vừa “chuyên”, trong Di chúc trước lúc đi xa, Người đã để lại những lời căn dặn tâm huyết của mình đối với thế hệ trẻ “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết” [38, tr.498].

Người cán bộ có tài là người có trình độ năng lực, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, giàu về kinh nghiệm, có nhiều sáng kiến. Muốn trở thành người có tài, Hồ Chí Minh yêu cầu người cán bộ cách mạng không những phải thường xuyên nâng cao trình độ mà phải biết tự rèn luyện, học hỏi đúc kết từ thực tiễn hoạt động cách mạng. Người nói: “sáng kiến không phải cái gì kỳ lạ. Nó chỉ là kết quả của sự nghiên cứu, suy nghĩ trong những hoàn cảnh, trong những điều kiện rất tầm thường, rất phổ thông, rất thiết thực” [31, tr.244].

Những quan điểm của Hồ Chí Minh về đạo đức, tài năng của người cán bộ cách mạng cho đến tận hôm nay vẫn còn nguyên giá trị và sức sống trong thực tiễn. Nó càng có ý nghĩa trong sự nghiệp Đổi mới mà trước hết là đổi mới công tác tổ chức cán bộ trong giai đoạn hiện nay.

Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, đạo đức của người cán bộ cách mạng là đạo đức hành động chứ không phải là điều mong muốn, là lời nói suông. Do đó, đức phải gắn liền với tài. Nếu có đức mà không có tài thì cũng vô dụng. Song có tài mà không có đức thì lại nguy hiểm, vì nó có thể làm điều

xấu và gây ra cái ác một cách có tính toán. Đức là nhân tố làm cho tài năng trở lên hữu ích đối với con người và xã hội. Theo Hồ Chí Minh không thể tách rời cũng không thể tuyệt đối hoá mặt này mà phủ nhận hay xem nhẹ mặt kia và ngược lại giữa hai mặt đức và tài.

Một phần của tài liệu vận dụng tư tưởng hồ chí minh về cán bộ vào xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở tình hà tĩnh (Trang 50 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)