1.1.2.1. Cấu trúc của văn hóa chính trị
Cấu trúc của VHCT là một hệ giá trị bao gồm nhiều nhân tố cấu thành, chúng có quan hệ hữu cơ với nhau, tác động qua lại và ảnh hưởng lẫn nhau.
Tri thức, sự hiểu biết, giác ngộ khoa học về chính trị.
Tri thức, sự hiểu biết về chính trị là sự thống nhất hữu cơ giữa tri thức khoa học (lý luận) và tri thức kinh nghiệm chính trị. Cả hai nhân tố này đều có tầm quan trọng và tính quyết định như nhau. Thực tiễn cho thấy, không phải cá nhân nào có trình độ học vấn chính trị cao cũng đều là người có khả năng nhạy bén, sáng suốt khi đứng trước các vấn đề chính trị. Và ngược lại, cũng không phải bất kỳ ai có bề dày kinh nghiệm được tích lũy trong hoạt động thực tiễn cũng có thể giải quyết tốt các vấn đề chính trị nảy sinh. Tuy nhiên, xét về bản chất và khuynh hướng thì trình độ học vấn chính trị có vị trí chi phối. Nó có thể khái quát những kinh nghiệm chính trị thực tiễn thành những vấn đề mang tính lý luận, vạch ra được bản chất và quy luật ẩn dấu sau những tri thức kinh nghiệm đã được tích lũy.
Do vậy, tri thức, sự hiểu biết về chính trị là sự thống nhất hữu cơ, biện chứng giữa tri thức lý luận và tri thức kinh nghiệm về chính trị. Tri thức khoa học càng đạt tới tính khách quan bao nhiêu, càng có vai trò to lớn mở đường cho những hành động đúng bấy nhiêu; nó giúp cho các chủ thể nhận thức rõ bản chất của các quá trình chính trị, các qui luật chính trị, các lợi ích chính trị. Biểu hiện của năng lực trí tuệ trên bình diện chính trị là sự hiểu biết về lý luận tiến tiến của thời đại. Chỉ có tổ chức chính trị nào nắm được lý luận tiên tiên của thời đại, biết vận dụng lí luận đó một cách sáng tạo trong hoạt động chính trị thì nó mới làm được nhiệm vụ của đội tiên phong chính trị của giai cấp và dân tộc. Lý luận đó, theo Hồ Chí Minh chính là “trí khôn”, là “bàn chỉ nam” của nhà chính trị, của tổ chức và hoạt động chính trị. Tri thức kinh nghiệm gồm những tri thức kinh nghiệm thực tiễn trực tiếp và truyền thống sẽ góp phần làm sáng tỏ hơn tri thức lý luận, khắc phục được những hành động chủ quan, duy ý chí của các chủ thể chính trị. Vì vậy, nếu chúng ta tuyệt đối hóa hoặc phủ nhận vai trò của yếu tố nào cũng đều hạ thấp giá trị và trình độ của VHCT.
Trên cơ sở những hiểu biết đúng đắn, khoa học về chính trị, các chủ thể chính trị, có thể giác ngộ về lợi ích, mục tiêu chính trị, về động cơ, thái độ chính trị, từ đó tự giác hơn trong hành động thực tiễn.
Niềm tin, tình cảm và lý tưởng chính trị
Niềm tin và tình cảm chính trị của mỗi cá nhân trong đời sống chính trị có thể được hình thành qua thực tiễn một cách tự phát hay cũng có thể là kết quả của một sự nhận thức đúng đắn, sâu sắc về lý tưởng chính trị đã lựa chọn. Niềm tin của cá nhân đứng trên cơ sở tri thức khoa học sẽ mang tính ổn định và bền vững, cả lúc đời sống chính trị thuận lợi hay khi biến động nhiều trắc trở, khó khăn. Thực tiễn cách mạng nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam là ví dụ sinh động về điều này. Với niềm tin trên cơ sở khoa học và cách mạng, nhiều cán bộ cách mạng và quần chúng nhân dân đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, kiên cường, bất khuất, trong chiên đấu,
lao động, học tập, trong những tình huống “ngàn cân treo sợi tóc” hết sức nguy hiểm thậm chí đe dọa đến tính mạng, nhưng vẫn giữ niềm tin vào lý tưởng cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn - không có gì quý hơn độc lập tự do. Ngược lại, nếu niềm tin chính trị được hình thành một cách tự phát, mang nặng tình cảm cá nhân sẽ rất dễ dao động, thậm chí phản bội lại lý tưởng khi gặp phải những tình thế khó khăn, phức tạp. Chính vì vậy, niềm tin chính trị rất cần phải dựa trên tri thức khoa học.
Như vậy, muốn xây dựng VHCT tiên tiến cách mạng - VHCT Xã hội chủ nghĩa thì phải xây dựng được niềm tin trên cơ sở khoa học, tiến bộ, phù hợp vơi xu thế phát triển của thời đại.
Cán bộ giáo viên, nhất là giáo viên THPT là một chủ thể chính trị quan trọng trong đời sống xã hội, đào tạo ra những thế hệ tương lai cho đất nước, hơn ai hết đòi hỏi phải có một niềm tin chính trị vững vàng trên cơ sở nhận thức một cách tự giác. Mặt khác phải truyền thụ niềm tin khoa học và cách mạng cho các thế hệ học sinh để hình thành trong các em niềm tin, tình cảm và lý tưởng chính trị.
Các truyền thống chính trị
VHCT ở một giai đoạn lịch sử nhất định không chỉ là sự kết tinh những gia trị vật chất và tinh thần ở thời điểm đó mà còn hàm chứa những giá trị truyền thống trong giai đoạn lịch sử trước đó, những giá trị đã được các thế hệ trước tạo ra như tập tục, truyền thống, thói quen.
Văn hóa nói chung, VHCT nói riêng trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định bao giờ cũng là sự kế thừa và phát triển những giá trị chính trị truyền thống với yêu cầu, điều kiện cụ thể. Các giá trị VHCT truyền thống không chỉ là “chất liệu” tạo nên VHCT mà còn tạo nên bản sắc dân tộc cho VHCT. Bản sắc văn hóa dân tộc bao giờ cũng gắn liền với ý thức tự khẳng định mình của mỗi dân tộc, coi đó là niềm tin truyền thống và tâm hồn dân tộc. Vì vậy, truyền thống là nhân tố không thể thiếu được trong hệ giá trị văn hóa của dân tộc.
Trong thời đại ngày nay, khi mà giao lưu giữa các nền văn hóa đang diễn ra rất mạnh mẽ thì những giá trị truyền thống là căn cứ để phân biệt những giá trị đích thực của nền văn hóa dân tộc với các nền văn hóa khác. Vì vậy, tính dân tộc trong VHCT càng phải đề cao hơn bao giờ hết.
Các giá trị truyền thống của dân tộc ta trong hàng ngàn năm văn hiến đã tạo thành nền tảng tinh thần của xã hội, tạo thành sức sống và bản lĩnh của dân tộc Việt Nam. Cho nên, ở Việt Nam việc giữ gìn và phát huy những giá trị chính trị truyền thống có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tạo dựng con người Việt Nam mới.
Hệ tư tưởng chính trị
Với tư cách là nhân tố phản ánh khái quát lợi ích của giai cấp cũng như phương thức, con đường để thực hiện lợi ích cơ bản của giai cấp, liên minh giai cấp của nhân dân lao động nói chung, hệ tư tưởng là yếu tố cốt lõi nhất, là định hướng cơ bản cho đời sống tinh thần xã hội, đóng vai trò hạt nhân của VHCT, giữ vị trí trung tâm, có tác dụng chi phối các nhân tố khác trong VHCT. Nó quy định tính chất, nội dung, khuynh hướng phát triển và tích cực của VHCT trong một xã hội nhất định.
Để đánh giá VHCT của một cá nhân không thể không đứng trên lập trường, quan điểm giai cấp. Những quan điểm đó đều được thể hiện rất rõ trong hệ tư tưởng. Do vậy, hệ tư tưởng chính trị được xem là vũ khí tư tưởng, là kim chỉ nam cho hành động để các nhà chính trị và đảng chính trị chèo lái con thuyền cách mạng.
Ý thức về sự đổi mới chính trị
Đời sống chính trị hết sức đa dạng và phong phú, nó đòi hỏi mỗi cá nhân tham gia vào đời sống chính trị cũng phải luôn có sự năng động, nhạy bén, sáng tạo và đổi mới. Nền văn hóa của loài người cũng đổi mới không ngừng. Trên con đường phát triển của các nền văn hóa khác nhau của các dân tộc trên thế giới cũng có nền văn hóa bị ngừng trệ, thậm chí bị tàn lụi. Tuy nhiên, trên
những đường nét lớn và ở tầm lịch sử thì văn hóa của các dân tộc và của cả loài người luôn thể hiện xu thế vươn lên từ thấp đến cao.
Văn hóa là đổi mới, văn hóa chính trị cũng là sự đổi mới mang tính giai cấp. Đổi mới phải trên cơ sở nhận thức và vận dụng một cách hợp lý, hiệu quả các quy luật. Đổi mới cũng phải bắt nguồn, bám rễ từ mãnh đất của văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa của thời đại. Sự nghiệp đổi mới diễn ra trên mọi lĩnh vực: kinh tế, chính trị, xã hội, cả bề rộng và chiều sâu. Những lạc hậu, bảo thủ, giáo điều, trì trệ, chậm đổi mới hoặc là sự ngẫu hứng, tùy tiện, đều là những trở lực, kìm hãm sự phát triển, tiến bộ của lịch sử. Do đó, ý thức được tính tất yếu khách quan của sự đổi mới, từ đó định hướng đúng trong quá trình đổi mới cũng là một bộ phận quan trọng trong cấu trúc của VHCT.
Như vậy, VHCT của bất cứ chủ thể nào cũng là một hệ thống cấu trúc của nhiều nhân tố, có lôgic vận động nội tại. Lôgic này phản ánh mối liên hệ tác động, chuyển hóa lẫn nhau giữa các nhân tố cấu thành của VHCT. Tri thức chính trị, qua thực tiễn chính trị biến thành niềm tin, lý tưởng của chủ thể. Từ niềm tin, lý tưởng đó biến thành hành động chính trị thực tiễn, qua đó hình thành những chuẩn mực chính trị, thành nếp sống, thói quen hành vi trong ứng xử chính trị. Chỉ đến khi những chuẩn mực giá trị và sự ứng xử chính trị đó thẩm thấu vào tư chất của chủ thể hoạt động chính trị, làm cho chúng có mặt thường trực trong hành vi xử lý các tình huống chính trị, trong đời sống chính trị hằng ngày thì lúc đó VHCT mới thực sự được xác lập ổn định trong chủ thể tương ứng.
Với tư cách là hệ thống các giá trị, VHCT không tồn tại thuần túy mà luôn gắn liền với các chủ thể xác định. Vì vậy, những yếu tố cấu thành VHCT cũng như phương thức vận động của VHCT của các chủ thể tuy thống nhất nhưng cũng có sự khác biệt nhất định.
1.1.2.2. Đặc điểm của văn hóa chính trị
Với những nội dung mang bản chất khoa học, pháp lý, dân chủ và nhân văn, VHCT có những đặc điểm chủ yếu sau:
Tính giai cấp của văn hóa chính trị
VHCT được hình thành, phát triển trong đấu tranh giai cấp, dân tộc, vì lợi ích giai cấp và con người. Bởi vậy, VHCT bao giờ cũng bị chi phối bởi hệ tư tưởng, đường lối chính trị của đảng chính trị phục vụ lợi ích và thúc đẩy sự tồn tại, phát triển của mỗi giai cấp. Ở bất kỳ xã hội có giai cấp nào, VHCT cũng bị quy định bởi quan điểm chính trị, thế giới quan, lập trường tư tưởng của giai cấp nhất định. Như vậy, không có VHCT chung chung, trìu tượng. Các hành vi chính trị của các chủ thể chính trị luôn chịu sự điều chỉnh của các giá trị văn hóa chính trị nhất định và luôn được đặt trên những quan điểm, đường lối chính trị của một giai cấp nhất định, trong một chế độ xã hội nhất định. VHCT được thể hiện thông qua các quan hệ chính trị mà tập trung chủ yếu ở quan hệ quyền lực chính trị. Đó là các quan hệ giữa các giai cấp với nhau, giữa nhà nước với công dân, tổ chức, giữa các quốc gia, dân tộc. Trong một nhà nước nhất định, VHCT của giai cấp cầm quyền luôn quy định sự phát triển của nền văn hóa xã hội nói chung, nó có vai trò định hướng, điều chỉnh các quan hệ chính trị xã hội.
Tuy vậy, khi khẳng định tính giai cấp của VHCT cũng cần phải chú ý đến cái chung, cái phổ biến. VHCT phải luôn trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp chung của loài người.
Tính lịch sử - cụ thể của văn hóa chính trị
Trình độ cũng như chuẩn mực VHCT của mỗi cá nhân và mỗi giai cấp không có sự cố định và luôn có sự biến đổi. Sỡ dĩ như vậy là vì VHCT được
quy định bởi những nhân tố chủ quan và khách quan khác nhau, chúng thường xuyên vận động và thay đổi trong từng chu kỳ nhất định.
Với mỗi thời kỳ lịch sử khác nhau, VHCT cũng chứa đựng những điểm khác biệt nhất định ứng với các thời kỳ đó. Khi xã hội chuyển từ chế độ chính trị này sang chế độ chính trị khác, nhìn từ góc độ VHCT, đó là sự thay đổi về chất của các loại hình văn hóa chính trị cũng như về trình độ của nó. Tương ứng với mỗi chế độ xã hội trong lịch sử sẽ có một nền VHCT nhất định.Với ý nghĩa đó, lịch sử chính trị loài người đã và đang trải qua các loại hình VHCT: chủ nô, phong kiến, tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa. Lịch sử đã cho thấy, các nền VHCT không tồn tại vĩnh viễn mà có sự thay đổi kế tiếp nhau.
Tính đa dạng phong phú của văn hóa chính trị
Trong đời sống chính trị xã hội với sự tham gia của các chủ thể khác nhau, với những tri thức hiểu biết về chính trị ở các cấp độ khác nhau, với những kinh nghiệm thực tiễn khác nhau, tạo cho đời sống chính trị nói chung và VHCT nói riêng sự đa dạng, phong phú. Trong cấu trúc của VHCT, nhân tố cốt lõi là hệ tư tưởng. Hệ tư tưởng của các giai cấp không đồng nhất với nhau nên VHCT của mỗi giai cấp bị chi phối bới các góc độ khác nhau dẫn đến hiện tượng đồng thời tồn tại nhiều loại hình, nhiều xu hướng khác nhau của VHCT thích ứng với đặc tính của các giai cấp trong xã hội.
Nhưng sự đa dạng và phong phú của VHCT được quy định trong tính thống nhất ở mức độ nhất định do lợi ích giai cấp chi phối và hệ tư tưởng chính trị dẫn dắt. Trong xã hội XHCN thì VHCT đạt đến sự thống nhất cao trong tính đa dạng, phong phú.
Tính kế thừa của văn hóa chính trị
Văn hóa chính trị còn mạng một đặc điểm quan trọng - đó là tính kế thừa trong sự ra đời, tồn tại và phát triển của mình. Sự ra đời của một nền VHCT mới là kết quả của phủ định biện chứng đối với nền VHCT đã lỗi thời. Tuy nhiên, nền VHCT mới luôn luôn mang dấu ấn của VHCT ở thời điểm lịch sử
trước đó, đó không phải là sự phủ định hoàn toàn sạch trơn. Những nhân tố có giá trị chung ít nhiều mang tính tích cực của nền VHCT bị phủ định sẽ tiếp tục được kế thừa, gìn giữ, bảo lưu và phát triển hơn trong thời kỳ mới với nền VHCT mới. Những nhân tố hạn chế có thể vẫn còn ảnh hưởng nhất định đến nền văn hóa mới. Rõ ràng, VHCT luôn có sự kế thừa, bảo lưu và phát triển lên một trình độ mới.
Văn hóa chính trị trong chủ nghĩa xã hội ngoài những đặc điểm trên còn bao hàm một số đặc điểm khác - đó là, nó vừa là động lực, là biểu hiện chất lượng của nền dân chủ, vừa là nhân tố thúc đẩy việc đạt mục tiêu của CNXH và là phương thức để nhân dân lao động trở thành chủ thể của quyền lực chính trị.
1.1.2.3. Chức năng của văn hóa chính trị
Văn hóa chính trị là kết quả hoạt động sáng tạo của con người trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu, lý tưởng chính trị. Vì vậy, VHCT có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh, định hướng, tạo khuôn mẫu hành vi nhất định cho các cá nhân, tổ chức, chi phối hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị.
Xét một cách khái quát, VHCT có một số chức năng cơ bản sau:
Chức năng nhận thức
Tri thức, sự hiểu biết về các vấn đề chính trị là một bộ phận quan trọng