Chuyển biến trong lối sống cư dân

Một phần của tài liệu quá trình đô thị hóa ở thành phố vĩnh long, tỉnh vĩnh long (1986 2010) (Trang 131 - 160)

Đô thị hóa được xem là con đường để nâng cao mức sống của người dân nông thôn, giúp họ theo kịp với cuộc sống văn minh để nâng cao khả năng hòa nhập vào thế giới bên ngoài. Trong bối cảnh phát triển của xã hội hiện nay, đô thị hóa còn được xem là một xu thế tất yếu và sự biến đổi, phát triển của nền kinh tế - xã hội từng bước nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, xét về mặt trái của nó thì chính những xáo trộn lớn từ lối sống đến phong tục, tập quán, ... trong đời sống của người dân là do quá trình đô thị hóa mang lại, chủ yếu ảnh hưởng của tâm lý, lối sống công nghiệp.

Ngành kinh tế chính của thành phố ở thời điểm trước năm 1986 vẫn là nông nghiệp, người nông dân cần cù lao động, đa số làm việc theo tập quán, kinh nghiệm, thiếu kế hoạch, định hướng tổng thể, lâu dài. Tồn tại lớn nhất là nền kinh tế vẫn duy trì cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, các xí nghiệp, nhà máy hoạt động trì trệ, không có hiệu quả kinh tế, bản thân người công nhân là nông dân trước đây cũng đem theo lối sản xuất nông nghiệp vào sản xuất công nghiệp. Đến sau năm 1986 đất nước bước vào thời kì đổi mới, nền kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp bị xóa bỏ, thay vào đó là nền kinh tế thị trường có sự quản lí của Nhà nước, đời sống của người dân từng bước thay đổi theo hướng tích cực. Người lao động (kể cả đối tượng sử dụng lao động hoạt động sản xuất trong và ngoài quốc doanh) dần khắc phục những khuyết điểm cơ bản trong phương thức làm việc trước đây, chú trọng nâng

cao hiệu suất lao động, hiệu quả kinh tế, năng động, sáng tạo, tận dụng tốt các cơ hội làm việc trong nhiều ngành nghề khác nhau, phù hợp với năng lực, sở trường; các biểu hiện của đời sống công nghiệp bắt đầu xuất hiện và ngày càng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư.

Nền kinh tế phát triển, thu nhập người dân tăng cao, đáp ứng cơ bản nhu cầu đời sống vật chất, người dân bắt đầu quan tâm hơn đến những nhu cầu phục vụ đời sống tinh thần. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, thương mại - dịch vụ phát triển mạnh để đáp ứng kịp thời cho nhu cầu của người dân như nhà hàng, các khu vui chơi giải trí, ... Từ đó, làm thay đổi hẳn bộ mặt của đô thị, trở nên nhộn nhịp, khang trang và văn minh hơn.

Sự chuyển biến trong lối sống của người dân còn thể hiện qua cách ăn, mặc của họ. “Nếu như trước đây áo bà ba, quần đen, guốc dông, ... được xem là trang phục truyền thống và thường xuyên của người dân thì ngày nay nó được thay thế bằng những kiểu trang phục mới như quần tây (nhiều màu khác nhau), áo sơmi, áo thun (nhiều kiểu dáng, chất liệu và màu sắc khác nhau). Đi kèm với trang phục là các loại giày, dép, nón, ... cũng đa dạng, phong phú hơn. Phần lớn những kiểu trang phục hiện đại luôn được giới trẻ ưa chuộng, trang phục dành cho nữ thường là áo thun, quần jean, áo sơmi, áo hai dây khi đi chơi; áo dài, đồ công sở khi đi làm và khi ở nhà thường là đồ bộ được may hoặc mua chợ’’ [77, 102].

Đồ trang sức cũng có sự thay đổi với nhiều kiểu dáng và chất liệu phong phú đa dạng hơn. Nếu như trước đây đồ trang sức chủ yếu là vòng, kiềng, bông tai bằng vàng hay các loại đá quí thì nay có thêm nhiều loại như nhẫn, dây chuyền, thậm chí có cả vòng đeo chân được làm bằng các kim loại quí như bạc, bạch kim, ... được nhiều người ưa chuộng, trong đó kiềng là loại trang sức không còn được ưa chuộng (đôi khi được dùng làm sính lễ cho cô dâu trong ngày cưới).

Riêng đối với giới trẻ nhất là lứa tuổi học sinh rất năng động, sáng tạo để tạo phong cách riêng cho mình trong trang phục, trong kiểu tóc, ... nếu như trước đây đối với nữ truyền thống là mái tóc dài và đen thì hiện nay được thay vào đó là những kiểu tóc ngắn thậm chí rất ngắn, tóc xoăn với nhiều màu sắc khác nhau, còn

nam thì có cả kiểu tóc xoăn, tóc dài nhiều màu sắc để thay thế cho chỉ có mái tóc ngắn trước đây. Một điểm tiến bộ hơn nữa đó là đối với các cụ già: với cụ bà ngày nay phần lớn không còn ăn trầu, mặc áo dài còn cụ ông không còn bới tóc hay mặc áo dài khăn đóng.

Đời sống vật chất của người dân nâng cao, chất lượng bữa ăn gia đình có sự thay đổi. Các loại thức ăn đa dạng hơn, trước đây đa phần chỉ gồm các món ăn truyền thống địa phương như các loại rau đồng, các loại mắm, khô, ... phần lớn có trong tự nhiên được thay vào đó là các loại thức ăn được pha chế sẵn với nhiều nguyên liệu nấu nướng khác nhau mua từ chợ, siêu thị, ... một phần do quá trình đô thị hóa, dân cư tập trung đông đúc, trong sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường, nhất là việc khai thác tận thu bằng thuốc, xung điện, thậm chí là chất nổ, ... làm cho nguồn thức ăn có trong tự nhiên ngày càng cạn kiệt. Ví dụ như các loài rắn, rùa, tôm, lương, ếch, ... trước đây có rất nhiều trong tự nhiên nhưng ngày nay trở nên rất khan hiếm, nguồn cung cấp chủ yếu hiện nay từ hoạt động chăn nuôi, trồng trọt, nhập khẩu.

Các dụng cụ nấu ăn trong gia đình cũng có nhiếu thay đổi theo chiều hướng văn minh hiện đại hơn. Trước đây cà ràng là dụng cụ nấu nướng phổ biến với nhiên liệu chủ yếu là củi, trấu, lá cây, ... nhưng giờ đây dụng cụ phổ biến nhất là bếp gas, kế đến là bếp điện, bếp từ vừa nhanh chóng vừa tiện lợi, giá thành phù hợp với thu nhập của nhiều đối tượng xã hội.

“Quá trình đô thị hóa còn làm cho qui mô gia đình thay đổi, kiểu gia đình nhiều thế hệ trước đây còn tồn tại rất ít, được thay bằng những gia đình 2 thế hệ (gồm cha, mẹ và con cái), thậm chí là những gia đình có một thế hệ chỉ có hai vợ chồng son. Quan hệ giữa các thành viên trong gia đình bình đẳng hơn, nhất là quan hệ vợ chồng cùng tôn trọng, chia sẻ với nhau, cùng nhau làm việc và chăm sóc và nuôi dạy con cái’’ [58, 104].

Đô thị hóa phát triển làm cho diện tích đất ở ngày càng thu hẹp, trước đây phần lớn gia đình sống trong những ngôi nhà rộng lớn, có nhiều ao, hồ, vườn cây, ... ngày nay diện tích đó thu hẹp lại và bắt đầu cho những khu nhà chung cư cao tầng,

hình hộp với diện tích nhỏ hẹp; những ngôi nhà lá, nền đất dần biến mất, thay vào đó là những ngôi nhà tường có tiện nghi đầy đủ. Riêng đối với những gia đình giàu có thì qui mô hơn họ xây những ngôi nhà biệt thự có kiến trúc hiện đại, đồ trang trí cao cấp đắt tiền. Điều này cũng thể hiện phần nào về cuộc sống tiến bộ hơn của cư dân trong sự phát triển ngày càng cao của quá trình đô thị hóa.

Sinh hoạt văn hóa của người dân có sự đan xen gữa truyền thống và hiện đại. Bên cạnh các loại hình ca nhạc, đờn ca tài tử thì phong trào văn nghệ quần chúng được tổ chức tại địa phương, thu hút nhiều người tham gia; các phương tiện phục vụ cho sinh hoạt văn hóa ngày càng đa dạng, tiện nghi và hiện đại hơn.

Đô thị hóa còn làm thay đổi một số phong tục tập quán theo hướng hiện đại nhưng không làm mất đi tính chất truyền thống vốn có, tiên tiến nhưng đậm đà bản sắc dân tộc. Tục thờ cúng ông bà vẫn luôn được gìn giữ nhưng việc tổ chức cúng giỗ gọn nhẹ, đơn giản hơn. Đây chính là yếu tố gắn kết tình cảm giữa các thành viên gia đình, là dịp hội tụ gặp gỡ, chia sẻ với nhau về cuộc sống, cùng nhau nhớ về công lao sinh thành, nuôi dưỡng của các thế hệ đi trước và đây cũng chính là tính cách đặc trưng, truyền thống của người dân thành phố Vĩnh Long nói riêng và của nhân dân cả tỉnh Vĩnh Long, dân tộc ta nói chung: uống nước nhớ nguồn. Bên cạnh đó họ cũng luôn gìn giữ những giá trị truyền thống quí báo của dân tộc như quan hệ làng xóm tốt đẹp, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, tiếp thu văn hóa bên ngoài có sự chọn lọc và sáng tạo.

Tiếp cận với nếp sống văn minh, hiện đại, những quan niệm mê tín dị đoan như bói toán, cầu hồn, ... trong phần lớn cư dân trước đây giảm hẳn. Hiện nay yếu tố văn hóa góp phần giúp cho tinh thần họ được trấn an, được thanh thản đó chính là đi viếng các chùa, đình làng, nơi diễn ra nhiều lễ hội được tổ chức hàng năm vừa nhằm lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, vừa tạo được không khí vui tươi nhằm thu hút đông đảo người tham gia. Hiện nay trên địa bàn thành phố có rất nhiều chùa, đình làng, hầu như trong 7 phường và 4 xã thì mỗi nơi đều có chùa; riêng ở phường 5 có đình Long Thanh được công nhận là di sản văn hóa, xã Tân Ngãi có chùa Xá Lợi có qui mô lớn với tháp xá lợi nhiều tầng. Ngoài ra, phường 4 còn có

Văn Thánh Miếu là nơi thờ tự Khổng Tử và cụ Phan Thanh Giản - là di sản văn hóa quốc gia.

Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến mang tính tích cực vẫn còn xuất hiện những biểu hiện tiêu cực trong lối sống của người dân thành phố Vĩnh Long:

Đô thị hóa phát triển thu hút cư dân nhiều nơi khác đến sinh sống và làm việc, quy mô dân số gia tăng cao, kéo theo những khó khăn trong việc quản lí dân cư, trong xã hội có nhiều thành phần khác nhau làm cho sinh hoạt trở nên phức tạp, là cơ hội cho các tệ nạn xã hội diễn ra gây mất an ninh trật tự, một phần nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường.

Kinh tế phát triển tạo ra sự phân hóa xã hội ngày càng gay gắt, nhất là sự phân hóa giàu - nghèo có khoảng cách ngày càng lớn. Việc quản lý nhà nước về dân số gặp nhiều khó khăn do có tập trung dân cư từ nhiều thành phần khác nhau đến sinh sống và làm việc, mang tính chất không ổn định, nhất là những thói quen, lối sống có nhiều yếu tố lạc hậu, ... ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của những cư dân sinh sống đã lâu trên địa bàn.

Cuộc sống hối hả bận rộn theo lối sống công nghiệp đã làm giảm đi phần nào mối quan hệ khắng khít giữa những thành viên gia đình, dần dần mất đi sự chia sẻ do không có thời gian gần gũi, mất đi sự tôn trọng lẫn nhau do thu nhập chênh lệch của mỗi thành viên, mất đi mối quan hệ với hàng xóm, bạn bè, ... Đây chính là tình trạng phổ biến của người dân đô thị.

Có thể nói đô thị hóa phát triển đã làm biến đổi sâu sắc đời sống văn hóa tinh thần của người dân thành phố Vĩnh Long. Họ tiếp nhận một cách chọn lọc văn hóa bên ngoài du nhập vào nhằm tạo sự phong phú, đa dạng cho nền văn hóa của mình, tuy nhiên một số luồng văn hóa đồi trụy ảnh hưởng xấu đến bản chất văn hóa đặc trưng của người dân ở thành phố này. Do đó để kịp thời ngăn chặn, bày trừ những luồng văn hóa độc hại đó trước hết thành phố cần phải có những biện pháp kiểm tra, xử lí cứng rắn đối với những đối tượng vi phạm.

Bên cạnh đó, đối với những tín ngưỡng lạc hậu, mê tín dị đoan ở các địa phương phải nhanh chóng bị xóa bỏ nhằm mang lại cho người dân một nền văn hóa văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ được những giá trị truyền thống.

* Tiểu kết chương 3

Từ khi Đại hội Đảng bộ lần VI diễn ra đến nay (năm 2010) lĩnh vực văn hóa xã hội của thành phố Vĩnh Long có nhiều thay đổi nhanh chóng. Trước hết, dân số tăng lên rất nhanh tạo ra cho xã hội nguồn lao động đồi dào với trình độ, tay nghề ngày càng được đào tạo hoàn chỉnh và nâng cao, phù hợp với yêu cầu xã hội.

Với lợi thế thành phố trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh, thành phố có nhiều trường đại học, cao đẳng, trung học trên địa bàn, cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo tay nghề cho người lao động phục vụ nhu cầu phát triển của địa phương, tỉnh và khu vực. Lao động xã hội có chuyên môn kỹ thuật chiếm tỷ lệ cao (hơn 50%), hàng năm giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động và phục vụ cho xuất khẩu lao động sang một số nước trong khu vực; mục tiêu giúp người lao động có khả năng tiếp cận công nghệ mới phục vụ cho nhu cầu phát triển của đất nước và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đề ra chỉ tiêu cơ cấu lao động xã hội đến năm 2015: thương mại - dịch vụ 64%, công nghiệp - xây dựng 30%, nông nghiệp - thủy sản 6%.

Sự nghiệp giáo dục từng bước được nâng cao về chất lượng đối với mọi đối tượng gồm học sinh, sinh viên kể cả giáo viên và cán bộ nhằm tạo ra đội ngũ lao động có trình độ cao.

Trong lĩnh vực y tế từng bước được cải thiện, cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ, trang thiết bị hiện đại, cơ sở điều trị được nâng cấp, chương trình tiêm chủng đạt kết quả cao, hơn 95%.

Công cuộc vận động toàn dân thực hiện nếp sống văn hóa đạt tỷ lệ cao, hơn 90%. Hoạt động văn hóa thông tin, đặc biệt phát thanh truyền hình nội dung chương trình ngày càng đa dạng, phong phú, phản ảnh kịp thời thực tế hoạt động của địa phương, đáp ứng nhu cầu thông tin và giải trí của nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu trên, thành phố Vĩnh Long vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: sự chênh lệch giàu - nghèo, chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, việc tổ chức thực hiện chỉ thị 01/TU dàn trãi, mang tính hình thức, chưa chú trọng chất lượng; các hoạt động quản lý văn hóa, dịch vụ văn hóa có mặt chưa chặt chẽ, cụm văn hóa, sân chơi, bãi tập chưa đáp ứng tốt nhu cầu luyện tập, vui chơi giải trí cho thanh thiếu niên; chất lượng giáo dục chưa theo kịp nhu cầu đổi mới của đất nước, ... đồng thời, những vấn đề bức xúc như tệ nạn xã hội, trật tự đô thị, ô nhiễm môi trường vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Những hạn chế, yếu kém nêu trên là lực cản không nhỏ cho quá trình phát triển của thành phố đã qua và trong thời gian tới nếu chưa được khắc phục. Vì vậy Đảng bộ và nhân dân phải cùng nhau phân tích rõ nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém để tìm biện pháp khắc phục nhanh nhất, hiệu quả nhất trong thời gian tới góp phần đưa thành phố phát triển mạnh hơn.

KẾT LUẬN

Đô thị là một quá trình mang tính tất yếu khách quan của lịch sử loài người, gắn liền với quá trình xây dựng cuộc sống văn minh, hiện đại. Quá trình đô thị hóa ở thành phố Vĩnh Long trong thời gian từ năm 1986 đến năm 2010 có những đặc điểm cơ bản sau:

1. Quá trình đô thị hóa ở thành phố Vĩnh Long là một sự tiếp diễn, tiếp nối quá trình đô thị hóa của dinh Long Hồ. Năm 1732 địa bàn Thành phố Vĩnh Long là thủ phủ của dinh Long Hồ. Dưới triều Nguyễn, với vị trí thuận lợi cạnh các đô thị lớn như Hà Tiên, Cần Thơ, ... ngoại thương nơi đây rất phát triển, hoạt động trao đổi buôn bán diễn ra tấp nập, hàng hóa phong phú, đa dạng, sự dồi dào về lương thực, phong phú về cây trái và các loại nông sản thực phẩm cùng thủy hải sản. Hoạt

Một phần của tài liệu quá trình đô thị hóa ở thành phố vĩnh long, tỉnh vĩnh long (1986 2010) (Trang 131 - 160)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(160 trang)