Sự chuyển biến trong hoạt động văn hóa thông tin, thể dục thể thao

Một phần của tài liệu quá trình đô thị hóa ở thành phố vĩnh long, tỉnh vĩnh long (1986 2010) (Trang 126 - 131)

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác thông tin, ngay từ những năm đầu sau giải phóng, cùng với khôi phục và phát triển kinh tế, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động văn hóa - thông tin, thể dục thể thao cũng được phát triển, một số đài truyền thanh phường, xã được xây dựng, đáp ứng kịp thời việc tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến mọi tầng lớp dân cư, đáp ứng nhu cầu thông tin, văn hóa ngày càng cao của quần chúng.

Sau năm 1986, bước vào thời kì đổi mới cùng với việc phát triển kinh tế, các loại hình dịch vụ văn hóa phát triển đa dạng, các hoạt động văn hóa cũng ngày càng mở rộng làm khơi dậy phong trào văn nghệ quần chúng ở địa phương.

Thực hiện theo tinh thần Nghị quyết trung ương 5, phong trào xã hội hóa các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa tăng nhanh, bình quân mỗi năm tăng 100 cơ sở (năm 1999 có 554 cơ sở, đến 2004 có 981 cơ sở) và công tác quản lí cũng được chú

trọng hơn. “Trong giai đoạn 1999 - 2004 đã tổ chức kiểm tra 2.091 lượt cơ sở, phát hiện 874 cơ sở vi phạm, tịch thu 303 cassette, 1.916 băng video, 1.325 đĩa các loại, 44 quyển sách in lậu, 19 máy đánh bạc, ... xử phạt hành chính với số tiền hơn 541 triệu đồng’’ [61, 40]. Điều này cho thấy có sự chuyển biến tốt trong việc bày trừ văn hóa phẩm đồi trụy, góp phần xây dựng nền văn hóa, đời sống văn hóa cơ sở ngày càng văn minh hơn.

Công tác thông tin tuyên truyền được xem là loại hình công cụ, là mũi nhọn đi đầu trên mặt trận công tác tư tưởng; công tác thông tin có nhiều khởi sắc ngày càng phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống tinh thần cho nhân dân. Với hình thức thông tin đa dạng cả chiều rộng lẫn chiều sâu; thực hiện tuyên truyền bằng trực quan như: panô, bảng tuyên truyền, băng rol, phân phối áp phích, khẩu hiệu. Ngoài ra, còn có xe cổ động, tờ tin thành phố Vĩnh Long (phát hành định kì hàng tháng 500 bản, cuối năm phát hành đặc san Xuân từ 40 trang năm 2000 tăng lên 52 trang năm 2004); tổ chức treo các loại cờ đúng theo qui cách tạo vẻ trang nghiêm và mĩ quan đô thị trong dịp lễ, tết.

Về hoạt động văn hóa - nghệ thuật: trở thành hoạt động thường xuyên của ngành văn hóa thành phố, hàng năm nhà văn hóa thành phố đã xây dựng trung bình 16 chương trình văn nghệ tham gia hội diễn cấp tỉnh và phục vụ các phường, xã trong dịp lễ, tết; tham gia các cuộc thi cắm hoa, trưng bày mâm ngũ quả; duy trì tập dợt nhóm ca khúc chính trị để phục vụ vào các ngày lễ lớn, bình quân phục vụ 40 buổi/năm, ước khoảng có từ 500 - 700 người xem/buổi.

Thành phố Vĩnh Long hiện có 5 di tích lịch sử cấp quốc gia (toàn tỉnh có 9 di tích), 3 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và gần 100 di tích phổ thông khác. Các di tích xếp hạng đều có ban quản lí, chính quyền địa phương và nhân dân rất quan tâm đến việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Trên địa bàn thành phố có 01 bảo tàng của tỉnh (phường 1) được thành lập và chính thức đi vào hoạt động vào tháng 5/1976, đây là trung tâm sinh hoạt văn hóa, thu hút đông đảo nhân dân đến tham quan.

Về hoạt động thư viện: là hoạt động ít chịu ảnh hưởng của sự thay đổi cơ chế quản lí và có tốc độ phát triển khá nhanh, đáp ứng cơ bản nhu cầu nghiên cứu nâng cao trình độ của đông đảo người dân theo sự phát triển của xã hội. Trên địa bàn thành phố hiện có 1 thư viện tỉnh (phường 2), 1 thư viện thành phố (phường 1) và một số phòng đọc sách nằm rãi rác ở các phường, xã văn hóa. Riêng thư viện thành phố có khoảng 4.000 bản sách, trên 10 loại báo, tạp chí, phục vụ gần 12.453 lượt người xem.

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nếp sống văn minh công cộng, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới hỏi, việc tang, lễ hội thực sự đi vào chiều sâu; mức hưởng thụ văn hóa, văn nghệ được giữ vững. Năm 1989 toàn thành phố có 6.430 hộ gia đình đăng kí thực hiện nếp sống văn hóa mới, đạt tỉ lệ 21%. Năm 2004, thành phố được tỉnh công nhận có 32 khóm, ấp văn hóa, 7/11 phường xã văn hóa, 108/112 cơ quan, đơn vị văn hóa. Đến năm 2005 có 56/58 khóm, ấp văn hóa; 17.418 hộ gia đình văn hóa (đạt 78,43%), mức hưởng thụ văn hóa tăng 2 lần so với nhiệm kì 1995 - 2000, với mức bình quân mức hưởng thụ văn hóa 31,2 lần/người/năm; phương tiện nghe, nhìn bình quân 1,2 hộ có 1 tivi; 1,1 hộ có radio, cassette, cao hơn so với nhiệm kì 1991 - 1995 (3 hộ có 1 tivi, 1,5 hộ có 1 radio casette, 15 hộ có 1 đầu máy video).

Sang giai đoạn 2005 - 2010 chất lượng hoạt động của các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền ngày càng được nâng cao, sóng phát thanh truyền hình, truyền thanh, truyền hình cáp, ... được phát triển. “Mạng lưới truyền thanh phủ đều 58/58 khóm, ấp (cả hệ thống loa không dây); các trạm truyền thanh phường, xã được đầu tư, nâng cấp phát sóng phục vụ tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, góp phần quan trọng trong việc đưa chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống. Các thiết chế văn hóa trên địa bàn được đầu tư phát triển phục vụ tốt nhu cầu văn hóa của nhân dân; nâng cao chất lượng cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư và nếp sống văn minh nơi công cộng; sửa chữa và nâng cấp nhà văn hóa thành phố’’ [66, 25].

Phong trào văn hóa văn nghệ hiện nay phát triển khá mạnh, nhất là phong trào văn nghệ quần chúng, hoạt động của các câu lạc bộ đờn ca tài tử, thư viện, điểm đọc sách phát triển khắp phường - xã, khóm - ấp, thu hút đông đảo nhân dân tham gia; mức hưởng thụ văn hóa của người dân bình quân 78 lần/người/năm, tăng 31 lần so với nhiệm kì 2000 - 2005; các phương tiện nghe nhìn phát triển mạnh, rộng khắp; từng bước vận động giáo dục, chấn chỉnh và thực hiện tốt các hoạt động lễ hội; sinh hoạt văn hóa, việc cưới, việc tang trên địa bàn...

Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đạt được thì ngành văn hóa thông tin thành phố còn gặp không ít khó khăn về kinh phí hoạt động, khó khăn trong việc khai thác các tiềm năng trong nhân dân để phục vụ tốt cho việc đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa thông tin.

Bên cạnh các hoạt động văn hóa thông tin, các hoạt động trong lĩnh vực thể dục thể thao cũng góp phần quan trọng trong việc nầg cao múc hưởng thụ văn hóa của người dân trong thành phố.

Trước năm 1986 cơ sở vật chất ngành thể dục thể thao không đáng kể, các phong trào thể dục thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao chưa phát triển. “Từ sau năm 1986 đến nay được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự hưởng ứng của đông đảo quần chúng nên phong trào thể dục thể thao ở thành phố phát triển mạnh mẽ. Cơ sở vật chất được tập trung đầu tư, ngoài sân vận động lớn của tỉnh (phường 2) các phường, xã còn lại đều có sân vận động, bãi thi đấu, một số ngành có sân tập và thi đấu riêng’’ [61, 46].

Đến đầu năm 1990 phong trào thể dục thể thao trở nên sôi nổi phát triển đi vào chiều sâu, thu hút nhiều người tham gia luyện tập; bình quân hàng năm có gần 26.500 người rèn luyện thân thể qua các môn thể dục thể thao, chiếm 21,47% dân số. Tổ chức 190 giải cấp thành phố, có từ 8 - 10 môn thi đấu với 7.840 vận động viên tham gia. Ngoài ra, thường xuyên phối hợp với ban ngành đoàn thể tổ chức bình quân từ 16 - 20 giải thể thao mỗi năm. Tham gia đầy đủ các giải cấp tỉnh, giải khu vực và giải toàn quốc, đạt nhiều huy chương các loại.

Phong trào xã hội hóa thể dục thể thao ngày càng phát triển sâu rộng và đồng bộ từ thành phố đến phường xã, các trường học, đáp ứng nhu cầu rèn luyện thân thể cho học sinh. Năm 2000 đã thành lập 369 câu lạc bộ bộ môn thu hút 4.500 hội viên. Phong trào tập dưỡng sinh, thể dục buổi sáng phát triển rộng khắp. Các bộ môn như bóng đá, bóng chuyền, tenis, võ thuật, ... phát triển khá tốt. Có 72/73 trường thực hiện chương trình giáo dục thể chất đạt 98,63%, có 698 hộ gia đình được công nhận gia đình thể thao.

Đến năm 2002 có 342 câu lạc bộ với 13 môn thể thao và có 2.000 hộ gia đình thể thao, đạt 8,69% hộ gia đình. Có 15 môn thể dục thể thao hoạt động thường xuyên như bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, quần vợt, dưỡng sinh, điền kinh, xe đạp, ...

Đặc biệt trong giai đoạn 2005 - 2010, hoạt động thể dục thể thao phát triển đa dạng với nhiều loại hình khác nhau theo hướng xã hội hóa, nhất là phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" lan tỏa đến từng khu dân cư. Tổ chức thành công Đại hội thể dục thể thao cấp cơ sở và Đại hội thể dục thể thao lần thứ VI thành phố Vĩnh Long. Với thành tích và phong trào nêu trên thành phố có 18,66% hộ gia đình được công nhận là gia đình thể thao, tăng 1,65 lần so với giai đoạn 2000 - 2005.

Từ những kết quả đã đạt được như trên, thành phố Vĩnh Long luôn đứng vững là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh và phản ánh phong trào tập thể dục thể thao thường xuyên trong dân ngày càng tăng nhanh, phát triển với qui mô rộng lớn nhằm nâng cao thể chất, sức khỏe cho nhân dân.

Tuy nhiên, phong trào thể dục thể thao của thành phố Vĩnh Long vẫn còn một số hạn chế, từng lúc từng nơi phong trào chưa hoạt động thường xuyên, số người tự giác tham gia tập luyện còn ít, công tác xã hội hóa huy động các nguồn lực trong đầu tư, duy trì, phát triển các hoạt động thể thao chưa tương xứng với tiềm năng, cơ sở vật chất, dụng cụ tập luyện còn thiếu, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu luyện tập của nhân dân.

Tóm lại, văn hóa là một lĩnh vực hết sức rộng lớn, ở đây chỉ có thể đề cập một số hoạt hoạt văn hóa"... nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn" của nhân dân ta. Nhìn lại giai đoạn 1986 - 2010 cho thấy sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao còn một số vấn đề chưa đạt được kết quả theo mong muốn, song những kết quả đạt được trong thời gian qua rất đáng tự hào. Hơn nữa văn hóa thông tin là vấn đề nhạy cảm đối với đời sống xã hội, thay cũ, đổi mới một nếp sống văn hóa là vấn đề lâu dài. Do đó, với quyết tâm của toàn ngành và xã hội thì môi trường văn hóa sẽ được giữ vững và ngày càng phát triển văn minh, hiện đại hơn.

Một phần của tài liệu quá trình đô thị hóa ở thành phố vĩnh long, tỉnh vĩnh long (1986 2010) (Trang 126 - 131)