Lịch sử hình thành thành phố Vĩnh Long

Một phần của tài liệu quá trình đô thị hóa ở thành phố vĩnh long, tỉnh vĩnh long (1986 2010) (Trang 44 - 46)

Năm 1757, địa bàn thành phố Vĩnh Long ngày nay là thôn Long Hồ, là lị sở của dinh Long Hồ, châu Định Viễn. Theo Đại Nam nhất thống chí, đây là vùng đất

màu mỡ do phù sa con sông Cổ Chiên bồi đắp, sông có nước đục nhưng ngọt quanh năm, rất thuận tiện cho việc trồng trọt, chăn nuôi và sinh hoạt của cư dân. Những cư dân từ miền Trung vào có điều kiện phát huy sáng kiến lao động. Họ đã cải tạo đất lập vườn, bằng hình thức đào mương lên liếp. Nước từ sông cái vào ra, phù sa lắng đọng, vườn tược tươi tốt, cây trái quanh năm. Nhờ kết hợp với canh tác ruộng lúa nước, lương thực không chỉ đủ đáp ứng nhu cầu cho cư dân địa phương mà còn dư thừa, cung cấp cho triều đình Huế và phía Bắc hoặc trao đổi hàng hóa với các nơi khác. Do đó, đã hình thành nhiều chợ buôn bán nhộn nhịp trên các bến thuyền. Một trong những ngôi chợ cổ nhất hình thành trong thời gian này là chợ Long Hồ và chợ Vĩnh Thanh.

Thời Gia Long, thôn Long Hồ thuộc tổng Vĩnh Trường, huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh. Năm 1814, vua Gia Long cho xây thành Vĩnh Long bằng đất tại đây. "Năm 1832, dưới triều Minh Mạng, thôn Long Hồ thuộc tổng Bình Long, huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn, tỉnh Vĩnh Long. Năm Tự Đức thứ 17, văn thân trong tỉnh lập văn miếu tại đây, nay vẫn còn" [9; 58]

Đầu thời Pháp thuộc, thôn Long Hồ thuộc tổng Vĩnh Tường, hạt Định Viễn, sau thuộc hạt Vĩnh Long. Từ ngày 05-01-1876, đổi gọi là làng, thuộc hạt tham biện Vĩnh Long. Từ ngày 01-01-1900, làng Long Hồ thuộc tỉnh Vĩnh Long. Ngày 25-01- 1908, làng Long Hồ thuộc quận Long Châu, tỉnh Vĩnh Long. Ngày 09-02-1917, làng Long Hồ thuộc quận Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long. Ngày 11-08-1942, tách phần đất thị tứ nhập vào làng tỉnh lỵ Long Châu, cùng quận.

Sau năm 1956, làng tỉnh lỵ Long Châu được đổi thành xã Long Châu, tổng Phước An, quận Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long. Sau 30-04-1975, hai tỉnh Vĩnh Long và Vĩnh Bình hợp nhất thành tỉnh Cửu Long, đồng thời tách đất của quận Châu Thành để thành lập thị xã Vĩnh Long - tỉnh lỵ tỉnh Vĩnh Long - gồm có 7 phường. Ngày 11-03-1977, thị xã Vĩnh Long sáp nhập 2 xã Tân Hoà và Tân Ngãi được tách ra từ huyện Châu Thành Tây.

Ngày 17-04-1986, Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam ra quyết định số 44/HĐBT, điều chỉnh địa giới hành chính thị xã Vĩnh Long như sau:

- Tách các xã An Bình, Bình Hoà Phước, Đồng Phú, Thanh Đức, Tân Hạnh (trừ ấp An Hiệp và 1/2 ấp Phước Bình), và xã Long Phước (gồm ấp Phước Hanh, Phước Ngươn A, 1/2 ấp Phước Lợi A và 4/5 ấp Phước Lợi B) thuộc huyện Long Hồ để sáp nhập vào thị xã Vĩnh Long.

- Thành lập xã Phước Hậu thuộc thị xã Vĩnh Long trên cơ sở các ấp Phước Hanh, Phước Ngươn A, 1/2 Phước Lợi A và 4/5 Phước lợi B của xã Long Phước thuộc huyện Long Hồ mới sáp nhập vào thị xã Vĩnh Long.

Sau khi mở rộng địa giới hành chính, thị xã Vĩnh Long có 7 phường là phường 1, phường 2, phường 3, phường 4, phường 5, phường 8, phường 9 và 8 xã An Bình, Bình Hoà Phước, Đồng Phú, Phước Hậu, Tân Ngãi, Tân Hoà Bắc, Thanh Đức, Tân Hạnh với diện tích tự nhiên 13.876,40 ha cùng 155.801 nhân khẩu.

Ngày 26-12-1991, tỉnh Cửu Long được tách thành tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh. Thị xã Vĩnh Long là tỉnh lỵ của tỉnh Vĩnh Long. Ngày 13-02-1992, các xã Đồng Phú, An Bình, Bình Hoà Phước, Phước Hậu, Tân Hạnh, Thanh Đức được trả về huyện Long Hồ. Thị xã Vĩnh Long còn 7 phường: 1, 2, 3, 4, 5, 8, 9 và 2 xã: Tân Hoà, Tân Ngãi. Ngày 09-08-1994, tách đất xã Tân Hoà lập xã Tân Hội, tách đất xã Tân Ngãi lập xã Trường An.

Ngày 10-04-2009, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 16/NĐ-CP, về việc thành lập thành phố Vĩnh Long thuộc tỉnh Vĩnh Long. Theo đó, thành phố Vĩnh Long được thành lập dựa trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính trực thuộc của thị xã Vĩnh Long. Thành phố có diện tích tự nhiên 4.800,8 ha và 147.039 nhân khẩu, có 11 đơn vị hành chính, gồm: phường 1, 2, 3, 4, 5, 8, 9 và các xã: Trường An, Tân Ngãi, Tân Hoà, Tân Hội.

Một phần của tài liệu quá trình đô thị hóa ở thành phố vĩnh long, tỉnh vĩnh long (1986 2010) (Trang 44 - 46)