Hệ thống bưu cục

Một phần của tài liệu quá trình đô thị hóa ở thành phố vĩnh long, tỉnh vĩnh long (1986 2010) (Trang 94 - 102)

Hệ thống bưu cục trên địa bàn được xây dựng vào năm 1992. Đến năm 2010 tất cả các phường và xã đều có bưu điện.

Mạng lưới đường thư được mở rộng thêm nhiều tuyến và có xe chuyên dùng. Mạng phát hành báo chí cũng được phát triển với số lượng ngày càng tăng và đa dạng.

Từ cuối những năm 1990 hệ thống bưu điện thành phố đã có sự đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng và các phương tiện kĩ thuật ngành, góp phần vào việc đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt từ các phường, xã giúp cho các hoạt động hành chính của thành phố cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư một cách nhanh chóng và có hiệu quả.

2.3.2.2 Hệ thống điện thoại

Năm 2004 trên toàn thành phố có 45.789 máy điện thoại bàn, đến năm 2010 số máy điện thoại bàn tăng lên 76.815 máy. Mật độ điện thoại của năm 2004 là 128 máy/km và đến năm 2010 tăng lên 201 máy/km. Điện thoại công cộng có xu hướng giảm dần qua các năm từ 2004 đến năm 2010. Mật độ điện thoại công cộng vào năm 2004 là 25,63 máy/km giảm hơn năm 2003 là 3 máy/km; đến năm 2010 mật độ này còn 22,34 máy/km, giảm hơn so với năm 2009 là 5 máy/km. Từ đó, cho thấy sự giảm xuống của mật độ điện thoại công cộng tuy không nhiều nhưng cũng cho thấy khuynh hướng tăng cao trong sử dụng điện thoại di động và điện thoại bàn tại nhà.

Trên địa bàn thị xã Vĩnh Long đã được đầu tư xây dựng mạng lưới điện thoại cố định tổng đài điện tử với 168.215 thuê bao và các mạng điện thoại di động như: MobiFone, VinaFone, Viettel, SFone ... (có 425.178 thuê bao) đáp ứng tốt nhu cầu thông tin liên lạc của các cơ quan, doanh nghiệp và người dân với mật độ sử dụng đạt 78,35 máy/100 dân (năm 2009) đến năm 2010 tăng lên 81,17 máy/100 dân. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến số lượng thuê bao điện thoại bàn và điện thoại công cộng giảm xuống.

2.3.3 Hệ thống cấp điện

Nguồn điện: "thành phố Vĩnh Long đang được cấp điện từ lưới điện quốc gia 220KV khu vực miền Tây: Thành phố Hồ Chí Minh - Cai Lậy - Trà Nóc thông qua trạm biến áp 220/110/66 KV - ( 100=160) MVA Trà Nóc và nguồn điện tại chỗ là

nhà máy điện diesel Vĩnh Long" [78,38]. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố đang xây dựng trạm biến áp 220 KV Vĩnh Long: 220/110/22KV - (2+125) MVA.

Lưới điện quốc gia: trực tiếp được cấp điện bằng đường dây 110 KV Trà Nóc - Sa Đéc - Vĩnh Long ( dài gần 56km, tiết diện dây dẫn 3 ACSR - 160), thông qua trạm biến áp 110 KV: 110/22+15 kv - 25 MVA Vĩnh Long.

Nguồn điện tại chỗ: nhà máy điện diesel Vĩnh Long đặt tại thành phố Vĩnh Long với công suất đặt máy (500+1200) KW, công suất khả dụng (300+700) KW, điện được hòa vào lưới điện khu vực bằng các máy nâng áp 0,38/15KV - 630 KVA A và 5,5/15KV - 1500KVA.

Lưới điện: Từ trạm 110 KV xuất phát 5 tuyến điện nổi 15+22 KV đi cấp điện cho các hộ phụ tải của thành phố Vĩnh Long và vùng phụ cận, lưới điện phân phối vận hành theo chế độ trung tính trực tiếp nối đất, có kết cấu mạch vòng bình thường vận hành hở với dây dẫn là dây AC và dây AC bọc nhựa, có tiết diện dây từ AC - 95+AC - 240.

Trên địa bàn hiện có 195 trạm biến áp lưới 22+15/0,4 KV với tổng dung lượng đặt máy gần 53.640 KVA, tổng chiều dài của đường dây phân phối khoảng 60km.

Giai đoạn 1991 - 1995 thực hiện 4 công trình điện nông thôn với tổng số vốn đầu tư gần 1,4 tỷ đồng (ngân sách Nhà nước trên 650 triệu, nhân dân đóng góp trên 700 triệu) đã được thực hiện đường trung thế và hạ thế trên 23km. Số hộ có điện sử dụng thắp sáng đạt 70%.

Giai đoạn 1996 - 2000 tổng số vốn đầu tư tăng lên đến 7,1 tỷ đồng (Nhà nước 4,4 tỷ đồng và nhân dân 2,7 tỷ đồng). Thực hiện 21 công trình điện trung thế với tổng chiều dài trên 33km, điện hạ thế thực hiện được 14 công trình với tổng chiều dài trên 33km. Tỉ lệ hộ sử dụng điện đạt 92,3%. Điện chiếu sáng được nâng cấp, mở rộng đến các trục chính trong thành phố. Đến năm 2010 số lượng hộ dân có điên sinh hoạt đạt 99% (trừ những hộ ở riêng lẻ ngoài đồng). Trong tương lai phấn đấu 100% hộ dân có điện sinh hoạt. Từ đó góp phần ngày càng nâng cao bộ mặt đô thị thành phố Vĩnh Long.

Bảng 2.14 :

Số liệu cấp điện trên địa bàn thành phố Vĩnh Long (khu vực nội thành)

STT HẠNG MỤC Đơn vị Số lượng Ghi chú

I Tổng sản lượng điện tiêu thụ kwh 299,026,726

II Sản lượng điện phục vụ tiêu dùng kwh 178,543,117

1 Khu vực nội thành kwh 102,443,000

2 Chỉ tiêu điện sinh hoạt ( nội thành) kwh/ng/năm 417

3 Khu vực ngoại thành kwh 25,143,541

III Trạm trung gian

IV Trạm biến áp phân phối

1 Trạm 3 pha trạm 62

2 Trạm 1 pha trạm 126

V Đường dây trung thế

1 Đường dây 24KV km 104,432

2 Đường dây KV km 201,658

[Nguồn: 25, 80]

* Hệ thống chiếu sáng đô thị:

Hầu hết các trục đường chính và các tuyến đường trong nội thành, các khu vực trung tâm của các xã đều được chiếu sáng bằng đèn Sodium có công suất từ 125W đến 250W (gồm công viên, tượng đài, vườn hoa). Các đường phố chính được chiếu sáng tỷ lệ đạt 98%.

Bảng 2.15:

Thống kê số lượng đèn đường chiếu sáng một số đường chính đô thị

STT TÊN ĐƯỜNG 250W 150W

1 Đường Hoàng Thái Hiếu 6 28

2 Đường Nguyễn Thị Minh Khai 6 32

3 Đường Trưng Nữ Vương 50

4 Đường Nguyễn Huệ 182

5 Đường Phó Cơ Điều 30 6

6 Đường Phạm Thái Bường 145

7 Đường Trần Phú 67

8 Đường Phạm Hùng 148

9 Đường Lê Thái Tổ 21 32

10 Đường Lưu Văn Liệt 16

[Nguồn: 25, 87]. Bên cạnh đó các tuyến đường trong hẻm tại các khu dân cư cũng được chiếu sáng bằng các loại bóng có công suất từ 40W đến 75W. Trong thời gian tới mạng lưới chiếu sáng sẽ được tiếp tục đầu tư xây dựng hiện đại và toàn diện hơn.

2.3.4 Hệ thống cấp thoát nước

2.3.4.1 Hệ thống cấp nước

Nguồn nước sử dụng tại thành phố gồm nước ngầm và nước mặt. "Theo kết quả khảo sát vào năm 2000, nguồn nước ngầm gồm có nước ngầm mạch nông và nước ngầm mạch sâu, trong đó nước ngầm mạch sâu có chất lượng tương đối tốt, còn nước ngầm mạch nông lại bị nhiễm mặn. Do đó nguồn này cũng chỉ là nguồn nước phụ bổ sung cho nguồn nước mặt. Nguồn nước mặt là nguồn sử dụng chủ yếu,

được lấy từ sông Cổ Chiên là sông lớn, nước ngọt hoàn toàn, chất lượng nước đạt tiêu chuẩn dùng làm nguồn cấp nước thô" [78,36].

Công trình đầu mối cấp nước gồm các nhà máy xử lí nước, hệ thống đường ống dẫn. Hiện trên địa bàn thành phố có nhà máy nước Hưng Đạo Vương, có sản lượng 14.500m3/ngày; nhà máy nước Trường An có sản lượng 10.000m3/ngày; trạm cấp nước Cầu Vòng có sản lượng 1.000m3/ngày. Trong thời gian tới có kế hoạch sẽ xây dựng mới nhà máy nước Cổ Chiên nâng công suất từ sản lượng 15.500m3/ngày đêm lên 31.500m3/ngày đêm. Đồng thời, nâng công suất nhà máy nước Trường An và công suất trạm cấp nước KCN Hòa Phú.

Số hộ dân sử dụng nước máy tăng lên theo từng năm: năm 2000 có 38,80%; năm 2005 tăng lên 68,75% và đến năm 2010 tăng lên 73,2% tổng hộ dân. Theo thống kê năm 2000 có 24.647 hộ dân được sử dụng nước sạch, chiếm 91,5% tổng số hộ, tăng hơn 30% so với năm 1995, trong đó số hộ dùng nước máy chiếm 46,8% (tăng gần 50% so với năm 1995). Đến năm 2005 tăng lên 93,2% và năm 2010 con số này đã tăng lên là 95%. Như vậy, số liệu này cho thấy nguồn nước cung cấp cho thành phố rất dồi dào với chất lượng ngày càng cao, chủ yếu do có hệ thống sông ngòi dày đặc và công tác xử lí nước ngày càng khoa học, có chất lượng.

2.3.4.2 Hệ thống thoát nước

Hệ thống thoát nước thành phố Vĩnh Long đã được xây dựng cách đây 40 - 50 năm và tập trung chủ yếu ở phường 1 (trung tâm thành phố) với chiều dài khoảng 11.900m, trong đó có 11.000m ống cống với đường kính D250 - D600 và 900m đường mương. Nước mưa và nước thải đều chảy chung trong đường ống. Nước được chảy thẳng ra sông Cổ Chiên mà không hề được xử lí, gây ô nhiễm đoạn sông này và trực tiếp gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, do sông Cổ Chiên có chế độ thủy văn bán nhật triều (nước chảy theo hai chiều), nhiều đoạn ống hư hỏng nặng. Vì vậy, khi mùa mưa lũ gây úng ngập phần lớn địa bàn thành phố.

Năm 2005 hệ thống thoát nước này chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu thoát nước trên địa bàn.

Hiện nay, thành phố đã tiến hành cải tạo nâng cấp cống rãnh ở một số tuyến dọc theo các đường Lưu Văn Liệt, Tô Thị Huỳnh, Lê Văn Tám, ...

Việc thoát nước mưa đã được cải tạo và xây dựng các tuyến đường ống thoát nước, đường kính D300 - 1.200mm tại các trung tâm và các khu dân cư đô thị mới của thành phố trên phạm vi 30km.

Bên cạnh đó, vấn đề thu nước thải được xử lí bằng cách xây dựng các hệ thống cống bao và các giếng để tách nước thải đô thị và của các khu công nghiệp ra khỏi hệ thống thoát nước mưa để đưa vào các khu xử lí.

Nước thải của các phường 1, 2, 3, 4, 5, 8, 9 được chuyển đến các trạm xử lí nước thải đặt tại phường 4 và phường 8 để xử lí. Riêng nước thải của các khu công nghiệp hiện tại nằm tại phía Đông và phía Tây của thành phố được tập trung để đưa vào các khu xử lí nước thải ở phía Đông và phía Tây của thành phố.

Vào năm 2009 thành phố đã xây dựng 4 khu xử lí nước thải với tổng công suất 48.000m3/ngày đêm để xử lí toàn bộ nước thải của thành phố trước khi cho chảy vào các con sông và rạch của thành phố. Với tổng chiều dài các tuyến ống D300 - 1.200mm là 55,5km; tăng thêm 5 trạm bơm tăng áp.

2.3.5 Nhà ở

Cùng với hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, cấp điện, nước, ... nhà ở cũng góp phần tạo nên bộ mặt kiến trúc và cảnh quan của một đô thị. Bên cạnh đó, nhà ở còn có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi người dân.

Với quan niệm có an cư mới lạc nghiệp, thành phố chủ trương giải quyết nhà ở, tạo điều kiện nâng cao mức sống cho nhân dân là nhu cầu bức xúc. Giai đoạn sau chiến tranh, cùng với việc chăm lo về ăn, mặc, học hành, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân thì việc chăm lo nhà ở cho nhân dân rất được quan tâm. Tiến hành quy hoạch xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên và nhân dân, giải tỏa các khu nhà xiêu vẹo ở các khu lao động.

Với quan điểm "mọi người dân phải có nhà", thành phố đã đầu tư cho chương trình nhà ở bằng huy động từ các nguồn vốn: vốn Nhà nước hỗ trợ cho dân

vay để xây cất hoặc tôn nền nhà, quy hoạch các tuyến dân cư chống lũ, tạo điều kiện cho nhân dân xây dựng nhà ở thuận lợi, tránh lũ lụt vào mùa nước nổi.

Giai đoạn 1995 - 2000 vấn đề nhà ở được cải thiện rất rõ. "Tính đến năm 2000 toàn thành phố có gần 20.000 căn nhà kiên cố, bán kiên cố, chiếm 75,2% (so với năm 1995 tăng 26%); nhà tạm gần 6.600 căn, phần lớn hộ là do chưa ổn định đất ở; hộ nghèo chiếm 24,8% (giảm so với năm 1995 là 16%)" [65,48]. Đối với các hộ dân cư ở khu vực giải tỏa như bờ kè sông Tiền, dọc quốc lộ 1A và cầu Mỹ Thuận được ổn định.

Giai đoạn 2000 - 2005 cùng với việc xây dựng và phát triển nhanh nhà ở đô thị của thành phố, đến năm 2005, tỉ lệ nhà ở kiên cố, bán kiên cố chiếm đến 81,6% (tăng 18,91% so với nhiệm kì trước). Đồng thời, giải quyết khá tốt vấn đề nhà ở cho hộ nghèo. Cũng trong thời gian này, trên địa bàn thành phố các công ty cổ phần địa ốc Vĩnh Long, doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng nhà ở các khu: Phường 5 (Thanh Đức), phường 3, phường 4, Tân Ngãi đã góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở cho nhân dân đô thị, làm cho bộ mặt thành phố ngày một khang trang và văn minh hơn.

Kể từ khi được nâng cấp lên thành thành phố - đô thị loại III, quá trình đô thị hóa ở thành phố Vĩnh Long diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn, trong đó vấn đề nhà ở được quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa bởi đây được xem là bộ mặt của đô thị. Chính vì vậy, năm 2010 thành phố đã tập trung xây dựng hoàn chỉnh khu dân cư thương mại phường 4, khu tái định cư phường 2, cụm dân cư vượt lũ phường 9, ... nhằm giải quyết nhà ở cho các hộ bị giải tỏa của các công trình trên địa bàn, các hộ nhà sàn trên sông rạch và cán bộ, công chức có khó khăn về nhà ở. Bên cạnh đó, cùng với tỉnh thực hiện quy hoạch và đầu tư các dự án xây dựng nhà phục vụ cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân, sinh viên, đối tượng chính sách gặp khó khăn về nhà ở.

Với nhiều dự án trên, tính đến cuối năm 2010 toàn thành phố có đến 95% hộ dân có nhà ở kiên cố và bán kiên cố.

Một phần của tài liệu quá trình đô thị hóa ở thành phố vĩnh long, tỉnh vĩnh long (1986 2010) (Trang 94 - 102)