3.3.2.1. Không gian hồi ức
Không gian hồi ức không tồn tại trong thực tế mà nó tồn tại trong ý thức, trong suy nghĩ của con người. Đúng như Gurevich đã nhận xét: “Đôi khi chúng ta không ý thức được rằng thời gian và không gian không chỉ tồn tại một cách khách quan, chúng còn được con người ý thức và thể nghiệm một cách chủ
quan”… Do đó, bên cạnh không gian hiện thực, không gian hồi tưởng cũng thể hiện được những yếu tố về tư duy, quan niệm và khát vọng của con người.
Với sự tinh tế, nhạy cảm trước những biến đổi của thiên nhiên, A. Roy luôn đi sâu khám phá những rung động nhỏ bé nhất trong tâm hồn con người. Hầu hết các nhân vật trong Chúa Trời của những chuyện vụn vặt đều sống nhiều với không gian hồi tưởng của tiềm thức. Đó là không gian của những nỗi đau, nỗi sợ hãi, niềm hạnh phúc trải dài theo dòng ý thức của nhân vật. Cùng với dòng chảy của thời gian, không gian hồi tưởng trôi chảy trong tâm thức các nhân vật như một cách chiêm nghiệm về cuộc sống.
Chính những hồi ức đã hé lộ về những bất hạnh trong cuộc đời của hai anh em sinh đôi, của Ammu, của Velutha. Từ đó, người đọc nhận ra một hiện thực đang tồn tại ở Ấn Độ, đất nước đông dân bậc nhất thế giới: Ammu, Eshta, Rahel,… không thuộc lớp người dưới đáy cùng xã hội như Velutha, nhưng kết cục của họ thì hoàn toàn giống nhau. Velutha chết vì bị hành hạ dã man. Ammu chết trong bệnh tật, đơn độc cùng kiệt. Hai anh em sinh đôi tuy có cuộc sống yên ả nhưng lại không có được sự bình yên trong tâm hồn, không hòa nhập được với cuộc sống thực tại. Trong tác phẩm, những khung cảnh nghèo khó, khốn cùng,… không xuất hiện. Estha và Rahel được chăm chút, được học hành và có cả tiền tiêu vặt nhưng chưa bao giờ được đối xử công bằng. Hành trình sống của Ammu, Rahel, Estha luôn bị nhào trộn trong vô vàn những bất công. Tuổi thơ của hai đứa trẻ đã bị tan rữa bởi những bất công và sự giả dối của xã hội, của những “người lớn” làm nhức nhối tâm trí người đọc.
Sự hồi tưởng vốn không có qui luật nên luôn được mở rộng, không giới hạn. Quá khứ và hiện tại dù được phân định nhưng luôn nối tiếp nhau bằng sự liên tưởng của tâm lí tạo thành một trường đoạn xúc cảm bất tận. Rahel có những nỗi niềm riêng, không thể khỏa lấp. Những ẩn ức của tuổi thơ trở thành nỗi ám ảnh (Cái chết của Sophie Mol, cái chết của Velutha, của Ammu,…). Tuy nhiên, không chỉ riêng Rahel mà hầu hết các nhân vật trong tác phẩm đều bị vây bủa
trong nỗi cô đơn. Mỗi nhân vật đều có những nỗi niềm riêng, không chia sẻ được với người khác. Đa số họ là những người nhạy cảm nhưng bị chi phối bởi quá khứ đau thương nên mang tâm trạng chối bỏ hiện tại, “khước từ” cuộc sống bình thường như bao người khác.
Thông qua dòng hồi ức của các nhân vật, quá khứ hiện về không tròn trịa, không theo một trình tự nhất định mà bị vỡ vụn, xáo trộn. Sự kiện này đường đột chen ngang vào sự kiện kia khiến các sự kiện cứ đứt rồi lại nối, nối rồi lại đứt, đứng cạnh nhau, tan trong nhau tạo nên những bất ngờ thú vị.
3.3.2.2. Không gian giấc mơ
Giấc mơ gắn liền với mỗi con người, là hoạt động tâm thức, không phụ thuộc vào ý chí và thường diễn ra trong giấc ngủ. Với người cổ đại, giấc mơ là bức thông điệp được gửi từ các vị thần, mang theo bao sức mạnh tiên tri về những điều sẽ tới. Nhà Phân tâm học Pierre Daco viết về giấc mơ và những người nằm mơ rằng:
Người ấy liên hệ với những con người, những nơi chốn, những đồ vật, những con thú… mà trong lúc nằm mơ, người ấy coi là những thực thể,
cũng giống như những hiện tượng trong đời sống thực khi tỉnh thức [47,
tr.10].
Điều này có nghĩa rằng: Mơ mộng là một đặc quyền của con người trong cuộc đời này. Những giấc mộng chính là “hành lang nối liền” giữa vô thức và ý thức, giữa cõi mộng và cõi thực. “Giấc mộng lôi kéo chúng ta vào những ngóc ngách hiểm hóc của nó mà chúng ta không thể cưỡng lại được” [47, tr.9-10]. Thực tế, có những miền sâu kín bị khuất lấp khiến chúng ta khó lòng nắm bắt một cách rõ ràng. Giấc mơ là một trong những miền sâu kín, huyền bí ấy.
Từ một hiện tượng, một con người, một ám ảnh nào đó được nhớ đến trong mơ, những mối liên kết với các hiện tượng, với những con người khác được hình thành trên nền của sự liên tưởng sẽ tạo nên một “cốt truyện phi lí”, mà nơi đó, giấc mơ làm bầu khí quyển cho cả tác phẩm. Giấc mơ của Ammu, của Rahel
thấm đẫm bầu không khí như thế. Bàn về mối quan hệ giữa sáng tạo nghệ thuật và chiêm bao, Sigmund Freud cho rằng: “Những hình ảnh biểu hiện trong chiêm bao và trong tác phẩm nghệ thuật chỉ là những hình ảnh tượng trưng để ngụy trang những ham muốn tiềm ẩn” [Dẫn theo Hoàng Ngọc Hiến, tr.216-217].
Giấc mơ của Ammu chính là nỗi niềm khao khát, mong muốn được yêu thương của người phụ nữ đã li hôn, của người mẹ đơn thân trong xã hội nông thôn Ấn Độ. Giấc mơ ấy còn thể hiện cảm giác hoang mang, lo sợ, gắn với những dự cảm không lành của Ammu về số phận. Bởi “giấc mơ là biểu hiện của những rung động và những dục vọng vô thức” (Freud). Trong hiện thực, khi mong muốn của con người không được đáp ứng, nó gây nên những ức chế thần kinh và thường được chuyển hóa qua giấc mơ. Đó là biểu hiện mong muốn hoàn thành ước nguyện. Mơ là một phần trong cuộc sống con người, để những “bí mật” ấy bộc lộ là “lỗi” của ý thức không đủ sức kiểm duyệt. Giấc mơ còn được đồng nhất với sự tưởng tượng, sự sáng tạo những tình huống, những sự kiện phù hợp với nhu cầu con người. Người đàn ông xuất hiện trong giấc mơ của Ammu dù không được miêu tả cụ thể (vì Ammu không biết anh ta là ai) nhưng đó là người chị khao khát được yêu thương. Giấc mơ của Ammu tương đối dễ hiểu, không “ngụy trang”, ý thức không kiểm duyệt và xuất phát từ những đam mê xoay quanh một người mà chị tìm kiếm. Đó là những ẩn ức sinh lí, những khống chế đạo đức, những mơ ước không thoả mãn của ngày thường đi vào một cách vô thức trong những giấc mơ dưới một hình thức khác lạ, huyễn hoặc hơn.
Ba lần xuất hiện, giấc mơ của Ammu thực sự mang nhiều ý nghĩa.
Giấc mơ thứ nhất của Ammu diễn ra trong đêm chị cùng Estha, Baby Kochamma ngủ lại khách sạn Sea Queen chuẩn bị đón Sophie Mol ngày hôm sau. Chị “mơ về những con cá heo và một màu xanh có sọc sâu thẳm. Không hề có dấu hiệu con người có nụ cười đó là một quả bom đang chờ nổ” [5, tr.154]. Đây là một giấc mơ êm đềm, chưa báo hiệu điều gì bất an trong tâm trí Ammu.
Lần thứ hai giấc mơ xuất hiện là lúc Ammu đang ngủ trưa trong căn phòng ở ngôi nhà Ayemenem (sau “giây phút lịch sử” bắt gặp ánh mắt của Velutha). Ammu mơ “có một người đàn ông vui tươi, một tay ôm chặt lấy chị bên một ngọn đèn dầu”. “Nếu anh ta ôm chị, anh ta không thể hôn chị. Nếu anh ta hôn chị, anh ta không thể nhìn chị. Nếu anh ta nhìn thấy chị, anh không thể cảm nhận được chị” [5, tr.286]. Đó là:
Người đàn ông một tay bay khỏi ngọn đèn và bước qua bãi biển lởm chởm, biến vào những cái bóng mà chỉ mình anh có thể nhìn thấy.
Anh không để lại vết chân nào trên bờ biển.
Những chiếc ghế gấp đã gập lại. Biển tối tăm nhẵn nhụi. Những gợn sóng
tàn nhẫn. Lớp bọt tạo thành những cái chai. Chai có nút li-e” [5, tr.288].
Một giấc mơ thể hiện sự khát khao về một tình yêu đòi hỏi được đáp trả nhưng trong đó cũng ẩn chứa nhiều điều mơ hồ, đầy bất trắc chưa thể lí giải.
Lần thứ ba là những giấc mơ trước lúc Ammu từ giã cõi đời. Đây là một “giấc mơ quen thuộc”. Trong mơ, Ammu nhìn thấy “những viên cảnh sát đến gần chị, cứ lăm lăm dao kéo định cắt tóc chị” 23. Đây là những hình ảnh cứ lặp đi lặp lại nhiều lần đến mức đáng sợ dự báo về điểm đến là một nơi khó xác định không biết là thiên đường hay địa ngục.
Quá khứ và hiện tại, hiện thực và ảo ảnh như hoà nhập vào nhau làm nhoà đi những hình ảnh được trông thấy trông mơ... Theo Freud : “Phải giải mã những hình ảnh tượng trưng để hiểu được những ham muốn thực sự của người chiêm bao và tác giả tác phẩm nghệ thuật” [Dẫn theo Hoàng Ngọc Hiến, tr.216-217]. Giấc mơ là sự tái hiện suy nghĩ của con người dưới dạng không tự giác, là những ám ảnh của những điều đã xảy ra và linh cảm về những điều sẽ xảy ra. Trong giấc mơ của mình, Ammu linh cảm về việc chị sẽ hóa điên, về cái chết. Những ám ảnh này là do sự ức chế mà Ammu phải chịu đựng từ thời thơ ấu đến lúc
23 “Họ thường làm thế với cả ả đĩ điếm họ bắt gặp ở chợ, đóng dấu ô nhục để ai cũng biết các ả làm nghề gì. Veshya. Để các viên cảnh sát mới trong khu vực nhận diện các ả không nhầm lẫn”.
trưởng thành. Tất cả đều gợi lên ý niệm về tự do và cái chết. Không những vậy, có cả những biểu tượng còn ngầm gợi thân phận cô đơn và nỗi mặc cảm, tự ti của Ammu. Không gian giấc mơ được tạo nên từ điểm nhìn chiều sâu vô thức của chính nhân vật, nghĩa là nhân vật đang trong cơn mộng và tác giả là người thư kí trung thành ghi lại giấc mơ đang diễn ra của chính nhân vật ấy. Trong giấc mơ, Ammu tiên cảm được một kết thúc cho số phận của mình.
Trong Chúa Trời của những chuyện vụn vặt, không gian hiện thực và không gian tâm lí luôn tồn tại, đan xen nhau, có quan hệ với nhau. Sự tồn tại của mỗi loại không gian này không thể tách rời với loại không gian kia và ngược lại. Đây là những phương tiện để chuyển tải quan niệm về thế giới, về con người. Đồng thời, chúng cũng tạo nên sự cân bằng tâm lí, giúp con người giải toả những áp lực trong cuộc sống, hoài niệm về quá khứ cũng là cách để tìm ra lối thoát cho hiện tại và tương lai. Cứ như thế, các không gian này đan xen trong nhau, lúc thoáng qua, khi dừng lại khắc sâu với vẻ đẹp ẩn ức của nó.
KẾT LUẬN
Khám phá đặc trưng nghệ thuật tiểu thuyết Chúa Trời của những chuyện
vụn vặt của Arundhati Roy, đề tài nghiên cứu của chúng tôi đã đạt đến một số
kết luận sau:
1. Arundhati Roy đã có những đóng góp không nhỏ trong quá trình vận động và phát triển của tiểu thuyết đương đại Ấn Độ viết bằng tiếng Anh. Nghiên cứu về nghệ thuật kể chuyện trong tiểu thuyết của A. Roy là đi vào phần chính của vấn đề, tiếp cận tác phẩm từ điểm nhìn của người trần thuật, không gian và thời gian trần thuật.
Nhà văn sử dụng phương thức trần thuật theo ngôi thứ ba có sự sáng tạo với sự xuất hiện của các dạng trần thuật: Trần thuật khách quan, trần thuật có bình luận, trữ tình ngoại đề và trần thuật nhập vai. Các kiểu trần thuật theo hướng này có đặc điểm chung là ngưòi kể luôn tách mình ra khỏi các biến cố, các sự kiện. Kiểu trần thuật nhập vai (người trần thuật nhập thân vào nhân vật, đối thoại với nhân vật) sử dụng lời văn nửa trực tiếp khá nhiều. Khi sử dụng lời văn nửa trực tiếp, lời của người trần thuật và lời của nhân vật hòa vào nhau, khắc phục được tính đơn điệu thường thấy của lời văn khách quan. Người trần thuật hòa mình vào suy nghĩ, tình cảm của nhân vật; khám phá thế giới nội tâm của nhân vật bằng chính ngôn ngữ của nhân vật, đồng thời thể hiện được sự đồng cảm của người trần thuật, làm cho lời văn thêm mượt mà sâu lắng, câu chuyện thêm sinh động, hiện thực được phản ánh chân thật. Khi điểm nhìn trần thuật được chuyển vào nội tâm nhân vật, lời văn nửa trực tiếp được sử dụng nhiều, làm cho người đọc có thể đối thoại trực tiếp cùng với nhân vật; hiện thực được phản ánh ở nhiều góc độ khác nhau tạo điểm nhìn nhiều chiều và khả năng biến thể của viễn cảnh trần thuật. Người đọc không có cảm giác bị gò ép bởi một tư tưởng nào vì vậy quá trình tiếp nhận tác phẩm cũng tự do hơn.
đọc những nét riêng bởi nhà văn luôn có sự trộn lẫn, hoán chuyển vai kể. Nhân vật không lệ thuộc vào chính kiến của người kể chuyện. Người trần thuật vẫn có chất giọng riêng của mình, khéo léo giấu mình nhưng không biến mất trong lời trần thuật. Giọng điệu ấy có khi là một đoạn trữ tình ngoại đề, có khi được gửi gắm trong lời của nhân vật khi trực tiếp, lúc gián tiếp. Chính chất giọng riêng này đã đem đến cho người đọc những ấn tượng đặc biệt về nghệ thuật kể chuyện của A. Roy. Như vậy, khi chọn kiểu trần thuật, ngôi kể, A. Roy đã thành công trong quá trình làm phong phú lời văn trần thuật và tạo được dấu ấn cá nhân trong sáng tác của mình.
Khi đọc A. Roy, chúng ta không chỉ dùng mắt để đọc mà phải mở rộng các giác quan khác để đón nhận bức tranh sinh động không thể mô tả bằng ngôn ngữ, những ý niệm gián đoạn và phi lí về thời gian và không gian.
2. Với sự tinh tế, nhạy cảm, Arundhati Roy đã hoàn toàn chinh phục độc giả qua biệt tài phân tích tâm lí nhân vật. A. Roy hiểu rõ từ trong sâu thẳm tâm hồn của họ. Nhân vật chính của A. Roy là những nhân vật ẩn chứa tâm trạng (nhất là nhân vật trẻ em). Nhà văn không kể lể, không diễn giảng bức chân dung tâm trạng của nhân vật mà thể hiện bằng một văn phong hàm súc. Tác giả thao thức cùng nỗi đau chồng chất của nhân vật, để từ đó khám phá những điều ẩn giấu bên trong thế giới nội tâm của họ bằng sự đồng cảm, bằng lòng khoan dung, vị tha. Ẩn đằng sau những điều hết sức nhỏ nhặt từ câu chuyện của các nhân vật, chúng ta nhận ra những vấn đề không hề đơn giản, không hề “vụn vặt”. Các nhân vật trong tiểu thuyết của Roy, dù là ở đẳng cấp thấp nhất, cũng không phải chịu cảnh nghèo đói. Có thể thấy, đời sống vật chất không phải là vấn đề Roy lưu tâm trong tác phẩm của mình. Tác giả nêu ra một vấn đề lớn của xã hội Ấn Độ và cũng là của tất cả mọi người trên toàn thế giới. Khi cuộc sống đã đủ đầy, nhu cầu cơm ăn áo mặc không còn là cứu cánh thì điều gì là đáng quan tâm nhất đối với mỗi con người trong một gia đình, phần tử của xã hội? Ách thống trị của thực dân Anh đối với đất nước Ấn Độ thì ai ai cũng nhìn thấy. Người dân đấu tranh để giải phóng
dân tộc, để đòi quyền tự do cá nhân. Khi thoát khỏi ách thống trị đang hiện hữu của thực dân Anh, nhân dân Ấn Độ cứ tưởng họ đã được tự do, đã được dân chủ. Nhưng không. Những định kiến vô hình vốn thống trị lâu đời trong tiềm thức mỗi người dân Ấn vẫn tồn tại. Đôi ba chính sách cải tổ của Chính phủ chưa thể đánh bật được sự cắm rễ của những tư tưởng về đẳng cấp, tôn giáo, giới tính,… trong tâm hồn mỗi người dân Ấn. Vậy, làm sao để có được hạnh phúc thật sự cho cuộc đời mỗi người? Vấn đề đáng quan tâm ở đây chính là đời sống tinh thần của con người khi xã hội ngày càng tiến bộ, văn minh. Chính cách phản ánh này đã chứng tỏ ở A. Roy sự sắc sảo đáng khâm phục.
3. Với Chúa Trời của những chuyện vụn vặt, A. Roy đã thể hiện một bản