Người trần thuật ngôi thứ ba khách quan

Một phần của tài liệu đặc trưng nghệ thuật tiểu thuyết chúa trời của những chuyện vụn vặt của arundhati roy (Trang 81 - 83)

Người kể chuyện ngôi thứ ba hoàn toàn ở ngoài cốt truyện, không tham gia vào thế giới nhân vật, thực hiện nhiệm vụ “theo dõi” nhân vật và dẫn dắt câu chuyện. Ở cương vị này, người kể chuyện đứng sau hành động của nhân vật để quan sát, kể

lại chứ không tham gia trực tiếp vào sự kiện, biến cố truyện. Trong trường hợp này, người kể chuyện ngôi thứ ba tuy đứng ngoài cốt truyện nhưng vẫn chi phối toàn bộ tác phẩm từ lời dẫn chuyện, cách kể, cách tả đến cả lời trữ tình ngoại đề.

Ở ngôi kể này, điểm nhìn của nhà văn ở bên ngoài. Người kể chuyện giữ vai trò toàn năng, có thể trình bày tất cả những gì nhìn thấy hoặc nhận biết được nhưng “không được phép xen vào những lời bình luận và những lời giải thích ngầm” [55, tr.87]. Người kể không để lại dấu vết riêng mà hoàn toàn đứng ngoài sự vận động của các sự kiện, các tình tiết. Ở dạng thức này, tính khách quan của hiện thực được phản ánh rất cao, với giọng điệu tỉnh táo, lạnh lùng. Dạng thức này đã tạo nên phong cách nghệ thuật “hiện thực tỉnh táo” của A. Roy: Kể lại những gì có thật trong cuộc sống bằng sự chiêm nghiệm, sự từng trải của bản thân, không áp đặt lên sự cảm nhận của người đọc.

Người kể chuyện ngôi thứ ba khách quan là người ngoài cuộc nhưng hiểu biết hết mọi sự. Người kể không tham gia vào câu chuyện mà chỉ quan sát, điều khiển, tổ chức diễn biến hành động của nhân vật. Do không tham gia trực tiếp vào biến cố truyện nên điểm nhìn của người kể rất linh hoạt, không bị hạn chế nghiêm ngặt bởi thời gian, không gian. Điểm nhìn dễ dàng di chuyển từ nhân vật này đến nhân vật khác. Vì vậy, khoảng cách giữa người kể và nhân vật được rút ngắn tối đa.

Trong Chúa Trời của những chuyện vụn vặt, người kể nói rõ mọi điều với độc giả. Đó là câu chuyện về gia đình của Estha và Rahel với dồn dập những biến cố. Lời kể thường mang tính chất thông báo sự việc. Người kể vừa quan sát vừa đóng vai trò dẫn dắt, tường thuật khách quan những gì thấy được, đồng thời ngầm tỏ thái độ bênh vực mẹ con Ammu, thông cảm với Velutha. Từ đó hướng đến việc cắt nghĩa những vấn đề đạo đức lối sống, niềm tin và lí tưởng của người dân Ấn trong hoàn cảnh xã hội thời kì hậu thuộc địa. Người kể chuyện luôn chú ý thể hiện tâm hồn nhân vật qua những gì quan sát được từ nét mặt, ánh mắt của họ:

Mới nhìn thoáng, trông cô (Rahel) giống mẹ như lột. Đôi gò má cao. Lúm đồng tiền xoáy sâu khi cô mỉm cười. Nhưng cô cao hơn, rắn rỏi hơn,

sắc sảo hơn, góc cạnh hơn Ammu. Có lẽ người nào thích vẻ tròn trặn, mềm mại của phụ nữ sẽ thấy cô kém đáng yêu. Chỉ có cặp mắt là đẹp mê hồn,

không ai chối cãi được. To. Sáng rực. Nhấn chìm người khác…” [5, tr.122-

123].

Người kể chuyện thường có thái độ thản nhiên và có vẻ như khá “lạnh” khi miêu tả cảnh Pappachi đánh đập Mammachi bằng lọ hoa bằng đồng mỗi đêm, cảnh Pappachi cắt vụn đôi tất mới quí giá nhất của bé Ammu (chín tuổi), cảnh Estha bị gã “Nước cam Nước chanh” lạm dụng bên ngoài rạp hát, cảnh Ammu nằm chết trong cô độc... Nhưng ẩn đằng sau vẻ tỉnh táo đến lạnh lùng ấy là trái tim nhân hậu của tác giả, luôn trăn trở về phận người, nhất là thân phận phụ nữ, người thuộc đẳng cấp thấp và trẻ thơ.

Lợi thế của dạng kể này là tính khách quan của lời kể. Và có lẽ, vì khách quan nên đôi lúc hình ảnh người kể chuyện trở nên mờ nhạt, không để lại dấu ấn. Nếu diễn biến câu chuyện chỉ tập trung vào lời kể của người trần thuật thì lời của nhân vật sẽ ít có điều kiện được bộc lộ. Điều này làm giảm đi sự sinh động và tính chân thực của các sự kiện được tái hiện. Ngôi kể thứ ba khách quan chủ yếu là lời độc thoại xuyên suốt từ đầu đến cuối cũng dễ gây sự nhàm chán cho người đọc. Đồng thời, khi người kể chuyện hiện diện với tư cách là tác giả thì trong lối kể và cái nhìn của người kể chuyện là cái nhìn tối thượng, sinh mệnh của nhân vật, sự phát triển của câu chuyện đều do người kể chuyện kiểm soát và nắm giữ thì điểm nhìn của nhân vật sẽ dễ bị giới hạn. Người đọc vô tình bị áp đặt trước thiên kiến chủ quan vô hình của tác giả, làm cho cơ hội đồng sáng tạo ít nhiều bị hạn chế.

Tuy nhiên, bên cạnh kiểu trần thuật khách quan này, nhà văn còn vận dụng tài tình, khéo léo thêm những lối kể khác tạo nên sự phong phú, đa dạng cho lối kể khách quan. Đó là lối kể theo ngôi thứ ba có bình luận, trữ tình ngoại đề.

Một phần của tài liệu đặc trưng nghệ thuật tiểu thuyết chúa trời của những chuyện vụn vặt của arundhati roy (Trang 81 - 83)