Pappachi và Mammachi – Thế hệ thứ nhất

Một phần của tài liệu đặc trưng nghệ thuật tiểu thuyết chúa trời của những chuyện vụn vặt của arundhati roy (Trang 48 - 53)

2.1.1.1. Vai trò của người đàn ông trong gia đình

Pappachi xuất hiện chủ yếu qua lời trần thuật của người kể chuyện dưới cái nhìn của Ammu. Nhìn chung, sự xuất hiện này chiếm thời lượng ít ỏi trong tác phẩm. Tuy nhiên, với vai trò là người đàn ông làm chủ gia đình, Pappachi có sức lan tỏa và ảnh hưởng sâu sắc đến con cháu mình.

Ngoài xã hội, Pappachi là một người đàn ông mẫu mực, một hình tượng để bao người ngưỡng mộ và ganh tị. Nhưng trong gia đình, trong cách cư xử với vợ con, ông bộc lộ bản chất của một gã đàn ông độc đoán, gia trưởng và tàn bạo. Ông là người coi trọng danh dự và sĩ diện, nên luôn sống giả tạo để bảo vệ danh dự của bản thân, luôn cố làm mọi thứ để trở thành một hình ảnh tuyệt vời trước mọi người, để được mọi người xưng tụng. Có thể thấy, ông là người sống hai mặt, lời nói và việc làm chẳng đi đôi với nhau.

Pappachi đã từng là một quan chức cao cấp của Chính phủ. Trước khi về hưu, ông là nhà Côn trùng học của Hoàng gia tại trường Đại học Pusa. Ông bắt đầu làm chủ nhiệm khoa Côn trùng học khi người Anh rời khỏi Ấn Độ. Lúc về hưu, vị trí của ông tương đương với một hiệu trưởng. Nỗi thất vọng lớn nhất trong con đường sự nghiệp của Pappachi là vì con ngài do chính ông tìm ra đã không mang tên ông. Ông tìm thấy con ngài trong một trường hợp tình cờ và nhận ra ngay sự đặc biệt của nó. Nhưng lúc bấy giờ phát hiện của ông không được công nhận. Các nhà khoa học cho rằng nó chỉ là một trong những loài đã được biết đến. Mười hai năm sau, nỗi thất vọng về con ngài trở nên “cay cú”

hơn. Vì lúc này, “con ngài” ngày trước của ông lại được xác nhận là một loài đặc biệt. Nó được đặt tên theo tên của một người khác, mà đáng ra phải là tên ông. Sau chuyện này, tâm trạng Pappachi trở nên đen tối thật sự. Càng ngày ông càng đem những cơn giận bất ngờ và vô lí trút lên gia đình mình. “Bóng ma của con ngài cứ lảng vảng trong căn nhà ông ở”. Nó không chỉ giày vò bản thân ông mà còn giày vò các con ông, các cháu ông cho đến khi ông mất đi.

Xét về mặt tư tưởng, Pappachi theo Thiên Chúa giáo và sùng bái nước Anh một cách tuyệt đối. Ông chưa bao giờ thừa nhận mặt trái của nền dân chủ tư sản và văn minh phương Tây. Có thể nói, ông là đại diện tiêu biểu cho “sản phẩm” đầy khiếm khuyết mà văn hóa thực dân Anh đã để lại trên đất Ấn Độ cùng với những hậu quả nặng nề của sự cai trị và bóc lột theo kiểu thực dân chủ nghĩa, lối sống theo chủ nghĩa hình thức – bên ngoài là sự phồn vinh hào nhoáng nhưng đằng sau là muôn vàn bất công. Ông sùng bái nước Anh, văn hóa Anh và luôn dành cho người Anh mối thiện cảm, sự tin tưởng tuyệt đối.

Tư tưởng gia trưởng, hẹp hòi và cố chấp của Pappachi làm cho không khí gia đình luôn nặng nề. (Người chịu đựng ông nhiều nhất là Mammachi và Ammu vì Chacko đi học xa). Rồi với nỗi thất vọng ê chề của bản thân, ông phẫn nộ khi thấy vợ gặt hái thành công từ nhà máy chế biến hoa quả dầm. Sự chú ý và những lời ca tụng của mọi người đổ dồn về phía vợ ông. Ông vốn không có đủ bản lĩnh để chịu đựng sự thất bại trong sự nghiệp, sự bất công của cuộc sống nên càng đem sự bất mãn của bản thân trút giận lên người khác. Ông đánh bà ngày một nhiều hơn và sau đó là đánh mỗi đêm với cái hoa bình bằng đồng. Đến khi cậu con trai Chacko kịp ngăn cản và lên tiếng cấm ông không được đánh mẹ cậu nữa thì ông mới dừng hành động bạo hành lại. Nhưng từ đó, ông không bao giờ chạm đến Mammachi hoặc nói với bà bất cứ lời nào.

Nỗi thất vọng cay đắng, sự hẹp hòi, ích kỉ và cố chấp của Pappachi cứ thế bao phủ lấy ngôi nhà, ảnh hưởng đến tâm trạng của tất cả những thành viên khác trong gia đình: sự thiên vị của Mammachi dành cho Chacko ngày một nhiều hơn, lòng ích kỉ của Baby Kochamma, quyền độc tôn của Chacko, sự bướng bỉnh và nổi loạn trong Ammu, nhất là nỗi sợ hãi của hai đứa trẻ sinh đôi (nỗi sợ hãi được mang tên “con ngài của Pappachi”).

2.1.1.2. Vai trò của người phụ nữ trong gia đình

Mammachi không có nhiều ảnh hưởng đến các thành viên trong gia đình như Pappachi. Nhưng cũng như những phụ nữ Ấn truyền thống khác, vai trò của người vợ, người mẹ của bà vẫn là rất lớn. Với vai trò là vợ, bà chịu đựng ông chồng tàn bạo của mình mà không một lời ta thán. Bà còn “tiếp tay” với chồng để che giấu nạn bạo hành trong gia đình, để trong mắt mọi người, bà và các con bà là những người thật sự hạnh phúc với sự chở che của Pappachi, “một người chồng, người cha hào phóng, gương mẫu”. Biết bao phụ nữ ganh tị với những gì bà đang có (dù bà chẳng có gì cả - không quyền làm vợ, không quyền làm mẹ). Chẳng ai biết được chuyện không ít lần chồng bà nổi cơn tức giận, ra tay đánh đập, bà phải dẫn đứa con gái trốn khỏi nhà mà vẫn không dám để người khác phát hiện (nhằm bảo vệ danh dự cho chồng).

Từ góc độ xã hội, Mammachi là người phụ nữ hiện đại. Bà không chỉ biết phục tùng, chịu đựng chồng mà còn góp công không nhỏ vào kinh tế gia đình. Khi Pappachi về hưu, gia đình chuyển đến Ayemenem, bà bắt đầu làm dưa món và hoa quả dầm. Việc buôn bán phát đạt, bà nhanh chóng mở rộng qui mô. Nhà máy chế biến hoa quả dầm ra đời được bà quản lí thuận lợi. Tuy nhiên, thành công của bà không được chồng ghi nhận. Trái lại, Pappachi ngày càng đố kị với bà nhiều hơn.

Trong vai trò người mẹ, Mammachi chưa bao giờ bảo vệ được Ammu trước hành động tàn nhẫn của bố. Với Chacko thì hoàn toàn ngược lại. Nhất là sau khi được Chacko ra tay ngăn cản chuyện bạo hành của bố. Bà dồn mọi tình

cảm và “kí thác” đời mình cho cậu con trai yêu quí. Chacko trở thành “Tình yêu Duy nhất” của bà. Bà lo lắng và bảo vệ con trai mình bằng mọi cách. Bà gửi tiền chu cấp cho Chacko không có việc làm sau khi lấy vợ. Đến lúc Chacko trở về Ayemenem, bà luôn có cách giải thích hợp lí cho mọi hành động của đứa con trai yêu, dù anh ta làm bất cứ chuyện gì. Bà ngụy biện thay cho Chacko rằng sự “phóng đãng” với các cô gái (kể cả với người thuộc đẳng cấp tiện dân) chỉ nhằm để thỏa mãn “Nhu cầu của Đàn ông”. Bà dùng tiền để che giấu, tiếp tay cho việc thỏa mãn “Nhu cầu Đàn ông” của Chacko. Có thể thấy, Mammachi đã dành cho Chacko tình yêu tuyệt đối của người mẹ. Rồi khi biết Chacko thật lòng yêu Margaret Kochamma bà đã tự huyễn hoặc mình rằng đó không phải là tình yêu. Bà vui khi Chacko li hôn. Khi Margaret Kochamma đến Ayemenem dịp Giáng sinh, bà “coi Margaret Kochamma chỉ như một con điếm”. “Một con điếm” như bao “con điếm” khác giúp Chacko thỏa mãn “Nhu cầu Đàn ông”. Bà dùng đồng tiền để gạn lọc mọi thứ, làm cho “Tình dục tách rời Tình yêu”, “Nhu cầu tách rời Tình cảm”.

Trong quan hệ xã hội, Mammachi đối xử nhân hậu với Velutha và gia đình anh. Bà cho Velutha học hành, để đất cho gia đình Velutha dựng lều sinh sống, nhận Velutha vào Nhà máy làm việc, giao cho anh ta coi sóc toàn bộ máy móc và trả lương hậu. Tuy nhiên, bà vẫn mang nặng tư tưởng phân biệt đẳng cấp. Cũng như Baby Kochamma, bà không bao giờ chạm vào người những kẻ thuộc đẳng cấp tiện dân như Velutha, đồng thời bà ghê sợ cái mùi Paravan của họ. Trong cơn giận, bà sẵn sàng “nhổ toẹt” vào mặt họ, đuổi họ đi mà không cần để tâm đến thế nào là tình người.

Nỗi bất hạnh lớn nhất trong cuộc đời Mammachi không phải là những trận đòn hay sự đối xử bất công của người chồng mà là chuyện Ammu tư tình với Velutha, người mà đẳng cấp của bà không bao giờ muốn chạm đến. Khi biết chuyện, cơn giận dữ đã đóng băng tâm hồn Mammachi, cộng thêm sự “châm thêm dầu vào lửa” của Baby Kochamma, bà cảm thấy thật ghê rợn khi hình dung

những gì đã xảy ra giữa Ammu và Velutha. Trong đầu Mammachi có cái gọi là “Nhu cầu Đàn ông” của Chacko nhưng tuyệt đối không có khái niệm về “Nhu cầu Đàn bà” hoặc tình yêu của Ammu. Ammu, đứa con gái từ nhỏ đã “không được dạy dỗ đàng hoàng”, lập tức bị kết tội đã làm ô uế thanh danh một dòng họ danh tiếng. Bà đã làm tất cả để bảo vệ danh dự của dòng họ và giờ Ammu phá hủy tất cả. Vậy là bà giải quyết chuyện của Ammu trong trạng thái mất hết tự chủ. Bà “chỉ định nhục hình”, giao cho Baby Kochamma “lên kế hoạch” và Kochu Maria “làm đầu sai” trong hành động trừng phạt Ammu và Velutha. Ammu bị nhốt vào phòng còn Velutha sẽ bị đuổi đi. Baby Kochamma, nhiệt tình làm theo lời Mammachi, tìm mọi cách “tống cổ” Velutha ra khỏi Ayemenem. Baby Koachmma đến đồn cảnh sát bịa đặt một câu chuyện hoàn hảo về tội cưỡng bức của Velutha. Rõ ràng, chính cách nhìn nhận và giải quyết vấn đề hẹp hòi, không thấu đáo của Mammachi đã đẩy Ammu và Velutha đến một kết cục bi thảm, đồng thời kéo theo biết bao hệ lụy sau đó.

Có thể thấy, Mammachi đã thực hiện tốt vai trò của người vợ nhẫn nhịn, người mẹ tuyệt vời của cậu con Chacko, người bà rất mực thương cháu nội. Riêng đối với Ammu và hai đứa cháu ngoại, bà không hề xem họ là mối bận tâm của mình. Điều này tác động trực tiếp đến tính cách Ammu, biến chị trở thành một phụ nữ sẵn sàng nổi loạn khi có cơ hội. Vốn không cảm nhận được tình mẫu tử thiêng liêng từ Mammachi, không có được sự ấm áp của gia đình, nên đôi lúc Ammu đã không thể kiềm chế những điều thuộc về bản năng, quên mất tình yêu thương vô bờ mà chị đã dành cho hai đứa con mình. Sau mọi biến cố, hai đứa trẻ sinh đôi chỉ biết trông cậy vào bà ngoại. Ấy vậy mà bà cũng không có cách nào cứu vãn bi kịch xảy đến với hai đứa cháu.

Một hệ lụy từ cách giải quyết sự cố gia đình của Mammachi là cái chết của Sophie Mol. Bà đau nỗi đau mất cháu, đồng thời đau cả nỗi đau mất con của Chacko. Bà suy sụp và trở thành một cái bóng mờ nhạt trong gia đình. Mọi chuyện giờ nằm trong sự thao túng của Baby Kochamma và quyết định của

Chacko: chuyện buộc Ammu gửi trả Estha cho bố, chuyện Ammu bị Chacko đuổi khỏi nhà, chuyện họ chỉ chăm nom mà không hề âu yếm, yêu thương Rahel.

Một phần của tài liệu đặc trưng nghệ thuật tiểu thuyết chúa trời của những chuyện vụn vặt của arundhati roy (Trang 48 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)