Nhịp độ thời gian

Một phần của tài liệu đặc trưng nghệ thuật tiểu thuyết chúa trời của những chuyện vụn vặt của arundhati roy (Trang 100 - 102)

Khác với thời gian khách quan, thời gian nghệ thuật có thể bị đảo ngược, quay về quá khứ, có thể bay vượt đến tương lai xa xôi, có thể dồn nén một khoảng thời gian dài trong chốc lát, lại có thể kéo dài cái chốc lát thành vô tận. Nó được đo bằng nhiều thước đo khác nhau, bằng sự lặp lại đều đặn của các hiện tượng đời sống được ý thức: sự sống, cái chết, gặp gỡ, li biệt, chia cắt, đoàn tụ,… tạo nên nhịp điệu trong tác phẩm.

Nhịp điệu thời gian góp phần thể hiện tài năng của tác giả trong việc tổ chức thời gian nghệ thuật của tác phẩm, nghĩa là kể nhanh hay kể chậm, kể lướt hay kể tỉ mỉ. Trong tác phẩm tự sự, người kể chuyện có thể kể tỉ mỉ một khoảng thời gian nhất định và cũng có thể bỏ qua hoặc chỉ kể rất ít một giai đoạn nào đó của câu chuyện. Điều này dẫn tới tốc độ tự sự nhanh, chậm khác nhau; có thể gia tốc khi một khoảng thời gian tương đối dài được kể trong số trang tương đối ngắn, giảm tốc đối với trường hợp ngược lại, còn đẳng tốc (đồng tốc) là tự sự có tính chất đẳng thời, nghĩa là trần thuật mà không có những biến đổi về tốc độ. Sự dồn nén thời gian ở nhiều đoạn tạo nên nhịp điệu trần thuật nhanh, gấp gáp, dồn dập, căng thẳng. Hoặc ở nhiều đoạn có sự dàn trải, kéo dãn thời gian khi tác giả đã cố tình để cho nhân vật đắm chìm trong những suy tưởng.

Nhịp độ thời gian hiện tại và thời gian hồi tưởng diễn ra với những biến tấu khác nhau phụ thuộc vào điểm nhìn trần thuật của người kể chuyện và mang tính chủ quan. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều chi tiết được xen kẽ vào, nhằm cắt ngang mạch hồi tưởng đưa nhân vật về với hiện tại, mà với tác giả, tất cả luôn là một nghệ thuật, là dụng ý. Đi sâu vào tác phẩm, với nhiều sự kiện được miêu tả tập trung, dai dẳng, đầy ám ảnh đã tạo nên những đợt sóng tình cảm đau

đớn, xót thương trong lòng người đọc. Những dòng hồi tưởng, suy nghiệm trong tác phẩm thường làm cho nhịp điệu kể chậm lại. Độ dừng của nhịp điệu trần thuật có điều kiện khắc họa chiều sâu tâm lí nhân vật, tạo ra khoảng trống cho người đọc đồng cảm, chiêm nghiệm, đồng sáng tạo với số phận nhân vật, tự giải mã các vấn đề và cùng khám phá thế giới thầm kín của nhân vật.

Nghiên cứu nhịp điệu kể chuyện trong tiểu thuyết Chúa Trời của những

chuyện vụn vặt là nghiên cứu khoảng thời gian ở cấp độ câu chuyện (cái được

biểu đạt) được biểu hiện như thế nào trong khoảng thời gian (tức là số trang văn bản truyện) ở cấp độ truyện kể (cái biểu đạt); xem xét sự kết hợp giữa các vận động tự sự và nhịp điệu kể chuyện trong tác phẩm. Đồng thời, đánh giá nhịp điệu ấy có giá trị như thế nào trong việc biểu hiện nội dung, tư tưởng của tác phẩm. Nhịp điệu kể chuyện của tác phẩm là từ chậm rãi chuyển sang nhanh dần rồi lại chậm dần. Nhịp điệu này phản ánh sự gấp khúc trong đồ thị tâm lí. Những khoảng trống trong tâm hồn nhân vật tạo ra những “nếp gấp” thời gian vô hình, làm cho câu chuyện cứ trôi mãi về vô định. Trong tác phẩm, nhịp điệu thời gian có khi chậm lại bởi những đoạn suy tư và hồi tưởng của Ammu, của Rahel về thời quá khứ. Nhưng cũng có khi thời gian lại vận động rất nhanh. Thời gian trôi đi vun vút để lại trên gương mặt Ammu sự thay đổi đến đáng sợ. Trước mỗi “chuyến đi”, Ammu nhấm nháp kỉ niệm một cách khoan thai, chậm rãi như đang kiểm tra hành lí để chuẩn bị bước vào một cuộc hành trình dài. Sự kiểm duyệt tỉ mỉ và kể lại chậm rãi trong phút lâm chung. Hiện tại chùng lại, nó chỉ còn là một chấm nhỏ, nhưng chấm nhỏ ấy lại khởi phát cho dòng thời gian xuôi ngược. Từ chỗ ngưng đọng của hiện tại, thời gian được giãn nở đến vô cùng, từ cõi chết trở về cõi sống. Sự kéo giãn thời gian ấy khiến cho độc giả hiểu rõ hơn khát vọng được sống của nhân vật.

Nhịp điệu kể chuyện đóng một vai trò quan trọng trong việc thể hiện nội dung – tư tưởng của tác phẩm; đồng thời, xem xét nhịp điệu kể chuyện sẽ giúp ta đánh giá đúng hơn cá tính sáng tạo của nhà văn trong sáng tạo nghệ thuật. Tuy

nhiên, nhịp điệu kể mới chỉ là một yếu tố của thời gian tự sự bên cạnh trình tự và tần suất kể. Nghiên cứu các biểu hiện và sự tương tác giữa các yếu tố này cho phép đánh giá đầy đủ về thời gian tự sự trong tiểu thuyết của A. Roy.

Tiểu thuyết của A. Roy tầng tầng lớp lớp, nhiều đồng hiện và ẩn dụ, như một thanh nam châm hút lấy người đọc. Thủ pháp của nhà văn đa dạng và biến hóa khi thì lướt nhanh, khi thì cố tình tạo ra những nhẩn nha đầy chủ ý. Một điểm đặc biệt có thể được nhắc đến đó là sự hiện diện của sex ở chương cuối cùng của quyển tiểu thuyết, đầy táo bạo, hết sức gợi hình nhưng giàu tính nhân bản và bay bổng. Đó là những câu văn nâng con người ta chạm đến nỗi khao khát không phải chỉ là bản năng mà từ lâu luôn bị kìm nén trong một xã hội còn lệ thuộc quá nhiều vào những định kiến bất công, khắc nghiệt.

Một phần của tài liệu đặc trưng nghệ thuật tiểu thuyết chúa trời của những chuyện vụn vặt của arundhati roy (Trang 100 - 102)