Quan hệ họ hàng trong mỗi gia đình, mỗi thời kì của xã hội thường tồn tại theo những qui định riêng. Nhưng nhìn chung, quan hệ giữa các thế hệ trong gia đình luôn có vai trò quan trọng đối với sự tồn tại của xã hội. Mối quan hệ chiều dọc tạo nên sự kết nối giữa các thế hệ trong gia tộc. Đồng thời, thông qua đó, thế hệ trên có thể truyền dạy kiến thức, truyền thống và ý thức chính trị cho các thế hệ tiếp nối, duy trì tính "liên tục xã hội". Mối quan hệ chiều ngang lại có vai trò kết nối những người cùng thế hệ thông qua hôn nhân, củng cố và mở rộng liên minh xã hội. Như vậy, cha mẹ và anh em của cha mẹ được xếp vào cùng một thế hệ, con cái và các anh em con chú con bác được xếp ở thế hệ kế tiếp…
Trong tác phẩm, chúng tôi chọn và chia các thành viên trong gia đình của hai anh em sinh đôi (Estha và Rahel – cặp nhân vật trung tâm của tác phẩm) thành ba thế hệ. Estha và Rahel (thuộc thế hệ thứ ba) là tiêu điểm để phân định các thế hệ theo trực hệ và bàng hệ. Trực hệ xác định mối quan hệ huyết thống theo chiều dọc: ông bà - cha mẹ - con cái, còn bàng hệ xác định mối quan hệ thông qua các thành viên có cùng quan hệ huyết thống theo hàng ngang, không ai sinh ra ai: anh, chị em của ông bà hoặc cha mẹ, anh, chị em họ là con của bác, của dì… (Phần này, chúng tôi sẽ trình bày ở mục tiếp theo của Luận văn). Xét ở phương diện này, những người thuộc mối quan hệ trực hệ sẽ gần gũi với hai anh em sinh đôi nhiều hơn những người thuộc mối quan hệ bàng hệ. Chẳng hạn, Baba
và Ammu sẽ gần gũi với hai anh em sinh đôi hơn bác Chacko, ông bà ngoại sẽ gần gũi hơn bà dì,… Tuy nhiên, thực tế mối quan hệ giữa các nhân vật trong tác phẩm bộc lộ nhiều vấn đề phức tạp đang tồn tại trong gia đình thời hiện đại.