Người trần thuật ngôi thứ ba trữ tình ngoại đề

Một phần của tài liệu đặc trưng nghệ thuật tiểu thuyết chúa trời của những chuyện vụn vặt của arundhati roy (Trang 83 - 86)

không để lộ mình, thì ở dạng kể có bình luận, trữ tình ngoại đề, người trần thuật sẽ thể hiện sự tham gia của mình trong tiến trình câu chuyện. Tất nhiên, chủ thể kể không lộ diện rõ ràng như người kể chuyện “xưng tôi”.

Ở dạng này, người kể thường nêu suy nghĩ, thể hiện sự quan tâm đến các nhân vật, đến những biến cố được nói đến. Trong quá trình thuật lại cảnh ngộ của các nhân vật, người kể chuyện thể hiện cái nhìn, quan điểm của bản thân. Người kể chuyện, dường như không giữ được cảm xúc của mình trước nhân vật nên mới đưa ra lời bình luận, lời trữ tình ngoại đề. Điều này góp phần định hướng cho người đọc cách tiếp cận tác phẩm. Lời ngoại đề thấm đẫm chất trữ tình thường diễn tả chiều sâu thế giới tâm hồn, thức tỉnh con người tự vượt qua chính mình. Người kể đã hé lộ nhiều thái độ tình cảm với nhân vật, mà lẽ ra (ở ngôi kể thứ ba) phải giấu mặt.

Với Chúa Trời của những chuyện vụn vặt, việc A. Roy sử dụng ngôi kể thứ ba

có bình luận, trữ tình ngoại đề đã giúp người đọc nắm bắt kịp thời những vấn đề thuộc về lối sống, văn hóa, tôn giáo… của người Ấn. Đó là chuyện của những năm đầu thế kỉ XX những khi người con gái không lấy chồng “bị coi như một khuyết tật về thể chất, như sứt môi hoặc dính chân” [5, tr.36], chuyện những người ở đẳng cấp trên không bao giờ muốn chạm vào (hoặc được phép chạm vào) cơ thể của những người thuộc đẳng cấp tiện dân, chuyện xã hội luôn có rất nhiều luật lệ dành cho mỗi người, nhất là trong tình yêu (qui định ai được yêu ai, yêu như thế nào và yêu bao nhiêu)… Lời bình luận, trữ tình ngoại đề ấy còn giúp người đọc tìm được mối dây liên hệ giữa các sự việc hoặc có được cái nhìn tổng quan về các nhân vật, các sự kiện... Chẳng hạn, khi nói về kí ức của Estha và Rahel, người kể chuyện nhận xét: “Tất cả những hồi ức ấy đều là những việc nhỏ nhặt” [5, tr.7]; khi nói về Estha, người kể chuyện nhận xét: “Estha chiếm một chỗ hết sức nhỏ bé trên cõi đời này”[5, tr.18]; nói về viên thanh tra Thomas Mathew thì là “cặp mắt gã trông quỉ quyệt và tham lam” [5, tr.14]; hoặc nói về gia đình Pappachi: “Họ là một gia đình thân Anh. Chạy theo một phương hướng sai lầm, thoát li lịch sử của riêng mình, họ không thể bước trở lại vì

đã bị xóa sạch gốc tích” [5, tr.71]…

Cũng có khi, người kể công khai thể hiện tình cảm đối nhân vật qua lời trữ tình ngoại đề. Đó là sự xót xa cho hai anh em Estha và Rahel khi chúng phải chịu đựng sự đối xử khắc nghiệt của Baby Kochamma: “Người bất hạnh đôi khi ghét những người cùng cảnh” [5, tr.62]; là thái độ không thiện cảm với Baby Kochamma: “Trên đầu Baby Kochamma như xuất hiện một vòng hào quang hả hê” [5, tr.119] khi bà nhìn thấy Estha và Rahel không nói chuyện với nhau; là sự đồng cảm với Rahel khi em buột miệng nói lời làm Ammu giận (“- Thế sao mẹ không lấy ông ấy 20 đi?”): “Rahel cứng cả người. Em tiếc đến tuyệt vọng câu trót nói ra. Em không biết những lời ấy từ đâu đến. Em không biết chúng đã có sẵn trong người em” [5, tr.145-146]… Đây là những dòng cảm xúc rất thật của chủ thể kể chuyện, đồng thời có sức lan tỏa đến người đọc.

Người kể còn giúp độc giả thấy được sự khó khăn trong hành trình trưởng thành của Estha và Rahel. Quá khứ chưa bao giờ thực sự ngủ yên với hai anh em. Nỗi đau bị chôn vùi nhưng vẫn mang sức mạnh tiềm tàng. Khi có cơ hội, chúng lại trỗi dậy và làm nhói buốt hơn vết thương của dĩ vãng. Sự thành công của nhà văn trong việc mổ xẻ nội tâm đã định hình ở mỗi nhân vật một tính cách rõ ràng: Estha im lặng, tách biệt hẳn với mọi người, Rahel thì cảm thấy cô độc và trống rỗng cùng cực, Ammu hết mực yêu hai con nhưng luôn sẵn sàng cho một sự nổi loạn không thể kiềm chế, còn Baby Kochamma thì cố ngụy trang cho nỗi sợ hãi và sự cô độc của bản thân bằng sự ích kỉ đến tàn nhẫn.

Mạch kể dồn nén nhiều sự kiện chi tiết, trữ tình ngoại đề đan xen làm cho giọng điệu trần thuật giàu chất trữ tình:

Ammu chết trong một căn phòng bẩn thỉu […]. Chị chết trơ trọi một mình. Với tiếng quạt trần quay làm bạn, không có Estha nằm ôm lưng và trò chuyện với chị. Chị mới ba mươi mốt tuổi. Chưa già, không trẻ, nhưng là lứa tuổi có thể sống mà cũng có thể chết [5, tr.209].

20

Người kể chuyện kết hợp vừa kể vừa tả nên câu chuyện rất sinh động. Lời trữ tình ngoại đề đã tạo ra được một điểm nhấn khiến người đọc cảm nhận được tình cảm rất chân thật cũng như nỗi buồn vui của nhân vật.

Người kể bên cạnh việc không xuất đầu lộ diện, vô can trước những sự kiện biến cốt truyện, dẫn dắt nhân vật vào những tình huống, những ngã rẽ, để nhân vật tự bộc lộ tính cách thì việc đan xen lời bình, lời trữ tình ngoại đề đã tạo nên giọng điệu vừa bình thản, lạnh lùng, vừa trầm buồn, đau xót mà đầy chiêm nghiệm. Cách xử lí nghệ thuật khéo léo này đã dựng nên một hình tượng người kể chuyện thông minh, sắc sảo, giàu lòng nhân ái, tạo được ấn tượng đặc biệt trong lòng người đọc. Từ đó, người đọc có điều kiện tự chiêm nghiệm, đồng sáng tạo, tự cắt nghĩa số phận nhân vật, tự giải mã các vấn đề và cùng khám phá thế giới thầm kín của nhân vật với tác giả.

Với việc sử dụng khéo léo ngôi thứ ba, nhà văn di chuyển điểm nhìn linh hoạt trong cách kể. Nhân vật hiện lên trong tác phẩm với tiếng nói riêng vừa sắc sảo vừa mang cá tính độc đáo. Ta nhận thấy người kể không chỉ trần thuật theo con mắt của người ngoài cuộc mà còn nhập vai vào nhân vật tạo nên lối kể nhập vai, thể hiện nội tâm phức tạp của các nhân vật.

Một phần của tài liệu đặc trưng nghệ thuật tiểu thuyết chúa trời của những chuyện vụn vặt của arundhati roy (Trang 83 - 86)