Mối quan hệ chính trị, xã hội, tôn giáo

Một phần của tài liệu đặc trưng nghệ thuật tiểu thuyết chúa trời của những chuyện vụn vặt của arundhati roy (Trang 77 - 81)

Từ xưa đến nay, chỉ cần nhìn vào thân phận con người (nhất là những người nghèo khó, người phụ nữ hoặc trẻ con) sẽ thấy rõ hoàn cảnh xã hội mà họ đang sống. Chẳng hạn, trong xã hội phong kiến, trong thời kì thuộc địa, thế giới quan của người phụ nữ bị bó gọn trong gia đình, trong ngôi làng, đồng thời phải đối diện với những lề thói, hủ tục, sự soi mói của người đời nên họ luôn cố gắng an phận để được yên thân. Nhưng trong xã hội hiện đại, người phụ nữ đã khác nhiều.

Những người phụ nữ hiện đại trên thế giới nói chung và ở Ấn Độ nói riêng ngày càng có nhiều cơ hội thăng tiến trong xã hội. Họ bắt đầu khẳng định tính độc lập, tự chủ của bản thân thay cho sự khép kín mình trước đây. Họ đã và

đang đấu tranh đòi quyền sống mà đáng ra họ được hưởng như bao người phụ nữ bình thường trên thế giới. Trong tác phẩm, Ammu đã thể hiện ý thức đấu tranh và tự chủ ở hành động bỏ nhà đến Calcutta với dì, tự ý kết hôn với một người cùng đẳng cấp nhưng không cùng tôn giáo. Ammu đã kết hôn với một người theo đạo Hindu và sinh ra hai đứa trẻ sinh đôi. Đây là điều mà một người Thiên Chúa giáo có tự trọng không bao giờ làm (theo cách nói của Baby Kochamma).

Nhân vật thể hiện rõ nhất mối liên hệ đẳng cấp trong tác phẩm chính là Velutha, người đàn ông đánh thức tình yêu thật sự thời tuổi trẻ trong Ammu. Thuở nhỏ, anh đã được dạy phải giữ khoảng cách với những người thuộc đẳng cấp trên. (Đó là qui định dành cho những người thuộc đẳng cấp tiện dân như anh). Vậy là, mỗi khi muốn tặng đồ chơi cho Ammu, anh để nó trên ngón tay mình, sao cho khi Ammu nhận lấy không phải chạm vào anh. Điều may mắn đến với Velutha là anh được Mammachi tạo điều kiện học hành để trở thành một thợ mộc lành nghề, một kĩ sư giỏi và được nhận làm việc tại nhà máy. Dù không trực tiếp được nói đến, nhưng ta biết chính Velutha là người đã tham gia trong đoàn biểu tình đòi quyền lợi cho công nhân (cả phụ nữ lẫn nam giới). Khi đủ trưởng thành, anh “gạt phăng” những qui định của đẳng cấp đến với Ammu bằng tất cả niềm đam mê của một chàng trai lần đầu biết yêu. Anh yêu thương Estha và Rahel như những người bạn nhỏ thân thiết của mình, dành cho chúng sự thân tình và chu đáo của một người bạn lớn không chút e dè vì đã phạm luật. Anh có những phẩm chất của một đẳng cấp trên (“cách đi, cách ngẩng cao đầu, cách bình thản đưa ra một lời đề nghị, cách bất chấp những ý kiến có vẻ như nổi loạn”). Anh thể hiện sự tự tin có thừa của một người tự làm chủ vận mệnh mình. Có thể nói, Velutha là hình tượng được xây dựng hoàn hảo, là người đại diện chống lại những bất công, đấu tranh vì quyền lợi của con người cũng như vượt qua những định kiến khắt khe của xã hội.

Tóm lại, hai anh em sinh đôi có mối quan hệ xã hội tốt đẹp với Velutha. Điều này chứng tỏ, ở một mức độ nào đó, ranh giới về đẳng cấp trong xã hội đã được xóa nhòa.

2.4.2. Mối quan hệ nghịch

Tác phẩm khép lại, người đọc không tìm được sự thỏa mãn hay ít nhất là sự yên lòng với số phận các nhân vật được A. Roy xây dựng. Tác phẩm đã nêu rõ, bên cạnh những cải cách về tôn giáo, chính trị, đẳng cấp thể hiện sự tiến bộ của xã hội là những định kiến, luật lệ khắt khe chưa thể xóa bỏ, làm trì trệ quá trình tiến lên của dân tộc. Trong tác phẩm, đa số các nhân vật đều có lối sống, nếp nghĩ theo những chuẩn mực lỗi thời: người vợ suốt cuộc đời chỉ biết cung phụng, phục tùng người chồng và con trai; sự kì thị về tôn giáo, phân biệt đẳng cấp…

Sự đấu tranh xuất hiện nhưng quá yếu ớt và chậm chạp nên không đem lại kết quả mong muốn. Những người bị trói buộc bởi lề thói xưa không có cơ hội, không đủ khả năng làm một cuộc cách mạng để tự giải phóng mình, giải phóng những người cùng cảnh ngộ. Trường hợp của Velutha là như vậy. Là một người có tài nhưng Velutha hoàn toàn bị cô lập (kể cả khi anh tìm đến người đồng chí cùng chí hướng với mình, Pillai, cũng không nhận được sự ủng hộ). Không phải lí tưởng cách mạng mà chính lòng ích kỉ và đố kị của con người đã đã hủy diệt Velutha, hủy diệt một người ham sống, khao khát được yêu thương và dám đấu tranh vì quyền lợi của những người cùng khổ.

Tóm lại, dựa trên mối quan hệ gia đình và xã hội, A. Roy đã chỉ ra những tác động to lớn ảnh hưởng đến số phận các nhân vật trong tác phẩm. A. Roy đã miêu tả về các thế hệ trong một gia đình nhưng ẩn đằng sau đó là một bức tranh sinh động về xã hội Ấn Độ đương đại. Bằng nhãn quan sắc sảo, tác giả đã “mổ xẻ” những vấn đề quan trọng trong gia đình và ngoài xã hội từ nhiều góc độ khác nhau. Phương thức xây dựng nhân vật… “chẳng giống ai” thể hiện khả năng liên tưởng tài tình từ những chi tiết hết sức nhỏ nhặt liên quan đến cuộc sống mỗi

người trong gia đình. Tuy nhiên, ẩn bên trong những chi tiết tưởng chừng như hết sức nhỏ nhặt, không đáng nói lại là những điều thật lớn lao, những điều làm người đọc đau đớn khôn xiết. Cuốn sách cho chúng tôi biết mình đã được “nếm một món Ấn” thực sự (món ăn tinh thần).

Giống như bao câu chuyện khác, Chúa Trời của những chuyện vụn vặt

không thiếu những bi kịch. Nhưng điểm đặc biệt của tác phẩm là những cuộc vật lộn, những nút thắt được trải ra dần trước mắt người đọc vừa mơ hồ vừa rất cụ thể như là rồi tất cả sẽ phải là như thế. Người đọc tự hỏi không biết có phải vì cái “chất” Ấn Độ mà nhà văn mang trong mình đã tạo được sự cuốn hút đến vậy.

Cũng như nhiều nước phương Đông khác, ở Ấn Độ, khi xã hội càng hiện đại, gia đình càng giữ một vai trò quan trọng đối với mỗi thành viên. Gia đình là nơi hội tụ những quan hệ mang tính điển hình của xã hội, là nơi lưu giữ những tình cảm thiêng liêng, tốt đẹp nhất trong đời sống mỗi con người. Có thể nói, gia đình là thành trì cuối cùng để bảo vệ các giá trị truyền thống trước “cuộc xâm lược” ồ ạt của văn hóa thực dân, thực dụng, ích kỉ và thiếu hẳn tình yêu thương.

Từ mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình Estha và Rahel, người đọc nhận ra rằng, điều chi phối lớn lao trong cuộc sống thực tại chỉ là những điều hết sức nhỏ nhặt. Chính sự kết nối của những điều nhỏ nhặt giữa người với người đã dẫn đến những điều lớn lao. Mỗi người thường bị “mắc kẹt” trong những điều vụn vặt của mình rồi tiếp tục làm những điều nhỏ nhặt khác chỉ để thỏa mãn cảm giác nhất thời của bản thân, dẫn đến chuyện gây hại cho người khác, cho thế hệ sau. Như vậy, con người đã tự đẩy chính mình lún sâu vào trong vũng bùn nhem nhuốc bế tắc, cùng quẫn và không có lối thoát.

Chương ba

NGHỆ THUẬT KỂ CHUYỆN

TRONG CHÚA TRỜI CỦA NHỮNG CHUYỆN VỤN VẶT

CỦA ARUNDHATI ROY

Nghệ thuật kể chuyện trong văn tự sự là một phương diện cơ bản của thi pháp thể loại. Trong chương này, chúng tôi tập trung nghiên cứu ba vấn đề tiêu biểu: người trần thuật, thời gian trần thuật và không gian trần thuật.

Một phần của tài liệu đặc trưng nghệ thuật tiểu thuyết chúa trời của những chuyện vụn vặt của arundhati roy (Trang 77 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)