Đồng hiện thời gian

Một phần của tài liệu đặc trưng nghệ thuật tiểu thuyết chúa trời của những chuyện vụn vặt của arundhati roy (Trang 98 - 100)

Xuất hiện trong Chúa Trời của những chuyện vụn vặt là sự đồng hiện thời gian. Đồng hiện được miêu tả là trong cùng một thời điểm, có nhiều sự kiện cùng diễn ra, tưởng như nó tách bạch, không liên hệ với nhau, nhưng sẽ nhận ra sự liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau vì thời gian diễn ra sự việc này cũng là thời điểm xảy ra sự việc khác. Đó là lúc bọn trẻ vượt sông còn Velutha thì đang chìm trong giấc ngủ mỏi mệt ở “ngôi nhà lịch sử”, không còn biết đến sự hoảng hốt của Estha và Rahel trong đêm; là lúc Rahel đang chơi cùng Velutha ở ngoài sân còn Estha thì đang khuấy mứt giống như chèo thuyền trên sông và nghĩ đến “Hai Ý tưởng” (“Mọi việc điều có thể xảy ra với tất cả mọi người” và “Tốt nhất cứ phải sẵn sàng” [5, tr.257]). Đồng hiện thời gian còn thể hiện ở tâm trạng của Estha và Rahel: “Sự trống rỗng trong người này chỉ là một kiểu lặng lẽ của người kia” [5, tr.29]; sự trở về của Rahel đã hiển hiện những hình ảnh mà Estha muốn chối bỏ suốt hai mươi ba năm: “một người đàn ông trẻ có cái miệng của một ông già”, “một bộ mặt sưng phồng và nụ cười méo xệch”, “một con mắt đỏ ngầu mở to, nhìn đây đó rồi chăm chú nhìn em (Estha)”,…

Sự đồng hiện thời gian xuất hiện khi các nhân vật triền miên trong thế giới nội tâm và trải dài theo dòng cảm xúc, không quan tâm tới vạn vật xung quanh. Chúa Trời của những chuyện vụn vặt khó đọc không phải vì tính chất phức tạp, đa chiều của các tình tiết mà vì tính chất nội cảm của các nhân vật. Trong nhiều trường đoạn, các nhân vật miên man trong những suy nghĩ, chiêm nghiệm.

Kiểu đồng hiện phổ biến là từ hiện tại nhớ về quá khứ và liên tưởng đến tương lai. Nhưng trong Chúa Trời của những chuyện vụn vặt, đồng hiện xuất hiện theo kiểu từ quá khứ gần nhớ đến quá khứ xa và ngược lại, hoặc từ quá khứ

nhớ đến hiện tại. Vì khước từ lối kể chuyện tuyến tính (hay ngay cả trong cách kể phi tuyến tính thì câu chuyện cứ bện xoắn vào nhau) mà sự đồng hiện trong tác phẩm trở nên dày đặc. Các sự việc được kể lại khá ngẫu hứng, cứ một đoạn kể chuyện này lại chuyển sang kể chuyện kia. Tuy vậy, nhờ xử lí khéo léo và dẫn dắt hợp lí, người đọc không bị sa vào “ma trận thời gian” của các sự kiện. Câu chuyện vẫn mạch lạc và hấp dẫn.

Việc tác giả ngay từ đầu tác phẩm đã cho biết trước kết thúc của câu chuyện cũng đủ cho thấy trọng tâm của truyện không phải là tình tiết éo le, li kì, mà là cái thế giới nội tâm của nhân vật. Quả thật vậy, gần như toàn bộ câu chuyện chỉ là hồi ức của nhân vật, chứ không phải xảy ra một cách trực tiếp. Nói cách khác, dường như tác giả không kể lại một câu chuyện mà là muốn miêu tả những đau đớn, giằng xé, ân hận của nhân vật. Toàn bộ câu chuyện lấy trạng thái tâm lí làm đối tượng miêu tả. Nên các sự việc diễn ra trong cuộc đời nhân vật không có sự ăn khớp nhịp nhàng. Cái bắt đầu không phải là cái đầu tiên.

Hầu như trong tác phẩm không có sự kiện hành động mà chỉ có sự kiện tâm trạng hay nói cách khác tâm trạng về sự kiện. Từng sự việc được miêu tả như là những phần tử riêng lẻ, rời rạc nhưng chúng như có chất keo gắn kết hết sức chặt chẽ, mà tâm điểm của chúng chính là tâm trạng Rahel và Estha. Các sự việc trong truyện kể được sắp xếp một cách ngẫu hứng lộn xộn, xuôi ngược, ngược xuôi. Nhưng chúng có một logic nội tại đó là tâm trạng nhân vật.

A. Roy là nhà văn trẻ, chịu ảnh hưởng nhiều của văn chương hiện đại phương Tây thế kỉ XX. Với một tác phẩm, thật khó để khẳng định phong cách nghệ thuật của A. Roy tuy nhiên có thể nói bà là nhà văn có khả năng thể hiện tâm lí nhân vật sâu sắc và tinh tế. A. Roy đã “nương theo” dòng chảy ý thức của nhân vật, để mở rộng phạm vi liên tưởng làm phong phú thêm thế giới nội tâm nhân vật. Các sự kiện theo dòng ý thức (hoặc thuộc về cõi vô thức của nhân vật) diễn ra không theo trật tự tuyến tính. Chúng gấp khúc, gãy đoạn và cùng xuất hiện, cùng tồn tại. Bởi đó là những điều đã ám ảnh tâm hồn các nhân vật chưa

lúc nào phai nhạt. Với việc đi sâu phân tích tâm lí nhân vật trong sự cuộn chảy của dòng ý thức, hình ảnh hai anh em sinh đôi hiện lên không chỉ bằng các chi tiết khắc hoạ, qua hành động mà còn thông qua tâm trạng hồi tưởng về quá khứ trong sự song hành với hiện tại.

Một phần của tài liệu đặc trưng nghệ thuật tiểu thuyết chúa trời của những chuyện vụn vặt của arundhati roy (Trang 98 - 100)