Những tư tưởng cơ bản về phát triển bền vững kinh tế xã hội

Một phần của tài liệu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tỉnh cà mau theo hướng phát triển bền vững (Trang 37 - 39)

7. Cấu trúc đề tài nghiên cứu

1.2.2.Những tư tưởng cơ bản về phát triển bền vững kinh tế xã hội

Những nhà khoa học tiến bộ trên thế giới đã phát hiện ra rằng, với xu thế kinh tế thế giới như hiện nay, xã hội loài người sẽ đương đầu với nhiều nguy cơ và thảm hoạ trong tương lai gần, đó là ô nhiễm môi trường sống, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên (TNTN), đào sâu hố ngăn cách giữa nhóm người giàu và nhóm người nghèo. Chẳng hạn, chỉ với 6 tỷ dân trên toàn thế giới như hiện nay, nếu tất cả các quốc gia đều phát triển, có mức sống và lối sống như người Mỹ, thì nguồn tài nguyên cần thiết cho quá trình phát triển ấy sẽ lớn bằng 15 lần Trái đất của chúng ta đang có. Sự báo trước về một hành tinh không thể sinh sống do sự mở rộng quy mô công nghiệp, bùng nổ dân số ở các nước đang phát triển cũng đã được tiên đoán bởi những người theo trường phái Malthus mới (neo-Malthusian). Các cuốn sách Mùa

xuân im lặng (1962), Bùng nổ dân số (1970), đã nhấn mạnh các viễn cảnh ngày tận thế do sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên, sự gia tăng dân số và ô nhiễm môi trường, gây ra sự lo âu của công chúng ở các nước công nghiệp nói chung.

Điều này cũng đã nằm trong những dự đoán khoa học của học thuyết K.Mark, và chính Ph.Angghen đã chỉ rõ là thiên nhiên đã, đang “nổi giận” và còn sẽ nổi giận, đồng thời Người cũng đã cảnh báo về “sự trả thù của giới tự nhiên” khi bị tổn thương đối với con người ở thế hệ mai sau.

Trước nguy cơ đó, phản ứng đầu tiên là phải giảm sử dụng tài nguyên và sản xuất. Câu lạc bộ La Mã đã phát hành tài liệu dưới tựa đề “Ngừng tăng trưởng/Giới hạn của tăng trưởng”, đề nghị các nước nên áp dụng chính sách “tăng trưởng bằng không”, mà lý do chính dựa vào những phân tích và dự báo rằng, càng tăng trưởng thì môi trường sinh thái và TNTN càng bị xâm hại ngày một nghiêm trọng, nguy cơ quả đất đang nóng dần do phát thải công nghiệp, lở đất do công nghệ trồng trọt lạc hậu và khai phá rừng, nguồn nước đang bị ô nhiễm ngày một tăng, bùng nổ dân số…

Điểm sai lầm cơ bản của quan điểm này là không quan tâm tới việc thỏa mãn những nhu cầu mới xuất hiện như là quy luật mang tính chất tất yếu khách quan. Vì vậy, chủ trương đó chưa làm cho các nước chấp thuận. Nước nghèo và chậm phát triển thì lo ngại mất cơ hội nâng cao mức sống vật chất, nước giàu thì chống lại vì không thể giải quyết việc làm và bị hấp dẫn bởi các món lợi nhuận khổng lồ đang hứa hẹn,… Đại thể, lý do của các quốc gia đưa ra rất khác nhau, nhưng những cảnh báo có cơ sở khoa học đã trở thành một tiếng chuông cảnh tỉnh nhận thức chung của mọi người.

Từ những cảnh báo ngày càng tăng về những đe dọa đối với sự sống trên trái đất do chính bàn tay con người gây nên, năm 1972, Hội nghị Liên hợp quốc về môi trường tại Stockholm (Thụy Điển) đã được triệu tập. Tại nguyên tắc 8 và nguyên tắc 13 trong Tuyên bố của Hội nghị, khái niệm mới ra đời, đó là “phát triển tôn trọng môi sinh” với nội hàm là bảo vệ môi trường, quản lý hữu hiệu TNTN, thực hiện

công bằng và ổn định xã hội. Đó là những nhận thức khởi đầu, hình thành quan điểm phát triển bền vững.

Thật ra, từ xa xưa, con người với những ý thức hệ tư tưởng khác nhau nhưng cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề môi trường, coi mối quan hệ giữa môi trường và con người là thống nhất. Mối quan hệ không thể tách rời giữa môi trường và con người được thể hiện qua quan điểm “Thiên, địa, nhân hợp nhất”. Từ đây đã hình thành những khu vực được coi là “linh thiêng”, nghiêm cấm con người không được có bất cứ hoạt động nào gây tác động tới khu vực này. Mặc dù quan điểm này mang màu sắc tôn giáo nhưng nó đã chỉ ra được “tính thống nhất” trong quá trình tồn tại và phát triển giữa thiên nhiên và con người.

Học thuyết K.Mark cũng đã có quan điểm rất biện chứng về mối quan hệ giữa con người, tự nhiên và xã hội: con người là một bộ phận không thể tách rời của giới tự nhiên, mỗi sự biến đổi của tự nhiên, của môi trường đều liên hệ mật thiết đến con người, sự đe dọa nào đối với thiên nhiên, môi trường cũng chính là sự đe dọa đối với con người.

Một phần của tài liệu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tỉnh cà mau theo hướng phát triển bền vững (Trang 37 - 39)