Nắm vững nội dung bài học là một yếu tố quan trọng giúp HS thuận lợi trong việc vận dụng vào làm bài tập và tiếp thu những kiến thức tiếp theo. Mà muốn HS nắm vững bài, tránh sự hình thành những lỗ hổng kiến thức, GV nên tạo điều kiện cho các em có cơ hội hỏi những nội dung chưa hiểu. Đặc biệt là cần quan tâm nhiều hơn đối với đối tượng HS TBY; vì các em thường hay e ngại, nhút nhát, không dám nêu lên những thắc mắc của bản thân. Vì thế, GV nên có những biện pháp khéo léo, khuyến khích các em nêu lên những khúc mắc của mình:
− Trong lớp, GV nên sắp xếp những “đôi bạn cùng tiến” để những HS khá, giỏi giúp đỡ những em HS TBY. “Đôi bạn cùng tiến” phát huy tác dụng vào những lúc này. Những thắc mắc, những phần kiến thức mà HS TBY chưa hiểu sẽ được giải đáp
bởi bạn của mình. Nếu em khá giỏi cũng không trả lời được hoặc chưa thể giúp bạn mình hiểu sâu sắc vấn đề thì các em sẽ nhờ đến GV bộ môn giải đáp.
− GV nên nhẹ nhàng khuyến khích, nhiệt tình giải đáp những câu hỏi của các em. Không nên quát nạt hay khó khăn với các em, gây cho các em tâm lý sợ sệt, không dám hỏi.
− GV có thể yêu cầu mỗi HS lấy ra một tờ giấy, ghi lại những điều còn thắc mắc, chưa hiểu của bản thân sau. GV không yêu cầu HS phải ghi tên để các em được thoải mái nêu lên những thắc mắc của mình. Biện pháp này nên được sử dụng vào tiết học kế tiếp sau đó, sau khi các em đã xem lại bài học hôm trước ở nhà hoặc áp dụng sau khi kết thúc một chương học. Sau khi tổng hợp lại các phiếu của HS, GV lựa chọn thời điểm giải đáp thắc mắc trước lớp sao cho phù hợp và có hiệu quả nhất; chẳng hạn như giải đáp vào cuối tiết học, hay trong lúc kiểm tra bài cũ, lồng vào bài mới hay trả lời vào tiết luyện tập…
GV có thể biểu dương tinh thần học hỏi, mạnh dạn đưa ra khúc mắc của một số em để khuyến khích các em khác tự tin hỏi, nêu lên những vấn đề chưa hiểu của bản thân.